Đề cương tuyên truyền Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV,  ngày 17/6/2020, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2020 với  với 92,34%  đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Để kịp thời tuyên truyền Luật Đầu tư (sửa đổi)  năm 2020, decuongtuyentruyen.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Luật Đầu tư (sửa đổi)  năm 2020. Đề cương được biên soạn dựa trên hồ sơ dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2020 và các bài viết có liên quan đến dự án Luật, Thông cáo số 03/TC-BKHĐT của Bộ Kế hoạch Đầu tư ngày 09/7/2020 về giới thiệu Luật Đầu tư. Đề cương gồm 03 phân: Phần 01 – Sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) . Phần 02 – Mục đích, quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư. Phần 3- Những nội dung cơ bản của Luật Đầu tư (sửa đổi).

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật Đầu tư,Luật Doanh nghiệp và một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Đề cương giới thiệu luật đầu tư sửa đổi 2020
Đề cương tuyên truyền luật đầu tư sửa đổi 2020

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn hơn 4 năm thi hành Luật Đầu tư đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các Luật này bởi những lý do sau đây:

Một là, Luật Đầu tư cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; đáp ứng yêu cầu huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

– Quá trình thực hiện Luật Đầu tư và một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua cho thấy còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các Luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường…. Sự trùng lặp, chồng chéo trong các quy định về vấn đề này giữa các Luật đã và đang gây nhiều khó khăn cho cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động này.

– Một số nội dung của Luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được quy định đầy đủ, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm thực thi nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

– Các hình thức đầu tư chậm được đổi mới, chưa thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của các mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới trong bối cảnh Cánh mạng công nghiệp lần thứ 4.

– Các lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư còn dàn trải; hình thức, tiêu chí, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư thiếu tính linh hoạt, chưa thật sự hướng mạnh vào việc thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các ngành, vùng, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài …

– Các quy định của Luật về thẩm quyền, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thủ tục thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, điều chỉnh, tạm ngừng, giãn tiến độ, chấm dứt dự án đầu tư… còn một số nội dung thiếu tính khả thi, hợp lý và đồng bộ với các Luật có liên quan. Luật cũng chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

–  Các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện chưa được cập nhật, hệ thống hóa để bảo đảm tính minh bạch và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động này; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài còn phức tạp, thiếu tính khả thi và hợp lý.

Hai là, bên cạnh những thành tựu quan trọng, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN)trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và những vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi  phải có quan điểm, định hướng và giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn vốn này cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (sau đây gọi là Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị) đã đánh giá toàn diện tình hình thu hút, sử dụng nguồn vốn ĐTNN hơn 30 năm qua, trong đó đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hoạt động thu hút nguồn vốn này, như: chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ĐTNN còn hạn chế; mất cân đối trong thu hút và sử dụng vốn ĐTNN; tính liên kết giữa khu vực ĐTNN với khu vực kinh tế trong nước chưa chặt chẽ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐTNN còn hạn chế; quy trình, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án ĐTNN chưa bảo đảm chặt chẽ; công tác quản lý, triển khai dự án đầu tư còn nhiều bất cập; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ĐTNN chưa thực sự phát huy hiệu quả…  

Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực và vấn đề mới phát sinh trong hoạt động của các dự án ĐTNN (như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, đầu tư ”chui”, “núp bóng” thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam…).Trong bối cảnhđó, Luật Đầu tư cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện công cụ cần thiết để bảo đảm, thu hút nhà đầu tư thật sự có năng lực để thực hiện dự án đầu tư có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng hiệu quả các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lao động, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và xử lý những bất cập nêu trên.

Ba là, Luật Đầu tư cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết hội nhập, góp phần cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Việc Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi, mức độ cam kết cao hơn về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư, thương mại  cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, trong đó có Luật Đầu tư nhằm bảo đảm thực hiệncam kết hội nhập.

Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn sửa đổi toàn diện Luật Đầu tưnhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Một số vấn đề lớn mà các doanh nghiệp kỳ vọng có bước đột phá hơntrong Luật này là: tiếp tục bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; cải cách, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục thực hiện dự án đầu tư…

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂMVÀ YÊU CẦU XÂY DỰNG LUẬT

1. Mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật này là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết củaĐảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Những mục tiêu cụ thể Luật này gồm:

Một là,nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lựcđầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Hai là,hoàn thiệncác quy địnhvề ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấmhoặc quy định phải có điều kiện.

Ba là,tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

  1. Yêu cầu xây dựng Luật:

– Bảo đảm thi hành đầy đủ, nhất quán những cải cách của Luật Đầu tư gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ  về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

– Bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư và các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, chuyển giao công nghệ…

– Bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên quan đến mở cửa thị trường,tự do hóa và bảo hộ đầu tư theo các Hiệp định đầu tư song phương cũng như Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

III. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐẦU TƯ SỬA ĐỔI

Với 92,34%  đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020, với 7 chương 77 điều và 4 phụ lục, gồm  những nội dung chủ yếu sau:

1. Về nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật khác có liên quan (Điều 4)

Nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật này sửa đổi, bổ sung Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, Luật này đã sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định trong Luật Đầu tư 2014 để đảm bảo tính thống nhất với các Luật liên quan đến đất đai, thuế, đồng thời sửa đổi 06 Luật khác để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư năm 2020, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Điện ảnh.

2. Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Điều 6,7,8,9)

Nhằm tiếp tục thể chế hóa nguyên tắc Hiến định và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm, đồng thời góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, Luật này đã   bổ sung một số quy định sau:

+ Bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư,kinh doanh.

+ Sửa đổi, bổ sung quy định tại các phụ lục I, II, III về cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, khoáng vật độc hại  và động, thực vật hoang dã cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước với sản phẩm này theo theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế có liên quan.

+ Tiếp tục cắt, giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp  (gồm 22 ngành nghề quy định tại phụ lục IV).

Đồng thời, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi  trong việc áp dụng cam kết về mở cửa  thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Luật này đã quy định Danh mục ngành nghề  tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận “chọn bỏ” (Điều 9).

3. Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (các Điều từ 15-20)

Luật này đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo Nghi quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật có liên quan; cụ thể là:

+ Bổ sung quy định khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành; phát triển công nghiệp môi trường.

+ Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện chính sách này (như áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải đảm bảo đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật).

+ Bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển  nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay (cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50% so với mức cao nhất theo quy định của Luật hiện hành).

4. Về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không cần thiết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, Luật này quy định một số nội dung sau:

+ Phân định rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; chấp thuận nhà đầu tư, chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư (Điều 29).

+ Áp dụng thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư  đối với các dự án xây dựng nhà ở và đô thị để tránh trùng lặp về thẩm quyền, thủ tục quyết định/chấp thuận đầu tư dự án nhà ở, đô thị theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về nhà ở, đô thị (điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32).

+ Bãi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5000 tỷ đồng trở lên và không áp dụng thủ tục chấp thuận chủ trưởng đầu tư đối với dự án của cá nhân, hộ gia đình.

+ Phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư, xây dựng và kinh doanh sân gôn (điểm c khoản 1 Điều 32).

+ Mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án  (như quyền chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, điều chuyển dự án…).

+ Điều chỉnh phạm vi các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp (khoản 2 Điều 26).

Ngoài ra, Luật đã bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết các hình thức đầu tư mới nhằm đảm bảo thích ứng với các mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

5. Về quản lý nhà nước và bảm đảm an ninh, quốc phòng

Luật đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng:

+ Xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng (khoản 3 Điều 5, điểm c khoản 2 Điều 26, điểm d khoản 1 Điều 32).

+ Bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết  để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế (Điều 45).

+ Bổ sung quy định không gia hạn thực hiện dự án đầu tư đối với dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và dự án có điều kiện chuyển giao không bồi hoàn (khoản 4 Điều 44).

+ Bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở  giao dịch giả tạo về vốn nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng (điểm e khoản 2 Điều 48)./.

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *