Chiều 26/11/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 450/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,95% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Decuongtuyentruyen.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Luật Công chứng năm 2024. Đề cương gồm 02 phần: . Phần 2 Những nội dung cơ bản của Luật Công chứng năm 2024
Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Công chứng 2024
1. Cơ sở chính trị, pháp lý
Dự thảo Luật được xây dựng trên các cơ sở chính trị, pháp lý sau đây:
– Nghị quyết số 89/2023/QH15, theo đó dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khoá XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
– Quyết định số 805/QĐ-TTg, trong đó giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vào tháng 01/2024.
2. Cơ sở thực tiễn
Qua hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, có thể khẳng định hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới. Đội ngũ công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) ở nước ta ngày càng phát triển (số lượng CCV tăng khoảng gần 2,7 lần, số lượng TCHNCC tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành)[1]. Chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các TCHNCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp. Trong hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các TCHNCC trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng; tổng số phí công chứng thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 2 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70-80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế.
Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch). Việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng vì thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực – chứng thực chữ ký người dịch. Do đó, quy định về công chứng bản dịch chưa thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.
Thứ hai, chất lượng đội ngũ CCV còn chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ CCV trong xã hội. Việc hợp danh của CCV tại VPCC ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Quy định về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh và bổ sung thành viên hợp danh mới tại Văn phòng công chứng (VPCC) còn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát và thực tế đã phát sinh không ít tranh chấp giữa các thành viên hợp danh trong một VPCC.
Thứ ba, định hướng và việc triển khai định hướng phát triển TCHNCC tại các địa phương còn chưa nhất quán, có phần lúng túng, không đồng đều. Các VPCC được thành lập chưa gắn với địa bàn dân cư, hầu hết tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển TCHNCC bị bãi bỏ, xuất hiện xu hướng hàng loạt VPCC xin chuyển về các đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã dẫn đến tình trạng một số tỉnh, thành phố tại một số địa bàn cấp huyện không có VPCC hoạt động. Một số VPCC chỉ có 01 CCV hành nghề thực tế, CCV hợp danh còn lại chỉ đứng danh.
Thứ tư, một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa gây khó khăn cho cả CCV trong quá trình thực hiện quy trình công chứng vừa không tạo thuận lợi cho TCHNCC và người dân, doanh nghiệp.
Thứ năm, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan. Đến nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại một số địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất trong cả nước; việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng với các cơ sở dữ liệu liên quan chưa được thực hiện.
Thứ sáu, Luật Công chứng hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số quy định về quản lý nhà nước còn chưa phù hợp; chưa có quy định rõ nét về vị trí, vai trò, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức này… đã làm hạn chế hiệu quả công tác quản lý hoạt động công chứng.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.
[1] Thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, cả nước có 1.180 CCV, 625 TCHNCC. Sau hơn 08 năm thực hiện Luật Công chứng năm 2014, cả nước có 3.220 CCV, 1.298 TCHNCC.
Phần 2. Những điểm mới và nội dung cơ bản của Luật Công chứng 2024
Luật Công chứng (sửa đổi) quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.
Đối với giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định phải công chứng. Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Về văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Chính phủ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và việc chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này.
Trong đó, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có từ 02 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh phải là công chứng viên và có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.
Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.
Về tổ chức hành nghề công chứng sẽ bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trong đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng, trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển về lĩnh vực công chứng; hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng; xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo quy định của Chính phủ.
Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Luật quy định đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.
Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày mua bảo hiểm hoặc kể từ ngày thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cho Sở Tư pháp.
Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.
Liên quan tới vấn đề bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng, Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
Công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại ngày luật có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành. Công chứng viên từ đủ 68 đến đủ 70 tuổi tại ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi đủ 72 tuổi. Khi hết thời hạn nêu trên, công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm.
Về hiệu lực, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025. Luật Công chứng số 53/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 16/2023/QH15 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6, 7, 9, 11, 12 và 14 Điều 76 của Luật này.
Decuongtuyentruyen.com sẽ tiếp tục cập nhật những điểm mới của Luật Công chứng 2024