Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn đọc Đề cương tuyên truyền Luật Phòng thủ dân sự năm 2023, gồm 02 phần: Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự năm 2023. Phần 2: Những nội dung cơ bản Luật Phòng thủ dân sự năm 2023
Phần I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Phòng thủ dân sự luôn là vấn đề lớn đối với mỗi quốc gia, dân tộc nhằm bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Đa số các quốc gia trên thế giới, bằng hình thức hoặc tên gọi khác nhau nhưng đã ban hành đạo luật riêng nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phòng thủ dân sự.
Việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự xuất phát từ 03 lý do cơ bản sau:
Một là, thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các thảm họa, sự cố, giảm thiểu thiệt hại góp phần củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới đã được quy định tại các Nghị quyết như: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Hai là, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến hạn chế quyền công dân và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Ba là, khắc phục những bất cập trong thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế – xã hội đã được đúc kết qua công tác phòng chống dịch Covid 19 thời gian qua.
Phần 2. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ NĂM 2023
Những quy định chung
1.1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Luật này quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.
Luật này áp dụng cho tổ chức, cá nhân, kể cả những tổ chức cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
1.2. Nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự.
Luật quy định 07 nguyên tắc phòng thủ dân sự (Điều 3), trong đó, một trong những nguyên tắc quan trọng là “Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân.”
1.3. Về áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và pháp luật có liên quan
Luật quy định 03 nguyên tắc trong áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và pháp luật có liên quan (Điều 4), cụ thể:
– Hoạt động phòng thủ dân sự trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự và quy định của pháp luật có liên quan.
– Trường hợp luật khác ban hành trước ngày Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành có quy định khác về hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa mà không trái với nguyên tắc của Luật này thì thực hiện theo quy định của luật đó.
– Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về phòng thủ dân sự khác với quy định của Luật Phòng thủ dân sự thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.
1.4. Chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự
Đối với hoạt động phòng thủ dân sự, Nhà nước có các chính sách như sau: (i) Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng theo quy hoạch, kế hoạch; mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự; (ii) Nâng cao năng lực cho lực lượng phòng thủ dân sự, xây dựng lực lượng chuyên trách về tổ chức và trang bị hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường trang bị, phương tiện lưỡng dụng cho lực lượng vũ trang; (iii) Huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự; (iv) Phát triển, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và hiện đại vào hoạt động phòng thủ dân sự; (v) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự; (vi) Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho hoạt động phòng thủ dân sự trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế; (vii) Bảo đảm dự trữ quốc gia cho hoạt động phòng thủ dân sự.
1.5. Cấp độ phòng thủ dân sự
Điều 7 của Luật quy định: Cấp độ phòng thủ dân sự là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự. Cấp độ phòng thủ dân sự gồm: Phòng thủ dân sự cấp độ 1, Phòng thủ dân sự cấp độ 2 và Phòng thủ dân sự cấp độ 3.
Các căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự bao gồm: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm hoạ; Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa; Diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; Khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng phòng thủ dân sự.
1.6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự
Để bảo đảm các hoạt động phòng thủ dân sự được thực hiện có kiểm soát và có trách nhiệm, Điều 10 của Luật đã quy định 09 hành vi cấm trong hoạt động phòng thủ dân sự, cụ thể như sau: (i) Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép; (ii) Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự; (iii) Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân; (iv) Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm họa; (v) Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự; (vi) Xây dựng công trình làm giảm hoặc làm mất công năng của công trình phòng thủ dân sự; xây dựng trái phép công trình trong phạm vi quy hoạch công trình phòng thủ dân sự, công trình phòng thủ dân sự hiện có; (vii) Sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích; khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng; (viii) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; lợi dụng sự cố, thảm họa để huy động, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự không đúng mục đích; (ix) Lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hoạt động phòng thủ dân sự
2.1. Hoạt động phòng ngừa
Mục 1, Chương II Luật quy định hoạt động phòng ngừa sự cố, thảm họa phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung như: xây dựng Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự; kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp từ cấp quốc gia đến kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp địa phương; Công trình phòng thủ dân sự; trang thiết bị phòng thủ dân sự; hoạt động theo dõi, giám sát nguy cơ về sự cố, thảm họa; hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng thủ dân sự; hoạt động đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập phòng thủ dân sự. Theo đó, Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm và được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc khi xảy ra sự cố, thảm họa, chiến tranh, do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
2.2. Hoạt động phòng thủ dân sự khi có nguy cơ và khi xảy ra sự cố, thảm họa
Mục 2 Chương II Luật quy định về các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa; chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó sự cố, thảm họa.
Mục 3 Chương II Luật quy định về phân cấp, phân quyền đối với chính quyền địa phương các cấp được phép áp dụng biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với từng cấp, như: Ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản; biện pháp phòng thủ dân sự trong các cấp độ phòng thủ dân sự, trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh; hệ thống chỉ đạo, chỉ huy và lực lượng phòng thủ dân sự.
2.3. Hoạt động khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa
Mục 4, Chương II Luật quy định biện pháp khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; thống kê, đánh giá thiệt hại; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục thiệt hại; huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ.
Chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự
3.1. Cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự
Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước. Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Thành viên Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia có trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Ban chỉ đạo trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật. Ban chỉ huy phòng thủ dân sự được thành lập ở Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng, Trưởng ngành Trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý. Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương được thành lập ở cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh, có chức năng tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý. Cơ quan quân sự các cấp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cùng cấp. Thành viên Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương có trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Ban chỉ huy trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công.
3.2. Lực lượng phòng thủ dân sự
Lực lượng phòng thủ dân sự gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi, trong đó: Lực lượng nòng cốt bao gồm Dân quân tự vệ và Dân phòng; Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của Bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương; lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự
Chương IV Luật quy định về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự, trong đó:
a) Cá nhân có các quyền sau: (i) Tiếp cận thông tin về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật; (ii) Được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại do sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật; (iii) Được hưởng tiền công lao động khi tham gia hoạt động phòng thủ dân sự theo quyết định huy động của người có thẩm quyền; (iv) Được hoàn trả trang thiết bị, tài sản đã huy động ngay sau khi kết thúc việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; trường hợp trang thiết bị, tài sản đã huy động bị thiệt hại hoặc tiêu hao thì được bồi thường, thanh toán theo quy định của pháp luật; (v) Khi tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa nếu bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; nếu bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì được xem xét, hưởng chế độ, chính sách theo quy định.
b) Cá nhân có các nghĩa vụ sau: (i) Thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự theo kế hoạch phòng thủ dân sự của địa phương; (ii) Tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tham gia hoạt động phòng thủ dân sự khi được huy động; (iii) Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả năng để đảm bảo an toàn trước sự cố, thảm họa; (iv) Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình khi sự cố, thảm họa xảy ra; tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống sự cố, thảm họa; giúp đỡ người bị thiệt hại do sự cố, thảm họa tại địa phương; thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong khu vực sinh sống và làm việc; (v) Chấp hành hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra, vào khu vực nguy hiểm; chấp hành quyết định huy động nhân lực, trang thiết bị, tài sản để phục vụ hoạt động ứng phó khẩn cấp của người có thẩm quyền; (vi) Thông báo, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền về diễn biến, thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra khi có điều kiện thực hiện.
c) Cơ quan, tổ chức có các quyền sau: (i) Tiếp cận thông tin về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật; (ii) Tham gia hoạt động phòng thủ dân sự tại địa phương; (iii) Được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại do sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật; (iv) Được hoàn trả trang thiết bị, tài sản đã huy động ngay sau khi kết thúc việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; trường hợp trang thiết bị, tài sản đã huy động bị thiệt hại hoặc tiêu hao thì được bồi thường, thanh toán theo quy định của pháp luật; (v) Tham gia, phối hợp thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng thủ dân sự.
d) Cơ quan, tổ chức có các nghĩa vụ sau: (i) Tuyên truyền, vận động người lao động, thành viên trong cơ quan, tổ chức mình, người dân chấp hành quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự; (ii) Chủ động xây dựng, bảo vệ công trình, cơ sở vật chất thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo an toàn trước sự cố, thảm họa; (iii) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; (iv) Chấp hành quyết định huy động nhân lực, trang thiết bị, nhu yếu phẩm của người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động phòng thủ dân sự; (v) Chủ động thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong phạm vi quản lý; (vi) Chủ động khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại khi để xảy ra sự cố, thảm họa trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
đ) Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa tại Việt Nam có các quyền sau:
Được miễn thuế, lệ phí về nhập khẩu, xuất khẩu đối với trang thiết bị, hàng hóa phục vụ hoạt động cứu trợ khẩn cấp, tìm kiếm, cứu nạn theo quy định của pháp luật về thuế, lệ phí;
Được ưu tiên thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú cho lực lượng; nhập khẩu, xuất khẩu đối với trang thiết bị, hàng hóa phục vụ hoạt động cứu trợ, tìm kiếm, cứu nạn theo quy định của pháp luật.
e) Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa tại Việt Nam có các nghĩa vụ sau:
Đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
Hoạt động đúng mục đích đã đăng ký, tuân thủ pháp luật Việt Nam.
g) Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 36, Điều 37, Điều 38 của Luật.
Bên cạnh đó Luật Phòng thủ dân sự còn quy định về nguồn lực cho phòng thủ dân sự, chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự