Decuongtuyentruyen.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Một là, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP “Thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm”. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và cơ sở đào tạo, nghiên cứu đang triển khai thực hiện nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng chưa đúng với quy định hiện hành, đặc biệt là nguyên tắc cạnh tranh.
Hai là, việc quy định nội dung đào tạo bồi dưỡng “tin học” đã được quy định từ năm 1996, khi đó việc sử dụng máy tính và các phần mềm còn rất mới mẻ. Mục tiêu của nội dung bồi dưỡng này là giảng dạy cho cán bộ, công chức, viên chức về kỹ thuật sử dụng máy tính, các phần mềm tin học văn phòng cơ bản. Đồng thời nội dung thi về tin học trong các kỳ thi tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng còn rất nhiều bất cập. Việc đưa nội dung ĐTBD “công nghệ thông tin” thay “tin học” là sự đòi hỏi khách quan của việc xây dựng, vận hành và triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Chính quyền điện tử cũng như Cách mạng công nghệ lần thứ 4 đòi hỏi cần trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức nền tảng kiến thức công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập quốc tế; tạo cơ sở cho việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hình thức từ xa, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ba là, lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tính chất công việc khác biệt với lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị hành chính. Mặt khác, người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Do vậy, việc xây dựng, tổ chức giảng dạy và phân công quản lý các chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập, là nhu cấp thiết.
Bốn là, do tính chất đặc thù của chuyên ngành quản lý như: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, … có nhu cầu và thực tế đang triển khai giảng dạy các chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành theo tiêu chuẩn ngạch công chức có thời gian nhiều hơn so với các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức. Do vậy, việc xây dựng và phân công quản lý các chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành theo tiêu chuẩn ngạch công chức là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Năm là, việc triển khai các quy định liên quan đến chứng chỉ bồi dưỡng còn nhiều bất cập, chẳng hạn như: quy định về việc chứng chỉ các chương trình bồi dưỡng ở ngạch, hạng thấp hơn là điều kiện để được học chương trình bồi dưỡng cao hơn liền kề; chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn hạng viên chức tương ứng và ngược lại; chứng chỉ bồi dưỡng viên chức cùng hạng ở các chuyên ngành khác nhau có giá trị thay thế cho nhau. Các quy định này không phù hợp với nguyên tắc “bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức”, với quy định quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 cũng có những nội dung mới, như: Tiếp nhận vào làm công chức không qua thi tuyển đối với một số trường hợp đặc biệt; tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức lãnh đạo, quản lý đối với người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý trong doanh nghiệp nhà nước. Đối với những trường hợp này cần bổ sung các quy định sử dụng chứng chỉ theo hướng tạo điều kiện cho việc tiếp nhận, bổ nhiệm.
Sáu là, quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về quản lý và phân công tổ chức bồi dưỡng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức trên thực tế gặp khó khăn trong triển khai thực tế thời gian qua, không phù hợp với tình hình thực tiễn. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị chủ yếu tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị trung cấp và cao cấp. Vì vậy, các quy định này cần phải điều chỉnh, sửa đổi nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Rubi