Những bất cập của Hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS

Decuongtuyentruyen.com giới thiệu những hạn chế, bất cập của Hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và những ảnh hưởng của nó đến việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

1. Thứ nhất, chưa có các quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cá nhân của người nhiễm HIV, quy định đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và việc quy định các nhóm đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính chưa đảm bảo được điều kiện thực hiện kiểm soát bệnh truyền nhiễm nhóm B như quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và điều kiện thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật liên quan khác của người nhiễm HIV.

(Đề cương tuyên truyền Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS))

Thực tiễn cho thấy rằng, có đến 15% người nhiễm HIV trong số người nhiễm đang tham gia điều trị ARV miễn phí từ nguồn viện trợ khi chuyển sang điều trị ARV sử dụng bảo hiểm y tế có thông tin cá nhân không giống với thông tin cá nhân thực tế để thực hiện thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế.

Những hạn chế, bất cập của Hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS
Những hạn chế, bất cập của Hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên Hợp quốc để hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Bộ Y tế đã rà soát lại các danh sách người nhiễm HIV/AIDS đã được tổng hợp để xem xét những người chưa điều trị ARV tại 6 tỉnh dự án do PEPFAR tài trợ, sau đó tiến hành thí điểm rà soát tại tuyến xã phường để tư vấn hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV để đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV được điều trị ARV vào năm 2020, tuy nhiên kết quả rà soát cho thấy 70% số người nhiễm HIV theo danh sách được thu thập chưa điều trị ARV không có thực theo thông tin, địa chỉ được khai báo, trong đó nhiều người chưa bao giờ đi xét nghiệm HIV lại có trong danh sách người nhiễm HIV thu thập được, do bị người khác sử dụng tên của mình khi đi làm xét nghiệm HIV. Do đó việc khai báo thông tin cá nhân không chính xác, ảnh hưởng rất lớn trong việc xác định đối tượng, địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định chính xác trong việc triển khai các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, tuy nhiên cũng theo quy định tại khoản 1, điều 1 của Luật này, HIV/AIDS không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, trong khi Luật Phòng, chống HIV/AIDS không quy định trách nhiệm của người nhiễm HIV đối với khai báo thông tin chính xác về tên, tuổi, địa chỉ nơi cư trú, hành vi lây nhiễm HIV để có thông tin tổng hợp, theo dõi diễn biến dịch HIV theo quy định về Giám sát dịch tễ học HIV/AIDS tại Điều 24 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, Điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính không đề cập đến các cán bộ làm công tác giám sát dịch HIV/AIDS, trong khi đó Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng không có quy định những đối tượng được tiếp cận thông tin về người nhiễm HIV, do đó ảnh hưởng đến việc thống kê, theo dõi, diễn biến dịch HIV, xác định các đối tượng, giới tính, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao theo quy định tại Điều 24 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, với quy định hiện nay của Luật Phòng, chống HIV/AIDS không đủ căn cứ pháp lý để quy định thực hiện việc theo dõi và kiểm soát dịch HIV/AIDS theo thông lệ quốc tế, quy trình chuyên môn về giám sát dịch bệnh nói chung, bệnh HIV/AIDS nói riêng. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống HIV/AIDS không quy định những người nào có quyền được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, cũng gây lúng túng trong quá trình thực thi các vấn đề liên quan đến quy định với mọi người dân nói chung, trong đó có người nhiễm HIV, phần nào ảnh hưởng gián tiếp việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tạo điều kiện cho cả người cung cấp và người sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hiểu theo nhiều cách khác nhau về các quy định hiện nay về đảm bảo bí mật thông tin người nhiễm HIV, từ đó dẫn đến khó khăn trong triển khai hoạt động giám sát dịch HIV/AIDS, chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV.

PHòng, chống bệnh truyền nhiễm
Xử lý hành vi làm lây lan dịch bệnh covid 19

2. Thứ hai, sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và phòng, chống ma túy, cụ thể như sau:

– Theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy thì một người nghiện ma túy sẽ được áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng nếu tự nguyện khai báo và đăng ký. Trường hợp không tự nguyện khai báo và đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng thì sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện tại cộng đồng[1].

– Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm Hành chính, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, thì thời hiệu là 03 tháng, kể từ ngày đối tượng có hành vi sử dụng ma túy bị phát hiện[2], trong đó bao gồm cả người nghiện ma túy đang tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì cũng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này được tiến hành đồng thời với việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Tiếp theo đó, nếu người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện thì sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc[3].

Và đan xen trong quá trình quản lý một người nghiện ma túy như đã nêu trên thì pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS quy định về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP quy định như sau:

  1. Người nghiện chất dạng thuốc phiện được quyền lựa chọn tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện theo quy định tại Nghị định này hoặc tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CPngày 09 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
  2. Không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện nếu không vi phạm các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà tự nguyện tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện; không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện.
  3. Không áp dụng quy định tại khoản 2 Điều này đối với người bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Không tuân thủ quy trình chuyên môn về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện từ 02 lần trở lên trong vòng 06 tháng;

b) Có xét nghiệm dương tính với các chất dạng thuốc phiện liên tiếp từ 02 lần trở lên (trừ thuốc điều trị thay thế) trong vòng 12 tháng sau khi đã đạt liều điều trị duy trì;

c) Có xét nghiệm dương tính với các chất ma túy khác ngoài các chất dạng thuốc phiện;

d) Có hành vi xâm hại tài sản của cá nhân, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, do các quy định về cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc được ban hành sau và hoàn toàn không đề cập đến việc loại trừ các trường hợp theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS nên gây tâm lý lo ngại cho người đang tham gia điều trị thay thế là sẽ có thể bị áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và trên thực tế cũng đã có trường hợp người nghiện đang tham gia điều trị thay thế bị áp dụng biện pháp này.

Bên cạnh đó, các quy định này cũng không phù hợp với thực tế của việc điều trị nghiện ma túy mà cụ thể là trong quá trình thực hiện dò liều điều trị cho người nghiện ma túy thì không thể tránh khỏi việc người đó có thể sử dụng thêm ma túy do việc sử dụng thuốc thay thế tại điểm này chưa đáp ứng đủ nhu cầu thuốc của người nghiện. Tuy nhiên do pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS cũng không có quy định cụ thể về vấn đề này nên nếu phát hiện người đang tham gia điều trị bằng thuốc thay thế có sử dụng ma túy thì cơ sở điều trị bằng thuốc thay thế lại bắt buộc phải thông báo với các cơ quan chức năng và nếu không thông báo thì sẽ bị coi là có hành vi vi phạm pháp luật; nếu thông báo thì người nghiện sẽ bị lập hồ sơ và quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Một vấn đề nữa là nếu theo quy định về áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (sau 02 năm kể từ khi ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn sử dụng ma túy) thì sẽ có một số lượng lớn người bệnh đang tham gia chương trình điều trị thay thế sẽ bị áp dụng biện pháp này do về bản chất thì việc điều trị thay thế vẫn sử dụng các thuốc có nguồn gốc ma túy.

Ngoài các tồn tại, bất cập như đã nêu trên thì giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy cũng còn sự thiếu thống nhất liên quan đến các biện pháp can thiệp giảm tác hại, cụ thể như sau:

Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã quy định “các biện phápcan thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm tuyên truyền, vận động, khuyến khích sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và các biện pháp can thiệp giảm tác hại khác nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi an toàn để phòng ngừa lây nhiễm HIV” và khoản 1 Điều 21 quy định “Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao thông qua các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội”.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, trong đó bổ sung thêm Điều 34a về biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý, cụ thể như sau:

Điều 34a

1. Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý là biện pháp làm giảm hậu quả tác hại liên quan đến hành vi sử dụng ma túy của người nghiện gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

2.Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy được triển khai trong nhóm người nghiện ma túy thông qua chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội.

3.Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy và tổ chức thực hiện các biện pháp này.”.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nội dung của các biện pháp giảm tác hại của nghiện ma túy là gì và việc tổ chức thực hiện các biện pháp này như thế nào. Điều này dẫn đến tình trạng các nhân viên tiếp cận cộng đồng có tâm lý e ngại khi thực hiện hoạt động cung cấp bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy do sợ bị coi là có hành vi tiếp tay cho việc sử dụng trái phép chất ma túy.

3. Thứ ba, một số quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS không bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn,cụ thể như sau:

– Theo quy định tại khoản 3, Điều 27 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 16 tuổi chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó. Tuy nhiên trong thực tế tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam đang có xu hướng gia tăng nhanh, tuổi trung bình nhiễm mới HIV là 23 tuổi, trong đó có không ít các em dưới 16 tuổi, trong thực tiễn khi làm xét nghiệm HIV cho trẻ em dưới 16 tuổi có nguy cơ lây nhiễm HIV yêu cầu có sự đồng ý của bố mẹ là rất khó thực hiện, bởi vì nguyên nhân làm lây nhiễm HIV là do quan hệ tình dục đồng giới, nguyên nhân này không dễ để bố mẹ chấp nhận, do đó các em lo sợ bố mẹ biết có quan hệ tình dục đồng giới, lo sợ bị đánh, nên dám tiết lộ với bố mẹ để đưa đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm HIV. Vì vậy, các em sẽ không được làm xét nghiệm HIV sớm vì quy định có sự đồng ý xét nghiệm HIV của bố mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật.

– Theo quy định tại Điều 35 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí, tuy nhiên hiện nay các nhà tài trợ đang cắt giảm hỗ trợ sinh phẩm và chương trình mục tiêu không đủ kinh phí để làm xét nghiệm miễn phí cho gần 2 triệu phụ nữ mang thai mỗi năm. Ngoài ra khi quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV miễn phí, tức là nhà nước đảm bảo nguồn lực cho xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, do đó Quỹ Bảo hiểm Y tế sẽ không chi trả cho những phụ nữ mang thai tham gia bảo hiểm y tế khi làm xét nghiệm HIV, đồng thời theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung đã bỏ điểm b khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế do đó quỹ bảo hiểm y tế sẽ không chi trả cho xét nghiệm sàng lọc phát hiện HIV cho phụ nữ mang thai. Hơn nữa phía người dân hiểu khi mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV sẽ không phải trả tiền xét nghiệm, nên các cơ sở y tế cũng không thể thu phí làm xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Vì vậy quy định nhân văn này cần phải chỉ rõ hơn về nguồn lực để thực thi xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, sớm triển khai dự phòng lây nhiễm HIV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

– Quy định tại khoản 7, Điều 12 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo điện tử đối với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS quy định các thông điệp truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ quan truyền thông đều hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình nên nếu thực hiện truyền thông miễn phí thì sẽ tốn một khoản kinh phí không nhỏ và điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cân đối tài chính của các cơ sở truyền thông.

– Quy định tại Điều 42 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đối vớiÁp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, trong đó quy định tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối, tuy nhiên trong thực tiễn nhiễm HIV được chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 4 là giai đoạn chuyển sang bệnh AIDS, và một người nhiễm HIV có thể chuyển từ giai đoạn 4 về giai đoạn 1, 2, 3 tùy thuộc vào việc tuân thủ điều trị ARV. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đã chế tạo được nhiều loại thuốc tốt điều trị HIV/AIDS, mặc dù chưa có thuốc điều trị loại bỏ triệt để virus HIV trong máu, nhưng có thể duy trì tải lượng vi rus HIV máu ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của người nhiễm HIV. Do đó không quy định được AIDS giai đoạn cuối.

4. Thứ tư, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nội dung của các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV đã có sự thay đổi nhưng chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai, cụ thể như sau:

– Hiện nay ngoài các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV truyền thống như cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV đã có nhiều thay đổi như sử dụng thuốc kháng virus HIV để điều trị dự phòng trước khi nhiễm HIV, điều trị ARV ngay cho người nhiễm HIV khi làm giảm lượng virus trong máu đến ngưỡng không lây truyền HIV cho người khác khi quan hệ tình dục. Các kỹ thuật xét nghiệm HIV cũng được phát triển đơn giản hơn nhiều so với trước đây, như làm xét nghiệm nhanh bằng lấy máu đầu ngón tay cho kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV trong vòng 20 phút, hoặc sử dụng sinh phẩm tự xét nghiệm bằng dịch miệng, mọi người dân có thể tự làm xét nghiệm HIV cho mình.

– Với sự phát triển khoa học kỹ thuật về thuốc, vật tư, sinh phẩm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay, một số quy định từ năm 2006 chắc sẽ không còn phù hợp, cần có điều chỉnh như việc quy định xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, có các chính sách tạo điều kiện triển khai xét nghiệm sớm HIV và điều trị ngay sau khi được phát hiện nhiễm HIV, cho phép người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia nhiều hơn vào quá trình cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV/AIDS và sự tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Trích từ Báo cáo số 676 /BC-BYT ngày 29/4/2020 của Bộ Y tế về Tổng kết 13 năm thi hành Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

Rubi

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *