Decuongtuyentruyen.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc thực trạng pháp luật Quốc tế và pháp luật Việt Nam về công tác xã hội (được trích từ Báo cáo Tổng kết việc thi hành pháp luật về Công tác xã hội của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)
- Pháp luật quốc tế
Trên thế giới, Công tác xã hội (gọi tắt là CTXH) phát triển nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Thông qua hỗ trợ và tác động đối với cá nhân, gia đình, nhóm đối tượng, cộng đồng và hệ thống xã hội, CTXH nhằm giải quyết vấn đề xã hội, tăng cường phúc lợi và công bằng xã hội. CTXH đã ra đời do nhu cầu xã hội trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa; đã có quá trình phát triển hơn 100 năm qua trên thế giới. CTXH chuyên nghiệp đã tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến năm 2009, có khoảng 90 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Cán bộ xã hội Quốc tế.
Cho dù các hoạt động mang hình thái CTXH đã tồn tại từ lâu đời dưới nhiều hình thức khác nhau, nghề CTXH mới bắt đầu phát triển vào thế kỷ 19 tại Tây-Bắc Âu và Bắc Mỹ, do kết quả của sự thay đổi xã hội nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa diễn ra và mong muốn áp dụng các kiến thức khoa học vào việc trợ giúp các đối tượng. Sự thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống, sự di cư nông thôn ra thành thị, mật độ dân số tăng ở các vùng thành thị làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp, các tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm gia tăng, trẻ em bị bỏ rơi, bị bóc lột sức lao động… Những yếu tố này đóng góp vào sự ra đời của nghề CTXH như một nghề độc lập.
Ở các quốc gia, CTXH được chuyên nghiệp hóa, thể chế và thiết chế thường bao gồm những yếu tố chính như:
- Hệ thống pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ xã hội;
- Hệ thống giáo dục và đào tạo;
- Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thang bảng lương;
- Hệ thống dịch vụ CTXH;
- Hiệp hội nghề và hiệp hội giáo dục đào tạo CTXH;
Bên cạnh đó, một số quốc gia còn xây dựng: Tiêu chuẩn nghề CTXH; đạo đức nghề CTXH.
CTXH trên thế giới đều dựa trên một số định nghĩa giống nhau, mục tiêu cơ bản và những giá trị chung. Tuy nhiên, từng quốc gia đều có hướng tiếp cận của riêng mình, hướng tiếp cận này phản ánh trình độ và giai đoạn phát triển của quốc gia và văn hóa của quốc gia đó. Ví dụ, Mỹ, Úc và các nước Bắc Âu thì nhấn mạnh sự tương tác với cá nhân trong điều kiện một hệ thống phúc lợi xã hội đã phát triển ở trình độ cao. Ở các quốc gia khác, như Philippines, Papua New Guinea, các quốc gia Đông và Nam Phi thì trọng tâm là sự phát triển xã hội.
Từ rà soát pháp luật quốc tế cho thấy việc xây dựng pháp luật thích hợp là cần thiết cho sự phát triển CTXH. Ở các nước có pháp luật được rà soát, trách nhiệm, vai trò và nhiệm vụ của CTXH chuyên nghiệp đều được quy định trong một đạo luật. Luật đó có thể đặt tên cụ thể cho CTXH, hoặc nó có thể quy định quyền hạn và trách nhiệm cho giám đốc các cơ quan phúc lợi xã hội (hoặc một người có chức vụ tương đương) hoặc với các cơ quan phúc lợi xã hội hay dịch vụ CTXH bằng hướng dẫn để quy định quyền hạn và trách nhiệm cho nhân viên xã hội liên quan đến mỗi tình huống cần thiết. Vì vậy, có thể nói rằng nếu không có Nghị định điều chỉnh, CTXH khó có thể được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Vì CTXH trên toàn thế giới đã được chuyên nghiệp hóa, nên đều có xu hướng tuân thủ và phụ thuộc các quy định trong các luật khung. Luật khung này có nhiệm vụ xác định vị trí của nghề CTXH thông qua việc xác định ai được coi là một nhân viên CTXH chuyên nghiệp, trình độ của người làm nghề CTXH, thành lập các thiết chế liên quan, quy định sổ đăng ký nhân viên CTXH hoặc/và nhân viên CTXH phải có giấy phép cá nhân để thực hành nghề. Các cơ chế này là để bảo vệ công chúng khỏi những hình thức thực hành CTXH kém chất lượng và thông qua việc bảo vệ này cũng là để duy trì sự phát triển của nghề CTXH.
Đây cũng là bằng chứng cho thấy hai hình thức luật này được kết hợp chặt chẽ, trong đó luật về thực hành CTXH và hành động sử dụng luật khung như là cơ sở để xác định “ai là nhân viên CTXH”, trong khi luật khung lại dựa vào luật thực hành và hành động để đưa ra các chi tiết về ” nhân viên CTXH làm gì”. Chính vì vậy, nếu thiếu một trong hai luật thì không đủ để tạo ra và duy trì nghề CTXH chuyên nghiệp và đóng góp cho xã hội.
- Thực tiễn pháp luật Việt Nam
Kết quả rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến CTXH cho thấy:
Việt Nam đã bước đầu xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo về nghề CTXH. Đây là những kết quả và ưu điểm nổi trội trong tổng thể phát triển CTXH ở Việt Nam. Ngay từ đầu những năm 90, thế kỷ XX, cách đây hơn 20 năm, một số trường đại học, cao đẳng đã có những khóa tập huấn ngắn hạn về CTXH. Tháng 10 năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành mã số đào tạo cho CTXH, từ đó CTXH được coi là một ngành học ở cấp cao đẳng và đại học. Tháng 3/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020. Việt Nam đã có mã số nghề, ngạch bậc, có người thực hiện ở các cấp, đó là một sự cố gắng và thúc đẩy mạnh mẽ CTXH ở Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã có trên 55 cơ sở đào tạo đang tiến hành đào tạo CTXH ở bậc cao đẳng, cử nhân và một số sở đào tạo thạc sĩ. Việt Nam đã có hệ thống giáo dục và đào tạo về CTXH. Điều này, rất khác với nhiều quốc gia trên thế giới. Những quốc gia có nghề CTXH được chuyên nghiệp hóa đều có hệ thống pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ xã hội (nhân viên CTXH), trước khi xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo như ở Việt Nam. Điều đó, cho thấy việc tồn tại và phát triển CTXH ở Việt Nam có những nét đặc thù riêng và cũng thể hiện rõ nhu cầu tất yếu xã hội về CTXH, nghề CTXH, về dịch vụ CTXH.
CTXH với những biểu hiện cụ thể của nó đã được đề cập trong một số quy định pháp luật. Ngay từ những năm 40-50 của thế kỷ trước, thông qua các hoạt động trợ giúp, hỗ trợ người già, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người gặp hoàn cảnh khó khăn do các cá nhân, tổ chức thực hiện. Pháp luật đã quy định quá trình thực hiện hoạt động giúp đỡ những đối tượng dễ bị tổn thương. Đó là những cơ sở thuận lợi cho việc bổ sung, điều chỉnh, xây dựng các quy định pháp luật về CTXH trong thời gian tới, đặc biệt trong các vấn đề liên quan tới trẻ em, người chưa thành niên và phúc lợi gia đình…
Hầu hết các văn bản trong các lĩnh vực được rà soát về các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, nuôi con nuôi, trợ giúp pháp lý, dân sự, hành chính và hình sự…có liên quan đến hoạt động CTXH về cơ bản đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, có kế thừa, phát huy, điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra và được thực hiện đúng với đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Việc tổ chức thực hiện các quy định có liên quan đến CTXH và dịch vụ CTXH về cơ bản đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các ban, ngành, tổ chức quan tâm chỉ đạo, triển khai và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đó là cơ sở để từng bước đóng góp vào sự phát triển, hoàn thiện ngành, nghề CTXH ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hành lang pháp lý về CTXH ở Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế, đó là quy định còn mờ nhạt, trong đó thiếu hụt lớn nhất là ở Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật chuyên ngành, riêng biệt về CTXH[1]:
– Các văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan. Chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm Nghị định để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động CTXH, viên chức CTXH và quản lý nhà nước đối với CTXH…nên khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về CTXH vào các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành khác, cũng như tổ chức triển khai trên thực tế.
– CTXH, chưa được nhìn nhận là một nghề chuyên nghiệp – chưa có dịch vụ CTXH chuyên nghiệp; chưa có quy định rõ, cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của viên chức CTXH (lực lượng chính, nòng cốt cho nghề CTXH ở Việt Nam). Các quy định pháp luật trong các lĩnh vực rà soát có liên quan đến CTXH cho thấy nhiều quy định còn chung chung; một số lĩnh vực chưa có quy định, còn thiếu, còn khoảng trống; có quy định còn chồng chéo, thiếu đồng bộ hoặc bất cập khó triển khai, thực hiện trên thực tế.
Nhiều quy định liên quan đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và các chính sách bảo đảm, hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ CTXH, dịch vụ CTXH trong các văn bản luật pháp chưa rõ ràng. Các chính sách bảo đảm, hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ CTXH đối với các đối tượng thực hiện nhiệm vụ này chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế, như quy định về chế độ thụ hưởng chưa phù hợp với đặc thù của công việc mà họ đảm nhiệm, thực hiện. Bên cạnh đó, chế độ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ CTXH cũng chưa rõ, đặc biệt là đối với các đối tượng trong các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH.
– Còn thiếu nhiều quy định liên quan đến CTXH. So với các nước phát triển trên thế giới, và ngay cả với nhiều nước trong khu vực, thì các qui định liên quan đến CTXH ở Việt Nam còn một khoảng cách lớn và có sự thiếu hụt, cụ thể như thiếu quy định pháp lý về phê duyệt, giám sát, cấp phép đào tạo CTXH theo chuẩn nghề nghiệp, hay quy định pháp luật về thi sát hạch chuyên môn và cấp giấy phép hành nghề trong một số lĩnh vực chuyên biệt của CTXH. Trong bối cảnh đó, mức độ phát triển của nghề CTXH tại Việt Nam cũng có khoảng cách lớn so với các nước, như về nhận thức, chiến lược phát triển toàn diện, đào tạo cán bộ, nhân viên CTXH, mạng lưới nhân viên và bộ máy, tổ chức hoạt động; vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên CTXH trong từng lĩnh vực cụ thể; những quy định chung về CTXH, về thực hành CTXH, về thành lập Hội, Hiệp hội CTXH…
Ở hầu hết các nước phát triển, nghề CTXH và nhân viên CTXH chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác nhau: Có văn bản riêng cho CTXH và có những văn bản nằm xen kẽ trong các đạo luật hoặc luật chuyên ngành. Ở Việt Nam còn có những khoảng trống và bất cập do thiếu những điều kiện cần và đủ có liên quan giữa các quy định pháp luật đã được ban hành so với thực tiễn triển khai, thực hiện và vận dụng (như nhận thức, cơ chế, con người, cơ sở vật chất…). Hầu hết các lĩnh vực rà soát các quy định pháp luật về CTXH cho thấy có những vấn đề cần được bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi, xây dựng mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra và phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của xã hội Việt Nam cũng như xu hướng phát triển tất yếu của CTXH thế giới.
– Thực tiễn triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về CTXH vẫn còn nhiều bất cập. Các dịch vụ đang do một số tổ chức Chính phủ và phi chính phủ tiến hành, nhưng các tổ chức này lại chưa có đầy đủ hoặc thậm chí không có kiến thức, trình độ về CTXH, cũng như trang bị năng lực cho những người trực tiếp thực hiện các dịch vụ đó có điều kiện, kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, kỹ năng bảo vệ mình; các loại hình dịch vụ CTXH chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thực tiễn; các hoạt động mang tính CTXH chuyên nghiệp vẫn còn yếu, đặc biệt đội ngũ nhân viên CTXH vừa thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Từ những cơ sở trên cho thấy nhu cầu cấp bách ở nước ta là sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp lý phù hợp – một văn bản ở tầm Nghị định để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này, nhằm giúp những người làm CTXH phát triển cả về số lượng, chất lượng, hình thành đội ngũ viên chức, nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Để CTXH phải trở thành một nghề nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, và khu vực. Cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra, góp phần quan trọng vào bảo đảm ổn định và phát triển bền vững của đất nước.