Decuongtuyentruyen.com biên soạn, giới thiệu các văn bản quan trọng ban hành từ 16/12 đến 22/12/2019 như: Khung giá đất tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2024; tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
- Khung giá đất ở tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2020-2024
Khung giá đất ở tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2024 được Chính phủquy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất.
Theo Nghị định 96/2019/NĐ-CP thì tỉnh Quảng Nam nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để UBND tỉnh xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
Như vậy, căn cứ vào Nghị định 96/2019//NĐ-CP thì khung giá đất ở của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2024 như sau:
- a) Khung giáđất ở tại nông thôn
– Đối với xã đồng bằng: Giá tối thiểu 40.000đ/m2, giá tối đa 12.000.000đ/m2 (nếu UBND tỉnh tăng tối đa 20% thì giá tối đa là 14.400.000đ/m2)
– Đối với xã trung du: Giá tối thiểu 30.000đ/m2, giá tối đa 8000.000đ/m2 (nếu UBND tỉnh tăng tối đa 20% thì giá tối đa là 9.600.000đ/m2)
– Đối với xã miền núi: Giá tối thiểu 25.000đ/m2, giá tối đa 6.000.000đ/m2 (nếu UBND tỉnh tăng tối đa 20% thì giá tối đa là 7.200.000đ/m2).
- b) Khung đất ở tại đô thị
– Đối với đô thị loại 2: Giá tối thiểu 200.000đ/m2, giá tối đa 45.000.000đ/m2 (nếu UBND tỉnh tăng tối đa 20% thì giá tối đa là 54.000.000đ/m2)
– Đối với đô thị loại 3: Giá tối thiểu 180.000đ/m2, giá tối đa 25.000.000đ/m2 (nếu UBND tỉnh tăng tối đa 20% thì giá tối đa là 30.000.000đ/m2)
– Đối với đô thị loại 4: Giá tối thiểu 100.000đ/m2, giá tối đa 12.000.000đ/m2 (nếu UBND tỉnh tăng tối đa 20% thì giá tối đa là 14.400.000đ/m2)
– Đối với đô thị loại 5: Giá tối thiểu 50.000đ/m2, giá tối đa 10.000.000đ/m2 (nếu UBND tỉnh tăng tối đa 20% thì giá tối đa là 12.000.000đ/m2).
- Được hạ thấp tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để nuôi trồng thủy sản
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94/2019/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, có hiệu lực 01/02/2020.
Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải theo kế hoạch chuyển đổi do cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.
Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120cm so với mặt ruộng.
Chính phủ cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước có tác động đến tầng đất mặt thì phải bóc riêng tầng đất mặt đó để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Độ sâu tầng đất mặt phải bóc tách từ 20 đến 25cm tính từ mặt đất.
- Tiêu chí xác định dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Ngày 18/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 34/2019/QĐ-TTg Quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực 03/02/2019.
Theo đó, tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp như sau:
– Công nghệ ứng dụng trong dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điêu 4 Quyết định này và Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển ban hành kèm theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg và Quyết định 13/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 66/2014/QĐ-TTg
– Sản phẩm được tạo ra của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm.
– Được cấp chứng nhận hoặc cam kết công bố áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo một trong các tiêu chuẩn TCVN 9001:2015, Gap, GMP hoặc tiêu chuẩn quốc tế tương đương về hệ thống quản lý chất lượng.
– Dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.