Hướng dẫn sửa đổi biên bản, quyết định xử phạt hành chính ban hành sai

Câu hỏi: Tháng 12/2018 UBND xã A lập Biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Nam đã có hành vi xây dựng không có giấy phép mà theo quy định phải có giấy phép (quy định tại Điểm a khoản 5 Điều 15 Nghị định 139). Sau khi lập biên bản UBND xã A đã gửi cho UBND huyện B xử phạt theo thẩm quyền và UBND huyện B đã ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Văn Nam với mức phạt tiền 15.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Ông Nguyễn Văn Nam đã chấp hành quyết định xử phạt.

Quá trình rà soát hồ sơ để tổ chức cưỡng chế thì phát hiện một số sai sót như sau:
1. Đất của ông Nam xây dựng là đất cây xanh nên UBND xã lập Biên bản vi phạm hành chính căn cứ vào điểm a khoản 5 Điều 15 Nghị định 139 là không phù hợp mà phải lập vào điểm a khoản 7 Điều 15 Nghị định 139 “Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch được duyệt”.
2. Việc lập Biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nam không phù hợp theo quy định tại Nghị định 97.Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính

Hướng dẫn cách lập biên bản xác minh

Vậy để giải quyết vụ việc trên xin ý kiến tư vấn Blog decuongtuyentruyen.com như sau:
1. Có được thu hồi và hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính do xã A đã lập hay không? Nếu không hủy được thì giải quyết như thế nào?
2. Quyết định xử phạt người nộp phạt đã chấp hành mức phạt tiền, tuy nhiên nếu áp dụng vào  điểm a khoản 7 Điều 15 Nghị định 139 thì sẽ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh vì mức phạt từ 50.000.000-60.000.000. Do đó, việc UBND xã A thu hồi và hủy bỏ Biên bản vi phạm hành chính đã lập có phù hợp không? Hướng xử lý như thế nào?
Rất mong nhận được phản hồi của anh. Trân trọng cảm ơn
Decuongtuyentruyen.com trả lời bạn như sau:
1. Có được thu hồi và hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính do xã A đã lập hay không? Nếu không hủy được thì giải quyết như thế nào? 
Biên bản vi phạm hành chính thì không thể hủy được vì biên bản vi phạm hành chính chỉ được lập 01 lần theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều Luật xử lý vi phạm hành chính.
Nếu phát hiện có sai sót trong biên bản vi phạm hành chính như: Xác định không đúng hành vi, đối tượng,..thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh tình tiết vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 59. Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính

1. Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây:

a) Có hay không có vi phạm hành chính;

b) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính;

c) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

d) Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;

đ) Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này;

e) Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.

Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.

2. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản.

Mẫu biên bản xác minh thực hiện theo mẫu 15 của Nghị định 97/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
2. Quyết định xử phạt người nộp phạt đã chấp hành mức phạt tiền, tuy nhiên nếu áp dụng vào  điểm a khoản 7 Điều 15 Nghị định 139 thì sẽ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh vì mức phạt từ 50.000.000-60.000.000. Do đó, việc UBND xã A thu hồi và hủy bỏ Biên bản vi phạm hành chính đã lập có phù hợp không? Hướng xử lý như thế nào?
Như đã trả lời ở trên thì không thu hồi, hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính mà lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính, trong biên bản xác minh nêu rõ hành vi và điều khoản vi phạm. Sau khi lập biên bản xác minh nếu thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính do ban hành sai thẩm quyền, sai nội dung theo điều 6b Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP.
Mẫu hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo mẫu số 36 Nghị định 97/2017/NĐ-CP.
Tóm lại, nếu phát hiện có sai sót trong quá trình lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt thì không hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính mà lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính, hủy quyết định xử phạt đã ban hành, sau đó ban hành hoặc trình người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu còn thời hạn, thời hiệu) hoặc quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Trên đây là nội dung tư vấn của decuongtuyentruyen.com về việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp có sai sót.
Phương Thảo

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *