Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định phải có đủ 4 điều kiện sau đây mới xác định giao dịch dân sự có hiệu lực:
1. Điều kiện thứ nhất là chủ thể tức là các bên xác lập giao dịch:
Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Ở điều kiện này, để xem xét đủ điều kiện hay không ần quan tâm đến 2 yếu tố:
– Yếu tố thứ nhất là phải xem độ tuổi của người xác lập giao dịch: Có giao dịch phải xem độ tuổi của 2 bên (mua, bán, vay, mượn, thuê…), nhưng có giao dịch cũng chỉ cần quan tâm độ tuổi của một bên như tặng cho, hứa thưởng, thi có giải… Trên thự tế khi xác định giao dịch dân sự có đảm bảo hay không cần kiểm tra xem người tham gia giao dịch tại thời điểm giao dịch sinh năm mấy, tại thời điểm xác lập giao dịch họ bao nhiêu tuổi, nếu họ đã đủ 18 tuổi trở lên thì đủ điều kiện về độ tuổi thực hiện tất cả các loại giao dịch. Trường hợp dưới 18 tuổi thì cần lưu ý:
+ Khi thực hiện giao dịch họ chưa đủ 18 tuổi nhưng giao dịch này chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho họ đối với người xác lập giao dịch thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực (nếu không vi phạm các điều kiện khác). Ví dụ họ được tặng, cho tài sản, đượ trả nợ dùm…
+ Khi thực hiện giao dịch họ chưa đủ 18 tuổi, nhưng khi họ đủ 18 tuổi, họ thừa nhận hiệu lực của giao dịch dân sự mà họ đã xác lập khi chưa đủ tuổi thì giao dịch đó không bị vô hiệu do vi phạm về điều kiện độ tuổi của chủ thể (nếu không vi phạm các điều kiện khác).
Ví dụ: A 17 tuổi 5 tháng, cho bạn gái là B các tài sản (tài sản này ba mẹ mua cho A), gồm: Điện thoại di động, nhẫn vàng trị giá 50tr. Sau khi ba mẹ phát hiện chuyện yêu đương giữa A và B thì ngăn cấm và yêu cầu B trả lại các tài sản mà A đã ho, B không đồng ý trả lại.
Nếu tại thời điểm mà các bên tranh chấp A đã đủ 18 tuổi và A xác nhận việc cho các tài sản trên là tự nguyện và thừa nhận hiệu lực của giao dịch cho tài sản thì giao dịch tài sản giữa A và B không bị vô hiệu do vi phạm điều kiện về độ tuổi của chủ thể.
+ Đối với người chưa đủ 15 tuổi: Các giao dịch liên quan đến chủ thể này phải do người đại diện theo pháp luật của người đó thực hiện (cha, mẹ, người giám hộ khác) tức là pháp luật dân sự xác định chủ thể này không tự xác lập giao dịch dân sự với người khác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, khoản 3 Điều 21 và điểm a khoản 2 Điều 125 Bộ luật Dân sự quy định trường hợp giao dịch dân sự do người chưa đủ 15 tuổi thực hiện không bị vô hiệu nếu giao dịch đó “nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày” của người dưới 6 tuổi và “giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi” của người từ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi.
+ Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch, loại trừ các giao dịch liên quan đến bất động sản (đất đai, nhà cửa…), động sản phải đăng ký hoặc giao dịch dân sự khác mà luật quy định phải đượ người đại diện pháp luật đồng ý.
– Yếu tố thứ hai là phải xem xét người xác lập giao dịch có bị mất hạn chế năng lực hành vi dân sự hay có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hay không.
Để biết thế nào là mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì cần nghiên cứu kỹ các quy định tại Điều 22, 23, 24 BLDS. Về nguyên tắc, các giao dịch do người này phải được người đại diện xác lập, thực hiện hoặc đồng ý.
Tuy nhiên, cần lưu ý những trường hợp sau:
+ Thứ nhất, các giao dịch dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày của họ thì không bị vô hiệu do vi phạm điều kiện này.
+ Thứ hai, các giao dịch chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ của họ đối với người xác lập giao dịch thì không bị vô hiệu do vi phạm điều kiện này.
+ Thứ ba, sau khi họ khôi phục năng lực hành vi dân sự thì họ thừa nhận hiệu lực của giao dịch đó thì không bị vô hiệu do vi phạm điều kiện này.
2. Điều kiện thứ hai là chủ thể tham gia giao dịch phải hoàn toàn tự nguyện
Để xác định như thế nào là chủ thể hoàn toàn tự nguyện thì rất rộng, khó nhận dạng. Về bản chất là khi xác lập giao dịch họ hoàn toàn bình thường về mặt sinh học và không có yếu tố gì tác động đến nhận thức của họ. Cần lưu ý các trường hợp sau:
– Trường hợp thứ nhất là một bên tham gia giao dịch dân sự bị đe dọa, cưỡng ép
Đe dọa, cưỡng ép là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Ví dụ: Con đủ 18 tuổi cá độ bóng đá thiếu nợ, chủ nợ đưa người đến đe dọa tính mạng, ép cha mẹ phải gán tài sản để trả nợ thay con.
– Trường hợp thứ hai là một bên tham gia giao dịch dân sự bị lừa đối
Lừa dối là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Ví dụ: A dẫn người yêu tới Văn phòng công chứng mang theo chứng minh nhân dân của vợ và giới thiệu người yêu là vợ và ký bán nhà, đất cho B.
– Trường hợp thứ ba là một người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nhưng tại thời điểm xác lập giao dịch dân sự họ không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì nếu có yêu cầu, Tòa án sẽ tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.
Ví dụ: Bán tài sản, cho tài sản trong trường hợp say rượu, bia hoặc dùng chất kích thích khác dẫn đến không làm chủ được hành vi.
3. Điều kiện thứ ba là mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thế thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
4. Điều kiện thứ tư là trong trường hợp luật có quy định hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch
Giao dịch dân sự có nhiều hình thức như lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Để xác định trường hợp nào pháp luật quy định về hình thức giao dịch thì phải chỉ ra được điều luật trong Luật, Bộ luật nào đó quy định.
Ví dụ: Điều 502 Bộ luật dân sự quy định: “Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Điều 503 BLDS quy định: “Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật đất đai.” Và tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định: “a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này“.
Điều 121, 122 Luật nhà ở quy định hợp đồng nhà ở phải bằng văn bản và có công chứng, chứng thực.
Tuy nhiên, để xác định các giao dịch dân sự xác lập từ 01/01/2017 vô hiệu do vi phạm về hình thức thì cần lưu ý một số điểm mới của BLDS 2015 so với BLDS 2005 như sau:
+ Thứ nhất, Luật quy định giao dịch phải xác lập bằng văn bản nhưng các bên lập văn bản không đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên một hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó ( khoản 1 Điều 129 BLDS).
Ví dụ: Điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định hình thức của hợp đồng bảo hiểm phải lập thành văn bản, bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định, và Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:
“1. Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;
b) Đối tượng bảo hiểm;
c) Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản;
d) Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;
đ) Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;
e) Thời hạn bảo hiểm;
g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
h) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;
i) Các quy định giải quyết tranh chấp;
k) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.
2. Ngoài những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thoả thuận.”
Ví dụ tình huống tranh chấp hợp đồng bảo hiểm có nội dung như sau: Ông A đã nhiều lần mua bảo hiểm tàu biển của Công ty B, lần sau cùng là năm 2019, khi mà bảo hiểm trước đã hết hạn thì ông A tiếp tục nộp tiền mua bảo hiểm người đại diện của Cty B và vì phía người đại diện của CTy B thông bao với ông A rằng mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm đã hết nên chưa giao cho ông A kịp, sau khi giao tiền, ông A và đại diện phía Cty B lập một văn bản viết tay theo mẫu in sẵn của Cty B có nội dung thể hiện thời gian ông A giao tiền để mua bảo hiểm cho tàu cá của ông A. Trong thời gian chờ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm thì tàu cá của ông A bị cháy.
Phía công ty bảo hiểm không bồi thường cho ông A vì nguyên nhân dẫn đếntàu của ông A cháy thuộc trường hợp “loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” và vì hai bên không ký kết hợp đồng theo mẫu, chỉ có văn bản viết tay theo mẫu tạm thời, hình thức của hợp đồng bảo hiểm không đúng pháp luật lên đề nghị Tòa án tuyên giao dịch bảo hiểm trên vô hiệu do vi phạm Điều 13, 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về hình thức, nội dung của hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp trên cần xác định ông A đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ là nộp tiền mua bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 129 BLDS: ‘văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch…” để xem xét công nhận hợp đồng của hai bên.
+ Thứ hai, Luật quy định giao dịch dân sự phải xác lập bằng văn bản và phải công chứng, chứng thực nhưng hình thức giao dịch vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực, tuy nhiên một hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó, trong trường hợp này các bên không phải công chứng, chứng thực (khoản 2 Điều 129 BLDS)
Ví dụ: Năm 2017, vợ chồng A thỏa thuận bán cho vợ chồng con trai là anh B 100m2 đất trong vườn ở của mình để anh B làm nhà, theo hình thức họp gia đình, lập biên bản xác định bán cho vợ chồng anh B 100m2 đất để làm nhà, vợ chồng anh B có nghĩa vụ giao cho ba mẹ 50tr để dưỡng già (biên bản gia đình thể hiện rõ bên bán, bên mua, số tiền, thời hạn giao tiền nhưng không được công chứng, chứng thực). Năm 2018, vợ chồng anh B làm nhà, xây hàng rào thành khuôn viên riêng và đã giao đủ 50tr để vợ chồng ông A gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Năm 2019, vợ chồng anh B ly hôn, phía ba mẹ anh B đòi lại đất, cho rằng đất chỉ cho mượn chứ không bán, không lập hợp đồng công chứng, chứng thực như thỏa thuận, trả lại 50tr cho vợ chồng anh B. AnhB đồng ý với quan điểm của cha mẹ, xác định việc mua bán không được công chứng, chứng thực nên xác định chỉ có nhà mới là tài sản của vợ chồng, còn đất là tài sản của cha mẹ, không phải tài sản của vợ chồng. Vợ anh B không đồng ý, và cho rằng đây là tài sản chung của vợ chồng.
Trường hợp trên thì bên mua đã giao đủ tiền, làm nhà ở trên đất, bên bán đã giao đất. Theo đó, áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 129 BLDS, xác định “giao dịch đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch” để xem xét việc mua bán đất có hiệu lực.
Rubi
Trích tài liệu tập huấn Hội thẩm nhân dân tỉnh Quảng Nam 2020