So sánh Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong Luật An ninh mạng

Câu hỏi: So sánh sự giống và khác nhau giữa “Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia” được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và “Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia” trong Luật An ninh mạng năm 2018?

Trả lời

Theo Khoản 1 Điều 10 Luật An ninh mạng thì: Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng.

Theo Khoản 4 Điều 3 Luật An toàn thông tin thì: Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia là hệ thống thông tin mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia.

So sánh Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong Luật An ninh mạng
So sánh Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong Luật An ninh mạng

Giống nhau: Đều là hệ thống thông tin .

– Khác nhau:

+ Về tên gọi: Theo Luật An ninh mạng thì gọi là “Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”, còn Luật An toàn thông tin thì gọi là “Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia”.

+ Nguyên nhân làm hư hỏng hệ thống thông tin: Luật An toàn thông tin chỉ đề cập đến nguyên nhân là do bị phá hoại còn không đề cập đến trường hợp hệ thống thông tin bị hư hỏng do nguyên nhân khách quan. Luật An ninh mạng dự liệu rất nhiều tình huống làm hư hỏng hệ thống thông tin quan trọng gồm sự cố xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại.

Quy định của Luật An ninh mạng phù hợp với thực tiễn và từ đó sẽ có được các kế hoạch để đối phó với các tình huống có thể xảy ra.

+ Về mức độ thiệt hại và đối tượng bị thiệt hại:

Luật An ninh mạng quy định mức độ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng, còn Luật An toàn thông tin quy định làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia.

Về đối tượng bị thiệt hại theo quy định của Luật An inh mạng là “an ninh mạng”, theo Khoản 1 Điều 2 Luật An ninh mạng thì an ninh mạng   là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Như vậy, đối tượng mà Luật An ninh mạng đề cập trong xâm phạm hệ thống thông tin quan trọng an ninh mạng rất rộng, không chỉ là an ninh quốc gia mà còn trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(Xem tất cả bài viết tìm hiểu Luật An ninh mạng năm 2018)

Còn Luật An toàn thông tin chỉ đề cập đến 2 lĩnh vực là quốc phòng và an ninh quốc gia.

Tóm lại, “Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia” được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và “Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia” trong Luật An ninh mạng năm 2018 giống nhau ở điểm đều là hệ thống thông mà khi bị phá hoại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Luật An ninh mạng quy định mức độ thiệt hại chỉ cần gây thiệt hại ở mức nghiêm trọng chứ không phải đặc biệt nghiêm trọng như Luật An toàn thông tin là đã xâm phạm hệ thống thông tin quan trọng an ninh mạng. Và đối tượng tác động của Luật An ninh mạng rất là lớn, không chỉ an ninh quốc gia mà còn trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Rubi

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *