Đề cương giới thiệu Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019

Decuongtuyentruyen.com biên soạn giới thiệu đề cương tuyên truyền Luật Lực lượng Dự bị động viên 2019. Luật được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019, có hiệu lực 01/7/2020.

Tài liệu được biên soạn dựa vào hồ sơ dự án Luật Lực lượng Dự bị động viện và tài liệu giới thiệu của Bộ Quốc phòng.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nam khóa IX thông qua ngày 27/8/1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 09/9/1996. Sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên (DBĐV) nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đề cương giới thiệu Luật lực lượng dự bị động viên
Đề cương giới thiệu Luật lực lượng dự bị động viên

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV, như: Luật quốc phòng, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật dân quân tự vệ; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản QPPL tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cụ thể ở một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất: Từ năm 1996 đến nay, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị với nhiều chủ trương, quan điểm mới về lực lượng DBĐV cần phải được thể chế hóa như:

Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 05/10/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên “tổ chức xây dựng các đơn vị dự bị động viên có chất lượng toàn diện, chú trọng nâng cao chất lượng về chính trị, không ngừng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân nhân dự bị; quản lý và huấn luyện chặt chẽ, bảo đảm vũ khí trang bị, vật chất hậu cần để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ trong mọi tình huống diễn ra trên địa bàn và kịp thời bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội theo yêu cầu”.

(Xem  đề cương tuyên truyền các văn bản Luật tại đây)

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, xác định rõ và đồng bộ phương hướng, mục tiêu, quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu về xây dựng khu vực phòng thủ: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với lực lượng dân quân tự vệ, công an xã và lực lượng DBĐV. Coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục và huấn luyện lực lượng vũ trang địa phương…”.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã có sự phát triển về phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng DBĐV nói riêng: “Tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh tổ chức quân đội để có cơ cấu cân đối giữa các quân, binh chủng, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng thường trực và DBĐV. Tổ chức quân đội theo hướng tinh, gọn, cơ động, có sức chiến đấu cao… Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, lực lượng DBĐV hùng hậu, có chất lượng cao”.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa…” và khẳng định: “… Xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, chủ động chuẩn bị lực lượng và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, đủ khả năng bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia trong mọi tình huống…”.

Thứ hai: Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, về xây dựng lực lượng DBĐV; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và một số quy định khác liên quan đến lực lượng DBĐV. Trong khi đó, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để phù hợp với Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14); “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng DBĐV hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” (Điều 66). Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận quyền về an sinh xã hội của công dân tại Điều 34. Theo đó công dân có quyền bảo đảm an sinh xã hội, đây là điểm mới về quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và mở rộng đối tượng bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định tại khoản 1 Điều 58 “Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện BHYT toàn dân…”. Để mọi công dân được bảo đảm quyền này, khoản 2 Điều 59 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người tàn tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn”. Kết nối các quy định này trong Hiến pháp 2013, có thể khẳng định rằng đây là quy định thể hiện bước phát triển mới về quyền con người của công dân về an sinh xã hội nói chung và về bảo hiểm xã hội, BHYT nói riêng.

Thứ ba: Luật bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Thông tư số 17/2014/TT-BTP, ngày 13/8/2014 quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, cụ thể như sau:

Quá trình lập đề nghị xây dựng dự án Luật: Đã tổ chức rà soát, nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan, xác định cơ bản dự án Luật không có tác động nhiều về giới. Tuy nhiên, trong mỗi chính sách xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đều lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Như, xây dựng chính sách huy động lực lượng DBĐV trong tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Huy động lực lượng DBĐV phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội khi chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khảo sát toàn diện và nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới để xây dựng chính sách cho lực lượng dự bị động viên; đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập với sự tham gia của đại diện 16 bộ; trong đó tỷ lệ nữ là 4/38 đồng chí đạt 10,5%.

Thứ tư: Qua Tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trên phạm vi cả nước đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nổi bật là: Thực hiện chế độ nền nếp đăng ký, quản lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 năm/lần đối với sĩ quan dự bị (SQDB) đã sắp xếp vào đơn vị DBĐV và tổ chức sinh hoạt toàn thể SQDB ở nhiều địa phương chưa thực hiện được; việc triển khai đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật (PTKT) của nền kinh tế quốc dân chưa thực sự hiệu quả, các chủ phương tiện chưa tự giác chấp hành việc đăng ký, quản lý của cơ quan quân sự địa phương, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Nguồn quân nhân dự bị (QNDB) tuy nhiều nhưng phân bố không đều; tập trung nhiều ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, các thành phố lớn; các tỉnh miền Núi, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam việc tổ chức các đơn vị DBĐV gặp khó khăn do chất lượng chuyên nghiệp quân sự (CNQS) của QNDB đạt thấp. SQDB thiếu so với yêu cầu do đầu vào hạn chế, số giải ngạch nhiều hơn số đăng ký vào ngạch; đào tạo SQDB chưa đáp ứng được nhu cầu do nguồn kinh phí hạn hẹp; chất lượng SQDB thấp, chủ yếu là đào tạo từ hạ sĩ quan (HSQ) chuẩn bị xuất ngũ, thời gian đào tạo ngắn, việc đào tạo, bổ túc, theo chức vụ chưa làm thường xuyên nên năng lực chỉ huy, huấn luyện, quản lý đơn vị DBĐV còn hạn chế. Công tác đào tạo HSQ chỉ huy, đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật mới bảo đảm yêu cầu hiện tại của đơn vị; chưa đáp ứng cho công tác tạo nguồn động viên ở địa phương theo khu vực vùng, miền.

Thực tiễn đòi hỏi, huy động lực lượng DBĐV tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm; tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định trong Pháp lệnh.

Đề cương tuyên truyền Luật Dân quân tự vệ 2019
Đề cương giới thiệu Luật lực lượng dự bị động viên

Việc bảo đảm doanh trại, thao trường, bãi tập cho huấn luyện tập trung đơn vị dự bị động viên gặp nhiều khó khăn; các đơn vị bộ đội địa phương cơ bản chưa có doanh trại, thao trường, bãi tập để tổ chức huấn luyện; một số đơn vị tổ chức huấn luyện phải ở nhờ trường học, hội trường ủy ban để làm nơi ăn, nghỉ cho quân nhân dự bị trong thời gian huấn luyện (sáng đi tối về hoặc ở trong nhà dân), do đó chưa kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện của đơn vị dự bị động viên.

Chế độ, chính sách đối với QNDB quy định trong Pháp lệnh không phù hợp với thực tế mặt bằng thu nhập chung của xã hội, chưa bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng được hưởng trong cùng hoàn cảnh, cùng điều kiện và chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (Luật dân quân tự vệ quy định chế độ được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ từ cấp tiểu đội, khẩu đội trở lên). Mặt khác, Pháp lệnh chưa quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với người được huy động phục vụ nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng DBĐV; chưa quy định chế độ, chính sách đối với chủ phương tiện khi có phương tiện được huy động.

Thứ năm: Từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, an ninh phi truyền thống sẽ được sử dụng là chủ yếu, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh. Mặt khác, thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến… để tiến hành chiến tranh. Nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược nếu xảy ra, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Pháp lệnh nâng thành Luật lực lượng DBĐV tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xuất phát từ những vấn đề trên, việc xây dựng Luật lực lượng DBĐV là hết sức cần thiết.

II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

Luật Luật lượng Dự bị động viên 2019 đã tạo khung hành lang pháp lý về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để xây dựng lực lượng động viên hùng hậu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Một số nội dung chưa quy định cụ thể tại Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên 1996  nay đã quy định cụ thể trong Luật Lực lượng dự bị động viên như: Quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của quân nhân dự bị, của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị, trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên khi thi hành thiết quân luật, để phòng, chống khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

Luật Lực lượng dự bị động viên có 5 chương, 41 điều với nội dung chính như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Điều luật xác định các vấn đề Luật điều chỉnh; so với Pháp lệnh năm 1996  đây là điều luật mới được bổ sung, bảo đảm kỹ thuật xây dựng văn bản theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Nội dung quy định tại điều này xác định đối tượng mà các quy định của Luật tác động tới. Nội dung điều luật đã liệt kê cụ thể các đối tượng áp dụng, đảm bảo kỹ thuật soạn thảo văn bản.

2. Quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị; Bồi thường thiệt hại do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra (Điều 5, Điều 6)

Nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị , người vận hành, người điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị và quy định về bồi thường thiệt hại, đồng thời viện dẫn mức bồi thường, việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản bảo đảm rõ ràng, minh bạch và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đúng quy định của Hiến pháp về quyền tài sản của công dân.

3. Về kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên (Điều 8, 9, 10 và Điều 11)

Luật quy định cụ thể thẩm quyền lập kế hoạch, nội dung kế hoạch, thẩm định, phê duyệt và rà soát, điều chỉnh lập mới kế hoạch nhằm đảm bảo thống nhất hệ thống kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên các cấp từ Trung ương đến địa phương, cũng như trong quân đội được giao bảm đảm tính kế hoạch trong xây dựng lực lượng dự bị động viên từ thời bình để sẳn sàng bổ sung lực lượng thường trực của Quân đội khi có tình huống xảy ra kịp thời, hiệu quả.

4. Đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị (Điều 13)

Luật quy định việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị dựa trên cơ sở cơ quan đăng ký quyền sở hữu phương tiện , định kỳ hằng năm cung cấp thông tin đăng ký phương tiện kỹ thuật dự bị; tạo điều kiện thuận lợi, tránh gây phiền hà cơ quan, tổ chức trong đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị. Việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị được quy định trong Luật không ảnh hưởng đến quyền của công dân về tài sản.

Tùy theo tính chất nhiệm vụ của lực lượng dự bị động viên và tình hình phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, dân sự trong từng thời kỳ, giai đoạn  mà yêu cầu huy động phương tiện kỹ thuật dự bị khác nhau. Để đảm bảo sự linh động, bảo mật trong tác chiến, nên Luật giao Chính phủ quy định danh mục phương tiện kỹ thuật dự bị và việc đăng ký, quản lý phương tiện, kỹ thuật dự bị.

5. Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình (Điều 17)

Luật quy định đội tuổi của quân nhân dự bị trên cơ sở đã đánh giá kỹ những tác động, bảo đảm nguồn để huy động vào lực lượng dự bị động viên. Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình nhằm đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng của quân nhân dự bị để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Khi có chiến tranh,việc gọi quân nhân dự bị vào thực hiện tại ngũ được thực hiện theo Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự.

6.Các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 24)

Luật quy định trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, đồng thời bổ sung khi thi hành lệnh thiết quân luật; huy động Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi, thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng năm 2018 và quy định của pháp luật có liên quan.

7. Về chế độ, chính sách cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 29, 30, 31 và Điều 32)

Luật quy định chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị được xếp vào đơn vị dự bị động viên, quân nhân dự bị được bổ nhiệm chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên; chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; chế độ trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; chế độ, chính sách đối với người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị trong thời gian huy động.

Việc Luật quy định như trên được rà soát chặt chẽ, đầy đủ đối tượng, trách nhiệm, quyền lợi, thể hiện quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đối tượng được hưởng, thống nhất quy định của pháp luật. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết chế độ, chính sách nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của từng thời kỳ, từng giai đoạn để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

8. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức (Điều 40)

Luật quy định Cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kim tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; tiếp nhận, bố trí công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ.

Việc quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm quyền lợi của quân nhân dự bị khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện để quân nhân dự bị yên tâm tư tưởng phục vụ trong ngạch dự bị.

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *