Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình của các nước trên thế giới

Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tơi bạn đọc kinh nghiệm quốc tế về chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi.

1. Về các loại quan hệ gia đình

Luật mẫu về BLGĐ của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc khuyến khích các quốc gia xác định phạm vi mối quan hệ nảy sinh BLGĐ càng rộng càng tốt. Luật quy định các mối quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh: Vợ, tình nhân sống cùng; vợ cũ hoặc tình nhân cũ; bạn gái (kể cả không sống cùng); người phụ nữ là họ hàng (như chị, em gái, con gái, mẹ) và người phụ nữ giúp việc gia đình.

Dựa trên Luật mẫu mỗi quốc gia có quy định khác nhau về quan hệ gia đình. Bungari xác định vợ chồng hay từng là vợ/chồng, người đang hay đã từng sống chung như vợ chồng, người có con chung, ông bà, cháu, anh chị em ruột, người có họ hàng trong phạm vi 3 đời, người giám hộ hay cha mẹ nuôi tạm thời. Hàn Quốc xác định các thành viên trong  gia đình là vợ chồng, người nào đang có quan hệ hoặc đã từng có quan hệ tổ tiên (chung huyết thống hoặc nhận con nuôi hợp pháp), quan hệ là con, quan hệ họ hàng và chung sống cùng nhau.

Những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình của các nước trên thế giới
Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình của các nước trên thế giới

2. Về các loại hành vi bạo lực gia đình

Luật mẫu Liên hợp quốc quy định tất cả các hành vi lạm dụng thể chất, tâm lý, tình dục dựa trên cơ sở giới của một thành viên gia đình đối với một người phụ nữ trong gia đình đều được coi là BLGĐ. Các quốc gia hầu hết đều xác định các loại hành vi BLGĐ gồm bạo lực thể chất, bạo lực tâm lý/tình cảm, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế và liệt kê cụ thể các hành vi này.

Luật phòng, chống BLGĐ của Việt Nam quy định quan hệ tình dục cưỡng bức (Điều 2 (đ)) là hành vi BLGĐ nhưng quy định này của pháp luật không bao gồm các hình thức bạo lực tình dục khác như đụng chạm tình dục và tấn công tình dục. Phải thừa nhận rằng bạo lực tình dục có thể dẫn đến các tổn thương về thể chất và tinh thần/tâm lý, nhưng trong Điều 2 thương tích về tình dục và sức khỏe sinh sản cụ thể chưa được cụ thể hóa. Tháng 7 năm 2015, đối với Việt Nam, Ủy ban CEDAW lưu ý rằng thiếu một điều khoản rõ ràng trong Bộ luật Hình sự về cưỡng hiếp trong hôn nhân

3. Về các biện pháp phòng ngừa Bạo lực gia đình

Luật mẫu Liên hợp quốc khuyến nghị các quốc gia thông qua các chương trình hỗ trợ phòng ngừa và xóa bỏ BLGĐ, bao gồm cả việc nâng cao nhận thức và giáo dục về vấn đề này, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về các trường hợp BLGĐ và nguyên nhân của chúng, khuyến khích cộng đồng tham gia vào xóa bỏ BLGĐ.

Australia xác định BLGĐ là bạo lực trên cơ sở giới nên chú trọng các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Trong khi Hàn Quốc đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức về BLGĐ[1]. Nhật Bản, Philippines, Campuchia, Đài Loan, Timor Leste, Malaysia quy định việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền con người, BLGĐ, bình đẳng giới,… là một trong những biện pháp phòng ngừa BLGĐ.

Trường hợp Timor Leste, Luật (Law Against Domestic Violence 2010) quy định để phòng ngừa BLGĐ nhà nước phải: (1) Tạo điều kiện để xây dựng một chương trình giáo dục về quyền con người cho các cấp học; (2) Biên soạn một chương trình giáo dục về quyền con người và các hình thức BLGĐ cho cảnh sát, công tố viên, thẩm phán, luật sư tham gia giải quyết những vụ việc BLGĐ; (3) Cung cấp thông tin cho cộng đồng, lãnh đạo cộng đồng (truyền thống) về quyền con người, BLGĐ.

4. Về quyền của nạn nhân bạo lực gia đình

Luật mẫu của Liên hợp quốc khuyến nghị luật BLGĐ cần có quy định về quyền của nạn nhân: Cung cấp thông tin và được tư vấn, tôn trọng phẩm giá và sự riêng tư, được tiếp cận dịch vụ y tế, pháp luật, tham vấn thích hợp và các dịch vụ hỗ trợ khác. Các thủ tục tố tụng liên quan đến BLGĐ, kể cả việc áp dụng quyết định bảo vệ đều phải được tiến hành kín tại Tòa án nhằm bảo vệ sự riêng tư và phẩm giá của nạn nhân. Philippines[1] và Timor Leste đưa ra danh mục cụ thể các quyền của nạn nhân. Các quốc gia khác thì quyền của nạn nhân thường được quy định rải rác trong luật.

5. Về thủ tục xác định và báo cáo trường hợp bạo lực gia đình

Theo Luật mẫu Liên hợp quốc, đạo luật BLGĐ cần quy định việc nạn nhân, nhân chứng của BLGĐ và các thành viên gia đình, cán bộ y tế, các trung tâm hỗ trợ nạn nhân tố cáo về những trường hợp BLGĐ cho cảnh sát hoặc gửi đơn ra tòa. Luật Philippines quy định cán bộ y tế, nhân viên CTXH (Social Worker), cán bộ tham vấn nếu có nghi ngờ về BLGĐ hoặc khi được nạn nhân của BLGĐ cho biết về vụ việc thì phải: (1) Ghi chép đầy đủ tổn thương, nghi vấn, điều quan sát được; (2) Cấp chứng nhận sức khỏe miễn phí liên quan đến lần khám hoặc gặp nạn nhân; (3) Bảo quản hồ sơ và đưa cho nạn nhân khi có yêu cầu; (4) Cung cấp đầy đủ các thông tin về quyền của họ.

Luật mẫu Liên hợp quốc cũng khuyến nghị Luật cần quy định rõ trách nhiệm công an như giải quyết yêu cầu giúp đỡ, bảo vệ, thẩm vấn, gửi báo cáo, tư vấn về quyền cho nạn nhân, cung cấp nơi an toàn, thu xếp đưa thủ phạm ra khỏi nhà…. Luật của Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Timor Leste, Nam Phi đều có các quy định tương tự như khuyến nghị của Liên hợp quốc. Ở Hàn Quốc, cảnh sát có thể vào nhà can ngăn BLGĐ mà không cần giấy phép hay đơn tố cáo.

Về việc rút đơn tố cáo, Luật của Panama quy định nạn nhân chỉ có thể miễn tố nếu trong một thời gian nhất định mà hành vi bạo lực không lặp lại và bị cáo phải được đánh giá và điều trị. Trong khi đó, Campuchia quy định nếu tiếp tục có hành vi bạo lực thì Tòa án sẽ truy tố thủ phạm theo thủ tục tố tụng hình sự, kể cả trong trường hợp không có yêu cầu của nạn nhân.

6. Về các biện pháp bảo vệ nạn nhân (khẩn cấp và dài hạn)

Luật mẫu của Liên hợp quốc khuyến cáo 2 cấp độ quyết định bảo vệ: (1) Quyết định khẩn cấp theo đề nghị của một bên; (2) Quyết định bảo vệ dài hạn hoặc thường xuyên. Đề nghị của một bên tức là không cần thông báo trước cho bị đơn mà chỉ hoàn toàn dựa trên đề nghị của nạn nhân.

Ở nhiều nước, những tình huống có thể dẫn tới việc ban hành quyết định bảo vệ nạn nhân BLGĐ có thể được ban hành ngay cả khi hành vi của người vi phạm chưa đến mức là hành vi phạm tội và các quyết định đó có thể được ban hành mà không cần chứng cứ thương tích. Thời hạn quyết định bảo vệ cũng có sự khác nhau giữa các quốc gia.

Về quyết định bảo vệ khẩn cấp, Luật Liên hợp quốc khuyến nghị là 10 ngày, đây cũng là thời hạn tiêu chuẩn trong luật của các nước Úc, Nam Phi, các bang của Hoa Kỳ; ở Philippines là 15 ngày, Kosovo là 20 ngày, Campuchia là 2 tháng. Về quyết định bảo vệ dài hạn, các nước như NewZealand, Nam Phi, Philippines  không quy định cụ thể thời gian bảo vệ dài hạn, quyết định có thể vô hạn cho đến khi một trong hai bên vợ chồng đề nghị ra Tòa án để bãi bỏ. Một số nước như Đài Loan, Malaysia, Kosovo quy định 12 tháng, Campuchia quy định 6 tháng.

Các điều kiện được áp đặt trong quyết định bảo vệ thường bao gồm: Cấm thực hiện bất cứ hành vi bạo lực nào mới; Cấm tiếp xúc với nạn nhân; Yêu cầu người vi phạm ra khỏi nhà (Philippines, Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan,..); Cấp dưỡng tạm thời (như một phần của quyết định bảo vệ: Mỹ, Úc, Philippines, Campuchia, Đài Loan, Nam Phi, Kosovo…); Quyết định giao trông nom trẻ; Tịch thu vũ khí; Yêu cầu cảnh sát hộ tống nạn nhân để lấy đồ đạc, vật dụng cá nhân.

Về chế tài đối với vi phạm quyết định bảo vệ, Malaysia quy định trong thời hạn 24h kể từ khi quyết định bảo vệ hoặc quyết định bảo vệ tạm thời được ban hành, luật sư tòa án nơi ban hành quyết định bảo vệ tạm thời gửi một bản sao cho sỹ quan chỉ huy của cảnh sát quận nơi cư trú. Kosovo thì quy định trong vòng 24 giờ, Tòa án phải chuyển quyết định cho nạn nhân, người vi phạm, đồn cảnh sát địa phương và Trung tâm phụ trách công tác xã hội. Vi phạm Quyết định bảo vệ là một tội phạm độc lập và riêng biệt phải chịu phạt tiền hoặc tù ở nhiều bang của Hoa Kỳ, New Zealand, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Úc, Nam Phi.

7. Về các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

Luật mẫu Liên hợp quốc khuyến nghị rằng pháp luật về BLGĐ nên quy định các loại hình trợ giúp và dịch vụ cần được bảo đảm cho nạn nhân của BLGĐ. Các chương trình và dịch vụ cần linh hoạt để đáp ứng các tình huống và các nhu cầu khác nhau của nạn nhân và được thiết kế để tính đến những mối quan tâm đặc biệt của phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Theo đó, việc trợ giúp tức thời/khẩn cấp nên bao gồm: Các dịch vụ can thiệp chống khủng hoảng; Chuyên chở nạn nhân từ nhà đến trung tâm y tế, nhà tạm lánh,…; Sự quan tâm tức thời về mặt y tế; Tư vấn pháp luật khẩn cấp và chuyển giao;  Tư vấn khủng hoảng để cung cấp sự trợ giúp và bảo đảm an toàn; Xử lý bí mật mọi sự liên hệ, tiếp xúc với nạn nhân của BLGĐ và gia đình họ.

Về trợ giúp dài hạn cho nạn nhân BLGĐ nhằm phục hồi và tái hòa nhập, Luật mẫu Liên hợp quốc khuyến nghị các hoạt động trợ giúp không khẩn cấp cũng cần được quy định trong pháp luật về PCBLGĐ. Vấn đề hòa giải cũng gây nhiều tranh luận. Hòa giải có thể hiệu quả đối với các tranh chấp nhỏ nhưng không nên được áp dụng trong các trường hợp bạo lực diễn ra trầm trọng và triền miên. Do đó, Campuchia quy định hòa giải không được áp dụng trong các trường hợp BLGĐ có dấu hiệu trọng tội hoặc tội nghiêm trọng. Luật Timor Leste nghiêm cấm cảnh sát chuyển các vụ BLGĐ cho già làng để hòa giải.

Bên cạnh những vấn đề kể trên, phòng chống BLGĐ và thực thi Luật PCBLGĐ là một vấn đề hết sức phức tạp. Do đó, các nước trong khu vực ASEAN và nhiều quốc gia trên thế giới đều tiến hành rà soát, đánh giá luật và quá trình triển khai luật thường xuyên. Đây là căn cứ quan trọng để tiến hành sửa đổi, bổ sung luật phòng chống BLGĐ.

8. Một số bài học kinh nghiệm 

Các thủ tục hành chính liên quan đến xác định và báo cáo vụ việc BLGĐ cũng cần được đơn giản hóa và tăng tính khả thi. Người bị bạo lực cũng cần được cung cấp đầy đủ các thông tin về quyền và nghĩa vụ của bản thân. Một số quốc gia cũng có quy định xử lý hành vi bạo lực tái diễn như Tòa án sẽ truy tố thủ phạm theo thủ tục tố tụng hình sự, kể cả trong trường hợp không có yêu cầu của nạn nhân.

Việt nam cũng có thể tham khảo quy định về cấp tiếp xúc của một số nước. Theo đó, người có hành vi BLGĐ là người phải ra khỏi nhà trong trường hợp người bị bạo lực gia đình lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ.

Nhiều quốc gia cũng trao cho cảnh sát quyền được ban hành lệnh an toàn nếu thấy cần thiết để bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Trong trường hợp vì sự an toàn cho người bị bạo lực gia đình, cảnh sát có thể ban hành lệnh an toàn mà không cần sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình. Ví dụ, cảnh sát ở New Zealand có thể tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình không quá 2 giờ để phục vụ xác minh, điều tra sự việc nếu người có hành vi bạo lực không tuân thủ thì có thể bị cảnh sát bắt mà không cần đến quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó pháp luật của Hàn Quốc quy định sau khi cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo, tố giác về hành vi bạo lực, cán bộ điều tra sẽ được cử ngay lập tức đến hiện trường vụ việc bạo lực gia đình. Trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc cán bộ điều tra có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết, bao gồm tách người bị bạo lực gia đình, người cung cấp tin báo, tố giác, nhân chứng, v.v. khỏi đối tượng có hành vi bạo lực vì mục đích điều tra để họ có thể thoải mái cung cấp lời khai. Luật của Hàn Quốc cũng quy định không ai được phép từ chối hợp tác với cán bộ điều tra được phái cử đến hiện trường vụ bạo lực gia đình hoặc can thiệp vào các hoạt động của cán bộ điều tra này mà không có lý do chính đáng.

Sỹ quan cảnh sát ở Anh đưa ra thông báo nhằm cảnh báo người có hành vi BLGĐ để làm cơ sở cho xử lý nếu tái phạm hành vi bạo lực. Người nhận được thông báo của cảnh sát nếu tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình thì sẽ bị bắt giữ mà không cần có lệnh bắt.

Ở Malaysia, nhân viên phúc lợi xã hội có thể ban hành lệnh bảo vệ khẩn cấp và gửi một bản tớ cảnh sát quận, huyện nơi người có hành vi BLGĐ cư trú. Cảnh sát có trách nhiệm thi hành ngay quyết định này.

Do đó Việt Nam cũng cần cân nhắc việc sửa đổi Luật theo hướng để người bị BLGĐ có thể được quyền quyết định bảo vệ ngay cả khi hành vi của người vi phạm chưa đến mức là hành vi phạm tội và các quyết định đó có thể được ban hành mà không cần chứng cứ thương tích. Việc quy định rõ vai trò của công an viên trong việc xử lý BLGĐ là rất cần thiết, đặc biệt là các tình huống ngăn chặn vụ việc BLGĐ khẩn cấp.

Ngoài ra, nhiều quốc gia xem BLGĐ là một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc nâng cao bình đẳng giới. Thụy Điển đã phát triển mạng lưới hỗ trợ người bị BLGĐ thông qua địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, thực hiện giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình hay sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng, hoạt động thể thao để tuyên truyền vận động cho phòng, chống bạo lực gia đình. Một số ý kiến cho rằng Luật PCBLGĐ hiện hành của Việt Nam còn thiếu vắng “lăng kính giới” và vấn đề này có thể tác động đến quy trình điều phối và thực hiện Luật cũng như làm suy giảm tính kết nối giữa luật này với quá trình điều phối và các cơ chế giải quyết bất bình đẳng giới mang tính phổ quát hơn ở Việt Nam hiện nay[1]. Theo đó, việc diễn giải chưa rõ ràng các vấn đề liên quan đến bạo lực giới trong Luật  hiện hành đã dẫn đến việc Luật bỏ qua nhiều hình thực bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay, như bạo lực tình dục không giao hợp, hãm hiếp trong hôn nhân, bạo lực qua mạng internet…

Khi so sánh với Luật của một số quốc gia trên thế giới, có thể thấy các biện pháp xử lý hành vi BLGĐ trong Luật PCBLGĐ hiện hành của Việt Nam chưa đủ tính nghiêm khắc, răn đen, giáo dục và phòng ngừa bạo lực tái diễn. Các hành vi BLGĐ chủ yếu xử lý hành chính hoặc các biện pháp khác, việc xử lý hình sự còn nhiều hạn chế. Trong các vụ việc BLGĐ, phụ nữ (thường là nạn nhân) khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chữa trị y tế do chồng cấm không cho ra khỏi nhà hoặc khoảng cách về địa lý, khó khăn về phương tiện đi lại. Do đó, lấy xác nhận thương tật của bác sỹ để dùng cho khởi tố hình sự là điều khó thực hiện được. Ngay cả việc xử lý hành chính các vụ việc BLGĐ cũng không hiệu quả và thiếu khả thi[2]. Bên cạnh đó các quy định nhằm hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình cả khẩn cấp và dài hạn đều chưa rõ ràng, khá chung chung và tính khả thi không cao.

Luật của các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy cần cần xác định rõ thế nào là gia đình và quan hệ gia đình, làm cơ sở để xác định hành vi BLGĐ cũng như phạm vi của Luật. Các giải pháp PCBLGĐ phải linh hoạt, đa chiều, chứ không thể là một giải pháp chung cho các đối tượng khác nhau, các tổ chức khác nhau bởi họ có những nhu cầu, nguyện vọng và tiếng nói đặc thù. Đối với giáo dục, truyền thông về BLGĐ thì vấn đề này cần được nghiên cứu để đưa nhiều hơn vào các chương trình giáo dục ở các cấp. Quyền của người bị bạo lực cần được quy định rõ trong Luật cũng như có các quy định về vai trò của từng cơ quan và một cơ chế phối hợp rõ ràng cho việc phân công và phối hợp giữa các cơ quan đó.

Phương Thảo: Trích báo cáo Tổng kết 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *