Đề cương tuyên truyền Luật Viễn thông năm 2023

Luật Viễn thông năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 24/11/2023,   với 468/473 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo đó, Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 Chương, 73 Điều.

Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới  bạn đọc Đề cương tuyên truyền Luật Viễn thông năm 2023, gồm 02 phần: Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông năm 2023. Phần 2: Những nội dung mới của Luật Viễn thông năm 2023

Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông năm 2023

          Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa. Sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giúp thúc đẩy cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển thị trường viễn thông với đa dạng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

          Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới:

Đề cương tuyên truyền Luật Viễn thông năm 2023
Đề cương tuyên truyền Luật Viễn thông năm 2023

          – Xu hướng hội tụ giữa viễn thông, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin và tự động hóa đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực viễn thông. Công nghệ phát triển đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng viễn thông cần được mở rộng thêm các cấu phần mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển là hạ tầng phục vụ kinh tế số, xã hội số; các dịch vụ viễn thông truyền thống cũng cần thay đổi cách quản lý cho phù hợp để đảm bảo các dịch vụ kết nối, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ hoạt động của các ngành, lĩnh vực trên môi trường mạng.

          – Các quy định về quản lý và điều tiết thị trường hiện nay đã thể hiện một số bất cập như chưa có chính sách phát triển các doanh nghiệp mạng viễn thông di động ảo để thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc thúc đẩy tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông mới; chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của các doanh nghiệp có hạ tầng mạng trong việc cho thuê hạ tầng dẫn đến hạ tầng viễn thông đã được đầu tư chưa được khai thác hết năng lực, thị trường mạng viễn thông ảo ở Việt Nam chậm phát triển, các nhóm khách hàng thuộc thị trường ngách chưa phát triển.

          – Quá trình triển khai cấp giấy phép cho các doanh nghiệp viễn thông hiện nay với việc cấp phép chỉ có một hình thức cấp phép chung và quy trình, thủ tục là như nhau, không phân loại theo tính chất của mạng, dịch vụ viễn thông, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng doanh nghiệp xin cấp phép cũng như loại giấy phép viễn thông; điều kiện cấp phép là vốn pháp định và cam kết đầu tư hiện nay không còn phù hợp.

          – Xu thế phát triển dịch vụ vệ tinh chùm với các nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, mất an toàn mạng lưới, an ninh thông tin, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng cũng như thị trường dịch vụ băng rộng cố định và di động trong nước, đòi hỏi phải có thêm các chính sách quản lý một cách phù hợp, hiệu quả.

          Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…, với những cam kết mới và cao hơn so với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong khi đó, Luật Viễn thông đã được ban hành 12 năm, trong bối cảnh ngành viễn thông có những bước phát triển mạnh mẽ và Việt Nam phải thực thi nhiều cam kết quốc tế, Luật Viễn thông cần nội luật hóa các cam kết mà Việt Nam là thành viên và xem xét bổ sung, hoàn thiện một số quy định để thực thi các cam kết đã có trong tình hình phải bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng, bảo đảm chủ quyền quốc gia.

          Luật Viễn thông khi được ban hành đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với các quy định của các luật chung và nội luật hóa các cam kết quốc tế trong WTO, CPTPP, EVFTA… mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, một số luật chung như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công,… đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, Luật Viễn thông cũng cần được xem xét, điều chỉnh để phù hợp với thực tế phát triển viễn thông hiện nay và đồng bộ, thống nhất với quy định của các luật chung.

Phần 2: Những nội dung mới của Luật Viễn thông năm 2023

Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 Chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Trong đó, trường hợp quy định về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet tại Điều 28 và Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (khoản 3, Điều 72) và quy định về nộp phí duy trì sử dụng số hiệu mạng, lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng tại điểm d, khoản 9, Điều 50; khoản 3, Điều 71 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (khoản 4, Điều 72).

Giấy phép nghiệp vụ viễn thông được cấp theo quy định của Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 23/2018/QH14 tiếp tục được sử dụng đến hết thời hạn của giấy phép. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép viễn thông trước thời điểm Luật này có hiệu lực mà đến ngày 1/7/2024 chưa được cấp giấy phép thì được xem xét cấp giấy phép theo quy định của Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 23/2018/QH14.

Decuongtuyentruyen.com sẽ sớm cập nhật những nội dung mới của Luật Viễn thông năm 2023. Bạn đọc theo dõi để phục vụ cho công tác tìm hiểu, tuyên truyền pháp luật.

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *