Đề cương tuyên truyền Luật Thư viện năm 2019

Decuongtuyentruyen.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Luật Thư viện năm 2019, có hiệu lực 01/7/2020.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THƯ VIỆN

Thư viện là thiết chế đã xuất hiện ở Việt Nam và trên thế giới từ lâu đời, gắn với lịch sử phát triển, tiến bộ của nhân loại. Là nơi thu thập, lưu giữ, xử lý, bảo quản tài liệu để bảo tồn và phổ biến tài liệu đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thông tin và hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.

Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2001 (sau đây gọi là Pháp lệnh) đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của sự nghiệp thư viện Việt Nam. Triển khai thi hành Pháp lệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật[1]; các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện trên địa bàn tạo khuôn khổ pháp lý, khẳng định vị thế của thư viện, góp phần nâng cao dân trí và có nhiều tác động tích cực đối với việc ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đề cương tuyên truyền Luật Thư viện 2019
Đề cương tuyên truyền Luật Thư viện 2019

Sau gần 18 năm triển khai Pháp lệnh, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận, mạng lưới thư viện công lập phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở[2].

Pháp lệnh đã tạo ra sự chuyển biến lớn về nhận thức và quản lý, phát triển thư viện. Từ chỗ chỉ là nơi giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu dùng chung, đến nay thư viện đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, không gian học tập sáng tạo của cộng đồng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền tảng văn hóa phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hơn 10 năm gần đây, các thư viện đã từng bước hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin,  xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế  chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nhiều thư viện ở Việt Nam đã phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu do ngân sách đầu tư cho thư viện hạn hẹp. Đối mặt với nhiều khó khăn lớn, các thư viện đang thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động, chưa được quan tâm, tạo điều kiện để phát huy hết khả năng và sáng tạo trong công tác. Trước tình hình đó, việc nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, cải thiện đời sống của đội ngũ nhân lực thư viện, tạo sức hút của thư viện đối với người sử dụng là những vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay trong thời gian tới.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là hệ thống pháp luật hiện hành về thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập, cụ thể như sau:

  1. Về giá trị điều chỉnh của các văn bản pháp lý:

Pháp lệnh chỉ điều chỉnh hệ thống thư viện công lập, chưa điều chỉnh thư viện tư nhân, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Pháp lệnh mới đề cập đến thư viện theo phương thức truyền thống – thư viện sách, báo in, mà chưa đề cập đến thư viện số, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin  đang trở thành xu thế phát triển tất yếu; việc tạo lập và phát triển bộ sưu tập số, sử dụng phần mềm quản trị thư viện tích hợp, phần mềm mã nguồn mở đã được nhiều thư viện ở Việt Nam triển khai; việc hình thành các hệ thống siêu dữ liệu cho phép tra cứu, khai thác nguồn lực thông tin nhanh và chính xác mọi lúc, mọi nơi; việc liên thông giữa các thư viện để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng cũng chưa được quy định.

Ngày 06 tháng 01 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Đến nay đã có hơn 100 thư viện tư nhân ra đời và hoạt động, góp phần cung cấp và phổ biến kiến thức ở cơ sở, căn cứ để điều chỉnh thư viện tư nhân là Nghị định, hạn chế về giá trị pháp lý, nên chưa khuyến khích được những người có kinh tế và vốn tài liệu thành lập thư viện để phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó, nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế các tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu thành lập thư viện để phục vụ nhu cầu học tập, làm việc của người nước ngoài tại Việt Nam và nhu cầu của người Việt Nam. Nhưng, căn cứ pháp lý để thành lập không có nên chưa tận dụng và khai thác được nguồn lực nước ngoài để phát triển sự nghiệp thư viện.

  1. Về chính sách phát triển thư viện:

Pháp lệnh đã quy định một số chính sách, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể nên việc triển khai trong thực tế gặp nhiều khó khăn. Thư viện là hoạt động sự nghiệp, ngân sách nhà nước cấp cho thư viện còn thiếu. Lượng sách xuất bản và nhập khẩu hàng năm tăng nhưng số lượng sách được mua bổ sung cho thư viện chưa tương xứng. Vì thế khả năng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu của người sử dụng chưa đạt kết quả tốt.

Chính sách xã hội hóa đã đặt ra nhưng quy định về quyền và lợi ích cho cá nhân, tổ chức tham gia chưa có, nên không thể thu hút được nhiều nguồn lực của xã hội cho hoạt động thư viện. Quy định chính sách “ưu tiên giải quyết đất xây dựng thư viện” không khả thi trên thực tế, không chỉ đối với thư viện tư nhân mà còn với các thư viện công lập (nhiều thư viện công lập ở vị trí đẹp đã bị di dời, chuyển đến nơi xa trung tâm khó tiếp cận).

Việc xếp hạng thư viện đang áp dụng đối với hệ thống thư viện công cộng, mang tính hành chính cố định đã triệt tiêu động lực phấn đấu; các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ đề cập khái quát trong Pháp lệnh được hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên giá trị pháp lý chưa cao.

  1. Về tác động của các chính sách đối với lĩnh vực thư viện:

Việc Quốc hội ban hành Hiến pháp mới năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng đã tạo hành lang pháp lý phục vụ cho việc quản lý và phát triển trong từng lĩnh vực. Các lĩnh vực điện ảnh, di sản văn hoá, sở hữu trí tuệ, báo chí, xuất bản đã có luật điều chỉnh; lĩnh vực thư viện – một bộ phận không thể thiếu của lĩnh vực văn hóa – rất cần được quan tâm, đầu tư phát triển, nhưng vẫn áp dụng quy định tại Pháp lệnh được ban hành từ năm 2000 đã phát sinh nhiều bất cập, làm cho việc thực hiện mục tiêu phát triển của thư viện gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực thư viện đang có dấu hiệu chậm phát triển hơn so với các lĩnh vực văn hóa khác.

Hiến pháp mới quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin (Điều 25), quyền và nghĩa vụ học tập (Điều 39), quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Điều 14). Cụ thể những điều Hiến định, Luật Thư viện cần được ban hành khắc phục những bất cập của Pháp lệnh nhằm đảm bảo phát triển sự nghiệp thư viện, góp phần để công dân có điều kiện thực hiện đủ quyền, nghĩa vụ của mình, đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin, các giá trị văn hóa thành văn của dân tộc và nhân loại, thực hiện việc học tập suốt đời nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhiều đạo luật quan trọng cũng được Quốc hội ban hành, sửa đổi, bổ sung: Luật Sở hữu trí tuệ (2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật Di sản văn hóa (2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Xuất bản (2012), Luật Giáo dục đại học (2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Khoa học và công nghệ (2013), Luật Ngân sách nhà nước (2015), Luật Tiếp cận thông tin (2016) [3], Luật Báo chí (2016), Luật Quản lý và sử dụng tài sản công (2017), Luật An ninh mạng (2018)…[4] và các quy định về tự chủ của đơn vị sự nghiệp[5]. Các Văn bản pháp lý này đã tác động không nhỏ đến hoạt động thư viện và quản lý nhà nước về thư viện, dẫn tới việc không đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật và hạn chế hiệu lực thi hành của Pháp lệnh. Một số điểm về thẩm quyền, thủ tục hành chính quy định trong Pháp lệnh không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính hiện nay[6]; việc thực hiện quy định các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong quản lý nhà nước về thư viện chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã chỉ ra mục tiêu, nhiệm vụ mới về lĩnh vực thư viện là: “hoàn thiện thể chế và các cơ chế, chính sách”[7], “kiện toàn, củng cố thư viện công cộng cấp huyện với các mô hình, thiết chế đã có; việc thành lập mới chỉ được thực hiện tại các địa phương có nhu cầu và điều kiện cho phép”.

Để thực hiện triệt để tinh thần các Nghị quyết của Đảng, khắc phục những bất cập trên, điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh và hoàn thiện thế chế, tăng cường pháp chế về thư viện, việc xây dựng dự án Luật Thư viện là hết sức cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT

  1. Mục đích

Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện; tạo hành lang pháp lý nâng cao năng lực, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của công dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Luật Thư viện được ban hành sẽ mở rộng và khuyến khích xã hội hóa, góp phần làm tăng số lượng thư viện, nâng cao chất lượng phục vụ; tạo được sự kết nối, liên thông đồng bộ giữa các thư viện, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, thu hút số lượng người đến với thư viện nhiều hơn, góp phần xây dựng xã hội học tập.

  1. Quan điểm chỉ đạo

Thứ nhất, Luật Thư viện tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực văn hoá, kinh tế, xã hội được quy định tại Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai, Luật Thư viện xây dựng trên cơ sở luận cứ khoa học và tổng kết thực tiễn thi hành; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới, vận dụng phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn.

Thứ ba, Luật Thư viện khẳng định vai trò của thư viện đối với sự phát triển văn hóa, con người góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam; mở rộng chức năng và hoạt động của thư viện nhằm tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ công song hành với tăng cường tính tự chủ của thư viện.

Thứ tư, Luật Thư viện thúc đẩy việc đa dạng hóa các loại hình thư viện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy các nguồn lực trong xã hội, tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức phục vụ học tập suốt đời.

Thứ năm, Luật Thư viện đảm bảo điều chỉnh kịp thời các quan hệ mới phát sinh, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện, thủ tục thành lập thư viện phải thông thoáng nhằm thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp thư viện.

  1. Kinh nghiệm quốc tế

Để góp phần cung cấp thông tin và luận cứ cho việc xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo đã nghiên cứu và có báo cáo kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề liên quan đến: vai trò của thư viện, thiết lập, quản lý mạng lưới thư viện (công lập, ngoài công lập) và chính sách phát triển thư viện bao gồm chính sách đầu tư, hỗ trợ, xã hội hóa, thư viện số qua các Luật Thư viện của một số nước châu Âu, một số bang của Hoa Kỳ và một số nước châu Á có điều kiện gần với Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số văn bản, tuyên ngôn của UNESCO[8], IFLA[9] về thư viện cộng cộng, thư viện trường học, thư viện số…

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THƯ VIỆN

Luật Thư viện gồm 06 chương, 52 Điều với những nội dung chính như sau:

Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Luật Thư viện quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.

Chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện (Điều 5) và xã hội hóa hoạt động thư viện (Điều 6)

Luật Thư viện xác định chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện ở 03 cấp độ, cụ thể là:

Thứ nhất, Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập như sau (1) Đầu tư trọng điểm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và một số thư viện có vai trò quan trọng. (2) Đầu tư cho một số hoạt động thư viện như: hiện đại hóa, xây dựng thư viện số, liên thông thư viện và hợp tác quốc tế để bảo đảm việc tiếp cận thông tin ở mọi dạng thức trong xu thế phát triển khoa học, công nghệ và thư viện số.

Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ: cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Thứ ba, Nhà nước khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện. Nội dung này được cụ thể hóa tại Điều 6 của Luật, theo đó: cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện để đầu tư, tài trợ, viện trợ, đóng góp phát triển sự nghiệp thư viện, văn hóa đọc, xây dựng và phát huy không gian đọc, phòng đọc cơ sở và được hưởng các ưu đãi, được ghi nhận và vinh danh theo quy định của pháp luật.

Thành lập thư viện (Điều 9 đến Điều 23)

Luật đã xác định các loại thư viện và quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng loại thư viện ở Việt Nam bao gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam (Điều 10), Thư viện công cộng (Điều 11), Thư viện chuyên ngành (Điều 12), Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 13), Thư viện đại học (Điều 14), Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác (Điều 15), Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (Điều 16) và Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam (Điều 17).

Trên cơ sở xác định các loại thư viện, Luật đã quy định về thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện với các nội dung về điều kiện thành lập thư viện (Điều 18), thành lập thư viện công lập (Điều 19), thành lập thư viện ngoài công lập (Điều 20), sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện (Điều 21), đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện (Điều 22) và thông báo việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện (Điều 23). Điểm mới so với quy định hiện hành là các thư viện ngoài công lập không phải đăng ký hoạt động mà chỉ thực hiện thủ tục thông báo. Theo quy định của Luật Thư viện: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ thông báo đối thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam có trụ sở trên địa bàn; Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có trụ sở trên địa bàn và Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện cộng đồng có trụ sở trên địa bàn.

Hoạt động thư viện (Điều 24 đến Điều 37)

Điểm mới của Luật Thư viện so với Pháp lệnh Thư viện trước đây là đã có một chương với 14 điều quy định về hoạt động thư viện. Luật Thư viện đã quy định các nguyên tắc hoạt động thư viện, bao gồm:

– Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân.

– Tài nguyên thông tin được thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản và phổ biến phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện.

– Thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến.

– Thực hiện liên thông thư viện.

– Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Luật hóa quy trình hoạt động chuyên môn nghiệp vụ mà các thư viện cần triển khai thực hiện, bổ sung một số các hoạt động nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông thư viện, tăng cường liên kết, chia sẻ, phát triển văn hóa đọc và hợp tác quốc tế về thư viện. Từ đó tạo ra sự thống nhất, chuẩn hóa trong hoạt động thư viện, tạo hành lang pháp lý để các thư viện đổi mới hoạt động, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và học tập suốt đời của người dân.

Để các thư viện quan tâm nhiều hơn đến việc liên kết, chia sẻ với nhau trong hoạt động thư viện, Luật Thư viện đã đặt ra những quy định cụ thể hơn về liên thông thư viện. Liên thông thư viện là là hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thư viện nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên, tiện ích, kết quả xử lý và các sản phẩm, dịch vụ thư viện.Thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung của cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập (khoản 4 Điều 24). Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách Nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện.

Theo quy định của Luật Thư viện, liên thông thư viện bao gồm các nội dung: Hợp tác trong việc bổ sung, mua, thu thập tài nguyên thông tin dùng chung và hợp tác trong xây dựng mục lục liên hợp; Chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện; chia sẻ kết quả xử lý tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện và liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện.

Theo đó, việc liên thông thư viện được thực hiện theo các phương thức: Liên thông theo khu vực địa lý; theo nhóm thư viện có chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ tương đồng; theo nội dung, lĩnh vực tài nguyên thông tin thư viện và liên thông giữa các loại thư viện.

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện (Điều 38 đến Điều 44)

Luật đã cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện, trong đó:

Mở rộng quyền của thư viện nhằm tăng cường năng lực, tính chủ động, bảo đảm điều kiện cho thư viện nâng cao chất lượng phục vụ người sử dụng (quy định tại Điều 38 và Điều 39 về quyền và trách nhiệm của thư viện);

Bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người làm công tác thư viện, tạo điều kiện để thu hút nguồn nhân lực thư viện (quy định tại các Điều 40 và 41 về quyền và nghĩa vụ của người làm công tác thư viện);

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và học tập suốt đời trong thư viện của người sử dụng thư viện (quy định tại các Điều 42, 43 và 44 về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện);

Đề cao và bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thành lập, trực tiếp quản lý và có liên quan đến hoạt động thư viện nhằm bảo đảm các nguồn lực để thư viện hoạt động hiệu quả (quy định tại các Điều 45, 46 và 47).

Quản lý nhà nước về thư viện (Điều 48 đến Điều 50)

Thiết lập hành lang pháp lý cho việc tăng cường quản lý nhà nước về thư viện với việc xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ trên tinh thần Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thư viện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thư viện (Điều 48); xác định trách nhiệm trong quản lý nhà nước về thư viện của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan khác (Điều 49); xác định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp đối với thư viện tại địa phương (Điều 50).

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *