Đề cương tuyên truyền Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV,  ngày 17/6/2020, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)  với  với 90,68%  đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Để kịp thời tuyên truyền Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)  năm 2020, decuongtuyentruyen.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)  năm 2020. Đề cương được biên soạn dựa trên hồ sơ dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) năm 2020 và các bài viết có liên quan đến dự án Luật; Thông cáo 02/TC-BKHĐT ngày 06/7/2020 của Bộ Kế hoạch Đầu tư về giới thiệu Luật Doanh nghiệp. Đề cương gồm 03 phân: Phần 01 – Sự cần thiết ban hành Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) . Phần 02 – Mục đích, cách thức sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Phần 3- Những nội dung cơ bản của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

  1. SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT DOANH NGHIỆP

Thực tế cho thấy Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp; góp phần duy trì tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, đánh giá thực hiện Luật doanh nghiệp trong hơn 8 năm qua cho thấy Luật doanh nghiệp bộc lộ những khiếm khuyết, gây ra khó khăn, vướng mắc, hạn chế việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng. Đánh giá tổng quát, những khiếm khuyết về nội dung của Luật doanh nghiệp chủ yếu do những nguyên nhân sau:

Luật doanh nghiệp sửa đổi 2020
Đề cương giới thiệu Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020

– Nội dung một số điều khoản của Luật chưa đủ rõ ràng và cụ thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tế; tạo ra sự thiếu nhất quán và chưa công bằng khi áp dụng.

– Một số điều khoản của Luật chưa hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, gây cản trở và làm tăng thêm chi phí tuân thủ đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp; hoặc không đạt được mục tiêu cụ thể đã định, nhất là mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của người góp vốn.

– Một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế tốt, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

– Một số điều khoản không tương thích, chồng chéo với một số luật có liên quan, như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán.

– Cuối cùng, Luật doanh nghiệp chưa quy định một số vấn đề mà thực tiễn cho là cần thiết phải thể chế hóa bằng Luật doanh nghiệp, đó là những vấn đề đặc thù trong quản trị doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp xã hội.

Sau đây, Chính phủ xin trình bày cụ thể những khiếm khuyết chủ yếu của Luật doanh nghiệp đã gây ra những khó khăn, cản trở cho việc gia nhập thị trường, cũng như tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp.

  1. Về thành lập doanh nghiệp

Thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay ở nước ta đã được cải thiện nhiều, và đạt được nhiều kết quả tích cực, to lớn so với trước đây[1]. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục cải cách. Đó là:

– So sánh với quốc tế và khu vực về tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo cách tính của Ngân hàng thế giới năm 2013, khởi sự kinh doanh ở nước ta gồm 10 thủ tục với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày, xếp hạng thứ 109 trên 189 quốc gia và nền kinh tế[2]. Vì vậy, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh vẫn hết sức cấp thiết.

– Còn có sự khác biệt không cần thiết về thủ tục thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp, thủ tục mở chi nhánh, văn phòng đại diện, thay đổi địa điểm trụ sở chính, chuyển nhượng vốn,… giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các thủ tục áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay phức tạp hơn, khó khăn và tốn kém hơn so với doanh nghiệp trong nước.

– Còn có sự nhầm lẫn giữa điều kiện thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật doanh nghiệp đã yêu cầu phải có một số điều kiện kinh doanh như bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lý và xác nhận về vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Quy định này đã không còn hợp lý, gây khó khăn, tốn kém không cần thiết cho việc thành lập doanh nghiệp.

– Cách thức và yêu cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành kinh tế quốc dân đã tạo ra những khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính. Yêu cầu doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành nghề mà được ghi trên Giấy

chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã hạn chế nguyên tắc được Hiến định “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, gây thêm phiền hà, tăng thêm rủi ro, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

  1. Về vốn của doanh nghiệp, góp vốn, tăng vốn

– Các khái niệm về vốn công ty, đặc biệt đối với công ty cổ phần chưa đủ rõ ràng, chưa thật chặt chẽ và có sự chưa thống nhất giữa quy định của Luật doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, đã gây khó khăn trong thực hiện góp vốn, gây nhầm lẫn cho các bên có liên quan về vốn công ty.

– Quy định về tiến độ góp vốn có thể kéo dài đến 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn đã không đạt được mục tiêu quản lý doanh nghiệp, mà còn gây ra tác động không mong muốn như: nhầm lẫn về vốn điều lệ, nhầm lẫn về cơ cấu sở hữu, vốn khống, vốn ảo, v.v… Qua đó, đã làm phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có trong nội bộ công ty và gây rủi ro cho các bên có liên quan.

– Chưa có quy định đầy đủ, cụ thể và hợp lý về chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải là đại chúng; do đó, gây khó khăn, thậm chí cản trở việc huy động thêm vốn, mở rộng kinh doanh của không ít công ty cổ phần.

  1. Về mô hình tổ chức quản trị doanh nghiệp

Theo Luật doanh nghiệp, các công ty cổ phần hiện nay tổ chức quản trị theo một mô hình thống nhất, bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc, Tổng giám đốc. Mô hình này tương tự như mô hình quản trị “đa hội đồng” theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, thông lệ quốc tế cho thấy có 2 mô hình quản trị công ty cổ phần phổ biến, gồm mô đa hội đồng (như của nước ta hiện nay) và mô hình đơn hội đồng, bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc (không có Ban kiểm soát)[1]. Nhiều nước đã cho phép công ty cổ phần được tự chủ lựa chọn áp dụng một trong hai mô hình quản trị nói trên. Do đó, quy định áp dụng duy nhất mô hình quản trị đa hội đồng đối với công ty cổ phần vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế tốt, vừa không còn phù hợp thực tế đa dạng của doanh nghiệp về quy mô, tính chất sở hữu và sự đa dạng của cách thức quản trị công ty và mong muốn của các nhà đầu tư.

  1. Về trình tự, thủ tục ra quyết định trong doanh nghiệp

– Một số quy định của Luật doanh nghiệp 2005 về trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định trong công ty đã không còn phù hợp, tỏ ra lạc hậu so với sự phát triển của công nghệ thông tin; chưa tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ trong quản trị công ty; chưa phù hợp với tính chất quyết định kịp thời của hoạt động kinh doanh. Ví dụ như yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên tới 3 lần trong một số trường hợp gây chậm trễ và tốn kém trong việc ra các quyết định kinh doanh cần thiết.

– Quy định bắt buộc áp dụng nguyên tắc bầu dồn phiếu đối với việc bầu thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát công ty cổ phần tuy ở mức độ nhất định đã góp phần bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, nhưng trong nhiều trường hợp lại gây ra sự thiếu kết dính trong Hội đồng quản trị; làm cho việc ra quyết định trong một số trường hợp kéo dài, tốn kém, thậm chí không thông qua được.

– Quy định các tỷ lệ số phiếu bắt buộc tối thiểu phải có để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần chưa đạt được mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, mà còn tạo ra sự cứng nhắc, tốn kém quá mức về thời gian và chi phí trong tổ chức họp và ra các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, nhất là các công ty đại chúng; gây bất lợi cho công ty và cổ đông của công ty nói chung[1].

  1. Về bảo vệ cổ đông

Tuy đã có nỗ lực lớn về hoàn thiện chính sách, luật pháp liên quan, nhưng mức độ bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư ở nước ta vẫn liên tục bị xếp hạng ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Theo cách đánh giá của Ngân hàng thế giới, mức độ bảo vệ nhà đầu tư ở nước ta được xếp thứ 160 trong 189 quốc gia, nền kinh tế[2]. Dưới góc độ của Luật doanh nghiệp, một số quy định liên quan chưa tạo thuận lợi cho cổ đông, thành viên công ty thực hiện quyền khởi kiện người quản lý trong trường hợp cần thiết so với thông lệ quốc tế tốt, như: hạn chế quyền tiếp cận thông tin doanh nghiệp, tự chịu chi phí khởi kiện trong trường hợp khởi kiện nhân danh công ty, ….

  1. Tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp

Quy định về tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2005 có một số hạn chế sau đây:

– Quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp chỉ áp dụng cho doanh nghiệp cùng loại đã không còn phù hợp với thực tế[3]; đang

hạn chế, cản trở việc thay đổi hoặc mở rộng kinh doanh theo cách thức sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp.

– Luật doanh nghiệp 2005 mới chỉ quy định chung về hồ sơ, thủ tục khi đăng ký các doanh nghiệp sau khi chia, tách, hợp nhất và sáp nhập; chưa xác định rõ các phương thức sáp nhập, hợp nhất; chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về đăng ký doanh nghiệp sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập như thay đổi về vốn điều lệ hay thay đổi thành viên, cổ đông,… Bất cập này đã dẫn đến lúng túng, chậm trễ và khó khăn cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đăng ký lại các doanh nghiệp khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách.

– Các quy định của Luật doanh nghiệp 2005 về giải thể chỉ phù hợp đối với trường hợp giải thể tự nguyện; khó áp dụng trong trường hợp giải thể “bắt buộc” do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của tòa án; chưa quy định cách thức xử lý hợp lý đối với doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và không làm thủ tục giải thể.

  1. Về công khai và minh bạch hóa thông tin

 Yêu cầu công khai và minh bạch hoá thông tin đối với doanh nghiệp nói chung còn hạn chế, nhất là đối với các công ty cổ phần chưa đại chúng và doanh nghiệp nhà nước. Các yêu cầu về công khai, minh bạch thông tin chưa đầy đủ và tương thích với thông lệ quốc tế tốt; chưa có cơ chế kiểm tra và giám sát một cách hiệu quả chất lượng của các thông tin được công bố.

  1. Về doanh nghiệp nhà nước

Một trong số các mục tiêu của Luật doanh nghiệp 2005 là đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế, đó là:

– Áp dụng thống nhất khung quản trị theo loại hình doanh nghiệp không phân biệt sở hữu.

– Đổi mới quản trị và cơ chế thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn nhà nước đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước với năm nguyên tắc[1] (i) Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu với vai trò là người đầu tư vốn như các nhà đầu tư khác, (ii) thực hiện bảo toàn và phát triển vốn đầu tư không chỉ ở từng doanh nghiệp mà toàn bộ vốn đầu tư kinh doanh của nhà nước trong toàn bộ doanh nghiệp, (iii) tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước, (iv) tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp, và (v) thực hiện thống nhất và tập trung các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn.

Tuy vậy, việc triển khai áp dụng các nguyên tắc mới về quản trị doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ. Thực tế này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là Luật doanh nghiệp chưa hoặc chưa có quy định cụ thể về những vấn đề đặc thù trong quản trị doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là[1]:

– Chưa có quy định “đặc thù” trong tổ chức quản trị và quy trình ra quyết định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, như: quyền và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên, mối quan hệ giữa Hội đồng thành viên và chủ sở hữu và giữa cơ quan chủ sở hữu nhà nước và người đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp,v.v…

– Quy định yêu cầu doanh nghiệp nhà nước công khai hóa và minh bạch hóa tương tự như đối với các doanh nghiệp khác cùng loại cũng đã chứng tỏ chưa phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Công khai hóa và minh bạch hóa thông tin “dưới chuẩn” đã không phát huy được tác động tích cực của giám sát bên ngoài, giám sát của thị trường, của các nhà đầu tư, khách hàng, đặc biệt là của nhân dân đối với doanh nghiệp nhà nước và cách thức, hiệu quả thực hiện quyền chủ sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp.

  1. Về doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp vì mục tiêu xã hội (gọi tắt là doanh nghiệp xã hội) là khái niệm tuy còn mới mẻ ở nước ta nhưng là một phong trào phát triển mạnh mẽ trên thế giới, như ở Anh, Mỹ, Ấn Độ, Bangladesh và các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore, Indonesia[2]. Giống với doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội là các công ty, như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh,… Điểm khác biệt cơ bản giữa doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp thông thường đó là:

– Toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp là để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường và mục tiêu, sứ mệnh này được xác định ngay từ khi thành lập, được duy trì trong suốt quá trình hoạt động; do đó, khác với hoạt động từ thiện hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với tính chất là hoạt động bổ sung của doanh nghiệp.

– Phần lớn lợi nhuận thu được sẽ tái đầu tư trở lại để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường đã đăng ký, không chia hết cho các thành viên, cổ đông như doanh nghiệp thông thường.

Trong vài năm gần đây ở nước ta đã xuất hiện ngày càng nhiều những doanh nghiệp kinh doanh giống với doanh nghiệp xã hội nêu trên, mặc dù chưa được thể chế hóa về mặt pháp lý. Điều tra sơ bộ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hiện tại ở hai thành phố này có hơn 200 doanh nghiệp xã hội đang hoạt động. Về lĩnh vực hoạt động, 68% doanh nghiệp có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo như giáo dục đào tạo nghề, phát triển sinh kế bền vững cho nhóm người yếu thế; 48% doanh nghiệp liên quan đến mục tiêu bảo vệ môi trường như cung cấp sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, tăng cường nhận thức về môi trường, xử lý rác, chất thải độc hại,…[1] Điều tra thực tế hoạt động cho thấy doanh nghiệp này chịu nhiều hạn chế, bất lợi phát triển do tính chất và mục tiêu xã hội của hoạt động kinh doanh và do hạn chế thể chất và tinh thần của người điều hành doanh nghiệp.

Khảo sát thực tế và tham vấn chính sách trong quá trình soạn thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) cho thấy chủ sở hữu, người quản lý và các bên có liên quan đều mong muốn doanh nghiệp xã hội được thể chế hóa và thừa nhận về mặt pháp lý; qua đó, có thể có những chính sách phù hợp tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển, phù hợp với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trở thành một lực lượng bổ sung và chia sẻ gánh nặng với Nhà nước trong cung cấp phúc lợi và giải quyết các vấn đề xã hội – môi trường một cách hiệu quả và bền vững.

Tóm lại, sau gần 8 năm thực hiện, Luật doanh nghiệp 2005 đã bộc lộ một số khiếm khuyết, đã làm cho gia nhập thị trường, khởi sự kinh doanh và rút khỏi thị trường ở nước ta trở nên phức tạp và tốn kém hơn mức cần thiết, hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Những khiếm khuyết đó cũng đã làm cho việc quản trị doanh nghiệp nói chung, nhất là công ty cổ phần, trở nên kém linh hoạt, tăng thêm chi phí tuân thủ và làm chậm quá trình ra quyết định của doanh nghiệp,v.v… Thực tế nói trên đã và đang làm cho môi trường kinh doanh ở nước ta luôn bị đánh giá ở mức không cao trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi nhằm khắc phục các khiếm khuyết trong nội dung các quy định có liên quan của Luật doanh nghiệp 2005 là nhu cầu thực tiễn cần thiết; đồng thời, góp phần triển khai Hiến pháp 2013, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/1/2008 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Kết luận 50-KL/TW ngày 29/10/2012 về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁCH THỨC SỬA ĐỔI LUẬT

  1. Mục tiêu sửa đổi

Mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Các mục tiêu cụ thể mà dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm đạt được bao gồm:

– Tạo ra những đột phá mới, góp phần cải cách thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm phát huy nội lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

– Tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập doanh nghiệp; đối xử bình đẳng về thủ tục thành lập doanh nghiệp, gia nhập thị trường giữa các nhà đầu tư  trong nước và nước ngoài.

– Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả  cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp.

– Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp.

– Tạo thuận lợi hơn và ít tốn kém hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường.

– Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

  1. Các nguyên tắc và cách thức sửa đổi

Một là, kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tích cực của các cải cách trong Luật doanh nghiệp 2000 và Luật doanh nghiệp 2005, bao gồm:

– Tiếp tục hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.

– Tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động: góp vốn thành lập doanh nghiệp; tổ chức quản lý doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp.

Hai là, khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật doanh nghiệp; tập trung vào các nội dung như đã trình bày ở phần trên.

Ba là, thể chế hóa vấn đề mới phát sinh. Bổ sung thêm các quy định đặc thù của quản trị doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước; thể chế hóa về pháp lý doanh nghiệp xã hội nhằm tạo cơ sở thúc đẩy sự phát triển loại doanh nghiệp này như một phương thức mới giải quyết vấn đề xã hội.

III. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP SỬA ĐỔI 2020

Với 90,68%  đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020  với 10 chương, 218 điều.

1. Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường

+ Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu  “số” thay cho dấu truyền thống.

+ Thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

2. Nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư , cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến

+ Luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

+ Hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ.

+ Bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp.

3. Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước

+ Sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước để xác định rõ loại doanh nghiệp mà Nhà nước  sở hữu 100% vốn điều lệ  và doanh nghiệp nhà nước sở hữu hơn 50%  đến dưới 100% vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý phù hợp.

+ Bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

4. Thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh

Bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký  không có quyền biểu (NVDR) đa dạng hóa thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.

5. Tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua, bán doanh nghiệp

+ Bảo đảm tương thích với Luật Cạnh tranh 2018  đối với các quy định về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.

+ Bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân  thành công ty cổ phần thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành.

Rubi

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *