Bài thuyết trình về xâm hại tình dục trẻ em – thực trạng và giải pháp

PHẦN I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH

1. Khái niệm, nhận thức chung

Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (Điều 4 Luật Trẻ em 2016)

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định 5 điều về xâm hại tình dục trẻ em gồm: Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Xử lý hành vi Xâm hại tình dục trẻ em
Xâm hại tình dục trẻ em

– Giải thích khái niệm trẻ em và người dưới 16 tuổi.

– Phân tích dấu hiệu pháp lý cơ bản một số tội: như thế nào là HDTE, CDTE, GCTE, DOTE

2. Thực trạng

Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở khắp mọi nơi trên thế giới và trở thành vấn đề xã hội mang tính toàn cầu.

Tại Mỹ, cứ 8 phút, các nhân viên xã hội lại tìm thấy bằng chứng hoặc khẳng định một trường hợp xâm hại tình dục. 34% nạn nhân bị xâm hại tình dục là dưới 12 tuổi. Khoảng 60% đối tượng xâm hại tình dục là người quen. Khoảng 30% đối tượng xâm hại tình dục là các thành viên họ hàng trong gia đình và 10% còn lại là người lạ.

Hay ở Nam Phi- nơi được coi là chậm phát triển trên thế giới: cứ 3 phút lại có một trẻ em bị xâm hại tình dục.

(Xem video tuyên truyền  các quy định của pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em)

Ở Việt Nam cứ khoảng trung bình 8 tiếng lại có 01 trẻ em bị xâm hại tình dục: từ năm 2011 đến năm 2015, toàn quốc phát hiện 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, Năm 2016 phát hiện 1.024 vụ, năm 2017 phát hiện 1550 vụ, năm 2018: phát hiện 1270 vụ. Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu từ năm 2011 đến năm 2015 phát hiện 113 vụ xâm hại tình dục trẻ em, Năm 2016 phát hiện 29 vụ, năm 2017 phát hiện 23 vụ, năm 2018: phát hiện 40 vụ. Tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 100%.

Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là trẻ em gái (chiếm trên 80%). Trong đó, số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm khoảng 28% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang, bị xâm hại tình dục chiếm khoảng 11%. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn chưa có tiền án, tiền sự; người có quan hệ gần gũi với nạn nhân chiếm khoảng 80%.

3. Phương thức, thủ đoạn gây án

– Nhắm đối tượng: Thủ phạm thường dành thời gian làm quen, tiếp xúc với trẻ em trước khi thực hiện hành vi xâm hại.

– Xây dựng niềm tin với trẻ: Đa phần thủ phạm nắm được tâm lý của trẻ em, và sẽ dành thời gian quan tâm, kết bạn, chăm sóc, đưa trẻ đi chơi, tặng đồ chơi, chia sẻ sở thích, cho trẻ làm những điều trẻ thích như chơi điện thoại, ipad…

Tìm hiểu Luật An ninh mạng 2018
Hướng dẫn xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em

– Tạo bí mật: Thủ phạm xây dựng bí mật riêng với trẻ và sử dụng mưu mẹo để thuyết phục trẻ giữ lời hứa hoặc đe dọa, ép buộc để trẻ không tiết lộ hoặc nói với ai

– Hành động leo thang: Thủ phạm tiến tới giới tính hóa quan hệ với trẻ: nói chuyện hướng đến các vấn đề quan hệ tình dục nam nữ và chia sẻ với trẻ những tài liệu đồi trụy khiến trẻ trở nên “mất cảnh giác”…

– Thực hiện xâm hại: Thủ phạm lựa chọn thời cơ, thời điểm thuận lợi để xâm hại: không gian vắng, thời điểm trẻ ở một mình, hoặc dẫn dụ trẻ đến địa điểm vắng. Hành vi xâm hại có thể diễn ra nhiều lần, trong một thời gian dài.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường có hai loại, một loại đã có âm mưu từ trước, một loại do bộc phát không làm chủ được bản thân vì sử dụng rượu bia, chất kích thích, xem các văn hóa phẩm đồi trụy.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay có xu hướng đang dịch chuyển dần sang phương thức phát tán phim, ảnh khiêu dâm trẻ em qua mạng; đe dọa, tống tiền, lợi dụng Internet để làm quen và xâm hại tình dục. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại ngày càng mở rộng, không chỉ là lao động phổ thông mà có cả người có trình độ, học vấn cao.

PHẦN II. NGUYÊN NHÂN, ĐIỀU KIỆN PHẠM TỘI

1. Nguyên nhân khách quan:

Do mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của những luồng văn hóa không chính thống, lối sống thực dụng, việc tiếp xúc với phim ảnh bạo lực khiêu dâm và văn hóa phẩm đồi trụy phần nào đã tác động tiêu cực đến tâm lý của các đối tượng phạm tội.

Trong những năm gần đây, đời sống vật chất của người dân được nâng lên, một số trẻ em gái có sự phát triển cơ thể sớm so với độ tuổi, có những em nhìn bề ngoài không biết là dưới 16 tuổi. Yếu tố văn hóa của người Việt Nam có thói quen biểu hiện tình cảm với trẻ em qua hành vi ôm, hôn, nựng cũng dễ bị tội phạm lợi dụng.

Bên cạnh đó, chính sách pháp luật hiện hành về xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót, chưa theo kịp với thực tiễn: chưa có hướng dẫn cụ thể về “hành vi quan hệ tình dục khác”, khái niệm hành vi dâm ô với trẻ em; xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em là nam giới, người đồng tính.

2. Nguyên nhân chủ quan:

– Nguyên nhân xuất phát từ phía người phạm tội: Đối tượng phạm tội tiếp xúc nhiều với các văn hóa phẩm không chính thống, phim ảnh khiêu dâm, có tâm lý muốn “bắt chước” hoặc là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân nên đã lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Cũng có trường hợp đối tượng sử dụng chất kích thích như rượu, bia nên mất khả năng kiểm soát hành vi.

– Nguyên nhân xuất phát từ phía nạn nhân: Đa phần là trẻ em gái – những đối tượng còn hạn chế về khả năng chống cự, phòng vệ và tự vệ. Bên cạnh đó, nạn nhân chưa nhận thức đầy đủ về những nguy hiểm tiềm ẩn từ các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những mối quan hệ quen biết, tình yêu qua mạng Internet. Có những em vô ý tạo nên những sơ hở (ăn mặc quá “mát mẻ” so với độ tuổi, hay có những tư thế ngồi, đi đứng thiếu ý tứ). Từ đó, những đối tượng phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để dụ dỗ, lôi kéo và thực hiện hành vi phạm tội.

– Nguyên nhân khác từ phía gia đình: đó là sự thiếu chăm lo, giáo dục của cha, mẹ đối với con cái, vì mải mê làm ăn nên không quan tâm, quản lý con cái mà chỉ thỏa mãn và đáp ứng những nhu cầu vật chất cho các em, đã tạo cho các em tâm lý ỷ lại, chỉ biết hưởng thụ và phần nào vì cảm thấy thiếu thốn tình cảm, không nhận được sự chia sẻ, quan tâm từ gia đình nên các em dễ rơi vào cạm bẫy của các đối tượng phạm tội. Một số gia đình cho rằng trẻ em bị xâm hại là điều đáng xấu hổ nên không dám tố cáo.

Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em về những vấn đề liên quan đến giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi cũng như những kỹ năng để phòng tránh xâm hại tình dục, nên khi gặp phải những tình huống phát sinh trên thực tế, bản thân các em không biết cách xử lý và giải quyết phù hợp, từ đó dẫn đến những hệ quả không mong muốn.

3. Những trẻ có nguy cơ bị xâm hại

Những trẻ em sống ở vùng nông thôn, nơi dân cư thưa, sống trong gia đình không hoàn thiện (cha hoặc mẹ ly hôn, mồ côi), hoặc gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải gửi các em cho người thân chăm sóc, nuôi dưỡng; trẻ em lang thang, trẻ em bị khuyết tật.

PHẦN III. GIẢI PHÁP

– Để trẻ em có ý thức tự bảo vệ mình khỏi sự xâm hại của tội phạm cần tăng cường các biện pháp giáo dục pháp luật và giới tính, gia đình và nhà trường cần trang bị cho các em những kiến thức nhất định phù hợp với khả năng nhận thức và lứa tuổi của các em để các em có thể tự bảo vệ mình, trong đó yếu tố giáo dục giới tính là quan trọng nhất. Cần dạy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ là của bản thân trẻ, không ai có quyền động chạm, sờ mó một cách thô lỗ; ai là người có thể chạm vào cơ thể trẻ và chạm như thế nào, khi nào trẻ có thể chạm vào người khác và chạm như thế nào.

– Ngoài việc nâng cao trách nhiệm trong mỗi gia đình thì trách nhiệm của nhà trường và các tổ chức xã hội cũng phải được tăng cường hơn. Các trường học cần phải có trách nhiệm dạy dỗ, quản lý các em, trang bị cho các em những kiến thức cần thiết về xã hội và về pháp luật để các em có sự hiểu biết về giới tính, về cách bảo vệ mình trước những hành vi xâm hại.

– Quản lý chặt chẽ, tăng cường các hoạt động kiểm soát xã hội, kiên quyết xử lý những tụ điểm phức tạp gây mất an ninh trật tự, đặc biệt là các nhà hàng, quán Karaoke, điểm Massage, quán Internet có tổ chức hoặc cho người sử dụng truy cập vào những trang web xấu có nội dung khiêu dâm, kích động tình dục, kích động bạo lực, tuyên truyền lối sống phi đạo đức.

– Tổ chức truyên truyền pháp luật rộng rãi trong nhân dân, khuyến khích nhân dân lên án phát hiện và tố giác tội phạm, cần đưa ra các hình thức khen thưởng đối với những người phát hiện, tố giác tội phạm nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân đối với vấn đề bảo vệ trẻ em. Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Tập trung hoạt động truyền thông – giáo dục vào những phường, xã trọng điểm, có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em.

– Thiết lập mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với các cơ quan liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi trẻ em để ngăn ngừa một cách hiệu quả tình hình xâm hại tình dục trẻ em.

– Tổ chức phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để lồng ghép nội dung phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em vào các chương trình mục tiêu khác và xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho trẻ em bị xâm phạm tình dục.

*Trẻ em là tương lai của đất nước để ngăn chặn không cho tội ác xâm hại đến trẻ em cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật một cách thường xuyên làm cho mọi người dân nhận thức được một cách đầy đủ rằng bảo vệ trẻ em không thuần túy là tình thương đạo lý mà còn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và là của mọi người dân, của cả cộng đồng. Tất cả cùng chung tay, chung sức bảo vệ các em đem lại cho trẻ thơ một cuộc sống yên bình hạnh phúc và một xã hội trong sạch lành mạnh./.

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *