Đề cương tuyên truyền Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều 2020

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV,  ngày 17/6/2020, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều  với  với 92,34% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Để kịp thời tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều  năm 2020, decuongtuyentruyen.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều  năm 2020. Đề cương được biên soạn dựa trên hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều  năm 2020 và các bài viết có liên quan đến dự án Luật. Đề cương gồm 03 phân: Phần 01 – Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều . Phần 02 – Mục đích, quan điểm chỉ đạo. Phần 3- Những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

đề cương tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều  năm 2020
đề cương tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều  năm 2020

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

  Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2014. Luật Đê điều được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.

 Hai (02) Luật này cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều; cơ bản phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đảm bảo an sinh, xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành hai (02) Luật, điều kiện kinh tế – xã hội trong nước, quan hệ quốc tế đã có nhiều thay đổi, nhận diện và diễn biến tình hình thiên tai và yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu rõ nét hơn nên một số quy định tại hai (02) Luật hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay, cụ thể:

Đối với Luật Phòng, chống thiên tai

   Bổ sung một số loại hình thiên tai trong Luật hiện hành; lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cấp xã là nguồn nhân lực quan trọng đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai từ trước tới nay nhưng chưa được xác định trong Luật;

Quỹ phòng chống thiên tai được quy định tại Điều 10 Luật hiện hành được thành lập ở cấp tỉnh, chưa có ở Trung ương nên có một số vướng mắc trong hoạt động tạo nguồn lực của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT để hỗ trợ các địa phương, nhất là trong các tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai được kịp thời;

Luật hiện hành cũng chưa có quy định về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng, về công tác điều tra cơ bản, kiểm soát an toàn và hoạt động khoa học và công nghệ trong phòng chống thiên tai; cần được bổ sung lần này;

Điều chỉnh một số quy định về ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai cho phù hợp với Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công mới;

Bổ sung quy định thẩm quyền vận động, quyên góp, tiếp nhận nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khi có thiên tai đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đối với Luật Đê điều

Hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều đối với các tuyến đê từ cấp III trở lên cần được cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương cho ý kiến để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê quan trọng;

Việc sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng và việc xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi, cù lao (đối với các tuyến sông có đê) chưa được quy định trong Luật hiện hành, cần được bổ sung lần này;

Quy định về việc xây dựng cầu qua sông có đê còn vướng mắc trong quá trình thực hiện (đối với dự án xây mới, cải tạo mở rộng cầu cũ tại những vị trí khoảng cách giữa hai tuyến đê lớn);

Sửa đổi quy định về quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều để phù hợp với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Vì vậy, để khắc phục những bất cập, vướng mắc lớn trong thực tiễn thi hành 02 Luật này và đảm bảo phù hợp, thống nhất với một số luật liên quan, thì việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều là cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG  LUẬT

  1. Mục đích

Tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo thực thi có hiệu quả pháp luật về phòng, chống thiên tai và đê điều.

  1. Quan điểm xây dựng Luật

Thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, nhà nước về phòng, chống thiên tai, đê điều; kế thừa những quy định đã phù hợp trong thực tiễn thi hành; bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều; tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định đã bộc lộ những vướng mắc lớn trong quá trình thực hiện, được tổng kết đánh giá rõ cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

III. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

Với 92,34% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 03 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021

A. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

1. Loại hình thiên tai: Bổ sung 04 loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện, ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn nhưng chưa được quy định trong Luật hiện hành gồm: gió mạnh trên biển, sương mù, cháy rừng và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán.

2. Công trình phòng, chống thiên tai: Bổ sung 05 loại công trình là công trình kè, chống xâm ngập mặn, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét vào nhóm công trình phòng, chống thiên tai.

3. Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai: Bổ sung quy định  lực lượng xung kích phòng chống thiên tai được thành lập ở cấp xã, do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập trên cơ sở dân quân ở thôn, dân quân ở xã và tổ chức khác tại địa phương để thực hiện phòng, chống thiên tai theo phương án phòng, chống thiên tai của địa phương.

4. Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho phòng, chống thiên tai: Bổ sung quy định vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho phòng chống thiên tai để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

5.Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai: Sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước và bổ sung quy định sử dụng Quỹ dự trữ tài chính trong hoạt động phòng, chống thiên tai cho phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

6. Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương: Bổ sung quy định Quỹ phòng, chống thiên tai ở trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ quốc tế cho phòng, chống thiên tai, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân ngoài ngân sách nhà nước được kịp thời, đúng quy định. Đồng thời quy định rõ nguồn thu, nguyên tắc hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai và giao Chính phủ quy định cụ thể để đảm bảo tính linh hoạt và thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

7. Bổ sung 02 điều mới: Điều tra cơ bản, khoa học  và công nghệ phòng, chống thiên tai. Đây là hoạt động quan trọng trong quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai cần bổ sung vào Luật để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.

8. Đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai:  Bổ sung quy định đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong giai đoạn quản lý, sử dụng công trình và sửa đổi, bổ sung quy định yêu cầu phòng, chống thiên tai trong giai đoạn đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm khu du lịch, khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn, công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật.

9. Huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ: Bổ sung quy định thẩm quyền huy động, quyên góp,tiếp nhận của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh nhằm có thêm nguồn lực xã hội khắc phục hậu quả, kịp thời khó khăn của người dân vùng bị thiên tai về cả vật chất và tinh thần. Đây là hoạt động thường xuyên mang tính nhân đạo xã hội và tính truyền thống lá lành đùm lá rách, tương thân, tương ái của người Việt. Sau khi tiếp nhận, các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chuyển giao nguồn lực đã vận động, quyên góp được cho Ủy ban Trung ương Mặt trận TQVN, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, UBND cấp tỉnh để phân bổ.

10. Về cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh: Bổ sung quy định rõ “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh sử dụng bộ phận hiện có của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh làm chuyên trách, tham mưu giúp việc” nhằm củng cố hoạt động của bộ phận tham mưu về phòng, chống thiên tai ở địa phương nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW và chỉ đạo của Ban bí thư tại chỉ thị  42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngày 24/3/2020.

B. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT ĐÊ ĐIỀU

1. Cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều: Bổ sung quy định nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đảm bảo an toàn với các tuyến đê   từ cấp III đến cấp đặc biệt.

2. Bãi nổi, cù lao: Luật bổ sung quy định sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng và việc xử lý công trình hiện có ở bãi nổi, cù lao để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đảm bảo không gian thoát lũ, chứa lũ của tuyến sông, an toàn đê điều như đối với bãi sông đã quy định tại Điều 26, Điều 27.

3. Xây dựng, cải tạo cầu qua sông có đê: Luật sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định xây dựng cầu qua sống có đê phải có cầu dẫn trên bãi sông. Trong quá trình thực hiện một số cầu mới được xây dựng ở những vị trí có khoảng cách của 02 tuyến đê lớn  không nhất thiết phải làm cầu dẫn trên bãi sông, mà vẫn có các giải pháp khác đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ.

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *