Đề cương tuyên truyền Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV,  ngày 17/6/2020, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Xây dựng (sửa đổi)  với  với 92,96%  đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Để kịp thời tuyên truyền Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020, decuongtuyentruyen.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Luật Xây dựng (sửa đổi)   năm 2020. Đề cương được biên soạn dựa trên hồ sơ dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020 và các bài viết có liên quan đến dự án Luật. Đề cương gồm 03 phân: Phần 01 – Sự cần thiết ban hành Luật Xây dựng (sửa đổi)  . Phần 02 – Mục đích, quan điểm xây dựng Luật Xây dựng (sửa đổi) . Phần 3- Những nội dung cơ bản của Luật Xây dựng (sửa đổi).

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Luật Xây dựng năm 2014 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Giới thiệu Luật xây dựng sửa đổi 2020
Đề cương tuyên truyền luật xây dựng sửa đổi 2020

Sau khi Luật được thông qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật. Các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành; các Bộ, ngành cơ quan trung ương, chính quyền các cấp và các chủ thể liên quan khác đã chủ động tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là: hiệu lực, hiệu quả nhà nước về xây dựng đã được nâng cao hơn, các hoạt động xây dựng ngày càng đi vào trật tự, nền nếp, bảo đảm, nâng cao chất lượng công trình xây dựng và hiệu quả đầu tư xây dựng, góp phần tạo lập thị trường xây dựng ngày càng công khai, minh bạch, đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay đã có một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật, cụ thể là:

(1) Yêu cầu phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước:

– Một số định hướng trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính:

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII số 11-NQ/TW ngày 03/06/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau khi xem xét đề nghị của Chính phủ, tại Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Quốc hội đã bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

(2) Trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xây dựng năm 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định về các nội dung như về công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế; về thành lập, vận hành Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực; về công bố hệ thống đơn giá, định mức; về xây dựng công trình có tính cấp bách; về điều chỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị…

 (3) Sau khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14; các Luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai…Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Từ các phân tích nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM VÀ YÊU CẦU XÂY DỰNG LUẬT

  1. Mục đích

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

  1. Quan điểm, yêu cầu xây dựng Luật

(1) Phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

(2) Phù hợp với thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất và đã được đánh giá tác động, để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện.

(3) Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính tương thích của các chính sách với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

(4) Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, tăng cường phân cấp hợp lý và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng.

III. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT XÂY DỰNG SỬA ĐỔI

Với 92,96%  đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, có bố cục gồm 03 Điều. Cụ thể, Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14; Điều 3 quy định về  hiệu lực thi hành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

1. Sửa đổi, bổ sung quy định về lập thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo hướng: 

+ Quy định đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng phù hợp với pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

+ Phân tách trách nhiệm, nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi  để phê duyệt dự án của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và trách nhiệm kiểm soát các nội dung thuộc quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn về xây dựng.

+ Bổ sung nội dung thẩm định đôi với dự án xây dựng khu đô thị , dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

+ Làm rõ việc thực hiện song song, đồng thời , liên thông các thủ tục liên quan trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để rút ngắn thời gian thẩm định.

+ Quy định về thẩm quyền phê duyệt dự án phù hợp với từng loại nguồn vốn.

2. Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng quy định các hình thức quản lý dự án do người quyết định đầu tư xem xét quyết định theo quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời quy định rõ hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư  công khi người quyết định đầu tư được giao quản lý  nhiều dự án đồng thời hoặc nối tiếp, liên tục nhằm khắc phục tình trạng các bộ, ngành có ít dự án đầu tư xây dựng được triển khai vẫn phải thành lập Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực sẽ không hiệu quả và tăng biên chế.

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo hướng:

+ Làm rõ các bước thiết kế cần thẩm định, phê duyệt.

+ Giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.

+ Đơn giản hóa thủ tục hành chính; tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng  vào bước cấp phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn khác.

4. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp giấy phép xây dựng theo hướng:

+ Rà soát đối tượng được miễn phép xây dựng cho phù hợp với yêu cầu quản lý.

+ Đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng.

(Điểm mới của Luật Xây dựng năm 2020 về miễn giấy phép xây dựng)

+ Tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp phép xây dựng công trình cấp đặc biệt của Bộ xây dựng cho UBND cấp tỉnh.

+ Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng.

5. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo hệ thống định mức do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh) ban hành là cơ sở để chủ đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công xác định và quản lý chi phí đầu tự xây dựng; đối với dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, dự án thực hiện theo hợp đồng đối tác công tư , chủ đầu tư căn cứ vào các quy định quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hệ thống định mức được ban hành để sử dụng tham khảo trong xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

6. Sửa đổi, bổ sung quy định về chứng chỉ hành nghề theo hướng:

+ Lược bỏ một số đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề.

+ Bổ sung quy định tổ chức xã hội nghề nghiệp được cấp chứng chỉ của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng.

+ Quy định trách nhiệm đăng tải thông tin năng lực hoạt động xây dựng  là của cơ quan cấp chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề.

7. Sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc về đầu tư xây dựng; phân loại, phân cấp công trình xây dựng; phân loại dự án đầu tư xây dựng; sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, công trình khẩn cấp, công trình tạm; quản lý an toàn trong thi công xây dựng; phá dỡ công trình; an toàn trong thi công xây dựng công trình; bàn giao quản lý hành chính đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị.

8. Sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *