Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 29/6/2024, với 459/468 Đại biểu có mặt ấn nút biểu quyết tán thành chiếm 94,44%, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) năm 2024.
Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn đọc Đề cương tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) năm 2024. , gồm 02 phần: Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) năm 2024.. Phần 2: Những nội dung mới của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) năm 2024.
Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) năm 2024.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc do có những quy định của Luật không còn phù hợp, chưa đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay của công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, cụ thể như sau:
(1) Trong 05 năm triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao, trong đó:
– Phân tích theo loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, dao và phương tiện tương tự dao sử dụng gây án như sau:
+ Vũ khí quân dụng 330 vụ, 546 đối tượng (chiếm 1,1% tổng số vụ, 1,1% tổng số đối tượng);
+ Vật liệu nổ 246 vụ, 373 đối tượng (chiếm 0,8% tổng số vụ, 0,7% tổng số đối tượng);
+ Công cụ hỗ trợ 978 vụ, 1.375 đối tượng (chiếm 3,4% tổng số vụ, 2,8% tổng số đối tượng);
+ Súng tự chế 1.783 vụ, 2.589 đối tượng (chiếm 6,2% tổng số vụ, 2,8% tổng số đối tượng), trong đó: Súng bắn đạn ghém 191 vụ, 259 đối tượng; súng nén hơi cồn 352 vụ, 444 đối tượng; súng nén gas 74 vụ, 90 đối tượng; các loại súng tự chế khác 1.166 vụ, 1.812 đối tượng;
+ Vũ khí thô sơ 8.537 vụ, 17.632 đối tượng (chiếm 29,7% tổng số vụ, 36% tổng số đối tượng), trong đó: Dao găm 857 vụ, 1.111 đối tượng; đao, kiếm 1.543 vụ, 3.540 đối tượng; mã tấu 1.531 vụ, 3.648 đối tượng; vũ khí thô sơ khác 4.606 vụ, 9.333 đối tượng;
+ Dao và phương tiện tương tự dao 16.841 vụ, 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), trong đó: Dao bầu 1.118 vụ, 1.682 đối tượng; dao phay 1.432 vụ, 1.821 đối tượng; dao quắm 646 vụ, 1.034 đối tượng; các loại dao khác 10.691 vụ, 16.919 đối tượng; phương tiện tương tự dao 2.954 vụ, 5.016 đối tượng.
– Phân tích theo hành vi phạm tội như sau:
+ Giết người 1.304 vụ (chiếm 4,5%) , 2.112 đối tượng (chiếm 4,3%);
+ Bắt cóc 107 vụ (chiếm 0,4%), 130 đối tượng (chiếm 0,3%);
+ Cướp 517 vụ (chiếm 1,8%), 805 đối tượng (chiếm 1,6%);
+ Ma túy 117 vụ (chiếm 0,4%), 210 đối tượng (chiếm 0,4%);
+ Cố ý gây thương tích 9.921 vụ (chiếm 34,5%), 16.535 đối tượng (chiếm 33,7%);
+ Chống người thi hành công vụ 131 vụ (chiếm 0,4%), 191 đối tượng (chiếm 0,4%);
+ Gây rối trật tự công cộng 6.952 vụ (chiếm 24,2%), 16.735 đối tượng (chiếm 34,1%);
+ Hành vi khác 9.666 vụ (chiếm 33,8%), 12.269 đối tượng (chiếm 25,2%).
Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân; trong khi đó, các loại dao luôn có sẵn trong cuộc sống hằng ngày để phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt nhưng khi phát sinh mâu thuẫn đối tượng sẵn sàng sử dụng dao để tấn công nạn nhân nhằm giải quyết mâu thuẫn.
Thực tế quá trình điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí.
Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế (súng bắn đạn ghém, súng nén khí, nén hơi…) chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng (1.783/330 vụ, 2.589/546 đối tượng); các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng gây án, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như vũ khí quân dụng (một lần bắn có thể chết hoặc bị thương nhiều người); đồng thời, theo quy định của Luật thì súng tự chế không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ và nghiêm cấm chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí này.
Do đó, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và công cụ, phương tiện tương tự vũ khí thô sơ nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các đối tượng trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong giai đoạn hiện nay thì cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, một số quy định về hành vi bị nghiêm cấm và công tác quản lý để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
(2) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang có 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (các điều 11, 14, 15, 20, 21, 25, 26, 29, 30, 32, 33, 34, 36, 38, 39, 40, 42, 43, 44, 47, 48, 49, 50, 53, 54, 56, 57, 58, 59 và 60).
Trong các giấy tờ đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo các loại giấy tờ liên quan đến hồ sơ pháp lý, các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy tờ tuỳ thân của người đến liên hệ, như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Chứng minh Công an nhân dân, Chứng minh quân đội nhân dân hoặc Hộ chiếu; các quyết định phê duyệt, hồ sơ, giấy tờ chứng minh các điều kiện hoạt động như mặt bằng, dây chuyền công nghệ, hệ thống điện, chống sét, chứng nhận kiểm định…
Để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ trên trong hồ sơ thủ tục hành chính và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Bộ Công an.
Các bộ, ngành khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính phải khai thác, chia sẻ dữ liệu về công dân, doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để phục vụ công tác đăng ký, quản lý cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
(3) Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước cho, tặng, viện trợ một số loại vũ khí (súng cầm tay, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ), công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định này trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
(4) Theo quy định tại các điều 21, 26 và 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ có thời hạn 05 năm, sau khi hết thời hạn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp đổi; một số loại công cụ hỗ trợ (dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao, quả nổ, bình xịt hơi cay…) được cấp giấy xác nhận đăng ký và không có thời hạn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện thấy, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được cấp giấy phép sử dụng không có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, quản lý, sử dụng; hàng năm cơ quan quản lý, cấp phép thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng; trong khi đó, việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí, thời gian, nhân lực; giấy phép sử dụng và giấy xác nhận đều là loại giấy phép do cơ quan quản lý cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng để thực hiện nhiệm vụ với quy trình, thủ tục cấp tương tự như nhau.
Vì vậy, để việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo đảm thống nhất bằng một loại giấy phép thì cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.
(5) Một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại các điều 37, 38, 39, 40, 42, 43 và 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn, vướng mắc như:
– Quy định tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).
– Thực tế hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu, chế tạo ra các loại vật liệu nổ công nghiệp mới nhưng không nằm trong danh mục vật liệu nổ công nghiệp; chưa có quy định về việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng tại Việt Nam nên trong quá trình quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng loại vật liệu nổ này gặp rất nhiều khó khăn.
– Tại điểm b khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: “Chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm chất lượng và kỹ thuật an toàn” là chưa phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).
– Quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết phải bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho 01 lượt vận chuyển và chưa có quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nên gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới.
Phần 2: Những nội dung mới của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) năm 2024.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 75 điều có hiệu lực từ ngày 01/01/2025; trừ quy định tại các Điều 17, Điều 32 và khoản 1 Điều 49 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 để thống nhất thời gian hiệu lực thi hành của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa được sửa đổi đã bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng; đồng thời, phân định rõ theo mục đích sử dụng, theo đó, khi sử dụng các loại súng này vào mục đích săn bắn là súng săn, khi sử dụng vào mục đích luyện tập, thi đấu thể thao là vũ khí thể thao nhằm đảm bảo phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và là cơ sở pháp lý cho các lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Luật cũng bổ sung quy định dao có tính sát thương cao thuộc nhóm vũ khí thô sơ làm căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao để gây án.
Trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng “dao có tính sát thương cao” vào mục đích vi phạm pháp luật. Luật này cũng quy định cụ thể Về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao ; nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa công cụ hỗ trợ.
Decuongtuyentruyen.com sẽ tiếp tục cập nhật những nội dung chính và điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) năm 2024.