Ngày 22/6/2023, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Kết quả cho thấy, có 468/477 đại biểu tham gia biểu quyết thông qua Luật này (đạt tỷ lệ 94,74%).. Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn đọc Đề cương tuyên truyền Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
Phần 1, Sự cần thiết ban hành Luật Giao dịch điện tử năm 2023
Luật Giao dịch điện tử (Luật GDĐT) đã được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2006. Luật GDĐT năm 2005 được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại quốc tế. Đây được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật GDĐT năm 2005, các bộ, ngành đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết theo từng lĩnh vực. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bảo đảm sự phân công, phối hợp, thực hiện phát triển và ứng dụng GDĐT trên cả nước.
Thời gian qua, Luật GDĐT năm 2005 cùng với Luật Công nghệ thông tin 67/2006/QH11, Luật Viễn thông số 41/2009/QH12, Luật Tần số và Vô tuyến điện số 42/2009/QH12, Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 và các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính.
Mặc dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Luật GDĐT năm 2005 vẫn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần thiết sửa đổi, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Luật GDĐT năm 2005 là luật khung, được ban hành sớm, sau khi có Luật mẫu của Liên Hợp Quốc. Nội dung cơ bản bám theo Luật mẫu của Liên Hợp Quốc nên còn mang tính khung và mang tính nguyên tắc chung. Luật mẫu của Liên Hợp Quốc có xu hướng viết cho các nước đã phát triển, nơi có hệ thống, pháp luật và văn hoá khá khác biệt với Việt Nam. Vì vậy, khi áp dụng vào Việt Nam thì nảy sinh một số bất cập khó thực thi trong thực tế, đặc biệt là đối với vấn đề đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.
Thứ hai, do là luật khung, mang tính nguyên tắc, nên trong hơn 15 năm qua chỉ có một số lĩnh vực chịu áp lực lớn của hội nhập quốc tế, có nhu cầu cấp thiết tự thân, tiên phong nghiên cứu xây dựng các văn bản dưới luật quy định chi tiết để thực thi và ứng dụng mạnh mẽ giao dịch điện tử, điển hình như lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (chữ ký số), Ngân hàng (thanh toán điện tử), Tài chính (giao dịch chứng khoán, hoá đơn điện tử, thuế điện tử, hải quan điện tử) và Thương mại điện tử. Với nhiều lĩnh vực khác, việc áp dụng giao dịch điện tử vẫn khó khăn do thiếu các quy định cụ thể của Luật GDĐT năm 2005. Hơn nữa, Luật GDĐT năm 2005 còn loại trừ không áp dụng cho khá nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống, kinh tế và xã hội trong khi hệ thống pháp luật hiện hành đã có những thay đổi nhất định.
Thứ ba, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế.
Phần 2. Những nội dung cơ bản của Luật Giao dịch điện tử năm 2023
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều có một số điểm mới so với luật hiện hành. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.
Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu: Phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định nội dung, điều kiện, phương thức của giao dịch. Để thống nhất với phạm vi điều chỉnh, các quy định về công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự, lưu trữ điện tử tại các điều 9, 13 và 19 của dự thảo Luật chỉ dẫn chiếu mà không quy định cụ thể để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nội dung này như dự thảo Luật và không bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan đến công chứng, chứng thực tại Điều 53.
Về chữ ký điện tử (mục 1 Chương III): Có ý kiến đề nghị bổ sung các loại hình chữ ký điện tử khác ngoài chữ ký số đáp ứng đủ các điều kiện để bảo đảm chữ ký an toàn, giá trị pháp lý. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo khoản 11 Điều 3 của dự thảo Luật, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu thì lúc đó mới được coi là chữ ký điện tử. Hiện nay, các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS),… không phải là chữ ký điện tử. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triển khai nghiệp vụ trong ngành ngân hàng, hải quan,… và nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, khoản 4 Điều 22 của dự thảo Luật đã quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.
Về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại để phù hợp thực tiễn ngành ngân hàng, hải quan: Tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, Điều 15 đã được chỉnh lý nội dung yêu cầu chuyển đổi cần đáp ứng và giao Chính phủ quy định chi tiết, thể hiện như trong dự thảo Luật, phù hợp với thực tiễn ngành ngân hàng, hải quan.
Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (Chương V): Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, từ Điều 43 đến Điều 47 của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử.
Về phân loại rõ dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định các Bộ, ngành sẽ công bố dữ liệu mở của ngành, lĩnh vực của mình. Để đảm bảo tính linh hoạt, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết nội dung này.
Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử (Chương VI): Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm giám sát hệ thống của mình; cơ quan nhà nước quản lý công tác báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử bằng phương tiện điện tử. Ngoài ra, Luật còn chỉnh lý quy định về trách nhiệm có liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.