Decuongtuyentruyen.com biên soạn giới thiệu đề cương tuyên truyền Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. Luật được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019 với 442/447 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 91,51%, có hiệu lực 01/7/2020.
Tài liệu được biên soạn dựa vào hồ sơ dự án Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và tài liệu giới thiệu của Bộ Công an.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT
Qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân… Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cụ thể:
1. Xuất phát từ yêu cầu cụ thể hóa quy định của Hiến pháp
– Điều 14 Hiến pháp quy định: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Điều 23 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, các quyền về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân chưa được luật hóa, mà mới được quy định tại nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ (ban hành trước khi Hiến pháp được bổ sung, sửa đổi). Do đó, để phù hợp với quy định của Hiến pháp thì việc xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết.
- Xuất phát từ yêu cầu thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
– Từ năm 1959 đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải…) đã xây dựng, ban hành, bổ sung, sửa đổi nhiều nghị định, thông tư quy định về việc cấp giấy tờ, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh phù hợp với từng giai đoạn cụ thể của đất nước. Hiện nay, việc giải quyết cho công dân xuất cảnh, nhập cảnh đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007, Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 của Chính phủ và 09 Thông tư (05 của Bộ Công an, 01 của Bộ Ngoại giao, 02 liên tịch Công an – Ngoại giao, 01 liên tịch Công an – Quốc phòng – Lao động, Thương binh và Xã hội – Ngoại giao), quy định hướng dẫn việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông, giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.
(Xem đề cương tuyên truyền các văn bản Luật tại đây)
– Trong những năm qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều luật để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Luật hàng hải, Luật tố tụng hình sự, Luật quốc tịch…), cụ thể:
+ Năm 2014, Quốc hội ban hành Luật số 56/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch số 24/2008/QH12, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch Việt Nam, trong đó quy định trình tự, thủ tục đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
(Danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam)
+ Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “tạm hoãn xuất cảnh” là một trong các biện pháp ngăn chặn (Điều 109), đồng thời, quy định cụ thể các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh (Điều 113 và Điều 124). Ngoài ra, thời gian qua nhiều Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung được ban hành, trong đó có quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh, đòi hỏi các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh phải tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật này, như: Bộ luật hàng hải (bỏ quy định về hộ chiếu thuyền viên), Luật căn cước công dân (quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định danh cá nhân, cấp căn cước công dân)….
+ Hiện nay, liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, ngày 16/6/2014 Quốc hội đã ban hành Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và thủ tục cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vẫn được thực hiện theo nghị định và các thông tư.
Do vậy, cần phải ban hành Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện của hệ thống pháp luật và giảm thiểu các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành.
- Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện nay
– Xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam:
+ Số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng (2007: 1,9 triệu; 2008: 2,6 triệu; 2010: 3,2 triệu; 2013: 6,1 triệu; 2016: 7,7 triệu; 2017: 9,2 triệu). Để đáp ứng nhu cầu xuất cảnh của công dân, công tác quản lý xuất nhập cảnh đã liên tục được cải tiến, đơn giản hóa thủ tục. Trước những năm 2000, công dân có nhu cầu xuất cảnh mới được xem xét cấp hộ chiếu, kèm theo giấy tờ chứng minh mục đích xuất cảnh. Nay, công dân có nhu cầu cấp hộ chiếu đều được xem xét, không yêu cầu phải khai mục đích xuất cảnh.
+ Để đảm bảo thời hạn cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và công dân không phải mất thì giờ chờ đợi khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh như máy đọc hộ chiếu tại các cửa khẩu quốc tế, khai tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu, dán mã vạch vào giấy thông hành, cửa kiểm soát tự động…
– Xuất phát từ yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh:
+ Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử (hộ chiếu có gắn chíp điện tử). Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản luật điều chỉnh về loại hộ chiếu này. Do đó, việc xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong việc cấp thị thực đối với người sử dụng hộ chiếu điện tử.
+ Luật căn cước công dân quy định về xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân, trong đó bao gồm toàn bộ thông tin về nhân thân của mỗi công dân. Do vậy, cần phải nghiên cứu, áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ để khai thác, chia sẻ các thông tin đã có sẵn trong Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân, phục vụ việc cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh.
II. BỐ CỤC VÀ NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT
1. Bố cục
Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 8 chương, 52 điều:
– Chương I. Quy định chung gồm 5 điều từ điều 1 đến điều 5: Phạm vi điều chỉnh, Giải thích từ ngữ, Nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh, Các hành vi bị nghiêm cấm, Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.
Xem bài giảng giới thiệu Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam
– Chương II. Giấy tờ xuất nhập cảnh gồm 2 điều, điều 6 và điều 7, quy định Giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm:a) Hộ chiếu ngoại giao;b) Hộ chiếu công vụ;c) Hộ chiếu phổ thông;d) Giấy thông hành; Thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh.
– Chương III. Cấp, chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 15 điều, từ điều 8 đến điều 22, chia thành 5 mục, quy định đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông, ; giấy thông hành, điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông; thẩm quyền cho phép, quyết định cử người thuộc diện được cấp hộ chiếu ngoại giao , hộ chiếu công vụ; cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông ở trong nước và ở nước ngoài; cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; các trường hợp chưa được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh.
– Chương IV. Quản lý, sử dụng, thu hồi, hủy, khôi phục giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 10 điều từ điều 23 đến điều 32, chia làm 2 mục, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng các loại giấy tờ xuất nhập cảnh; việc thu hồi, hủy, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu.
– Chương V. Xuất cảnh, nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, gồm 7 điều từ điều 33 đến điều 39, quy định về điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh; kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu; đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh; thẩm quyền tạm hoãn quyết định xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh, thời hạn và trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất nhập cảnh.
– Chương VI. Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 4 điều, từ điều 40 đến điều 43 quy định về việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thu thập, cung cấp, quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
– Chương VII. Trách nhiệm quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 7 điều từ điều 44 đến điều 50 quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc quản lý xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
– Chương VIII. Điều khoản thi hành gồm 2 điều, điều 51, điều 52 quy định Luật có hiệu lực từ 01/7/2020 và điều khoản chuyển tiếp.
2. Những điểm mới của Luật
a) Đối với công dân gồm 8 điểm mới sau đây:
– Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân gồm 4 quyền và 3 nghĩa vụ.
– Không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ điền vào tờ khai theo mẫu để tạo thuận lợi cho công dân.
– Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thuận tiện.
– Đối với hộ chiếu phổ thông không đặt vấn đề còn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu lần 2 trở đi được lựa chọn nơi thực hiện (Cục quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thuận tiện).
– Công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu. Quy định này nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, tránh thủ tục phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.
– Hộ chiếu cấp riêng cho từng người, quy định hiện hành người chưa đủ 9 tuổi cấp chung với bố, mẹ thời hạn 5 năm.
– Người 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử.
– Luật hóa việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy nếu người dân có yêu cầu nhằm tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài có thời hạn.
b) Về giấy tờ xuất, nhập cảnh gồm 3 điểm mới
– Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại, gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử.
– Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm, có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử . Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn không quá 5 năm, không gắn chíp điện tử.
– Thay cho việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn phải về nước vì nhiều lý do khác nhau như hiện nay bằng việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để thực hiện sự bảo hộ của nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp, hộ chiếu có thời hạn không quá 12 tháng.