Những hạn chế, bất cập của Luật Di sản văn hóa

Decuongtuyentruyen.com giới thiệu  những hạn chế, bất cập của Luật Di sản văn hóa để bạn đọc tham khảo áp dụng trong học tập và công việc.

I. Tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện Luật Di sản văn hóa
 1. Về ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
– Trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, một số quy định pháp luật khác còn chồng chéo với pháp luật về di sản văn hóa, gây nên chậm trễ cho hoạt động thẩm định các dự án tu bổ di tích, dẫn tới các dự án tu bổ di tích thường bị kéo dài tiến độ so với kế hoạch, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị
đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án.
– Trong lĩnh vực bảo tàng, vẫn còn nhiều quy định còn chưa cụ thể thiên về định tính, chưa định lượng, nhiều quy định của Luật còn chưa đầy đủ hoặc chưa có cũng gây ra những khó khăn, vướng mắc khi triển khai nhiệm vụ.
– Pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể ra đời sau pháp luật về di sản văn hóa vật thể, nên trong cách hiểu về các khái niệm, thuật ngữ cũng bị ảnh hưởng theo góc độ di sản văn hóa vật thể. Khác với di sản văn hóa vật thể, Luật di sản văn hóa của Việt Nam và Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO không chủ trương xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể mà chỉ phân loại theo mức độ về hiện trạng sức sống và sự cần thiết phải bảo vệ hay cần thiết phải bảo vệ khẩn cấp, từ đó, đưa vào các Danh sách của UNESCO (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Di sản thực hành tốt) và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Việt Nam). Tuy nhiên, các khái niệm này lại được hiểu như cách xếp hạng với di sản văn hóa vật thể (di sản văn hóa/thiên nhiên, di tích, danh lam thắng cảnh), và cho rằng di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia là di sản văn hóa phi vật thể (xếp hạng) cấp quốc gia.

Những hạn chế, bất cập của Luật Di sản văn hóa
Những hạn chế, bất cập của Luật Di sản văn hóa

– Chính sách đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể con chậm, chưa đáp ứng được thực tế, thiếu đồng bộ, thiên về danh hiệu.
Mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tuy nhiên, chính sách đối với nghệ nhân vẫn còn nhiều nội dung khác mà hệ thống văn bản này chưa đề cập đến hoặc có đề cập nhưng còn nhiều vướng mắc trong thực hiện.
2. Về phân cấp quản lý di sản văn hóa
Mặc dù phân cấp cho các địa phương trong quản lý di sản, tuy nhiên, công tác này trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những bất cập, là nguyên nhân gây nên một số tồn tại trong công tác bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa như sau:
– Việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng tại các khu di sản, việc khai thác mạnh mẽ… đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.
– Còn hiện tượng vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, xây dựng công trình mới… khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Đáng nói là còn hiện tượng một số vi phạm chỉ được phát hiện khi cơ quan báo chí lên tiếng.

– Vấn đề quản lý các di sản còn bất cập. Do di sản nước ta đa dạng về loại hình, chủ sở hữu, vì vậy, mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng. Các ban quản lý, trung tâm bảo tồn di sản là đơn vị sự nghiệp nên di tích được quản lý tốt. Các di tích cấp tỉnh và di tích trong danh mục kiểm kê
chưa được xếp hạng, nhìn chung, chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di tích còn thấp.
– Một số địa phương còn chưa quan tâm, nhận thức chưa đồng đều về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tổ chức bộ máy với sự đáp ứng về nguồn nhân lực cho việc thi hành pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể chưa thực sự thích ứng. Một số địa phương không bố trí những đơn vị/phòng ban chuyên trách quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể, chỉ là kiêm nhiệm hoặc thường xuyên luân chuyển nên đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa không đủ thời gian và năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.
– Nhiều loại hình di sản của một số cộng đồng có nguy cơ bị mai một, biến đổi khi chưa được bảo vệ hoặc kiểm kê, ghi danh. Nhiều di sản chưa có Đề án bảo vệ phát huy giá trị (đặc biệt đối với các Di sản được UNESCO ghi danh) theo cam kết thực hiện với UNESCO. Còn có hiện tượng lợi dụng thực hành di
sản để trục lợi, làm sai lệch, thậm chí biến dạng giá trị của di sản. Di sản tư liệu sau khi được UNESCO ghi danh, được lưu trữ mà chưa được phát huy giá trị, đến với công chúng.
– Việc phân cấp triệt để cho Bộ, ngành địa phương trong việc xây dựng, trưng bày, chỉnh lý, nâng cấp bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh lại tạo nên tình trạng đầu tư cho trưng bày bảo tàng chưa được chú trọng, chỉ chú trọng đầu tư cho phần xây dựng ngôi nhà, chưa đầu tư thỏa đáng cho phần trưng bày
và việc chuẩn bị cho trưng bày – công việc phải làm trước.
 3. Về bảo đảm các điều kiện cho thi hành Luật Di sản văn hóa
– Nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn, còn thiếu các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm chuyên sâu về bảo tồn, tu bổ di tích, khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật, công nghệ thông tin, hóa chất…; về kỹ năng, bí quyết, đặc điểm của
các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
– Công tác đào tạo về bảo tồn, tu bổ di tích chỉ mới bắt đầu ở một số trường đại học. Nguồn nhân lực tham gia trực tiếp vào hoạt động tu bổ di tích (kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, thợ lành nghề…) chưa được đào tạo chuyên sâu.
– Nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhìn chung còn thấp, vì thế không đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ.
 4. Về tuân thủ Luật Di sản văn hóa
Nhận thức về di sản văn hóa chưa thật sự sâu sắc và toàn diện, do đó ở các di tích, bên cạnh việc chấp hành tốt quy định pháp luật trong bảo vệ di sản văn hóa, vẫn còn diễn ra tình trạng nhiều nơi còn lúng túng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa, giữa lợi ích
trước mắt với sự phát triển bền vững. Một số địa phương ít tập trung ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ mà chỉ ưu tiên xây dựng các công trình khai thác di sản.

Việc tăng trưởng du lịch quá nhanh, trong khi chưa đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.
 5. Về một số nội dung còn chưa được quy định trong Luật Di sản văn hóa
– Trên thực tế cho thấy, mặc dù có 07 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, nhưng hiện nay chúng ta hoàn toàn thiếu vắng quy định pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm, các tiêu chí về nhận diện, quy trình, thủ tục lập hồ sơ đưa vào các Danh mục di sản tư liệu ở trong nước (ví dụ như như cấp quốc gia, hay
cấp tỉnh…) còn chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan, cho đến tất cả quy định cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu…
– Thiếu các quy định, cơ chế, chính sách để huy động các nguồn xã hội hóa (ví dụ, hiện nay doanh nghiệp có đóng góp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhưng không được hưởng chính sách miễn, giảm thuế cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp đó), vì vậy, chưa thu hút được nguồn lực to lớn của toàn xã hội tham gia đầu tư tu bổ di tích.

II. Tồn tại, hạn chế ở một số mặt công tác cụ thể
 1. Trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể
– Việc đầu tư kinh phí bảo vệ, tu bổ di tích đặt ra một số vấn đề sau:
+ Di tích ở nước ta đa dạng về loại hình, như: đình, đền, chùa, miếu mạo, thành quách, lăng mộ, đền tháp, cung điện, nhà cổ; di tích cách mạng kháng chiến… do điều kiện thời tiết, khí hậu nóng ẩm nên các di tích thường xuống cấp nhanh chóng. Hơn nữa, một đặc điểm cơ bản của di tích ở nước ta là hầu hết được làm từ chất liệu gỗ, theo quy trình thông thường 10 năm phải tu bổ nhỏ ít nhất 1 lần, 20 năm tu bổ vừa và 40 năm tu bổ tổng thể. Nguồn vốn đầu tư hàng năm cho tu bổ di tích còn thấp, nên nhìn chung còn nhiều di tích đang xuống cấp (đặc biệt là những di tích không có nguồn thu từ bán vé tham quan và nguồn công đức) nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ.
+ Từ năm 2015, tổng mức đầu tư của Chương trình đã giảm nhiều so với các năm trước, trong khi đó nguồn kinh phí đầu tư đối ứng của địa phương thấp do còn tâm lý trông chờ, ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và thiếu sự lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình khác trên địa bàn.
+ Nguồn kinh phí thu được qua bán vé tham quan di tích, tiền công đức, tiền thu các hoạt động dịch vụ văn hoá khác tại một số di tích chưa được đầu tư trở lại cho tu bổ, tôn tạo di tích và các hoạt động văn hóa ở cơ sở một cách thống nhất trong phạm vi toàn quốc, thậm chí có nơi đưa vào ngân sách xã và huyện để phục vụ nhiệm vụ khác.
+ Do kinh phí đầu tư cho tu bổ di tích còn thấp nên mới chỉ thực hiệnchố ng đỡ cục bộ chứ chưa đặt di tích ở trong tình trạng bền vững lâu dài để trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh có sức hấp dẫn thu hút khách tham quan nên việc tạo nguồn thu tái đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích còn bị hạn chế.
– Hiện tượng mất cắp cổ vật, cháy nổ tại di tích vẫn đôi khi còn xảy ra; vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, đặc biệt ở một số di tích được đầu tư bằng các nguồn vốn của địa phương, nguồn vốn công đức, xã hội hóa được thực hiện theo quy trình, thủ tục triển khai còn chưa đảm bảo.
– Ngoài một số di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu đã được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố phê duyệt quy hoạch, triển khai hiệu quả các dự án tu bổ, tôn tạo đã phát huy tốt giá trị di tích, gắn với phát triển kinh tế – xã hội, phần lớn, di tích chưa
được quan tâm lập Quy hoạch để có cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị.
2. Trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
– Về chính sách đãi ngộ: Điều 26, Luật Di sản văn hóa quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân như: Tặng, truy tặng Huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác; tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sáng tạo, trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nghệ
nhân; trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác đối với nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, giao Chính phủ ban hành chính sách đãi ngộ với nghệ nhân. Qua đây có thể thấy một số vấn đề sau: Tại mục a, có ít nhất 03 hình thức tôn vinh thông qua danh hiệu là: tặng Huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác. Tuy nhiên, tính đến nay mới thực hiện được nội dung về “tặng danh hiệu vinh dự nhà nước” thông qua việc Chính phủ ban hành 02 Nghị định. Nội dung “tặng Huân chương” và “thực hiện các hình thức tôn vinh khác” chưa thực hiện. Tại mục b, các hoạt động về “Tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sáng tạo, trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nghệ nhân.”: Mặc dù đã được thực hiện qua một số chương trình, hoạt động cụ thể thuộc các hoạt động quản lý nhà nước nói chung về di sản văn hóa được triển khai từ trước khi ban hành Luật Di sản văn hóa đến nay, ví dụ như Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và sau này là Chương trình phát triển văn hóa,… nhưng gặp phải hạn chế là nó chỉ dừng lại ở “Chương trình” theo giai đoạn và có xu
hướng giảm dần mà chưa tạo ra được một chính sách cụ thể, lâu dài. Tại mục c, “Trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác đối với nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.”, có 03 vấn đề đặt ra: Một là, việc trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác chỉ dành cho các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước gồm Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú; Hai là, chỉ dành cho những cá nhân được tặng danh hiệu vinh dự nhà nước nhưng có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn; Ba là, chính sách ở nội dung được tiếp cận từ “chính sách an sinh xã hội”, “hỗ trợ hộ nghèo” (Nghị định số 109/2015/NĐ-CP) chứ không phải là chính sách bảo vệ và
phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
– Nội dung Điều 7 Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định “Khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống”: Nghề thủ công truyền thống là một trong bảy loại hình của di sản văn hóa phi vật thể, tương đương với Lễ hội truyền thống hay Tiếng nói, chữ viết. Song Lễ hội truyền thống và Tiếng nói, chữ viết hiện đang được quy định tại các điều 21 và 25 Luật Di sản văn hóa. Để có sự đồng đều và hợp lý, Nghị định 98/2010/NĐ-CP cần điều chỉnh để quy định việc bảo vệ, phát huy từng loại hình trong cả 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, nội dung Điều 21, Điều 25 Luật di sản văn hóa và Điều 7 Nghị định 98/2010/NĐ-CP cũng cần quy định cụ thể hoặc quy định về việc có Thông tư hướng dẫn thực hiện.
– Sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng được Quốc hội thông qua vào năm 2013, Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công thương (cơ quan quản lý ngành về nghề thủ công mỹ nghệ) xây dựng dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, do không
thống nhất được một số nội dung quy định trong dự thảo Nghị định, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (không bao gồm lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống), mặc dù nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là một trong các lĩnh vực thuộc di sản văn hóa phi vật thể.
Kết quả là có 02 Nghị định được ban hành: Nghị định số 62/2014/NĐCP ngày 25/6/2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Điều này dẫn đến việc cùng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” nhưng có 02 hệ thống xét tặng từ địa phương tới trung ương. Việc xây dựng 02 nghị định và giao cho 02 bộ phụ trách để cùng xét phong tặng cho danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho các đối tượng thuộc cùng lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (nghề thủ công truyền thống là một trong các lĩnh vực của di sản văn hóa phi vật thể, trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có trường hợp vừa có thể là nghề thủ công truyền thống và cũng có thể vừa là tri thức dân gian) tạo ra những bất cập như: Thứ nhất: một đối tượng thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống (một số nghề thủ công truyền thống, ẩm thực có thể đưa vào loại hình Tri thức dân gian) có thể chọn nộp hồ sơ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cho Sở Công Thương hoặc cùng lúc nộp
cho cả 2 Sở. Cũng có trường hợp là bị loại ở hội đồng này rồi lại nộp hồ sơ sang hội đồng kia. Điều này cũng dẫn đến việc cá nhân đã là Nghệ nhân ưu tú của theo nghị định này nộp hồ sơ xét phong tặng Nghệ nhân nhân dân theo nghị định kia. Bất cập này dễ hiểu bởi tính chất đan xen và liên quan giữa các loại hình của di sản văn hóa phi vật thể. Thứ hai: tiêu chí để xét danh hiệu của 2 nghị định này có những điểm khác biệt trong khi cùng hướng đến một danh hiệu. Tiêu chí xét danh hiệu quy định trong Nghị định 62/2014/NĐ-CP có tính định tính cao trong khi tiêu chí quy định trong Nghị định 123/2014/NĐ-CP tập trung nhiều vào tính định lượng, sản phẩm, thành tích cụ thể. Điều này dẫn đến việc cùng một danh hiệu cho các đối tượng cùng là thực hành di sản văn hóa phi vật thể nhưng được xét bởi hai bộ tiêu chí khác nhau. Thứ ba: nhận thức của các cá nhân là thành viên hội đồng các cấp của hai “luồng” xét này là không đồng đều. Luật Thi đua, Khen thưởng quy định danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” dành cho đối tượng thực hành trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trong khi các cấp hội đồng thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống có nhận thức khác về di sản văn hóa phi vật thể hay nói cách khác là kỹ năng, kỹ thuật, am hiểu của nghệ nhân được nhìn nhận chỉ tập trung vào các sản phẩm vật
chất cụ thể.
Có thể khẳng định, có sự chồng chéo với quy định của Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Cần sửa đổi để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể.
– Thực hiện quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai công tác phổ biến, quán triệt nội dung văn bản và tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng đời sống kinh tế theo hướng dẫn của Chính phủ, nhưng đa số các Nghệ nhân ưu tú không thuộc diện và không nhận
được hỗ trợ do không đạt được tất cả các tiêu chí (về: tuổi tác, tình trạng sức khỏe, điều kiện người phụng dưỡng, thu nhập bình quân) quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP.
Trong khi đó, thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện, đó là: Giới trẻ hiện vẫn chưa cảm nhận hết giá trị của di sản do bị ảnh hưởng của các trào lưu mới nên ít tìm thấy sự say mê để theo học, thực hành hay thậm chí chỉ để thưởng thức, hưởng thụ các giá trị văn hóa do cha
ông sáng tạo và trao truyền lại. Vì thế, thế hệ các nghệ nhân cao tuổi ngày một già yếu và mất đi mà chưa tìm được lớp người kế cận, chưa kịp truyền thụ cho các học trò, đặc biệt là trao truyền các “ngón nghề”, bí quyết trong việc ứng tác (Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Dân ca Quan họ, Bài Chòi…), điều chỉnh nhạc cụ (Cồng chiêng Tây Nguyên). Chính quyền nhiều nơi lại chưa thực sự tạo điều kiện về không gian và cơ sở vật chất cho các nghệ nhân truyền dạy cũng như chưa có các hình thức khuyến khích thế hệ trẻ theo học. Do điều kiện của từng địa phương còn hạn chế nên chưa có chính sách đãi ngộ mức độ cao đối với nghệ nhân để nghệ nhân thực sự yên tâm thực hành nghề.
Việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu, cụ thể là danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian,… Các danh hiệu này bị chi phối bởi Luật Thi đua, Khen thưởng
và các chính sách cũng đang chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu.
Không những thế, các chính sách hỗ trợ đi kèm theo đó lại đang được thực hiện theo “công thức” áp dụng cho “hộ nghèo”. Tới nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai công tác phổ biến, quán triệt nội dung văn bản và tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng đời sống kinh tế theo hướng dẫn của Nghị định
109/2015/NĐ-CP nhưng đa số các Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân không thuộc diện được hỗ trợ do không đạt được các tiêu chuẩn để được nhận hỗ trợ như quy định của Nghị định 109/2015/NĐ-CP. Trước thực tế đó, cần tiếp tục ban hành chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú nói chung chứ không chỉ đối với các  Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. —
Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được thiết lập nhằm đánh giá về sức sống của di sản và chỉ ra những cách bảo vệ khác nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng những biện pháp và phân bổ nguồn lực bảo vệ thích hợp. Để tránh sự hiểu lầm không đáng có này, có thể điều chỉnh tên gọi “Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” thành “Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể”. Cùng với đó, Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cũng cần thiết lập nhằm hiện thực hóa Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL để các tỉnh/thành phố có kế hoạch bảo vệ trên cơ sở đề xuất các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa phân bổ hàng năm. Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL quy định “Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả kiểm kê ở địa phương hàng năm. Thời hạn báo cáo chậm nhất là ngày 31/10.” Tuy nhiên, Mẫu Báo cáo lại chưa được quy định, nên các địa phương đều lúng túng khi xây dựng Báo cáo và mỗi địa phương có một mẫu báo cáo riêng. Vì thế, việc xây dựng và ban hành Mẫu Báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc quy định báo cáo định kỳ tình trạng di sản và tình hình bảo vệ, phát huy giá trị di sảnsau khi được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng cần xem xét đưa vào các văn bản dưới luật.

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *