Đề cương tuyên truyền Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2023, với   463 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.72% tổng số ĐBQH); có 386 đại biểu tán thành (bằng 78.14% tổng số ĐBQH); có 61 đại biểu không tán thành (bằng 12.35% tổng số ĐBQH); có 16 đại biểu không biểu quyết (bằng 3.24% tổng số ĐBQH).. Luật  hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới  bạn đọc Đề cương tuyên truyền Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, gồm 02 phần: Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 . Phần 2: Những nội dung mới của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023
Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách là các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) tại địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là địa bàn cơ sở). Với vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở luôn được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Công an, sự giúp đỡ, cộng tác, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; từ đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn và đã có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Trong điều kiện đó, việc đề nghị xây dựng, thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết với những lý do sau đây:
Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong các văn bản chỉ đạo của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở; cụ thể tại các văn bản sau:

Đề cương tuyên truyền Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Đề cương tuyên truyền Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
– Chỉ thị số 09/CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới đề ra yêu cầu điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, chế độ, chính sách để tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về khoán kinh phí chi trả phụ cấp để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đề ra yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 01/8/2017 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở.
– Ngày 11/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2020 đã cho ý kiến thông qua đề nghị xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an trình.
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã cụ thể hóa chủ trương, quan điểm nêu trên của Đảng ở những nội dung sau:
– Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và được cụ thể hóa ở văn bản luật bảo đảm đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, thống nhất áp dụng.
– Thứ hai, việc đề xuất xây dựng, thông qua Luật không làm phát sinh tăng biên chế, không tăng chi ngân sách nhà nước; góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước.
– Thứ ba, Luật quy định theo hướng kiện toàn, sắp xếp, bố trí thống nhất lực lượng gắn với việc điều chỉnh, xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này tại địa bàn cơ sở.
– Thứ tư, mặc dù bố trí Công an xã, thị trấn chính quy nhưng tính trung bình trên 01 xã chỉ có thể bố trí tối đa đến 05 Công an chính quy, trong khi địa bàn xã rất rộng, nhiều xã là nơi tập trung các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, chia cắt, đi lại khó khăn… không thể bố trí đủ lực lượng Công an xã chính quy mà vẫn phải huy động, sử dụng các lực lượng quần chúng cùng phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự để giúp lực lượng Công an chính quy chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ, việc, không để bị động, bất ngờ.
Hai là, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
– Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như tham gia tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, tham gia tuần tra, kiểm soát, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bắt giữ người phạm tội quả tang, đối tượng truy nã, được sử dụng công cụ hỗ trợ… Do đó, việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng quy định của Hiến pháp.
– Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng này lại được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên không đồng bộ, chồng lấn, khó thực hiện. Do đó, sự cần thiết phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào 01 đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự; đồng thời, bảo đảm cơ sở pháp lý tương xứng giữa việc điều chỉnh lực lượng Công an chính quy (Luật Công an nhân dân) với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở).
Ba là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của Bộ Công an, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong toàn quốc đã được củng cố, kiện toàn, cụ thể:
– Về lực lượng bảo vệ dân phố: Đã thành lập được 1.882 ban bảo vệ dân phố, 15.656 tổ bảo vệ dân phố, với tổng số là 72.456 thành viên.
– Về lực lượng dân phòng: Đã thành lập được 42.476 đội dân phòng với trên 543.095 đội viên.
– Về lực lượng Công an xã: Toàn quốc có 126.084 Công an xã, thị trấn không phải là Công an chính quy đã kết thúc vụ Công an xã và tiếp tục tham bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã.
Quá trình tham gia với Công an chính quy thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay khi tình hình thế giới, khu vực liên quan đến an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự, không để tích tụ trở thành điểm nóng. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ huy động được sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; trong đó, Công an nhân dân là lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này được quy định trong Luật Công an nhân dân. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này được quy định trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bốn là, sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chức danh, mối quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Hiện nay, về bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang có tình trạng không thống nhất (bảo vệ dân phố được bố trí thành ban, tổ trên địa bàn phường; dân phòng được bố trí thành đội, tổ ở thôn, làng, ấp, bản, đơn vị dân cư tương đương; Công an xã bán chuyên trách được bố trí theo mô hình dân phòng). Trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách) và đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự có tính chất tương đồng, từ đó dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, chồng lấn.
Do đó, việc nghiên cứu điều chỉnh lại theo hướng thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã để thành một lực lượng với tên gọi chung, được bố trí thống nhất trên địa bàn xã, phường, thị trấn sẽ góp phần kiện toàn, tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất, chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thật chất hơn cũng như bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này được đồng bộ, thống nhất. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong quan hệ phối hợp giữa lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; khắc phục thực trạng hiện nay là có nhiều lực lượng cùng tham gia nhưng không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm chính. Mặt khác, việc điều chỉnh thống nhất 03 lực lượng này sẽ khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay khi người dân rất khó phân biệt tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, địa bàn, phạm vi hoạt động… của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Năm là, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã; bảo đảm cơ sở để bãi bỏ Pháp lệnh Công an xã khi đã hoàn thành việc bố trí Công an xã chính quy.
Tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: “Các chức danh Công an xã bán chuyên trách được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác”. Việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để quy định thống nhất việc quản lý đối với các chức danh Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy. Theo đó, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thông qua và có hiệu lực cùng với việc hoàn thành bố trí Công an xã chính quy trong toàn quốc thì Pháp lệnh Công an xã năm 2008 sẽ hết hiệu lực thi hành.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 Chương, 33 Điều. Theo luật đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng, gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Lực lượng được bố trí ở thôn, tổ dân phố; do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Luật mới quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành lực lượng này.Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học trở lên… được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng.

Trường hợp trên 70 tuổi bảo đảm sức khỏe thì chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã.

Lực lượng này được bảo đảm kinh phí hoạt động, trang bị công cụ hỗ trợ; có trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định việc cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Luật cũng quy định người tham gia được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định…

Trường hợp bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Việc chi trả cho lực lượng này do ngân sách nhà nước đảm nhiệm. Trong đó, nhiệm vụ chi của Bộ Công an do ngân sách trung ương bảo đảm; nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm theo quyết định của HĐND các cấp.

Decuongtuyentruyen.com sẽ sớm cập nhật những nội dung mới củaLuật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023. Bạn đọc theo dõi để phục vụ cho công tác tìm hiểu, tuyên truyền pháp luật.

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *