Decuongtuyentruyen.com biên soạn giới thiệu đề cương tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019. Luật được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực 01/7/2020.
Tài liệu được biên soạn dựa vào hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và tài liệu giới thiệu của Bộ Công an.
I. SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
1. Xuất phát từ yêu cầu luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam
Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và đã được Quốc hội đồng ý kéo dài thời gian thí điểm. Thực hiện Nghị quyết số 74/2018/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử, khắc phục những khó khăn, tồn tại qua 02 năm thí điểm, đồng thời, mở rộng danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử (bổ sung 34 nước và 05 cửa khẩu). Trong 06 tháng đầu năm, số lượng người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tăng đáng kể (tăng 95% so với cùng kỳ năm 2018).
(Danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam)
Chính sách thí điểm cấp thị thực điện tử đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước. Về kinh tế – xã hội, chính sách cấp thị thực điện tử đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch; về đối ngoại, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam đánh giá cao chính sách cấp thị thực điện tử của Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia trong giai đoạn hội nhập; an ninh, quốc phòng được đảm bảo, chưa phát sinh phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; hệ thống cấp thị thực điện tử hoạt động ổn định, an toàn.
2.Xuất phát từ yêu cầu kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan
Qua tổng kết việc thi hành Luật Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, Chính phủ thấy rằng Luật đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, góp phần phát triển kinh tế – xã hội gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh; bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để phù hợp với một số quy định của pháp luật khác có liên quan và thực tiễn công tác quản lý, cụ thể:
(Xem đề cương giới thiệu Luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam)
– Một là, người nước ngoài vào đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được miễn thị thực 30 ngày, tuy nhiên, quy định trên chưa được áp dụng do chưa có đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Trong khi đó, từ năm 2013, người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển Phú Quốc được miễn thị thực với thời gian tạm trú 30 ngày (như đối với đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
– Hai là, thị thực, thẻ tạm trú ĐT cấp cho cá nhân người nước ngoài là nhà đầu tư và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Việc quy định chung ký hiệu thị thực cấp cho hai đối tượng trên gây khó khăn trong việc xác định mục đích và công tác thống kê. Do đó, cần bổ sung ký hiệu thị thực cấp cho luật sư để phân biệt người nước ngoài là nhà đầu tư và người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư quy định nhà đầu tư bao gồm tổ chức và cá nhân (khoản 13, Điều 3) nhưng Luật số 47 chưa quy định cấp thị thực, thẻ tạm trú ĐT cho cá nhân là đại diện tổ chức đầu tư tại Việt Nam.
– Ba là, người nước ngoài có giấy chứng nhận đầu tư, góp vốn cho doanh nghiệp đều được cấp thị thực, thẻ tạm trú (ĐT) có thời hạn 5 năm. Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp lợi dụng để hợp thức cho người nước ngoài ở lại lâu dài tại Việt Nam (góp số vốn nhỏ, thậm chí chỉ 10 triệu đồng).
– Bốn là, Việt Nam mới ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Theo Hiệp định, người nước ngoài vào thành lập hiện diện thương mại và chào bán dịch vụ (không có cơ quan, tổ chức tại Việt Nam mời, bảo lãnh) được cấp thị thực đến 12 tháng. Trong khi đó, Luật số 47 quy định người nước ngoài xin cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam phải có cơ quan, tổ chức bảo lãnh. Do đó, không thể áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế để cấp thị thực cho các trường hợp này.
3. Xuất phát từ yêu cầu tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia
– Trong những năm gần đây, khách du lịch tàu biển vào Việt Nam ngày càng tăng, số lượng lớn (mỗi đoàn thường trên 1.500 người). Bên cạnh đó, trong lĩnh vực quốc phòng, hải quân Việt Nam tăng cường hợp tác với hải quân các nước, nhiều tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động giao lưu, tọa đàm… Do đó, cần bổ sung quy định về việc cấp thị thực theo danh sách cho các trường hợp này.
– Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó có chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam bằng cổng kiểm soát tự động. Để tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, cần nghiên cứu bổ sung quy định việc nhập cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài qua cổng kiểm soát tự động.
– Tại các Diễn đàn Doanh nghiệp, Diễn đàn Du lịch, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày đã gây khó khăn cho khách du lịch nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch hoặc về nước. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc trên.
– Trên thực tế, có nhiều người nước ngoài được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc sau đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép lao động. Nếu yêu cầu số khách này xuất cảnh để làm lại thủ tục cấp thị thực (do thị thực không được chuyển đổi mục đích) sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức và chưa thực sự tạo điều kiện đối với người nước ngoài trong trường hợp chính đáng.
Với những lý do trên, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 là cần thiết.
II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
Luật sửa đổi 17 điều, bổ sung 3 điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 với các nội dung sau đây:
1. Quy định việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh VIệt Nam, bổ sung các quy định về: khái niệm, giá trị sử dụng, ký hiệu, thời hạn, đối tượng cấp thị thực điện tử; trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử; cấp thị thực qua giao dịch điện tử; điều kiện, thẩm quyền quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử, các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
2. Quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày đói với người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam (quy định trên nhằm tiếp tục thực hiện việc miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, Kiên Giang theo Quyết định 80/2013/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
3. Bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày để tiếp tục tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để du lịch theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó sang nước thứ 3 rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch.
4. Quy định cấp thị thực theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu.
5. Quy định 4 trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực, cụ thế:
a) Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;
c) Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;
d) Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Quy định trên để tạo điều kiện cho các trường hợp chính đáng như: người nước ngoài nhập cảnh do cơ quan, tổ chức mời bảo lãnh để làm việc, sau đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép lao động…thì không phải xuất cảnh, mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo lãnh có thể làm thủ tục xin cấp thị thực mới theo đúng mục đích nhập cảnh.
6. Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho lao động nước ngoài để phân biệt người nước ngoài được cấp giấy phép lao động và người nước ngoài không thuộc diện cấp phép lao động; ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho luật sư nước ngoài để phân biệt người nước ngoài là nhà đầu tư và người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam.
7. Sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài (Luật 2014 chỉ quy định một loại thị thực, thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT với thời hạn 5 năm) theo hướng: căn cứ mức vốn đầu tư hoặc ngành, nghề, địa bàn ưu đãi, khuyến khích đầu tư để cấp thị thực, thẻ tạm trú có ký hiệu và thời hạn phù hợp. Theo đó, nhà đầu tư có vốn góp dưới 3 tỷ đồng chỉ được cấp thị thực không quá 1 năm, nhà đầu tư có vốn góp có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm.
8. Quy định việc cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu bằng thời hạn thị thực (Luật 2014 quy định người sử dụng thị thực có giá trị trên 12 tháng thì cấp tạm trú không quá 12 tháng) nhằm đơn giản hóa thủ tục tại cửa khẩu. Riêng thị thực du lịch có thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày để hạn chế tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của cấp thị thực du lịch đến 3 tháng vào VIệt Nam hoạt động vi phạm pháp luật (tội phạm công nghệ cao, lao động không phép, kinh doanh du lịch trái phép…).
9. Giao Chính phủ quy định: việc người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực miễn thị thực theo quy định của luật có nhu cầu đến các địa điểm khác của Việt Nam; việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam; hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh qua Cổng kiểm soát tự động.