Những hạn chế trong phát triển đội ngũ nhà giáo ở Việt Nam

Decuongtuyentruyen.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc về những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong phát triển đội ngũ nhà giáo ở Việt Nam và chính sách pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo.

I. TỔNG QUAN VỀ ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO
Tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, CBQLGD đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề.
Cơ cấu chia theo cấp, bậc học như sau:
– Cấp học mầm non có 368.968 giáo viên, trong đó công lập có 271.073 giáo viên (256.020 biên chế, 15.053 hợp đồng), ngoài công lập có 97.895 giáo viên. Có 39.385 cán bộ quản lý (công lập 31,998 người, ngoài công lập 7.387 người).
– Cấp tiểu học có 401.721 giáo viên, trong đó công lập có 390.264 giáo viên (373.755 biên chế, 16.509 hợp đồng), ngoài công lập có 11.457 giáo viên. Có 29.763 cán bộ quản lý (công lập 29,370 người, ngoài công lập 393 người).
– Cấp THCS có 301.268 giáo viên, trong đó công lập có 294.620 giáo viên (281.886 biên chế, 12.734 hợp đồng), ngoài công lập có 6.648 giáo viên. Có 22.232 cán bộ quản lý (công lập 22,054 người, ngoài công lập 178 người).
– Cấp THPT có 155.004 giáo viên, trong đó công lập có 135.773 giáo viên (131.146 biên chế, 4.627 hợp đồng), ngoài công lập có 19.231 giáo viên. Có 8.157 cán bộ quản lý (công lập 7,178 người, ngoài công lập 979 người).

Những hạn chế, vướng mắc trong phát triển đội ngũ nhà giáo ở Việt Nam
Những hạn chế, vướng mắc trong phát triển đội ngũ nhà giáo ở Việt Nam

– Các cơ sở giáo dục thường xuyên có 16.824 giáo viên (biên chế).
– Các cơ sở giáo dục đại học có 76.576 giảng viên, trong đó công lập có 58.338 giảng viên, ngoài công lập có 18.238 giảng viên. Có 11.959 cán bộ quản lý cấp trường và các khoa/phòng.
– Các trường cao đẳng sư phạm có 3.232 giảng viên và 421 cán bộ quản lý cấp trường và các khoa/phòng (không có cơ sở giáo dục ngoài công lập).

– Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 83.959 nhà giáo (37.235 nhà giáo trong các trường cao đẳng, 13.295 nhà giáo trong các trường trung cấp, 23.086 nhà giáo trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và có gần 10.343 nhà giáo thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
– Các sở/phòng giáo dục và đào tạo có 51.520 cán bộ quản lý là nhà giáo chuyển lên.
Bên cạnh đó, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.
Như vậy, có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

II. MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ VỀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO

1. Một số hạn chế, vướng mắc trong thực tế phát triển đội ngũ nhà giáo

Thứ nhất, cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối; “Vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GDĐT. Đặc biệt, thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”. Nếu xây dựng được 01 luật riêng điều chỉnh về nhà giáo sẽ giúp giải quyết căn cơ vấn đề này.
Thứ hai, việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập; “Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc bộ một số hạn chế: tuyển dụng đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ; khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm, nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi lên vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn công tác “.
Thứ ba, việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, theo môn học. Số lượng biên chế tinh giản trong ngành giáo dục chủ yếu là do giáo viên nghỉ chế độ, chuyển công tác, dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, theo chuyên môn đào tạo khi thực hiện yêu cầu tuyển dụng theo quy định mới .
Thứ tư, các chính sách tiền lương mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, là “nhân lực của nhân lực” thì điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo, chính sách tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có các quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động của nhà giáo.
Thứ năm, thiếu cơ chế để thu hút người giỏi thi tuyển vào ngành sư phạm và tham gia tuyển dụng nhà giáo nên một số môn học, cấp học còn xảy ra tình trạng thiếu nguồn để tuyển dụng.
Thứ sáu, chưa có đầy đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật viên chức chủ yếu quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức. Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo ngoài biên chế, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức.

2. Hạn chế của hệ thống chính sách, pháp luật về nhà giáo

Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam đã xác định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” (Điều 61). Trong đó, yếu tố quyết định chất lượng giáo dục là đội ngũ nhà giáo.
Theo kết quả rà soát, thống kê của Bộ GDĐT, trong giai đoạn 2010-2021, các cơ quan có thẩm quyền các cấp đã ban hành gần 200 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo, cụ thể như sau:
Về văn bản Luật, có 04 Luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo, bao gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (năm 2012 và sửa đổi năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
Bên cạnh đó, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cũng chịu sự chi phối của một số Luật, bao gồm: Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2018; Luật tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Tổ
chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019; Luật công đoàn năm 2012; Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Bộ Luật lao động năm 2019, Luật người khuyết tật năm 2010; Luật thể dục, thể thao năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao năm 2018…


Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành hơn 100 văn bản dưới Luật quy  định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các Luật nêu trên.
Các “quy định cụ thể để quản lý, phát triển đội ngũ về nhà giáo được ban hành tương đối đầy đủ, song chưa bảo đảm được tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện. Số lượng văn bản liên quan được ban hành lớn, đa dạng về loại hình, do nhiều chủ thể ban hành vào những thời điểm khác nhau nên có tình trạng chồng
chéo trong quy định, khó áp dụng trong thực tiễn”. Cụ thể:
– Luật Giáo dục mới được ban hành năm 2019 với vai trò là một đạo luật mang tính chất luật khung, quy định những vấn đề cơ bản về giáo dục. Do đó, những vấn đề về nhà giáo mới chỉ được đề cập đến một cách khái quát và chung nhất tại Luật Giáo dục năm 2019. Luật Giáo dục chưa bao quát hết các vấn đề quan trọng cần điều chỉnh thể hiện lao động đặc thù của nhà giáo và vấn đề quản lý nhà nước về nhà giáo. Có thể nêu ra một số vấn đề về nhà giáo cần tiếp tục được điều chỉnh bằng 01 luật toàn diện, cụ thể hơn:
+ Vấn đề xác định vị trí pháp lý đầy đủ, tường minh về nhà giáo gắn với các đặc điểm lao động nghề nghiệp có nhiều yếu tố khác

+ Một số vấn đề như: quy hoạch đội ngũ nhà giáo; chế độ tuyển dụng và sử dụng nhà giáo; quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo; quyền của nhà giáo trong bối cảnh phân cấp và giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; tiền lương của nhà giáo; huy động các lực lượng xã hội có khả năng tham gia giảng dạy, giáo dục…chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất lao động của nhà giáo.
+ Vấn đề quản lý nhà nước về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, những nhà giáo là người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam: Luật Viên chức chỉ điều chỉnh đối với những nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập. Trong khi thực tế hiện nay có một số lượng không nhỏ (khoảng hơn 100 ngàn nhà giáo) đang thực hiện các nhiệm vụ dạy học và giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Và trong xu thế, chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo  thì số lượng này dự báo sẽ tăng lên nhiều lần.
+ Nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng về nhà giáo chưa được thể chế đầy đủ.
– Các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo do nhiều cơ quan ban hành nên còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất và khó áp dụng trong thực tiễn. Ví dụ:
+ Luật thể dục, thể thao quy định về quyền và nghĩa vụ của của giáo viên, giảng viên thể dục thể thao với tư cách là một nhóm giáo viên đặc thù song gần như độc lập với Luật Giáo dục. 

+ Luật Giáo dục nghề nghiệp bên cạnh việc dẫn chiếu Luật Giáo dục cũng có một số quy định riêng về chính sách không dựa trên khung chung về giáo viên của Luật giáo dục.
+ Khoản 2 Điều 60 Luật Giáo dục năm 2019 quy định về quyền “tham gia tuyển dụng nhà giáo, người lao động trong trường công lập” của các cơ sở giáo dục nhằm tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục nhưng rất khó thực hiện (nhất là đối với các cơ sở giáo dục cấp học mầm non, phổ thông) do chưa đủ cơ chế cụ
thể. Bên cạnh đó, thẩm quyền về tuyển dụng, điều tiết giáo viên theo phân cấp tại các địa phương còn một số hạn chế, bất cập nhất định.
– Hệ thống pháp luật về nhà giáo hiện hành chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo, nhất là hệ thống pháp luật chung về viên chức. Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, là “nhân lực của nhân lực” thì điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo, chính sách tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có các quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động của nhà giáo

Rubi

Trích từ dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *