Ngày 24/6/2023 Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam bằng hình thức bấm nút điện tử, với 95,14% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn đọc Đề cương tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, gồm 02 phần: Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Phần 2: Những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
- Căn cứ chính trị, pháp lý
Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết[1] để yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số”[2]. Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này.
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định[3] để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng xác định công tác cải cách hành chính phải được tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp kiến tạo thể chế xác định cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
Chính vì vậy, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ.
- Căn cứ thực tiễn
Qua nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ thấy rằng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu của tình hình thực tiễn cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể như sau:
a) Đối với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
– Khoản 1 Điều 15 quy định “Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng”. Như vậy, theo quy định trên thì người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước phải trực tiếp thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; do vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện việc cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân ở dịch vụ công trực tuyến cần bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử.
– Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 thì trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện hộ chiếu phổ thông bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi thuận lợi, cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi. Như vậy, cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện.
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 thì người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông trực tiếp nộp tờ khai và hộ chiếu tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử cần nghiên cứu, bổ sung quy định này vào Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
– Điểm a khoản 2 Điều 15 quy định giấy tờ liên quan đến cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước phải có bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi. Hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, nên các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không cần thiết phải đề nghị công dân cung cấp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi. Ngoài ra, khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định thủ tục báo mất hộ chiếu của công dân chưa có quy định báo mất trên môi trường điện tử và chưa phân cấp triệt để cho Công an các cấp trong thực hiện thủ tục tiếp nhận đơn báo mất hộ chiếu của công dân. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các Quyết định nêu trên.
– Để tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam xuất cảnh, cần nghiên cứu sửa đổi quy định điều kiện xuất cảnh theo hướng bỏ điều kiện về thời hạn hộ chiếu phải còn đủ từ 06 tháng trở lên.
– Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là đơn vị chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú theo phân công của Chính phủ (Điều 45); Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì trong việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú (Điều 46). Như vậy, cùng một vấn đề ký kết hợp tác quốc tế về nhận trở lại công dân nhưng có 02 Bộ chủ trì, cùng một nội dung về hợp tác quốc tế trong tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú lại do 02 cơ quan thực hiện, như vậy, nội dung này không phù hợp với chủ trương Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW[1] về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, cơ quan thực hiện ủy quyền ký kết lại không phải cơ quan đầu mối thực hiện hoạt động nhận trở lại công dân. Chính vì vậy, cần điều chỉnh quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, bảo đảm tính kịp thời, bám sát thực tiễn.
– Theo quy định của pháp luật hiện hành, chức vụ ngoại giao của Phó Tùy viên Quốc phòng tương đương Bí thư thứ nhất là cấp hàm ngoại giao được cấp hộ chiếu ngoại giao. Thực tiễn hoạt động đối ngoại quốc phòng, Phó Tùy viên Quốc phòng của các nước đều mang hàm ngoại giao (được cấp hộ chiếu ngoại giao), nằm trong danh sách ngoại giao đoàn tham gia các hoạt động ngoại giao tại địa bàn. Việc Phó Tùy viên Quốc phòng Việt Nam không được cấp hộ chiếu ngoại giao đồng nghĩa với việc không được thừa nhận có hàm ngoại giao để tham gia các hoạt động đối ngoại như Phó Tùy viên Quốc phòng các nước khác. Điều này gây khó khăn cho Phó Tùy viên Quốc phòng Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại Quốc phòng, đồng thời ảnh hưởng đến vai trò, vị thế của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để đảm bảo phù hợp với thực tế công tác của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài.
– Thời gian qua, tình trạng công dân đề nghị cấp hộ chiếu khi đến hẹn nhận kết quả nhưng không đến nhận hộ chiếu (không đề nghị trả hộ chiếu qua bưu chính công ích) dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác trả hộ chiếu cho công dân, cũng như việc quản lý hộ chiếu đã cấp cho công dân mà không đến nhận (từ 01/7/2020 đến 24/3/2023 đã có 975 trường hợp công dân đã được cấp hộ chiếu nhưng không nhận kết quả). Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông (Điều 27) đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả để bảo đảm hiệu quả công tác cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nói riêng, công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam nói chung.
– Các điều 17 và 18 đã quy định về các trường hợp, trình tự, thủ tục được cấp hộ chiếu rút gọn, tuy nhiên, chưa bao hàm được nhiều diện đối tượng không có hộ chiếu mà cần về nước ngay, như: người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người, ngư dân… Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cũng như phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
b) Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
– Qua thực tiễn thi hành cho thấy Luật đã có những quy định góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư…, trong đó, đặc biệt là việc luật hóa chính sách thị thực điện tử sau thời gian thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, Luật có hiệu lực thi hành vào thời điểm cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, Việt Nam đang áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tăng cường phòng chống dịch, do đó, hiệu quả trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của các chính sách còn hạn chế.
Từ ngày 15/03/2022, sau khi Chính phủ khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh, cho phép mở cửa du lịch sau đại dịch Covid-19, các hoạt động xuất nhập cảnh đã dần trở lại trạng thái bình thường, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 6,6 lần so với năm 2021 nhưng vẫn còn rất thấp so với thời điểm trước dịch, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019. Đến nay, dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhiều nước đã gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch nhằm phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên hậu quả của đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cơ bản trên tất cả các lĩnh vực, nhất là ngành du lịch. Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 của ngành du lịch, trong khi, khách quốc tế là thị phần khách có đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của ngành du lịch (3 năm trước dịch Covid-19, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam bình quân chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch). Việc sụt giảm lượng khách du lịch quốc tế so với thời gian trước dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến toàn bộ ngành du lịch và các ngành dịch vụ liên quan như vận chuyển (hàng không, đường bộ,…), lưu trú… đều giảm mạnh nguồn thu.
Từ cuối năm 2022 đến nay, tại các Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn về du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước, các Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp hàng không, lữ hành,… có nhiều kiến nghị cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực của Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi du lịch, kinh tế xã hội; trong đó, có nhiệm vụ “tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế” và giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài về thủ tục, thời gian, số lượt nhập cảnh, số ngày lưu trú tại Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.
Việc tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập xuất cảnh cho khách du lịch quốc tếcũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội. Ngày 31/3/2023, tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa theo yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo phải gấp rút giải quyết những vướng mắc về “visa” và định hướng báo cáo, đề xuất Quốc hội ngay trong kỳ họp tới để có thể sớm áp dụng các chính sách thị thực thông thoáng vào thực tiễn nhằm góp phần tháo gỡ, kích cầu du lịch.
Qua thời gian triển khai cấp thị thực điện tử, từ giai đoạn thí điểm năm 2017 đến nay, Chính phủ đánh giá cao chính sách thị thực điện tử với thủ tục hành chính công ở mức độ cao nhất, có tính cạnh tranh vượt trội so với chính sách thị thực của các nước trong khu vực và thế giới về sự thuận tiện, thông thoáng, công khai và minh bạch, không qua khâu trung gian… Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử được thực hiện qua xét duyệt trước của Bộ Công an, do đó, so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử đáp ứng yêu cầu công tác quản lý. Sau khi Chính phủ khôi phục chính sách xuất nhập cảnh như trước giai đoạn dịch Covid-19, số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ thời gian trước dịch Covid-19.
Theo quy định của Luật hiện hành, thị thực điện tử có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày, áp dụng đối với công dân các nước do Chính phủ quyết định trên cơ sở đáp ứng đủ điều kiện: có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Để phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được của chính sách thị thực điện tử, Chính phủ nhận thấy cần nghiên cứu mở rộng chính sách thị thực điện tử cả về đối tượng, thời hạn và giá trị, cụ thể: (1) Tạo cơ sở pháp lý để có thể thực hiện chủ trương áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới nếu không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phù hợp các chính sách phát triển của Việt Nam; nhằm mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện thu hút nhiều hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam;(2)Nâng thời hạn của thị thực điện tử để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư. (3)Quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như Luật hiện hành. Việc cho phép được lựa chọn đề nghị cấp thị thực điện tử giá trị nhiều lần giúp người nước ngoài chủ động hơn trong các lần nhập, xuất cảnh, góp phần giảm tải thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, nhất là đối với số người có nhu cầu đi lại thường xuyên giữa các quốc gia để khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, ký kết hợp đồng, kiểm tra chất lượng sản phẩm…; đồng thời, giá trị nhiều lần cũng phù hợp với việc đề xuất nâng thời hạn của thị thực điện tử.
Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực, theo quy định của Luật hiện hành, khi nhập cảnh được cấp chứng nhận tạm trú 15 ngày. Theo ngành du lịch, nhóm du khách từ Châu Âu đến Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài từ 15 ngày trở lên và có xu hướng lựa chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, xuyên Việt và liên quốc gia. Do đó, Chính phủ thấy cần nghiên cứu nâng thời hạn tạm trú đối với người nhập cảnh diện đơn phương miễn thị thực để tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực.
Với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, dự báo lượng người nước ngoài nhập cảnh sẽ tăng, đặc biệt, số người nhập cảnh bằng thị thực điện tử, miễn thị thực (không có cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh) sẽ ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải được tăng cường hơn nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách nhập xuất cảnh thông thoáng của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật. Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài… vào Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 như đã nêu ở trên, cần thiết bổ sung, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý.
Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là hết sức cần thiết để giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn
Phần 2: Những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sau khi được Quốc hội thông qua gồm 3 Điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Điều 3 Điều khoản thi hành.
Theo đó, Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Luật sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 6 về giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh; sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 8 về người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ chức vụ từ Tùy viên trở lên, Tùy viên Quốc phòng và Phó Tùy viên Quốc phòng tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; bổ sung giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước; giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã bổ sung khoản 1 Điều 27: Hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất hoặc đối với trường hợp đã quá 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận hộ chiếu và không có thông báo bằng văn bản về lý do chưa nhận.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 28. Theo đó, việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông được quy định như sau: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hộ chiếu phổ thông bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Công an cấp huyện, cấp xã hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc trên môi trường điện tử tại cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, thời hạn nộp hoặc gửi đơn báo mất có thể dài hơn nhưng trong đơn phải giải thích cụ thể về lý do bất khả kháng;
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn báo mất hộ chiếu phổ thông, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm thông báo theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và người gửi đơn. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thực hiện hủy giá trị sử dụng hộ chiếu.
Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; việc cấp thị thực điện tử; thẩm quyền quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi và quy định cụ thể về khai báo tạm trú. Trong đó: Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú.
Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú. Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 3 về điều khoản thi hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.
Giấy tờ xuất nhập cảnh đã cấp cho công dân trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy tờ xuất nhập cảnh. Trường hợp công dân đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nhưng chưa được cấp khi Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 để giải quyết.
Trường hợp người nước ngoài đã được cấp thị thực điện tử hoặc nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực hoặc đề nghị cấp thị thực điện tử nhưng chưa được cấp khi Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 51/2019/QH14.