Từ thực tiễn tham gia báo cáo viên pháp luật, chúng tôi giới thiệu một số kinh nghiệm trong quá trình biên soạn đề cương tuyên truyền pháp luật để bạn đọc tham khảo áp dụng.
Bước 1. Xác định nội dung tuyên truyền
Đây là công việc hết sức quan trọng, bởi vì văn bản pháp luật thì có rất nhiều và mỗi nhóm đối tượng lại có nhu cầu tìm hiểu pháp luật khác nhau, chính vì vậy trước khi tổ chức các hội nghị, lớp tuyên truyền pháp luật thì cần phải xác định đối tượng tuyên truyền là ai (độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp), địa bàn tuyên truyền đang có vấn đề gì bức xúc, vướng mắc cần phải giải quyết…để từ đó xác định nội dung tuyên truyền cho phù hợp với địa bàn, đối tượng. Có như vậy mới thu hút đông đảo người tham gia nghe tuyên truyền và mục đích tuyên truyền mới đạt được.
Bước 2. Xác định đối tượng tuyên truyền
Chúng ta cần phải biết đối tượng chúng ta hướng tới là ai? thanh niên, đoàn viên hay người cao tuổi, nông dân hay phụ nữ, trẻ em để chúng ta lựa chọn, chắt lọc nội dung cho phù hợp.
Việc xác định đối tượng sẽ giúp chúng ta chuẩn bị kỹ nội dung, các tình huống, ví dụ để trao đổi tại buổi tuyên truyền.
Bước 3. Chuẩn bị tư liệu để biên soạn
Sau khi xác định được đối tượng cần tuyên truyền, nội dung tuyên truyền thì chúng ta bắt đầu tìm tư liệu để biên soạn đề cương. Tư liệu phải đảm bảo tính chính xác, có độ tin cậy cao, tốt nhất là lấy từ các trang tin điện tử chính thống của Đảng, Nhà nước và các tờ báo được cấp phép.
Cần tìm các tư liệu liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương mà chúng ta dự định tuyên truyền để bài tuyên truyền mang tính thuyết phục cao hơn. Hình ảnh, số liệu minh họa phải đảm bảo tính chính xác, thời sự, phù hợp với nội dung tuyên truyền.
Bước 4. Biên soạn đề cương tuyên truyền
Đề cương tuyên truyền một văn bản pháp luật thường bao gồm 3 phần chính sau đây:
Phần 1. Sự cần thiết ban hành văn bản
Phần này thường nêu sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của việc ban hành văn bản. Phần này cũng cần nêu nguồn gốc pháp lý của văn bản (xuất phát từ Hiến pháp, Luật hoặc các văn bản quy phạm khác), vị trí, vai trò của văn bản trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Quan điểm và những nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng văn bản pháp luật; tư tưởng chủ đạo và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong đời sống hàng ngày và yêu cầu của chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước ta.
Phần 2. Giới thiệu văn bản
Phần này cần tập trung giới thiệu các nội dung:
+ Bố cục văn bản, có so sánh với văn bản được thay thế (nếu có);
+ Nội dung chủ yếu của văn bản:
– Đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của văn bản;
– Những nguyên tắc chung chi phối các quy định trong văn bản;
– Những vấn đề được đề cập trong nội dung văn bản, ý nghĩa các quy phạm, chế định trong văn bản;
– Những điểm mới trong văn bản so với pháp luật hiện hành, những điểm sửa đổi, bổ sung, lý do sửa đổi, bổ sung, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung. Khi cần thiết có thể nêu một số vấn đề gây tranh luận, những vấn đề đang tồn tại;
– Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể và những người có liên quan, các quy định, thủ tục phải thực hiện;
– Vị trí của văn bản trong hệ thống pháp luật hiện hành, các văn bản sẽ ban hành kèm theo (nếu có).
Phần 3. Tổ chức thực hiện
Đây là phần hướng dẫn người sử dụng đề cương chủ yếu là các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, các cơ quan thông tin đại chúng. Trong phần này cần làm rõ các vấn đề:
– Nêu trọng tâm, trọng điểm tuyên truyền, gắn tuyên truyền văn bản với việc thực hiện những chủ trương lớn, những vấn đề thời sự và yêu cầu quản lý của ngành, của địa phương;
– Đưa ra các gợi ý về biện pháp tổ chức thực hiện, phương pháp và hình thức tuyên truyền đối với từng loại đối tượng, từng địa bàn căn cứ vào nhu cầu của đối tượng và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương; đặc biệt là tập trung quan tâm đến đối tượng cần chú trọng tuyên truyền;