Đề cương tuyên truyền Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024

Sáng 29/11/2024 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV,  Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024, với 446/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội.

Decuongtuyentruyen.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 gồm 02 phần: Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024. Phần 2. Những nội dung cơ bàn và điểm mới của Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024

Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024.

Thứ nhất, địa chất là ngành khoa học kỹ thuật tổng hợp, khoa học về trái đất, khi điều tra địa chất về khoáng sản, không chỉ phát hiện khoáng sản mà còn điều tra, đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất. Theo đó, đã làm rõ thông tin, dữ liệu địa chất như: di sản và công viên địa chất; các cấu trúc địa chất thuận lợi để lưu trữ nước, CO2, chôn lấp chất thải độc hại; về tai biến địa chất và cảnh báo thiên tai; địa chất công trình,… phục vụ các ngành: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp, Du lịch,… quốc phòng – an ninh. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chưa quy định đầy đủ nội dung điều tra cơ
bản địa chất như đã nêu trên; chưa quy định nội dung quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW đã nêu

Thứ hai, sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như:

(1) khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công …;

Đề cương tuyên truyền Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024
Đề cương tuyên truyền Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024

(2) khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khi khai thác khoáng sản chính;

(3) vấn đề kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép khai thác khoáng sản;

(4) vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản;

(5) vấn đề cải cách thủ tục hành chính như quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là khoáng sản làm VLXDTT, cát, sỏi lòng sông không còn phù hợp;

(6) quy định về khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia không phù hợp với thực tiễn;

(7) quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ nhằm bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, theo mô
hình “kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”;

(8) quy định thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản quy mô rất nhỏ (đá chẻ, đất sét) chưa hợp lý như phản ánh của cử tri và đại biểu Quốc hội, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thứ ba, 13 năm qua, nhiều Luật liên quan đến địa chất, khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như: Bộ luật Dân sự (2015), Luật Đất đai (2013), Luật Xây dựng (2014, 2020), Luật Đấu giá tài sản (2016), Luật quản lý, sử dụng tài sản công (2017), Luật Bảo vệ môi trường (2020), Luật Đầu tư (2020), Luật Doanh nghiệp (2020), Luật Quy hoạch (2017), Luật Ngân sách nhà nước (2015), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy lợi (2017), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Đa dạng sinh học (2018). Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chưa được sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Phần 2. Những nội dung cơ bàn và điểm mới của Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024

Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 gồm 12 Chương, 111 Điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dầu khí; các loại nước thiên nhiên không phải là nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên; hoạt động chế biến khoáng sản không gắn với dự án đầu tư khai thác khoáng sản để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc giấy phép khai thác tận thu khoáng sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

12 điểm mới của Luật địa chất và khoáng sản

+ Quy định về điều tra cơ bản địa chất:

Luật Địa chất và Khoáng sản đã quy định rõ nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị; điều tra điều kiện địa chất khác gồm: điều tra, lập bản đồ không gian địa chất, bản đồ không gian lòng đất; tài nguyên địa nhiệt; tài nguyên địa chất tái tạo; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra cơ bản địa chất.

+ Phân nhóm khoáng sản

Trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Việc phân nhóm khoáng sản như Luật sẽ cho phép xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản, khoáng sản đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.

+ Tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương

Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao nǎng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện. Bổ sung việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với: (i) phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất theo quy hoạch; điều tra địa chất về khoáng sản đối với khoáng sản nhóm III, nhóm IV và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương: (ii) quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; (iii) Cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên.

Trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường
Đề cương tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

+ Các quy định về khoáng sản nhóm IV

Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 đã bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, khai thác khoáng sản nhóm IV. Luật đã quy định rõ khoáng sản nhóm IV bao gồm: khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).

+ Trường hợp đặc thù

Luật bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản). Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản không phải căn cứ phương án quản lý về địa chất, khoáng sản (là hợp phần trong phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn được tích hợp vào quy hoạch tỉnh). Ngoài ra, Luật đã có quy định Nhà nước tổ chức thực hiện đóng cửa mỏ trong một số trường hợp đặc biệt như chủ dự án bị phá sản hoặc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không có khả năng thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản.

+ Kinh tế tuần hoàn trong khai khoáng

Luật bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

+ Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng

Trước kia, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, thì nay Luật Địa chất Khoáng sản 2024 quy định công nhận kết quả thăm dò khoáng sản. Quy định này mang tính chất tổng quát và đầy đủ hơn.

+ Khoáng sản quan trọng

Sử dụng ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; thực hiện đề án đóng cửa mỏ trong một số trường hợp đặc biệt như chủ dự án bị phá sản hoặc thực sự không đủ năng lực về mặt kinh tế.

+ Bổ sung quy định về thu hồi khoáng sản

Luật đã làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản là hoạt động kết hợp nhằm lấy được khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc các hoạt động khác theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận. Việc thu hồi khoáng sản được thực hiện theo cơ chế khác so với khai thác khoáng sản.

+ Tài chính khoáng sản

Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

+ Tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển

Luật đã quy định rõ, hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển phải tuân thủ quy định đối với khoáng sản nhóm II hoặc nhóm III bảo kiểm soát và giám sát bằng các phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại để bảo đảm kiểm soát được sự biến động trữ lượng khoáng sản; nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; nguy cơ sạt lở, mất ổn định lòng sông, bờ sông, bãi sông, bờ biển.

+ Các nội dung khác

Ngoài các nội dung nêu trên, Luật đã chỉnh lý các nội dung liên quan đến: Quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản sau khi kết quả thăm dò khoáng sản được công nhận; rà soát lại toàn diện quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân thăm dò, khai thác, khai thác tận thu, thu hồi khoáng sản; quy định về các trường hợp thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép thăm dò, khai thác, khai thác tận thu khoáng sản.

Decuongtuyentruyen.com sẽ tiếp tục cập nhật những điểm mới của Luật Địa chất và khoáng sản

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *