Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn đọc bài vết về thực trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên Việt Nam để bạn đọc tham khảo trong quá trình tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến người chưa thành niên và thanh niên.
Kết quả điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) (năm 2015) cho thấy ngày nay vị thành niên (VTN), thanh niên (TN) được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn, có điều kiện tiếp cận thông tin dễ dàng hơn như máy tính (52%) và kết nối internet (49%). So sánh với năm 2009 thì các con số này lần lượt chỉ là 20% và 11%. Hơn 90% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 cho biết đã trao đổi và tiếp cận thông tin thông qua các kênh hiện đại như Internet, truyền hình và tin nhắn SMS trên điện thoại di động . Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2017, công tác chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ nữ VTN, TN có kiến thức đúng về thời điểm mà một người phụ nữ dễ thụ thai đã được cải thiện, mặc dù chưa nhiều (22,1% năm 2017 so với 18,0% năm 2010).
Tỷ lệ này ở nam tương ứng là 12,8% và 7,0%. Tỷ suất sinh ở nữ VTN (15-19 tuổi) đã giảm đáng kể từ 46 ca sinh/1.000 phụ nữ (năm 2011) xuống còn 30 ca sinh/1.000 phụ nữ (năm 2017). Nhu cầu chưa được đáp ứng về các BPTT ở nữ độ tuổi 15-24 đã giảm xuống 29,6% (năm 2017) so với 35% (năm 2011). Tuy nhiên, tình trạng SKSS, SKTD của VTN, TN vẫn đang tồn tại những vấn đề rất đáng quan tâm, cụ thể như sau:
+ Sức khỏe tình dục: Tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của các
đối tượng điều tra ở nhóm tuổi 14-24 là 18,7 (2017) sớm hơn so với kết quả của các điều tra trước (19,6 năm 2010). Khoảng 13% thanh thiếu niên cho biết đã từng có quan hệ tình dục và trung bình họ đã có 2 bạn tình. Trong tổng số thanh thiếu niên tham gia cuộc điều tra, 15% cho biết có quan hệ tình dục trước hôn nhân. VTN, TN Việt Nam chưa có kiến thức đầy đủ và thực hành chưa đúng về các vấn đề sức khỏe tình dục. Một nghiên cứu trên đối tượng nữ công nhân di cư ở tuổi TN cho thấy tỷ lệ không sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) trong 6 tháng qua là 27,8%.
+ Hôn nhân, mang thai, phá thai, sinh con: Nhóm dân tộc thiểu số kết hôn sớm hơn 6 lần so với dân tộc Kinh (8,4% so với 1,4%), và cao hơn trung bình cả nước 3,5 lần (2,5%). Tỷ lệ từng kết hôn trong nhóm VTN từ 15-19 tuổi là 2,6%.
Trong số những người đã từng kết hôn, 15% nữ và 27% nam đã kết hôn trước tuổi pháp luật cho phép. Kiến thức về mang thai của thanh thiếu niên trong độtuổi 10-24 không đầy đủ, chỉ có 17% trả lời đúng các câu hỏi về những ngày mà phụ nữ có khả năng thụ thai. Trong tổng số nữ trong độ tuổi 15-24, có 18 trên 1,000 người đã từng phá thai (chiếm 9,2% trong tổng số những người đã từng có thai). Tỉ lệ phá thai đặc biệt cao hơn ở nhóm nữ trong độ tuổi 19-24, dân tộc thiểu số và nữ đã từng kết hôn so với nhóm nữ trong độ tuổi từ 15-18, người Kinh và người chưa từng kết hôn. Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại trung bình khoảng 30% và thậm chí lên tới 48,4% đối với nữ chưa từng kết hôn độ tuổi 15-24. Trong tổng số thanh thiếu niên tham gia nghiên cứu, 83% đã từng nghe nói về bao cao su nam và 63,4% hiểu đúng mục đích của việc dùng bao cao su. Tuy nhiên, chỉ có 26% trong số họ biết các sử dụng bao cao su đúng cách. Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10-17 tuổi) sinh con trong 12 tháng trước thời điểm Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 chiếm tỷ trọng 3,3‰; cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰) và Tây Nguyên (6,8‰). Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ phụ nữ sinh con khi chưa thành niên thấp nhất (1,1‰).
(Tải slide bài giảng tuyên truyền chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình)
+ HIV và nhiễm khuẩn đường sinh sản: Thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-
24 có kiến thức cơ bản nhưng không đầy đủ về HIV/AIDS, chỉ có 27% có kiến
thức đúng, toàn diện và có khả năng trả lời tất cả các câu hỏi về HIV/AIDS. Tỉ lệ thanh thiếu niên có thái độ chấp nhận người nhiễm HIV còn thấp 14%). Chỉ có 21% nam trong độ tuổi 10-24 có thể nêu được một triệu chứng của các viêm nhiễm đường sinh sản và tỷ lệ này ở nữ là 19%. Khoảng 28% nam và 55% nữ cho biết có triệu chứng viêm nhiễm đường sinh sản trong vòng 06 tháng qua (2015).
+ Sự hỗ trợ của cha mẹ và thầy cô giáo về SKSS, SKTD: Việc trao đổi với người lớn về các chủ đề SKSS, SKTD trong vòng 12 tháng trước điều tra của thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 còn hạn chế, thanh thiếu niên thích hỏi các nhân viên y tế hơn.
+ Bạo lực: Thái độ bình đẳng giới của VTN, TN nhìn chung là khá thấp, đặc biệt là ở nhóm nam (9,5%) và dân tộc thiểu số (6,4%). Khoảng 60% thanh thiếu niên đang đi học đã bị một hình thức bạo lực học đường trong vòng 12 tháng qua. Bạo lực tinh thần là phổ biến nhất (50%), tiếp đến là bạo lực thể chất (34%) và cuối cùng là bạo lực tình dục (12%). Học sinh/sinh viên nam bị bạolực học đường nhiều hơn học sinh/sinh viên nữ. Khoảng 9,4% thanh thiếu niên đã từng bị bạo lực gia đình trong vòng 12 tháng qua trong đó gần một nửa (42%) cho biết họ đã không làm gì khi bị bạo hành.
+ Tìm kiếm và tiếp cận thông tin về SKSS, SKTD: VTN, TN vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD đảm bảo chất
lượng, ví dụ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) hiện nay tập trung
chủ yếu vào những người đã kết hôn. Can thiệp, chương trình SKSS, SKTD cho VTN, TN còn thiếu hụt trong giải quyết các vấn đề của các nhóm thiệt thòi, dân tộc thiểu số, và vấn đề giới. Phương tiện thông tin đại chúng là nguồn thông tin phổ biết nhất để tìm hiểu thông tin về 9 chủ đề SKSS, SKTD. Yếu tố quan trọng nhất để lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD là khoảng cách gần nhà và nơi làm việc (38%); tiếp đến là sự tin tưởng vào năng lực chuyên môn của cán bộ y tế (33%); cuối cùng là cơ sở và thiết bị tốt (23%).
Rubi