Decuongtuyentruyen.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc những vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật trên tất cả các lĩnh vực như: đô thị, đất đai, tài chính, tư pháp, xử phạt hành chính…
I. Lĩnh vực quản lý đô thị
1. Về quy hoạch phát triển đô thị
Tại điểm k khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 quy định về các công trình được miễn phép xây dựng gồm: “Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa”. Thực tiễn áp dụng gặp khó khăn vì chưa có khái niệm Quy hoạch phát triển đô thị nên chưa đủ cơ sở để buộc người dân ở nông thôn phái xin Giấy phép xây dựng đối với khu vực đã có Quy hoạch phân khu, Quy hoạch nông thôn mới, Quy hoạch khu công nghiệp…
2. Về quản lý xây dựng đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 15/2016/TT-BXD của Bộ xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng, thì việc quản lý trật tự xây dựng đối với công trình được cấp giấy phép xây dựng như sau: “Việc quản lý trật tự xây dựng căn cứ vào nội dung được quy định trong giấy phép xây dựng đã được cấp và các quy định của pháp luật có liên quan”
Đối với công trình nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn Giấy phép xây dựng nhưng khi cá nhân có nhu cầu thì cơ quan có thẩm quyền vẫn phải cấp Giấy phép xây dựng và khi đã có Giấy phép xây dựng mà cá nhân đó xây dựng không đúng Giấy phép hoặc sai giấy phép thì có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không.
3. Về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất
– Cơ quan đầu mối chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, theo khoản 2, Điều 33, Luật Đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư; theo Khoản 2, Điều 170 Luật Nhà ở là theo Luật Đầu tư; nhưng theo khoản 3, Điều 10, Nghị định 99/2015/NĐ-CP là Sở Xây dựng.
– Hồ sơ trình phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, theo khoản 1, Điều 33, Luật Đầu tư không yêu cầu hồ sơ quy hoạch; theo khoản 2, Điều 10, Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì phải có hồ sơ quy hoạch chi tiết được duyệt; theo khoản 2, Điều 11, Nghị định 25/2020/NĐ-CP điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất chỉ cần phù hợp quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2000 hoặc tỷ lệ 1/5000.
– Luật Đầu tư không quy định hình thức lựa chọn nhà đầu tư; theo Điều 22, Luật Nhà ở có quy định hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất; Luật Đấu thầu đã quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
4. Đối với quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư đối với dự án đầu tư công
Thông tư 03/2016/TT–BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng quy định phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng và Thông tư 07/2019/TT–BXD ngày 07/11/2019 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư 03/2016/TT-BXD không quy định việc xác định cấp công trình đối với công tác bảo trì công trình xây dựng.
II. Công tác Tư pháp
1. Công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
Theo quy định tại Điều 30 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã chỉ được ban hành Nghị quyết, Quyết định quy định những vấn đề được luật giao. Tuy nhiên, hiểu cụm từ “luật giao” như thế nào thì hiện nay vẫn còn một số quan điểm, ý kiến khác nhau. Đề nghị hướng dẫn cụ thể.
2. Công tác chứng thực, hộ tịch
– Luật Hộ tịch 2014 quy định cấp tỉnh thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch của cấp huyện, cấp huyện thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch của cấp xã cấp trái quy định pháp luật. Quy định này áp dụng thực tế chưa thật sự phù hợp, vì đối với trường hợp cơ quan ban hành tự phát hiện sai sót thì cơ quan đó tự thu hồi, hủy bỏ sẽ phù hợp và nhanh hơn là để cấp trên thu hồi, hủy bỏ.
– Theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT ngày 29/11/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, có quy định trường hợp được chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ gồm: Thay đổi, cải chính, bổ sung, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính và điều chỉnh hộ tịch. Tuy nhiên, theo Luật Hộ tịch thì không có thủ tục điều chỉnh hộ tịch.
– Hiện nay Nghị định 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định thủ tục chứng thực những người đồng thừa kế, chỉ có thủ tục chứng thực khai nhận di sản thừa kế trong trường hợp có 1 người thừa kế. Đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung thủ tục này theo hướng thủ tục chứng thực chữ ký.
III. Lĩnh vực Xử lý vi phạm hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định về thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế, trong khi đó tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế, dẫn đến trường hợp thời hạn thi hành theo quyết định đã hết nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa xong quyết định cưỡng chế thì có tiếp tục thực hiện cưỡng chế hay không vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
IV. Lĩnh vực Tài nguyên-Môi trường
1. Về xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai
– Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, thì đối với: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này. Tuy nhiên, hiện nay UBND tỉnh vẫn chưa quy định mức độ khắc phục hậu quả để địa phương thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định về buộc khôi phục tình trạng ban đầu theo điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
– Theo Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận, tuy nhiên thực tiễn người sử dụng đất có Giấy chứng nhận nhưng tự ý chia thành nhiều thửa đất rồi chuyển nhượng cho nhiều người bằng giấy viết tay dẫn đến rất lúng túng khi xử lý hành vi này.
Tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai có quy định xử phạt hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa có giấy chứng nhận.
Trường hợp trên có được xem là chưa có giấy chứng nhận hay không để xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
– Trường hợp người sử dụng đất nông nghiệp xây dựng nhà ở không phép rồi chuyển nhượng qua nhiều chủ khác nhau đến khi chính quyền phát hiện thì người đang sử dụng không phải là người xây dựng công trình nhà ở không phép trên đất thì xử lý hành chính như thế nào hiện nay cũng rất lúng túng. Xử phạt người đang sử dụng đất hay xử lý người xây dựng công trình?.
– Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, cán bộ thụ lý hồ sơ phát hiện các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (ví dụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện thủ tục chuyển nhượng, kê khai, đăng ký biến động, lấn chiếm đất chưa sử dụng (trước 15/10/1993, từ 1993 đến ngày 01/7/2004, từ ngày 01/7/2004 đến 01/01/2008, từ ngày 01/01/2008 đến nay,) lấn chiếm đất các loại đất khác do các cơ quan, ban, ngành quản lý sử dụng thì có được dừng thụ lý hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính hay không?. Người vi phạm hành chính có phải thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính?.
– Luật Đất đai 1993 quy định nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trái phép…(Điều 6); Luật Đất đai 2003 quy định Những hành vi bị nghiêm cấm(Điều 15): Nhà nước nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai; không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; huỷ hoại đất; không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi sử dụng các quyền của người sử dụng đất; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất.
Luật Đất đai năm 2003 quy định (Điều 127):
Việc nộp hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định như sau:
a) Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại nông thôn thì nộp tại Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;
b) Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Điều 82, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định: Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008 mà đất đó chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này thì người nhận chuyển quyền sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật Đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được bắt buộc người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người không thực hiện đúng quy định pháp Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 (vi phạm điều nghiêm cấm) thì lại được giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP mà không phải nộp bất kể một loại giấy tờ nào. Như vậy, cơ sở nào để cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không việc thực chuyển nhượng trước ngày 01/01/2008. Và trường hợp này có dừng lại để xử lý vi phạm hành chính hay không?. Trong bối cảnh tâm lý cả nể, ngại va chạm của người xác nhận, người ký trên phiếu lấy ý kiến khu dân cư, hay thống nhất để “tôi xác nhận cho ông, ông xác nhận cho tôi”. Đến khi có mâu thuẫn phát sinh thì tố nhau dẫn đến khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai ngày càng nhiều và phức tạp.
Việc quy định như trên làm phát sinh tâm lý cứ làm (vi phạm) đi rồi luật sau sẽ điều chỉnh lại thành hợp pháp và còn có lợi hơn đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng vi phạm pháp luật đất đai tâm lý so bì giữa những người sử dụng đất ngày càng diễn biến phức tạp. Luật đất đai, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai không thể hiện được tính kế thừa.
– Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai không giải thích thế nào là hành vi đang thực hiện, hành vi đã kết thúc dẫn đến một số vi phạm như chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện, chuyển mục đích sử dụng đất…thực hiện trước ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà chưa lập biên bản vi phạm hành chính thì rất khó xử lý. Áp dụng Nghị định 91/2019/NĐ-CP hay Nghị định 102/2014/NĐ-CP để xử lý hành vi trên còn có nhiều ý kiến khác nhau.
– Về hành vi hủy hoại đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP: Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính thì hành vi hủy hoại đất là hành vi:
a) Làm biến dạng địa hình….. thì trừ trường hợp cải tạo đất phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao được cho thuê…
b) Làm suy giảm chất lượng đất trong cá trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng đưa các loại vật liệu, chất thải hoặc lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây sói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp.
c) Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hai cho cây trồng, vật nuôi, con người.
d) Làm mất khả năng sử dụng….
đ) Làm giảm khả năng sử dụng đất
Tất cả các hành vi trên đều cần phải chứng minh được là giảm hoặc mất khả năng sử dụng đất theo mục đích trước khi vi phạm. Vậy cách chứng minh như thế nào, cần chỉ tiêu nào, cơ quan nào có thể xác định các chỉ tiêu đó để kết luận là giảm khả năng hay mất khả năng sử dụng?
Mặt khác, hầu hết các trường hợp nhìn bằng mắt thường đều nhận thấy loại đất được đổ vào để làm thay đổi địa hình không cùng loại đất nguyên trạng, khối lượng đất được đổ vào lớn, mặt bằng có cao hơn nguyên trạng ban đầu nhưng để kết luận làm suy giảm chất lượng đất (theo định nghĩa tại điểm b khoản 3, Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP) thì có được hay không hay cần một kết quả phân tích các chỉ tiêu cụ thể của cơ quan chuyên môn khác.
Vì vậy, việc xử phạt hành vi hủy hoại đất gặp rất nhiều khó khăn.
2. Hòa giải đất đai
Tại khoản 4 Điều 202 Luật Đất đai quy định về hòa giải tranh chấp đất đai như sau: Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên, thực tiễn khi hòa giải không thành thì một trong các bên không ký biên bản thì giá trị pháp lý của biên bản hòa giải ở cơ sở như thế nào? Có được công nhận là biên bản hòa giải không thành hay không?.
3. Cưỡng chế thu hồi đất
Tại khoản 6 Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).
Như vậy, Luật Đất đai và Nghị định 43/2014/NĐ-CP không quy định các trường hợp chưa thực hiện cưỡng chế mà chỉ quy định dừng khi có kết luận thu hồi đất là trái pháp luật. Trên một số lĩnh vực như xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp người ban hành quyết định cưỡng chế xét thấy việc tổ chức cưỡng chê gây ra hậu quả không thể khăc phục được thì có thể tạm dừng cưỡng chê để giải quyết khiếu nại hoặc trong lĩnh vực thi hành án dân sự thì không cưỡng chế trong thời gian lễ, tết…Đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung quy định về trường hợp tạm dừng cưỡng chế và trường hợp chưa tổ chức cưỡng chế.
4. Thu hồi giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất
Tại khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai quy định: Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, tại khoản 56 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định: Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định.
Như vậy, giữa Luật Đất đai và Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ đã có sự khác nhau. Tại Luật Đất đai chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy thu hồi Giấy sau khi có kết luận của Thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai trong khi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP thì quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy tự phát hiện Giấy đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì quyết định thu hồi.
V. Lĩnh vực Tài chính
– Tại Điều 64 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định: Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước kết thúc vào ngày 31 tháng 01 năm sau. Tuy nhiên tại Điều 25 Thông tư 342/2016/BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính lại quy định: Các khoản tạm ứng đã đủ điều kiện chi, khối lượng, công việc đã thực hiện từ ngày 31 tháng 12 trở về trước được giao trong dự toán ngân sách thì thời hạn chi, thanh toán ngân sách được thực hiện đến hết ngày 31/01 năm sau và được hạch toán, quyết toán vào ngân sách năm trước. Do vậy, địa phương rất khó khăn trong công tác chỉnh lý quyết toán, đề nghị tổng hợp kiến nghị điều chỉnh thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước là kết thúc vào ngày 28 tháng 02 năm sau.
– Đối với trả lãi vay và phí vốn vay trái phiếu: Theo Luật Đầu tư công, thì không được sử dụng vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương để trả lãi và phí vốn trái phiếu chính quyền địa phương, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương, trừ các khoản lãi và phí được tính trong tổng mức đầu tư của từng dự án đã được phê duyệt (Điều 63). Nhưng trong quy định về sử dụng phần tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách địa phương, thì ưu tiên đầu tiên của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (Điều 59) lại là để giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm cả trả nợ gốc và lãi. Vì vậy, cần phải điều chỉnh để có sự thống nhất trong việc sử dụng phần vốn ngân sách do mình tự cân đối được đối với khoản chi này.
Rubi