Giới hạn tự do ngôn luận trên internet (phần 2)

Decuongtuyentruyen.com trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết “Giới hạn tự do ngôn luận trên internet” của tác giả Ths Hoàng Thị Bích Ngọc – PGS.TS Vũ Công Giao – Khoa Luật Đại học Vinh và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giới hạn tự do ngôn luận trên internet (phần 1)

Biện pháp giám sát tự do ngôn luận trên internet

Trong thực tế, để giám sát những hành vi vượt quá giới hạn của tự do ngôn luận trên không gian mạng, các quốc gia đang sử dụng một hoặc đồng thời các biện pháp như: Kiểm duyệt trước; hình sự hóa các tuyên bố trực tuyến bị xem là vi phạm pháp luật; ban hành quy định pháp luật buộc người dùng mạng xã hội phải tiết lộ danh tính.

Biện pháp kiểm duyệt trước được một số quốc gia áp dụng để giám sát những thông điệp có liên quan đến chính trị, tông giáo và xã hội được chuyển tải trên internet. Ví dụ như ở Thổ Nhĩ Kì, người dùng internet bị cấm có bất kì hành động chỉ trích nào liên quan đến Ataturk – người sáng lập đất nước Thỗ Nhĩ Kì hiện đại; hay như ở Thái Lan, chính phủ cấm người dùng đề cập đến sự nổi dậy đòi ly khai ở khu vực miền Nam nước này và tới vị trí, vai trò của Hoàng gia; còn ở Malaysia, người dùng internet sẽ bị phạt nếu có thông điệp “gây bất lợi cho dân chủ nghị viện”.

Quy định về tự do ngôn luận trên internet
Quy định về tự do ngôn luận trên internet

Một phương thực khác mà một số quốc gia đã dùng để giám sát quyền tự do biểu đạt trên mạng đó là yêu cầu người dùng internet phải công bố danh tính khi tham gia các hoạt động trực tuyến. Bên cạnh đó, một số quốc gia đã hình sự hóa một số hình thức tuyên bố trực tuyến liên quan tới chính trị, tôn giáo và xã hội. Ví dụ, ở Indonesia, hành vi phỉ báng người khác trên mạng có thể bị phạt tù đến 6 năm hoặc phải chị phạt một khoản tiền bồi thường lớn khi thực hiện bên ngoài xã hội. Ở Philipphines, trong Đạo luật phòng chống tội phạm mạng cũng quy định những hành vi sử dụng mạng xã hội để làm ảnh hưởng tới danh dự của người khác thì sẽ bị phạt nặng hơn. Lý do có sự khác biệt về hình phạt với cùng một hành vi nhưng được thực hiện trong hai môi trường đơn giản là bởi các thông điệp phỉ báng, thù ghét được phổ biến trên mạng xã hội có tác động tiêu cực nghiêm trọng hơn rất nhiều so với việc thực hiện ở môi trường bên ngoài.

Có quốc gia yêu cầu người dùng internet phải công bố danh tính khi tham gia các hoạt động trực tuyến. Như ở Ấn Độ, trong thời điểm tỉ lệ người sử dụng máy tính cá nhân còn thấp, bản Hướng dẫn công nghệ thông tin yêu cầu các chủ sở hữu các tiệm cafe internet phải lưu giữ thông tin của khách hàng khi sử dụng dịch vụ nếu khoogn sẽ phải chịu phạt. Ở một số quốc gia khác, chính quyền cấm người dùng bình luận hoặc đăng tải những bài viết dưới dạng ẩn danh. Ở Trung Quốc, người dùng phải đăng ký tên thật khi mở tài khoản và các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISPs) được quyền truy cập vào thông tin danh tính thực của người dùng khi cần thiết.

Xét một cách khách quan, những biện pháp nêu trên có tác dụng tích cực là ngăn chặn những hành vi lạm dụng tự do ngôn luận trên mạng, nhưng đồng thời trong một số trường hợp, những biện pháp này có vẻ mâu thuẩn tới nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền tự do biểu đạt theo quy định của pháp luật Nhân quyền quốc tế. Về vấn đề này, trong Bình luận chung số 34, Ủy ban Nhân quyền LHQ cho rằng, tất cả những quy định pháp luật nhằm chống phỉ báng trên internet đều phải thực hiện trong khuôn khổ và phải tương thích với các quy định trong Điều 19 ICCPR, đặc biệt là các quy định về điều kiện áp dụng giới hạn pháp lý với tự do biểu đạt, để đảm bảo những giới hạn như vậy “không kiềm chế sự tự do biểu đạt”. Ủy ban nhân quyền cũng cho rằng, trong vấn đề này, “các chế tài hình sự chỉ nên áp dụng trong những trường hợp rất nghiêm trọng và kết án tù không phải là hình phạt phù hợp”, “các quốc gia thành viên phải thận trọng trong việc hình sự hóa tội phỉ báng.”

Cũng để giám sát những hành vi vượt quá   giới hạn của tự do ngôn luận trên internet, các quốc gia thường gây áp lực đối với các nhà cung cấp mạng (hầu hết là các chủ thể tư nhân), bởi trước hết là theo luật nhân quyền quốc tế, “các quốc gia có nhiệm vụ phải hỗ trợ, tôn trọng sự tự do và quyền con người của tất cả các cá nhân đang sống trong vùng lãnh thổ thuộc thẩm quyền quản lý của họ”. Thêm vào đó, việc ủy thác toàn quyền giám sát nội dung thông tin cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng có thể dẫn tới những hình thức khác của vi phạm nhân quyền, ví dụ như vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng dịch vụ do các nhà cung cấp dịch vụ mạng gây ra. Vì vậy, bên cạnh việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng nêu ra các quy định ràng buộc hợp lý với người dùng, các quốc gia còn có nhiệm vụ đảm bảo rằng những nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân theo những tiêu chuẩn về quyền con người trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật Nhân quyền quốc tế, tự do ngôn luận bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin bất kể biên giới (gọi chung là quyền tiếp cận thông tin). Bởi vậy, việc giám sát thực hiện quyền tiếp cận thông tin cũng chính là gián tiếp giám sát quyền tự do ngôn luận.

Tìm hiểu Luật An ninh mạng 2018
Quyền được tiếp cận thông tin của công dân

Cũng như tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin cũng không phải là quyền tuyệt đối, vì thế có thể bị hạn chế bởi các quốc gia, với những điều kiện tương tự như hạn chế tự do ngôn luận.

Hiện tại, một số quốc gia đã xây dựng các hệ thống lọc và khóa thông tin để giám sát việc tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin trên internet, với sự cộng tác, hỗ trợ của các công ty cung cấp dịch vụ mạng. Hệ thống này có tác dụng kiểm duyệt, ngăn chặn và giới hạn thông tin mà người dùng có thể tìm kiếm, tạo lập và phổ biến qua internet. Công nghệ lọc giúp các quốc gia dễ dàng phát hiện các hình ảnh, các văn bản và các trang web có nội dung bị chặn; và một khi phát hiện những nội dung bị xem là không phù hợp thì những nội dung đó sẽ bị khóa hoặc thay đổi. Thông thường trong những trường hợp như vậy, hệ thống sẽ gửi cho người dùng thông báo “lỗi (error)” hoặc “trang không thể tải (page could not load)”.

(Tải slide bài giảng Luật Tiếp cận thông tin)

Những hệ thống lọc internet cũng có thể được các quốc gia sử dụng để cản trở người dùng truy cập thông tin về được lưu giữ bởi các cơ quan nhà nước. Về vấn đề này, theo quy định của pháp luật nhân quyền quốc tế, quyền tiếp cận thông tin không phải là quyền tuyệt đối, các nhà nước có thể giữ bí mật một số thông tin để đảm bảo an sinh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe, đạo đức của công chúng và cả các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các chủ thể khác, thì các nhà nước cũng có nghĩa vụ phải công khai đến mức tối đa các thông tin do mình nắm giữ, tối thiểu hóa những thông tin mà mình giữ bí mật. Nhà nước cần “thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo cá nhân có thể dễ dàng truy cập một cách nhanh chóng, hiệu quả và thiết thực những thông tin đó”, bằng cách ban hành một quy trình theo luật định nhằm hướng dẫn người dùng để có thể thực hiện tiếp cận thông tin.

Sưu tầm

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *