Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích các yêu cầu của kỹ thuật văn bản để đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện của bộ luật/luật, tác giả của bài viết đề xuất Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật văn bản gồm 6 tiêu chuẩn với 50 tiêu chí khác nhau và giải thích các tiêu chí này qua phân tích ví dụ về trường hợp không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí.
1. Đặt vấn đề
Chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật nói chung cũng như của luật nói riêng (gồm bộ luật và luật) không chỉ phụ thuộc vào chất lượng về nội dung của văn bản mà còn phụ thuộc vào chất lượng thể hiện nội dung của văn bản hay còn được gọi là chất lượng của kỹ thuật văn bản[1]. Chỉ có thể có văn bản có chất lượng khi nội dung văn bản được thể hiện chính xác, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện. Theo đó, “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch,…”[2] đòi hỏi không chỉ chú ý đến nội dung của văn bản mà phải chú ý cả kỹ thuật văn bản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động lập pháp cũng như hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học đều chưa thực sự có sự chú ý đúng mức đến kỹ thuật văn bản. Đó có thể là một phần nguyên nhân của tình trạng còn nhiều hạn chế về kỹ thuật văn bản trong các bộ luật, các luật nói riêng cũng như trong các văn bản quy phạm pháp luật nói chung. Để khắc phục tình trạng này, một trong những yêu cầu được đặt ra là phải làm rõ nội dung khoa học của kỹ thuật văn bản trên cơ sở các yêu cầu của kỹ thuật văn bản đã được luật hóa, để từ đó có thể xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật văn bản là công cụ cần thiết không chỉ dùng để đánh giá kỹ thuật văn bản của bộ luật/luật đã được ban hành mà còn có thể được sử dụng ngay khi xây dựng dự thảo bộ luật/luật. Theo đó, tác giả phân tích các yêu cầu của kỹ thuật văn bản và chuyển hóa các yêu cầu này thành các tiêu chí cụ thể để xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật văn bản (đối với bộ luật và luật). Bộ tiêu chuẩn này được đề xuất để cơ quan nhà nước có trách nhiệm tham khảo xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật văn bản chính thức và đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
2. Các yêu cầu của kỹ thuật văn bản
Do kỹ thuật văn bản có ý nghĩa đặc biệt nên ở Việt Nam, vấn đề kỹ thuật văn bản đã được luật hóa. Hiện nay, hai văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 (Nghị quyết 351) ngày 14/3/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.Tuy nhiên, nội dung của kỹ thuật văn bản được luật hóa trong 2 văn bản này tương đối khái quát, thể hiện ở hai yêu cầu: Yêu cầu về tính logic trong bố cục và yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ một cách khoa học[3]. Hai yêu cầu này được đặt ra là để đảm bảo cho nội dung văn bản được truyền tải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu[4].Từ đó, văn bản sẽ trở lên dễ nhớ, dễ thực hiện. Để có thể áp dụng các quy định về kỹ thuật văn bản có hiệu quả trong thực tiễn lập pháp, đòi hỏi hai yêu cầu của kỹ thuật văn bản phải được làm rõ hơn, cụ thể hơn về mặt khoa học và qua đó cần được chuyển hóa thành các tiêu chí cụ thể trong Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật văn bản.
2.1. Yêu cầu về tính logic trong bố cục
Các bố cục trong Bộ luật/Luật có thể gồm: Phần-Chương-Mục-Tiểu mục-Điều-Khoản-Điểm. Trong đó, điều là bố cục cơ bản; chương là bố cục không thể thiếu của Bộ luật; các bố cục khác có thể được xây dựng hoặc không trừ trường hợp khi có bố cục tiểu mục thì không thể bỏ qua bố cục mục; khi có bố cục mục thì phải có bố cục chương cũng như khi có bố cục phần thì phải có bố cục chương. Nội dung này đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết 351. Bên cạnh đó, Nghị quyết 351 còn xác định, bố cục điểm chỉ có thể được xây dựng trong bố cục khoản mà không thể được xây dựng trực tiếp trong bố cục điều. Theo đó, bố cục điểm chỉ có thể thuộc khoản; để có bố cục điểm thì không thể bỏ qua bố cục khoản[5]. Tác giả cho rằng, thông thường bố cục điểm được xây dựng trong bố cục khoản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc cho phép bố cục điểm được xây dựng trực tiếp trong bố cục khoản mà không cần có bố cục khoản là cần thiết vì phù hợp với thực tiễn lập pháp. Như vậy, không nhất thiết phải khẳng định chỉ có bố cục điểm thuộc bố cục khoản[6].
Về tính logic của các bố cục có 2 yêu cầu cụ thể sau:
2.1.1. Yêu cầu về liên kết chủ đề giữa các bố cục[7].
Chủ đề của các bố cục trong bố cục lớn hơn đều “ngang hàng” với nhau và chủ đề của bố cục lớn hơn bao hàm hết các chủ đề “ngang hàng” này. Đó là hai mối liên kết chủ đề của mỗi bố cục. Để có được tính “ngang hàng” và tính “bao hàm” như vậy, chủ đề của mỗi bố cục trong bố cục lớn hơn phải là kết quả của sự phân loại chủ đề chung của bố cục lớn hơn theo cùng tiêu chí. Do vậy, chủ đề của mỗi bố cục trong bố cục lớn hơn đều là chủ đề bộ phận thuộc chủ đề chung của bố cục lớn hơn. Mỗi chủ đề bộ phận vừa có cái “riêng” để phân biệt với chủ đề bộ phận khác và vừa có cái “chung” để cùng thuộc chủ đề chung.
Như vậy, mỗi bố cục đều có hai mối quan hệ – quan hệ “ngang hàng” và quan hệ “bao hàm”[8]. Trong đó, quan hệ “ngang hàng” là quan hệ giữa các bố cục trong cùng bố cục lớn hơn; quan hệ “bao hàm” là quan hệ giữa một bố cục với các bố cục nhỏ hơn trong bố cục đó. Trong quan hệ “ngang hàng”, mỗi bố cục phải có chủ đề riêng nhưng chủ đề riêng này vẫn có điểm chung với các chủ đề riêng của các bố cục ngang hàng khác. Tính “riêng” và tính “chung” của chủ đề đảm bảo chủ đề của một bố cục có tính chất là chủ đề bộ phận thuộc chủ đề chung của bố cục lớn hơn. Khi chủ đề của các bố cục đều là chủ đề bộ phận thuộc chủ đề chung của bố cục lớn hơn thì các bố cục đó mới có tính “ngang hàng” với nhau và có tính “bao hàm” với bố cục lớn hơn. Trong đó, bố cục lớn hơn là bố cục bao hàm và các bố cục nhỏ hơn là bố cục bị bao hàm.
Tóm lại, liên kết chủ đề giữa các bố cục đòi hỏi các bố cục trong bố cục lớn hơn có tính “ngang hàng” với nhau và có tính “bao hàm” với bố cục lớn hơn. Xem xét một bố cục có liên kết chủ đề hay không là xem xét có tính “bị bao hàm” với bố cục lớn hơnvà tính “ngang hàng” với các bố cục khác trong cùng bố cục lớn hơn hay không.
Ngoài yêu cầu về tính “ngang hàng” và tính “bao hàm”, ở một số bố cục còn đòi hỏi tính “đầy đủ”. Cụ thể:
– Trong bố cục phần phải có chương;
– Bố cục điều phải “trọn ý” nên phải “trọn câu”;
– Bố cục khoản phải “trọn ý” nên phải “trọn câu”; và
– Bố cục điểm phải “có ý”.
Trong trường hợp, bố cục điều không được chia thành các bố cục khoản, tính “đầy đủ” đòi hỏi điều được xây dựng ít nhất là một câu (trọn câu) để truyền tải tương đối đầy đủ nội dung của điều (“trọn ý”).
Bố cục điều có thể được chia thành các bố cục khoản khi chủ đề chung của bố cục điều có nhiều chủ đề bộ phận và thông tin của mỗi chủ đề bộ phận là độc lập với nhau, phản ánh trọn vẹn một nội dung (“trọn ý”). Do vậy, bố cục đoạn cũng có tính đầy đủ và tính độc lập như bố cục điều.
Bố cục khoản có thể được chia thành các bố cục điểm khi chủ đề chung của bố cục khoản có nhiều chủ đề bộ phận.Mỗi điểm đều có chủ đề là chủ đề bộ phận thuộc chủ đề chung của bố cục khoản và không đòi hỏi phải độc lập với nhau. Do vậy, bố cục điểm không đòi hỏi có tính đầy đủ và tính độc lập như bố cục khoản. Thông tin của mỗi điểm có thể phải trong sự thống nhất với thông tin của các điểm khác mới phản ánh tương đối trọn vẹn một nội dung và về cấu trúc ngữ pháp, điểm chỉ là một phần trong cấu trúc ngữ pháp chung của bố cục khoản. Theo đó,tính “đầy đủ” của bố cục điểm chỉ đòi hỏi “có ý”.
Như vậy, chỉ xây dựng bố cục khoản khi bố cục điều có nhiều chủ đề bộ phận và thông tin của các chủ đề bộ phận này là độc lập với nhau, phản ánh trọn vẹn một nội dung (“trọn ý”). Theo đó, bố cục khoản có có tính đầy đủ và tính độc lập như bố cục điều (trong trường hợp điều không chia thành khoản)[9].
Thông thường, các điểm được xây dựng trong khoản và trong trường hợp nhất định, các điểm cũng có thể được xây dựng trực tiếp trong điều.
Về nội dung liên kết chủ đề giữa các bố cục được trình bày trên đây, có 2 vấn đề chưa có sự thống nhất với Nghị quyết 351. Cụ thể:
Thứ nhất, theo Nghị quyết 351, chỉ có bố cục điều đòi hỏi phải “trọn câu”, còn người viết cho rằng bố cục khoản cũng phải “trọn câu”.
Thứ hai, theo Nghị quyết 351, bố cục điểm chỉ có trong khoản, còn tác giả cho rằng, bố cục này cũng có thể được xây dựng trong bố cục điều trong một số trường hợp cần thiết để đảm bảo tính hợp lý của cả điều luật.
Về hai điểm chưa thống nhất trên đây có thể được lý giải như sau:
Trên thực tế, bố cục khoản hầu hết được xây dựng “trọn câu” mặc dù Nghị quyết 351 không đòi hỏi như vậy. Điều này là do muốn truyền tải nội dung của khoản (“đầy đủ một ý”) thì buộc phải qua cấu trúc ngữ pháp là câu[10]. Tuy nhiên, do Nghị quyết 351 không đòi hỏi bố cục khoản phải“trọn câu” nên trong một số ít điều, các khoản đã được xây dựng không “trọn câu” và đều dẫn đến tình trạng các điều này không đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật văn bản của Nghị quyết. Ví dụ:
Điều 20. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách thành viên.
4. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.
5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư (Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Ở đây, có thể thấy:
– Điều 20 được trích trên không đáp ứng yêu cầu “trọn câu” như Nghị quyết 351 đòi hỏi; và
– Mỗi khoản của Điều 20 cũng không đáp ứng yêu cầu “Nội dung mỗi khoản phải được thể hiện đầy đủ một ý” mà Nghị quyết 351 đòi hỏi vì đó chỉ là 5 dòng với 5 cụm từ độc lập hoàn toàn với nhau.
Theo đó, có thể có 3 phương án diễn đạt lại để đảm bảo “trọn câu” như sau:
– Phương án thứ nhất:
Điều 20. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh
Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh gồm: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách thành viên; Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên và Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
– Phương án thứ hai:
Điều 20. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh
Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
2. Điều lệ công ty;
3. Danh sách thành viên;
4. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên; và
5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư..
– Phương án thứ ba:
Điều 20. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh
Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
b) Điều lệ công ty;
c) Danh sách thành viên;
d) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên; và
đ) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Trong các phương án trên, phương án thứ ba có tính hợp lý hơn cả và sẽ là phương án đúng về mặt pháp lý khi cho phép bố cục điểm có thể có trong bố cục điều mà không nhất thiết phải trong bố cục khoản. Điều này lý giải sự cần thiết phải cho phép bố cục điểm có thể được xây dựng trong bố cục điều trong trường hợp cần thiết. Trong khi đó, phương án thứ nhất tuy chính xác, rõ ràng nhưng khó “trích dẫn”, khó nhớ và nhất là khi có nhiều “ý” mà không phải chỉ là năm ý như Điều 20 này, còn ở phương án thứ nhất, thông tin của mỗi khoản không đảm bảo tính chất là nội dung của một khoản.
2.1.2. Yêu cầu về liên kết lô gic giữa các bố cục ngang hàng[11].
Các bố cục nhỏ hơn trong một bố cục lớn hơn phải được sắp xếp lô gic để đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đây có thể được coi là tính thứ tư của bố cục (tính lô gic). Theo đó, có một số quy tắc sắp xếp sau:
– Quy định về nội dung phải trước quy định về thủ tục;
– Quy định định nghĩa phải trước quy định điều chỉnh;
– Quy định chung phải trước quy định riêng;
– Quy định thông thường phải trước quy định đặc biệt[12];
– Các quy định cùng điều chỉnh một vấn đề cần xếp cạnh nhau và được xếp theo trật tự phát sinh của nội dung được quy định;…
Ngoài ra, về bố cục điều, khoản, còn cần chú ý:
– Nội dung định nghĩa và nội dung điều chỉnh của cùng vấn đề nếu được thể hiện trong cùng điều luật thì phải ở các khoản/đoạn khác nhau để đảm bảo tính đơn ý của câu làm cho điều luật dễ hiểu. Trong trường hợp, nội dung điều chỉnh được thể hiện ở một điều luật hoặc nhiều điều luật khác, thì các điều luật này cần xếp ngay sau điều luật định nghĩa.
– Nội dung thông thường và nội dung đặc biệt cũng như trường hợp chung và trường hợp riêng thuộc một vấn đề phải được trình bày theo quy tắc từ thông thường đến đặc biệt, từ chung đến riêng. Tùy trường hợp, các cặp nội dung này có thể được quy định ở các đoạn, các khoản, các điều khác nhau.
– Các điều có quan hệ kết hợp với nhau về một vấn đề được xếp cạnh nhau[13].
– Các điều có liên quan trực tiếp với nhau được xếp liền nhau.
Tóm lại, có 3 quy tắc sắp xếp: Quy tắc trước-sau; quy tắc cạnh nhau và quy tắc liền nhau để đảm bảo văn bản được dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
2.2. Yêu cầu về tính khoa học trong sử dụng ngôn ngữ
Để văn bản quy phạm pháp luật nói chung cũng như bộ luật/luật nói riêng có tính chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, ngoài các yêu cầu về bố cục như đã trình bày, kỹ thuật văn bản còn đòi hỏi việc sử dụng ngôn ngữ phải khoa học, từ lựa chọn từ đến tổ hợp các từ, xác lập câu, liên kết câu để hình thành tiêu đề của các bố cục cũng như nội dung của điều, khoản, điểm.
2.2.1. Yêu cầu về sử dụng từ, thuật ngữ
Trong sử dụng từ, thuật ngữ để xây dựng tiếu đề cũng như xây dựng câu trong điều/khoản, xây dựng ý trong điểm, ưu tiên sử dụng từ phổ thông, đơn giản, một nghĩa (rõ ràng) nhưng phải chính xác (phản ánh đúng nội dung cần truyền tải), “… phải trang trọng, lịch sự, phi cá tính; vừa thể hiện rõ sự uy nghiêm của pháp luật, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với các đối tượng chịu sự tác động của văn bản”.[14]Trong trường bắt buộc phải sử dụng từ chuyên môn (thuật ngữ) vì từ phổ thông không đảm bảo tính chính xác, thuật ngữ được sử dụng cũng phải chính xác và phải được giải thích rõ ràng dưới dạng quy phạm định nghĩa[15]. Việc giải thích này có thể được thể hiện ngay trong điều luật khi thuật ngữ thuộc tiêu đề của điều và cũng là vấn đề được điều chỉnh. Khi đó, điều luật sẽ định nghĩa để giải thích thuật ngữ trước và sau đó sẽ quy định nội dung điều chỉnh[16]. Trong trường hợp khác, nội dung giải thích thuật ngữ có thể được thực hiện trong điều luật riêng – Điều giải thích từ ngữ[17]. Ở đây, cần có sự phân biệt giữa việc giải thích thuật ngữ và giải thích từ phổ thông. Thuật ngữ được sử dụng để phản ánh nội dung pháp lý cần được điều chỉnh và nội dung này cần được “giải thích” trước khi được “điều chỉnh”; còn từ phổ thông chỉ được sử dụng trong khi thể hiện nội dung điều chỉnh và để có sự hiểu thống nhất về từ đó đòi hỏi phải có sự giải thích[18]. Về nguyên tắc, từ phổ thông được giải thích trong điều luật chung, còn thuật ngữ được giải thích trong điều luật trước nội dung điều chỉnh hoặc trước điều/các điều luật có nội dung điều chỉnh vấn đề được thuật ngữ phản ánh.
Việc sử dụng từ/thuật ngữ đã được chọn cần được thực hiện cho cả văn bản để đảm bảo tính thống nhất, tránh tình trạng sử dụng các từ/thuật ngữ khác nhau để truyền tải cùng thông tin.
2.2.2. Yêu cầu về tiêu đề và về câu
Thứ nhất, về tiêu đề:
Từ, cụm từ được sử dụng để đặt tiêu đề cho văn bản cũng như cho các bố cục phải bao quát được chủ đề/nội dung chung của văn bản/của bố cục thuộc văn bản (chính xác) và chỉ có thể được hiểu theo một nghĩa (rõ ràng), đồng thời phải đúng về cấu trúc ngữ pháp, dễ hiểu và ngắn gọn. Ở đây, cần có sự phân biệt chủ đề chung của văn bản với phạm vi điều chỉnh của văn bản. Phạm vi điều chỉnh của văn bản là sự cụ thể hóa chủ đề chung của văn bản và cũng có thể là sự giới hạn phạm vi của chủ đề chung. Do vậy, không thể lấy một phạm vi điều chỉnh nào đó dù là phạm vi điều chỉnh chính làm tiêu đề cho văn bản.
Thứ hai, về các câu:
Các câu được xác lập để hình thành điều, khoản, phải truyền tải chính xác, rõ ràng nội dung cần quy định nhưng trước hết đòi hỏi phải đúng ngữ pháp. Đồng thời, kỹ thuật văn bản còn đòi hỏi cấu trúc câu phải đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn và đúng chuẩn mực của quy phạm pháp luật. Theo đó, cần sử dụng câu đơn, đặc biệt cần tránh ghép nội dung định nghĩa và nội dung điều chỉnh vào cùng một câu.
Trong xác lập câu để có quy phạm định nghĩa cần được đặc biệt chú ý yêu cầu và các quy tắc định nghĩa. Để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, định nghĩa khái niệm (quy phạm định nghĩa) cần được xây dựng là định nghĩa thực (định nghĩa mô tả)[19] và hạn chế tối đa định nghĩa liệt kê. Các quy tắc định nghĩa cần tuân theo là: Cân đối (không quá rộng, không quá hẹp); không vòng quanh; chính xác, rõ ràng, ngắn gọn[20].
Trong xác lập câu để có quy phạm điều chỉnh cần đặc biệt chú ý không được diễn đạt nội dung theo kiểu liệt kê không xác định mà cần mô tả khái quát và khi cần mô tả theo kiểu liệt kê thì phải là liệt kê xác định[21].
Thứ ba, về liên kết câu:
Cùng với yêu cầu về sử dụng từ và xác lập câu như trình bày trên, kỹ thuật văn bản còn đòi hỏi có liên kết văn bản trong từng điều, khoản của văn bản vì “liên kết văn bản” đóng vai trò quyết định tới việc biến một chuỗi câu trở thành một văn bản và vì vậy là một trong các yếu tố quyết định sự chính xác, rõ ràng trong văn bản pháp luật. Tính liên kết văn bản nói chung, trong đó có văn bản quy phạm pháp luật là yêu cầu thật sự cần thiết vì “… văn bản không phải là một phép cộng đơn thuần của các câu”[22]. Khi không có tính liên kết thì “sản phẩm” sẽ “… chỉ là một chuỗi hỗn độn vô nghĩa của các câu “đúng ngữ pháp” riêng rẽ, không hơn!”[23]. Tính liên kết văn bản ở đây được hiểu gồm: Liên kết nội dung và liên kết hình thức. Trong đó, liên kết nội dung đòi hỏi sự hướng tới cùng chủ đề (liên kết chủ đề) và sự sắp xếp theo trật tự hợp lí (liên kết logic). Hai loại liên kết văn bản này đã được đề cập trong yêu cầu của kỹ thuật văn bản về bố cục của văn bản được trình bày trên. Theo đó, ở đây chỉ đề cập tính liên kết văn bản giữa các câu, đoạn trong điều cũng như trong khoản. Theo đó, yêu cầu về tính liên kết văn bản trong kỹ thuật văn bản đòi hỏi các câu, đoạn trong khoản hoặc điều phải hướng tới cùng chủ đề của khoản hoặc điều; phải được sắp xếp theo trật tự hợp lý và phải có sự kết nối với nhau bằng phương thức nhất định[24]. Ngoài ra, kỹ thuật văn bản còn đòi hỏi có sự liên kết văn bản hình thức giữa tiêu đề của điều với câu đầu tiên của điều.
3. Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật văn bản
Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật văn bản được xây dựng để chuyển hóa các yêu cầu về kỹ thuật văn bản thành các tiêu chí cụ thể và nhóm các tiêu chí đó thành các tiêu chuẩn. Theo đó, Bộ tiêu chuẩn được xây dựng có 50 tiêu chí thuộc 6 tiêu chuẩn. Trong đó, tiêu chuẩn 1 cụ thể hóa yêu cầu về tính “bao hàm” và tính “ngang hàng” của các bố cục; tiêu chuẩn 2 cụ thể hóa yêu cầu về tính “đầy đủ” của các bố cục; tiêu chuẩn 3 cụ thể hóa yêu cầu về tính lô gic của các bố cục; tiêu chuẩn 4 cụ thể hóa yêu cầu về sử dụng từ, thuật ngữ; tiêu chuẩn 5 cụ thể hóa yêu cầu về tiêu đề của văn bản và các bố cục; tiêu chuẩn 6 cụ thể hóa yêu cầu về diễn đạt câu, điều, khoản, điểm. Dưới đây là nội dung của các tiêu chí trong Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật văn bản và các ví dụ về trường hợp không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí[25].
3.1. Tiêu chuẩn 1.Tính bao hàm và tính ngang hàng của các bố cục
Tiêu chí 1.1. Nội dung (thành phần) của các bố cục phần đều thuộc nội dung (tổng thể) của văn bản[26] (bao hàm) và đều “ngang hàng” với nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS)[27], nội dung của Phần thứ bảy (Thủ tục đặc biệt) không “ngang hàng” với nội dung của 5 phần trước đó (Thủ tục tố tụng) vì Phần thứ bảy là về thủ tục (nói chung) còn các phần từ thứ hai đến thứ sáu là về thủ tục tố tụng hình sự. Do vậy, Phần thứ bảy phải là Thủ tục tố tụng đặc biệt và trong phần này chỉ có các chương về thủ tục tố tụng (đặc biệt)[28].
Tiêu chí 1.2. Nội dung (thành phần) của các chương đều được bao hàm bởi nội dung (tổng thể) của phần/văn bản và đều“ngang hàng” với nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
TrongLuật Doanh nghiệp[29], nội dung của Chương IV (Doanh nghiệp nhà nước) không “ngang hàng” với nội dung của 4 chương III, V, VI và VII (Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân) vì chương IV theo tiêu chí phân loại khác so với tiêu chí phân loại của các chương III, V, VI và VII[30].
Tiêu chí 1.3.Đối với các “chương” có tiêu đề ghép,[31] đều có các “mục” tương ứng để đảm bảo tính rõ ràng.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
TrongLuật Doanh nghiệp,Chương IX. Tổ chức lại, giải thể và phá sản là chương có tiêu đề ghép (gồm 3 nội dung) nhưng không được chia thành các mục tương ứng[32].
Tiêu chí 1.4. Nội dung (thành phần) của các “mục” đều thuộc nội dung (tổng thể) của “chương”và đều “ngang hàng” với nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Bộ luật Hình sự (BLHS)[33], Chương XXI. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng có 4 mục.Nội dung của 3 mục đầu (các tội xâm phạm an toàn giao thông; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và các tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng) không “ngang hàng” với nội dung của mục thứ tư (các tội xâm phạm trật tự công cộng) vì nội dung chung của cả 3 mục này (các tội xâm phạm an toàn công cộng) mới “ngang hàng” với nội dung của mục thứ tư[34].
Tiêu chí 1.5.Đối với các “mục” có tiêu đề ghép, đều có các “tiểu mục” tương ứng để đảm bảo tính rõ ràng.
Về tiêu chí này, chưa có sai sót có liên quan trong thực tiễn lập pháp nào được phát hiện.
Tiêu chí 1.6. Nội dung (thành phần) của các “tiểu mục” đều thuộc nội dung (tổng thể) của “mục” và đều “ngang hàng” vớinhau.
Về tiêu chí này, chưa có sai sót có liên quan trong thực tiễn lập pháp nào được phát hiện.
Tiêu chí 1.7. Nội dung (thành phần) của các điều đều thuộc nội dung (tổng thể) của tiểu mục/mục/chương và đều “ngang hàng” với nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Quốc tịch[35], nội dung của cácđiều 15, 16 và 17 (Điều 15. Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam; Điều 16. Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam; Điều 17. Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là người không quốc tịch) không thuộc nội dung chung của mục 1. Chương II (Quy định chung) mà thuộc nội dung chung (Có quốc tịch Việt Nam do sinh ra).
Tiêu chí 1.8.Đối với các điều có tiêu đề ghép, đều có các khoản tương ứng để đảm bảo tính rõ ràng.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Bộ luật Dân sự (BLDS)[36], Điều 263 có tiêu đề ghép – Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản nhưng không được chia thành hai khoản tương ứng. Trong đó, một khoản sẽ liệt kê các quyền theo các điểm và một khoản liệt kê các nghĩa vụ theo các điểm[37].
Tiêu chí 1.9. Nội dung (thành phần) của các khoản đều thuộc nội dung (tổng thể) của điều và đều “ngang hàng” với nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLTTHS, các khoản của Điều 298 có nội dung không “ngang hàng” với nhau vì nội dung của khoản 1 (xác định không được xét xử bị cáo về tội danh khác với tội danh Viện kiểm sát truy tố) đã loại trừ nội dung của khoản 2 (xác định có thể xét xử bị cáo “về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”) cũng như của khoản 3 (xác định “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại…”). Ở đây có sự phân loại không đúng nội dung chung của điều (Giới hạn xét xử). Đúng ra, phải phân loại nội dung chung này thành 3 nội dung “ngang hàng” (Giới hạn về hành vi/giới hạn về tội danh/giới hạn về khoản…) và mỗi nội dung đó được xây dựng thành một khoản[38].
Tiêu chí 1.10.Nội dung của các khoản đều độc lập với nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương[39], nội dung của 04 khoản trong Điều 7 không độc lập với nhau vì xác định 4 tiêu chuẩn cùng phải có của đại biểu Hội đồng nhân dân. Cụ thể:
Điều 7. Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Trung thành với Tổ quốc,…
2. Có phẩm chất đạo đức tốt,...
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn,...
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
Tiêu chí 1.11. Nội dung (thành phần) của các điểm đều thuộc nội dung (tổng thể) của khoản, điều và đều“ngang hàng” với nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLDS, nội dung của khoản 2 Điều 229 là về xác định quyền sở hữu (đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu). Trong khi đó, điểm a) (ý thứ hai) lại có nội dung về tiền thưởng (cho người tìm thấy tài sản đó… khi tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hoá). Như vậy, nội dung này của điểm a) không thuộc nội dung của khoản 2.
3.2.Tiêu chuẩn 2. Tính đầy đủ của các bố cục
Tiêu chí 2.1.Các phần đều có bố cục chương.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLHS, Phần thứ ba không có bố cục chương mà chỉ có 01 điều.
Tiêu chí 2.2.Các điều đều “trọn câu” (để “trọn ý”)[40].
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Doanh nghiệp, Điều 20 không “trọn câu” nên cũng không “trọn ý” mà chỉ là 5 cụm danh từ độc lập với nhau. Cụ thể:
Điều 20.Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách thành viên.
4. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.
5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Tiêu chí 2.3.Các khoản đều “trọn câu” (để “trọn ý”).
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Các khoản trong Điều 20 Luật Doanh nghiệp nói trên đều không “trọn câu” và không “trọn ý”.
3.3. Tiêu chuẩn 3. Trật tự của các bố cục
Tiêu chí 3.1.Các phần trong văn bản đều được sắp xếp lô gic[41].
Về tiêu chí này, chưa có sai sót có liên quan trong thực tiễn lập pháp nào được phát hiện.
Tiêu chí 3.2.Các chương trong phần/văn bản đều được sắp xếp lô gic.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
– Trong BLHS, chương về người phạm tội dưới 18 tuổi xếp sau chương về pháp nhân thương mại (phạm tội) là chưa đúng quy tắc “trước-sau” vì chương về pháp nhân thương mại (phạm tội) là quy định đặc biệt so với quy định về người phạm tội và trong đó gồm cả người phạm tội dưới 18 tuổi[42].
Trong Luật Điều ước quốc tế, chương về trình tự, thủ tục rút gọn trong đàm phán, ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế (Chương VII) được xếp không đúng quy tắc “liền nhau” vì không được xếp liền sau các chương về về trình tự, thủ tục (bình thường) trong đàm phán, ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế (các chương từ I đến IV). Trong khi các chương V và VI xen ở giữa không bị tác động bởi quy định của Chương VII[43].
Tiêu chí 3.3.Các mục trong chương đều được sắp xếp lô gic.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Hôn nhân và gia đình[44](Chương V), mục về (Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con) được xếp trước mục về (Xác định cha, mẹ, con) là chưa đúng quy tắc “trước-sau” vì phải có quan hệ cha, mẹ và con thì mới phát sinh quyền và nghĩa vụ…[45].
Tiêu chí 3.4.Các tiểu mục trong mục đều được sắp xếp lô gic.
Về tiêu chí này, chưa có sai sót có liên quan trong thực tiễn lập pháp nào được phát hiện.
Tiêu chí 3.5.Các điều trong tiểu mục/mục/chương đều được sắp xếp lô gic.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Hôn nhân và gia đình,Điều về (Chia tài sảnchung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu) được xếp sau Điều về (Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân) (Điều 42 và Điều 41) là không đúng quy tắc “trước-sau” vì khi (chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu) thì sẽ không cần đặt ra việc (chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân)[46].
Tiêu chí 3.6.Các điều có quan hệ kết hợp với nhau về một vấn đề đều được xếp cạnh nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLHS, Điều về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và Điều về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được xếp xa nhau (Điều 12 và Điều 21) là không đúng quy tắc “cạnh nhau” vì hai điều này kết hợp với nhau để xác định chủ thể của tội[47].
Tiêu chí 3.7.Các điều có liên quan với nhau đều được xếp liền nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Quốc tịch, Quyền đối với quốc tịch được quy định tại Điều 2 nhưng 2 nội dung khác có liên quan trực tiếp với Điều 2 lại được quy định tại Điều 9 (Giữ quốc tịch khi kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật) và Điều 10 (Giữ quốc tịch khi quốc tịch của vợ hoặc chồng thay đổi). Xếp như vậy là không đúng quy tắc “liền nhau”.
Tiêu chí 3.8.Các khoản đều được sắp xếp lô gic.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLHS (Điều 123), khoản quy định trường hợp giết người tăng nặng (khoản 1) được xếp trước khoản quy định về trường hợp giết người thông thường (khoản 2). Xếp như vậy là không đúng quy tắc “trước-sau”.[48]
Tiêu chí 3.9.Các điểm trong khoản/điều đều được sắp xếp lô gic.
Trong BLHS (khoản 3 Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), việc xếp điểm đ) “biết mình bị HIV mà vẫn phạm tội” vào giữa điểm d) “gây thương tích… (cho nạn nhân) ” và điểm e) “làm nạn nhân chết…” là không đúng quy tắc “liền nhau” vì hai điểm d) và e) đều phản ánh hậu quả gây ra cho nạn nhân nên cần được xếp liền nhau.
3.4. Tiêu chuẩn 4. Sử dụng từ và thuật ngữ
Tiêu chí 4.1.Các từ được sử dụng đều là từ phổ thông và chính xác[49].
Trong Luật Doanh nghiệp, từ “góp vốn” được sử dụng trong Điều 75 là không chính xác, vì “góp vốn” chỉ được sử dụng khi có nhiều thành viên cùng tham gia bỏ vốn đầu tư… trong khi Điều luật này quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Do vậy, từ được sử dụng ở đây phải là “bỏ vốn”.[50]
Tiêu chí 4.2.Các từ được sử dụng có khả năng hiểu không thống nhất đều được giải thích chính xác, rõ ràng[51], dễ hiểu.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương[52], các từ “phân cấp”, “phân quyền” được sử dụng trong rất nhiều điều luật nhưng không được giải thích[53].
Tiêu chí 4.3.Các thuật ngữ được sử dụng đều chính xác.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLDS, thuật ngữ “tài sản tiêu hao” được sử dụng trong Điều 495 là không chính xác, vì chỉ có tài sản dưới dạng vật mới có tính chất “tiêu hao” hay “không tiêu hao”. Do vậy, thuật ngữ đúng phải là “vật không tiêu hao”[54].
Tiêu chí 4.4.Các thuật ngữ đều được định nghĩa.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Điều ước quốc tế, thuật ngữ “Bên Việt Nam” không được định nghĩa/giải thích[55].
Tiêu chí 4.5. Các định nghĩa thuật ngữ đều chính xác, rõ ràng, dễ hiểu.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Hôn nhân và gia đình, thuật ngữ “mang thai hộ vì mục đích thương mại” được định nghĩa tại khoản 23 Điều 3 chưa chính xác vì nội dung giải thích về mang thai hộ chưa đầy đủ như đã được giải thích tại khoản 22 của Điều này nên có thể dẫn đến hiểu sai[56].
Tiêu chí 4.6.Các thuật ngữ đều được định nghĩa theo cùng cách thống nhất.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLTTHS, có thuật ngữ được định nghĩa theo cả dấu hiệu nội dung và dấu hiệu hình thức như thuật ngữ “người làm chứng”, có thuật ngữ chỉ được định nghĩa theo dấu hiệu nội dung như thuật ngữ “bị hại” và có thuật ngữ chỉ được định nghĩa theo dấu hiệu hình thức như thuật ngữ “bị can”…[57].
Tiêu chí 4.7.Sử dụng thống nhất một từ/thuật ngữ cho cùng nội dung trong toàn văn bản.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Điều ước quốc tế, “Bên Việt Nam”, “Việt Nam” và “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được sử dụng thay thế nhau[58].
Tiêu chí 4.8.Có sự thống nhất trong sử dụng thuật ngữ giữa văn bản luật nội dung và văn bản luật hình thức.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLHS, thuật ngữ được sử dụng là pháp nhân thương mại phạm tội còn BLTTHS lại sử dụng thuật ngữ pháp nhân phạm tội.
3.5. Tiêu chuẩn 5. Tiêu đề của văn bản và của các bố cục
Tiêu chí 5.1.Tiêu đề của văn bản phản ánh chính xác, rõ ràng chủ đề chung của văn bản; đúng cấu trúc ngữ pháp và ngắn gọn.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Luật Tổ chức chính quyền địa phương có tiêu đề văn bản chưa rõ ràng vì có thể gây hiểu nhầm Luật này chỉ điều chỉnh về cơ cấu, tổ chức chính quyền địa phương[59].
Tiêu chí 5.2. Tiêu đề của các phần đều phản ánh chính xác, rõ ràng chủ đề chung của phần; đúng cấu trúc ngữ pháp và ngắn gọn.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLTTDS[60], tiêu đề Phần thứ mười (Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự; khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự) chưa chính xác vì không bao quát Chương XLII có tiêu đề: Điều khoản thi hành[61].
Tiêu chí 5.3.Tiêu đề của các chương đều phản ánh chính xác, rõ ràng chủ đề chung của chương; đúng cấu trúc ngữ pháp và ngắn gọn.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
TrongBLTTHS, tiêu đề của Chương VII. Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế là không chính xác vì biện pháp ngăn chặn cũng là biện pháp cưỡng chế. Do vậy, tiêu đề của Chương này phải là Biện pháp cưỡng chế. Theo đó, 2 mục của Chương là: Mục 1. Biện pháp ngăn chặn; và mục 2. Biện pháp cưỡng chế khác.[62]
Tiêu chí 5.4.Tiêu đề của các mục đều phản ánh chính xác, rõ ràng chủ đề chung của mục; đúng cấu trúc ngữ pháp và ngắn gọn.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLHS,
– Tiêu đề của Mục 1 Chương XVIII (Các tội phạm thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại) chưa chính xác vì chính xác phải là “Các tội xâm phạm trật tự quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại”. (như vậy cũng sẽ phù hợp với tiêu đề của Chương: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế).
– Tiêu đề của Mục 3 Chương XVIII (Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế) chưa đúng cấu trúc ngữ pháp vì chữ “khác” phải được để ở vị trí cuối cùng thì mới thể hiện mục này cũng là về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nhưng không phải là 2 nhóm tội có tiêu đề riêng được quy định ở Mục 1 và Mục 2[63].
Tiêu chí 5.5.Tiêu đề của các tiểu mục đều phản ánh chính xác, rõ ràng chủ đề chung của tiểu mục; đúng cấu trúc ngữ pháp và ngắn gọn.
Về tiêu chí này, chưa có sai sót có liên quan trong thực tiễn lập pháp nào được phát hiện.
Tiêu chí 5.6.Tiêu đề của các điều đều phản ánh chính xác, rõ ràng chủ đề chung của điều.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Quốc tịch, tiêu đề của Điều 4 (Nguyên tắc quốc tịch) chưa chính xác vì chính xác phải là “Nguyên tắc một quốc tịch” (Nôi dung của điều luật này chỉ là: “Công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”).
Tiêu chí 5.7. Tiêu đề của các điều đều đúng cấu trúc ngữ pháp và ngắn gọn.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Hôn nhân và gia đình, tiêu đề Điều 32 quá dài: Điều 32. Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Tiêu chí 5.8. Tiêu đề và nội dung của các điều đều phù hợp với nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Các điều ước quốc tế, tiêu đề của Điều 47 “Bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” không phù hợp với nội dung của điều vì nội dung chỉ là về thẩm quyền quyết định bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (“Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế có quyền quyết định việc bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với điều ước quốc tế đó”)[64].
Tiêu chí 5.9. Tiêu đề của các bố cục đều không trùng nhau.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Doanh nghiệp, tiêu đề của Mục 1 Chương III và tiêu đề của Điều 46 trùng nhau hoàn toàn (Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên)[65].
3.6. Tiêu chuẩn 6. Diễn đạt câu, điều, khoản, điểm
Tiêu chí 6.1.Các câu đều đúng ngữ pháp.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
TrongLuật Xử phạt vi phạm hành chính, cấu trúc ngữ pháp của khoản 1 Điều 5 không đúng dẫn đến sai nội dung và khó hiểu. Cụ thể: khoản 1 Điều 5 quy định:
1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính…
Điểm a trên đây được xây dựng thành câu trong khi chỉ được phép là một mệnh đề (thể hiện một loại đối tượng bị xử phạt…) thì mới có thể kết nối với mệnh đề trước (qua từ bao gồm) để thành câu hoàn chỉnh của khoản 1.
Tiêu chí 6.2.Giữa các câu/đoạn đều có liên kết chủ đề, liên kết logic và liên kết hình thức với nhau[66].
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, câu thứ hai của khoản 2 Điều 19 không có các liên kết với câu thứ nhất. Cụ thể:
Điều 19. Điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và phụ tùng tàu bay
…
2. Việc xuất khẩu, nhập khẩu tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và phụ tùng tàu bay phải bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, an ninh quốc gia, phù hợp với nhu cầu khai thác kinh doanh.
Tuổi tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam do Chính phủ quy định.
Tiêu chí 6.3.Không có câu truyền tải đồng thời cả nội dung định nghĩa và nội dung điều chỉnh.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLDS, khoản 1 Điều 23 truyền tải đồng thời cả nội dung định nghĩa và nội dung điều chỉnh nên rất khó hiểu. Cụ thể:
Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ[67].
Tiêu chí 6.4.Có liên kết hình thức giữa câu đầu tiên và tiêu đề của điều.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLHS, tiêu đề của Điều 6 không có liên kết hình thức với câu đầu tiên của điều. Cụ thể:
Điều 5.Hiệu lực của BLHS đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (cần thay “được áp dụng” bằng “có hiệu lực”)[68].
Tiêu chí 6.5.Các điều đều phản ánh chính xác, rõ ràng nội dung cần truyền tải và dễ hiểu.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLHS, Điều 30 phản ánh chưa chính xác nội dung cần truyền tải vì thuộc tính của hình phạt lại được thể hiện thành mục đích của hình phạt vì sử dụng nhầm chữ “nhằm”. Cụ thể:
Điều 30. Khái niệm hình phạt
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Tiêu chí 6.6.Các khoản đều phản ánh chính xác, rõ ràng nội dung cần truyền tải và dễ hiểu.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
– Trong BLHS, khoản 2 Điều 346 phản ánh không chính xác nội dung cần truyền tải. Do không có sự liên kết với khoản 1 nên phạm vi các trường hợp của khoản 2 rất rộng mà không được giới hạn trong phạm vi của tội được quy định tại khoản 1. Cụ thể:
Điều 346. Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới
…
2. Tái phạm hoặc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm[69].
– Trong BLDS, khoản 2 Điều 26 phản ánh chưa rõ ràng nội dung cần truyền tải vì cụm từ “theo tập quán” chưa rõ vì tập quán thường gắn với địa phương, gắn với dân tộc mà bố và mẹ có thể thuộc các dân tộc, sống ở các địa phương khác nhau… Cụ thể:
Điều 26. Quyền có họ, tên
…
2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ…[70].
Tiêu chí 6.7.Các điểm đềuphản ánh chính xác, rõ ràng nội dung cần truyền tải và dễ hiểu.
Về tiêu chí này, chưa có sai sót có liên quan trong thực tiễn lập pháp nào được phát hiện.
Tiêu chí 6.8.Nội dung mô tả của các điều, khoản đều có tính khái quát (không mang tính liệt kê không có giới hạn).
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong BLTTDS, Điều 26 mô tả những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo cách liệt kê mà không khái quát được tính chất chung của các tranh chấp này nên gây khó cho người thực hiện khi gặp trường hợp không thuộc trường hợp đã được liệt kê mà phải tự xác định “tranh chấp khác…” được liệt kê ở khoản cuối cùng. Cụ thể:
Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
…
14. Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật[71].
Tiêu chí 6.9.Nội dung các điều, khoản đều không nhắc lại nội dung đã có trong văn bản để đảm bảo tính ngắn gọn.
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Quốc tịch, khoản 5 Điều 23 lặp lại nội dung các điểm a, b và c trong khoản 2 Điều 19 trong khi có thể dùng phương pháp “chỉ dẫn” đến các điểm này. Cụ thể:
Điều 19. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam
…
2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 23. Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam
…
5. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tiêu chí 6.10.Nội dung các điều, khoản đều được diễn đạtđúng chuẩn mực của quy phạm pháp luật (nghiêm túc, dứt khoát).
Ví dụ về trường hợp không đáp ứng tiêu chí này:
Trong Luật Điều ước quốc tế, cách diễn đạt khoản 1 Điều 74 không thể hiện tính mệnh lệnh pháp lý khi sử dụng cụm từ “không nhất thiết”. Cụ thể:
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn
1. Đối với những sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế chỉ mang tính kỹ thuật và trong trường hợp không ký kết điều ước quốc tế mới để sửa đổi, bổ sung, cơ quan đề xuất không nhất thiết phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan quy định tại điểm a khoản 5 Điều 54 của Luật này trước khi trình Chính phủ…[72].
4. Kết luận
Để góp phần nâng cao chất lượng các bộ luật và luật về kỹ thuật văn bản, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật văn bản để có thước đo pháp lý thống nhất cho việc đánh giá kỹ thuật văn bản và qua đó, góp phần đảm bảo chất lượng về kỹ thuật trình bày các dự thảo luật cũng như để hoàn thiện kỹ thuật văn bản của các luật đã được ban hành.
Theo đó, cần có cơ quan chuyên về kỹ thuật văn bản để trợ giúp việc kiểm soát kỹ thuật văn bản trong quá trình xây dựng luật cũng như việc đánh giá kỹ thuật văn bản trong quá trình hoàn thiện luật./.
[1] Kỹ thuật văn bản được hiểu tương ứng với “kỹ thuật trình bày nội dung văn bản” trong Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/3/2017 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
[2] Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
[3] Về vấn đề luật hóa kỹ thuật văn bản, xem: Nguyễn Ngọc Hòa, Kỹ thuật căn bản – Cơ sở pháp lý và nội dung khoa học, Tạp chí Khoa học pháp lý số 3/2023.
[4] Về các nguyên tắc này, xem: Nguyễn Ngọc Hòa, Kỹ thuật ăn bản – Cơ sở pháp lý và nội dung khoa học, tlđd.; Võ Khánh Vinh, Một số vấn đề chung về kỹ thuật lập pháp, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 8/2001.
[5] Xem Điều 10 của Nghị quyết 351.
[6] Trên thực tế, đã từng có quy định cho phép bố cục điểm có thể trong bố cục điều mà không nhất thiết phải trong bố cục khoản. Khoản 2 Điều 24 Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 14/3/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ban hành Quy chế về kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “3. Điểm là bố cục nhỏ nhất và được bố cục trong điều hoặc khoản”. Vấn đề này sẽ được làm rõ hơn ở phần tiếp theo.
[7] Liên kết chủ đề đòi hỏi các bố cục phải hướng tới cùng chủ đề (cũng có thể được gọi là liên kết nội dung). Về vấn đề này, xem: Trần Ngọc Thêm, Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006 (tái bản lần thứ ba).
[8] Về vấn đề này xem nội dung viết về quan hệ giữa các khái niệm tronng Đại học Quốc gia Hà Nội, Lô gic học đại cương, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2020, tr. 71 và các trang tiếp theo.
[9] Trong thực tiễn lập pháp, một số điều được chia thành các khoản và mỗi khoản đều đã có cấu trúc ngữ pháp độc lập nhưng có thể có thêm câu dẫn. Ví dụ:
Điều 4. Giải thích từ ngữ (Luật Quốc tịch năm 2008)
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bản sao là giấy tờ được sao từ sổ gốc hoặc được chứng thực từ bản chính bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc đã được đối chiếu với bản chính.
2. Cá nhân nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài.
3. Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.
…
[10] Điều này không chỉ đúng trên thực tế như vậy mà còn được xác nhận trong văn bản quy phạm pháp luật khác. Đó là Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể điểm e) khoản 2. Điều 68 quy định: e) Khoản được sử dụng trong trường hợp nội dung của điều có các ý tương đối độc lập với nhau, nội dung mỗi khoản phải được thể hiện đầy đủ một ý; mỗi khoản phải viết đầy đủ thành câu;Quy định này tương tự như quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 351 nhưng có thêm khẳng định “mỗi khoản phải viết đầy đủ thành câu”.
[11] Liên kết logic đòi hỏi sự sắp xếp các bố cục theo trật tự hợp lí. Về vấn đề này, xem: Trần Ngọc Thêm, Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006 (tái bản lần thứ ba).
[12] Về các quy tắc này, xem: Điều 17 Nghị quyết 351.
[13] Quy tắc này cũng có thể được áp dụng khi sắp xếp các điều có nội dung về các vấn đề có thể có sự “nhầm lẫn” để làm rõ hơn cả hai vấn đề khác nhau này.
[14] Lê Minh Trường, Ngôn ngữ trong văn bản pháp luật là gì? Yêu cầu đối với ngôn ngữ trong văn bản pháp luật, https://luatminhkhue.vn/ngon-ngu-trong-van-ban-phap-luat-la-gi-yeu-cau-doi-voi-ngon-ngu-trong-van-ban-phap-luat.aspx, truy cập ngày 10/10/2022.
[15] Về việc sử dụng từ không phải tiếng Việt, xem Điều 18 khoản 2 Nghị quyết 351.
[16] Ví dụ: Điều 23 BLHS có tiêu đề là Tình thế cấp thiết. Tiêu đề này là một thuật ngữ và thuật ngữ này được giải thích ngay tại khoản 1 của điều này (đoạn thứ nhất), còn đoạn thứ hai của khoản 1 và khoản 2 có nội dung điều chỉnh. Cụ thể: Điều 23. Tình thế cấp thiết quy định: “1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm…”.
[17] Ví dụ: Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình giải thích thuật ngữ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại khoản 22 và thuật ngữ này được sử dụng trong đặt tiêu đề cho các điều từ Điều 94 đến Điều 99 của Luật này.
[18] Ví dụ: “Người thân thích” là một từ được giải thích tại Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình. Từ này được sử dụng trong một số điều luật và có thể được hiểu khác nhau. Do vậy, đòi hỏi phải có sự giải thích để đảm bảo hiểu thống nhất.
[19] Định nghĩa thực được hiểu là “định nghĩa … bằng cách chỉ ra những dấu hiệu cơ bản nhất trong nội hàm của khái niệm được định nghĩa”, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Lô gic học đại cương, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2020, tr. 79.
[20] Về vấn đề này, có thể tham khảo: Lê Duy Ninh, Khái niệm và định nghĩa khái niệm trong luật tại:
https://phapluatdansu.edu.vn/2008/02/28/09/03/134/, truy cập ngày 17/10/2022.
[21] Liệt kê không xác định là trường hợp sau khi liệt kê các nội dung cụ thể, còn liệt kê các nội dung không cụ thể. Ví dụ như Điều 23 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
…
14. Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Liệt kê xác định là trường hợp chỉ liệt kê các nội dung cụ thể. Ví dụ như khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự:
1. Người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
c) Người mất năng lực hành vi dân sự;
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
[22] Trần Ngọc Thêm, Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006 (tái bản lần thứ ba), tr. 13.
[23] Trần Ngọc Thêm, sđd, tr.17.
[24] Các phương thức để tạo ra sự kết nối có thể là phép lặp lại từ vựng, phép liên tưởng, phép đối nghĩa và phép dùng từ nối[24]. Về vấn đề này, xem: Trần Ngọc Thêm, sđd.
[25] Các ví dụ dưới đây mà không có nguồn trích là các ví dụ được lấy trong kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ của Bộ Tư pháp đang được thực hiện: Kỹ thuật lập pháp ở Việt Nam hiện nay – Lý luận, thực trạng và giải pháp.
[26] Văn bản có thể là Bộ luật hoặc Luật.
[27] Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[28] Xem: Phan Thị Thanh Mai, Kỹ thuật văn bản trong Bộ luật Tố tụng hình sự: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện, trong Kỷ yếu Hội thảo: Kỹ thuật văn bản – Bộ tiêu chuẩn và kết quả đánh giá hạn chế trong một số bộ luật và luật, tổ chức tại trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 30/6/2023, tr. 77 và các trang tiếp theo.
[29] Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[30] Xem: Trần Ngọc Dũng, Kỹ thuật văn bản trong Luật Doanh nghiệp: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện, trong Kỷ yếu Hội thảo: Kỹ thuật văn bản – Bộ tiêu chuẩn và kết quả đánh giá hạn chế trong một số bộ luật và luật, tổ chức tại trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 30/6/2023, tr. 50 và các trang tiếp theo
[31] Tiêu đề ghép là tiêu đề được xây dựng dưới hình thức liệt kê các nội dung khác nhau.
[32] Về vấn đề này, xem: Trần Ngọc Dũng, tlđd.
[33] Bộ luật Hình sự năm 2015.
[34] Xem: Nguyễn Văn Hương và Đào Phương Thanh, Kỹ thuật văn bản trong Phần chung Bộ luật Hình sự: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện, trong Kỷ yếu Hội thảo: Kỹ thuật văn bản – Bộ tiêu chuẩn và kết quả đánh giá hạn chế trong một số bộ luật và luật, tổ chức tại trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 30/6/2023, tr. 62 và các trang tiếp theo.
[35] Luật Quốc tịch năm 2008.
[36] Bộ luật Dân sự năm 2015.
[37] Xem: Bùi Đăng Hiếu, Kỹ thuật văn bản trong Bộ luật Dân sự: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện, trong Kỷ yếu Hội thảo: Kỹ thuật văn bản – Bộ tiêu chuẩn và kết quả đánh giá hạn chế trong một số bộ luật và luật, tổ chức tại trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 30/6/2023, tr. 17 và các trang tiếp theo.
[38] Xem: Phan Thị Thanh Mai, Tlđd.
[39] Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
[40] “Trọn câu”: Ít nhất phải là một câu đầy đủ; “trọn ý”: Truyền tải tương đối trọn vẹn một nội dung.
[41] “Lô gic”: Phù hợp với tư duy chung để đảm bảo tính khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Trong đó, cần tuân thủ một số quy tắc như quy định về nội dung phải trước quy định về thủ tục; quy định định nghĩa phải trước quy định điều chỉnh; quy định chung phải trước quy định riêng; quy định thông thường phải trước quy định đặc biệt;… (quy tắc trước sau). Ngoài ra, còn có quy tắc “liền nhau”, quy tắc “cạnh nhau”.
[42] Xem: Nguyễn Ngọc Hòa, Phần chung Bộ luật Hình sự năm 2015 dưới góc độ kỹ thuật trình bày, Tạp chí Luật học số 1/2021.
[43] Xem: Lê Thị Anh Đào, Kỹ thuật văn bản trong Luật Điều ước quốc tế: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện, trong Kỷ yếu Hội thảo: Kỹ thuật văn bản – Bộ tiêu chuẩn và kết quả đánh giá hạn chế trong một số bộ luật và luật, tổ chức tại trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 30/6/2023, tr. 107 và các trang tiếp theo.
[44] Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[45] Xem: Nguyễn Phương Lan, Kỹ thuật văn bản trong Luật Hôn nhân và gia đình: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện, trong Kỷ yếu Hội thảo: Kỹ thuật văn bản – Bộ tiêu chuẩn và kết quả đánh giá hạn chế trong một số bộ luật và luật, tổ chức tại trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 30/6/2023, tr. 38 và các trang tiếp theo.
[46] Xem: Nguyễn Phương Lan, Tlđd.
[47] Xem: Nguyễn Ngọc Hòa, Phần chung Bộ luật Hình sự năm 2015 dưới góc độ kỹ thuật trình bày, Tlđd
[48] Xem: Nguyễn Văn Hương và Đào Phương Thanh, Kỹ thuật văn bản trong Phần các tội phạm Bộ luật Hình sự: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện, trong Kỷ yếu Hội thảo: Kỹ thuật văn bản – Bộ tiêu chuẩn và kết quả đánh giá hạn chế trong một số bộ luật và luật, tổ chức tại trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 30/6/2023, tr. 62 và các trang tiếp theo.
[49] “Chính xác”: Phản ánh đúng ý tưởng;
[50] Xem: Trần Ngọc Dũng, Tlđd.
[51] “Rõ ràng”: Chỉ có một cách hiểu.
[52] Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
[53] Xem: Trần Thị Hiền, Kỹ thuật văn bản trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện, trong Kỷ yếu Hội thảo: Kỹ thuật văn bản – Bộ tiêu chuẩn và kết quả đánh giá hạn chế trong một số bộ luật và luật, tổ chức tại trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 30/6/2023, tr. 90 và các trang tiếp theo.
[54] Xem: Bùi Đăng Hiếu, Tlđd.
[55] Xem: Lê Thị Anh Đào, Tlđd.
[56] Xem: Nguyễn Phương Lan, Tlđd.
[57] Xem: Phan Thị Thanh Mai,Tlđd.
[58] Xem: Lê Thị Anh Đào, Tlđd.
[59] Xem: Trần Thị Hiền, Tlđd.
[60] Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[61] Xem: Trần Anh Tuấn, Kỹ thuật văn bản trong Bộ luật Tố tụng dân sự: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện, trong Kỷ yếu Hội thảo: Kỹ thuật văn bản – Bộ tiêu chuẩn và kết quả đánh giá hạn chế trong một số bộ luật và luật, tổ chức tại trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 30/6/2023, tr. 38 và các trang tiếp theo.
[62] Xem: Phan Thị Thanh Mai, Tlđd.
[63] Xem: Nguyễn Văn Hương và Đào Phương Thanh, Tlđd.
[64] Xem: Lê Thị Anh Đào, Tlđd.
[65] Xem: Trần Ngọc Dũng, Tlđd.
[66] Có “liên kết chủ đề”: Các câu đều hướng tới cùng nội dung; có liên kết logic: Các câu được sắp xếp lô gic; có liên kết hình thức: Các câu phải được gắn kết với nhau theo phương thức nhất định.
[67] Xem: Bùi Đăng Hiếu, Tlđd.
[68] Xem: Nguyễn Ngọc Hòa, Phần chung Bộ luật Hình sự năm 2015 dưới góc độ kỹ thuật trình bày, Tlđd.
[69] Xem: Nguyễn Văn Hương và Đào Phương Thanh, Tlđd.
[70] Xem: Bùi Đăng Hiếu, Tlđd.
[71] Xem: Trần Anh Tuấn, Tlđd.
[72] Xem: Lê Thị Anh Đào, Tlđd.
(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (487), tháng 08/2023.)