Đề cương tuyên truyền Luật Đầu tư công năm 2024

Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư công năm 2024

Luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số khó khăng, vướng mắc, bất cập có tính cấp bách cần  xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, Quốc hội cũng ban hành các Luật, nghị quyết để sửa đổi, bổ sung một số chính sách mới  cho các đối tượng, ngành, lĩnh vực; quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới, đặc thù cho một số địa phương, dự án đã được Quốc hội cho phép áp dụng , cần nghiên cứu để Luật hóa, cụ thể như sau:

1. Yêu cầu thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đáp ứng các vấn đề thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong điều hành, quản lý đầu tư công.

Đề cương tuyên truyền Luật Đầu tư công năm 2024
Đề cương tuyên truyền Luật Đầu tư công năm 2024

Trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết phân cấp cho địa phương để thực hiện một số dự án đầu tư công có quy mô lớn, đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng. Đây là vấn đề “đã chín, đã rõ”, cần nghiên cứu luật hóa để mở rộng phạm vi áp dụng.

Đồng thời, qua thực tiễn triển khai Luật Đầu tư công năm 2019, một số nội dung có thể nghiên cứu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, theo nguyên tắc cấp nào quản lý chương trình, dự án thì cấp đó chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện như: phân cấp cho cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án phải bảo đảm phù hợp với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đã nước ngoài; phân cấp  cho cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương; phân cấp cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định kéo dài thời gian bố trí vốn , kéo dài thời gian thực hiện và kế hoạch giải ngân vốn ngân sách địa phương; phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm giữa các bộ và cơ quan Trung ương và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm Quốc hội đã quyết nghị…

2. Một số nội dung chưa được quy định cụ thể, chưa thật sự rõ ràng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, còn có cách hiểu khác nhau hoặc chưa đồng bộ với một số Luật, Nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành, gây khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong thực hiện như: Các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án; nợ đọng xây dựng cơ bản; sử dụng chi thường xuyên cho nhiệm vụ đầu tư, duy tu, bão dưỡng, xây lắp….thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với nguồn thu hợp pháp dành để đầu tư; đối tượng đầu tư công quy định tại các Luật Nhà ở, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Hợp tác xã, Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội về Quỹ hỗ trợ đầu tư…

2. Những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Đầu tư công năm 2024

2.1. Những nội dung cơ bản của Luật Đầu tư công 2024

Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 103 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Theo Luật mới được thông qua, ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công bao gồm: quốc phòng; an ninh và trật tự, an toàn xã hội; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; khoa học, công nghệ; y tế, dân số và gia đình; văn hóa, thông tin; phát thanh, truyền hình, thông tấn; thể dục, thể thao; bảo vệ môi trường; các hoạt động kinh tế; hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị – xã hội; bảo đảm xã hội; ngành, lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật cũng quy định 5 nguyên tắc quản lý đầu tư công là: tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công; quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.

Đề cương tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng
Chống tham nhũng trong đầu tư công

Luật nghiêm cấm quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; đưa, nhận, môi giới hối lộ; làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án; sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức…

Đối với trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo phân cấp tại Luật quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

2.2. Những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công 

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C.

Việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp.

Để bảo đảm tính chặt chẽ, Luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.

Phân cấp trong cơ quan nhà nước
Phân cấp trong đầu tư công

Với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong các trường hợp:

– Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;

– Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Về quy định hạn mức 20% đối với các dự án qua hai kỳ trung hạn tại Điều 93, Luật Đầu tư công sửa đổi theo hướng:

– Quy định tiếp tục giữ quy định về hạn mức 20%;

– Bổ sung quy định đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội;

– Bổ sung quy định đối với dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài;

– Bổ sung quy định cho phép vượt mức 20%: “cấp có thẩm quyền báo cáo để được phép quyết định vượt mức, nhưng không được vượt quá 50% số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước”.

Về các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng cũng được quy định trong luật như:

– Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập;

– Giao 01 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;

– Cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để uỷ thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội…

Decuongtuyentruyen.com sẽ tiếp tục cập nhật những điểm mới của Luật Đầu tư công năm 2024

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *