Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn đọc Đề cương tuyên truyền Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024, gồm 02 phần: Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Thuế giá trị gia tăng; Phần 2. Nội dung cơ bản của Luật Thuế giá trị gia tăng
Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024
- Tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT những năm qua
Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 thay thế cho Luật Thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2003, năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung 03 lần tại Luật số 31/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016 (dưới đây gọi chung là Luật Thuế GTGT). Qua 15 năm thực hiện, Luật Thuế GTGT đã đạt được các kết quả quan trọng như sau:
– Một là, Luật Thuế GTGT đã có những thay đổi theo đúng định hướng cải cách chính sách thuế của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
– Hai là, Luật Thuế GTGT đã góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, chú trọng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giảm chi phí đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội.
– Ba là, Luật Thuế GTGT đã góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, định hướng đầu tư sản xuất theo đúng đường lối chủ trương chính sách của Đảng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định (TSCĐ), khuyến khích xuất khẩu, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội tăng trưởng.

– Bốn là, Luật Thuế GTGT góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, chống gian lận trong hoàn thuế thông qua khuyến khích phát triển các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt giữa các doanh nghiệp, quy định điều kiện hoàn thuế GTGT, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào để hạn chế việc khấu trừ, hoàn thuế khống, thúc đẩy hạch toán kế toán, sử dụng hoá đơn, chứng từ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
– Năm là, Luật Thuế GTGT góp phần quan trọng, ổn định, đảm bảo tỉ lệ động viên hợp lý cho ngân sách nhà nước (NSNN); cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế – chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế:
– Một là, số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
– Hai là, việc áp dụng các mức thuế suất (hiện nay gồm 03 mức: 0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng áp dụng mức thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông. Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa dựa vào mục đích sử dụng nên gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.
– Ba là, đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT có mức từ 100 triệu đồng trở xuống/năm cần phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp mức biến động của giá và một số yếu tố khác cho phù hợp bối cảnh kinh tế – xã hội.
– Bốn là, quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản còn có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Đồng thời, quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách.
– Năm là, cần phải nghiên cứu bổ sung quy định hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% mà đầu vào chủ yếu áp dụng thuế suất 10%; nghiên cứu sửa đổi quy định về hoàn thuế đối với dự án đầu tư để xử lý bất cập phát sinh trong thực tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Sự cần thiết ban hành Luật Thuế GTGT
Việc nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế GTGT xuất phát từ các lý do sau:
– Một là, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, để góp phần chặn đà giảm sút của quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu (trong bối cảnh không điều chỉnh tăng mức thuế suất GTGT).

+ Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững trong đó nhấn mạnh việc tập trung “Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế…”.
+ Tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội về thuế, phí như sau:
“Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế”.
“Sửa đổi hệ thống luật và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục nộp thuế, phí của người dân và doanh nghiệp”.
+ Tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 đưa ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như sau: “Thực hiện các giải pháp khả thi để đạt tỷ lệ huy động cao hơn vào ngân sách nhà nước, khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, đẩy mạnh chống thất thu, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu NSNN. Khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số Luật Thuế, nhất là Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt… Chú trọng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản để tránh thất thoát. Hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội trong pháp luật về thuế. Rà soát, hoàn thiện các quy định ưu đãi thuế để tránh thất thu, bảo đảm minh bạch, công bằng, khả thi, phù hợp với xu thế phát triển và thông lệ quốc tế”.
+ Điểm b, khoản 1, mục II, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó đối với thuế GTGT: “Mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình; rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu áp dụng thống nhất phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng hoặc không đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ; hoàn thiện các quy định liên quan đến thuế GTGT đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp thông lệ quốc tế. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT theo hướng đơn giản, minh bạch và đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan”.
– Hai là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng tại các văn bản: (i) Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (trong đó có yêu cầu không được: “chỉ đạo, ban hành thể chế, cơ chế, chính sách có nội dung trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” – điểm d khoản 2 Điều 9); (ii) Thông báo Kết luận số 30-TB/BCĐTW ngày 15/01/2023 của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 23, ngày 12/01/2023 của Ban Chỉ đạo: “…Khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan đến ngân hàng, tài chính… và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất”; (iii) Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (yêu cầu: “ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật” – Mục 3); (iv) Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH15 ngày 30/8/2023 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (yêu cầu: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật” – Mục 2.1); (v) Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
– Ba là, từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới chính sách thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế.
– Bốn là, thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế hội nhập trước mắt cũng như lâu dài đặt ra.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước. Luật Thuế GTGT cần sửa đổi phù hợp với xu hướng cải cách thuế GTGT của các nước.
Xu hướng cải cách thuế của các nước phát triển và các nước đang phát triển đều thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, các nước có xu hướng chuyển hướng tăng thu từ thuế tiêu dùng (thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)), mở rộng cơ sở thuế thông qua giải pháp thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT và đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT ưu đãi; điều chỉnh tăng mức thuế suất phổ thông.
– Năm là, để tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thuế GTGT hiện hành.
Đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT hiện hành còn nhiều so với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay và thông lệ quốc tế đã có nhiều thay đổi. Việc quy định một số hàng hóa không chủ yếu phục vụ tiêu dùng cuối cùng mà là đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng áp dụng thuế suất GTGT 5% đã tạo ra hiệu ứng chuyển thuế làm giảm tác động ưu đãi của thuế, làm giảm cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu và gây phức tạp cho quản lý.
Từ ngày Luật Thuế GTGT ban hành đến nay, có nhiều Luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đòi hỏi Luật Thuế GTGT phải sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật như: Luật Hải quan năm 2014; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; Luật Báo chí năm 2016; Luật Thủy sản năm 2017; Luật Trồng trọt năm 2018; Luật Chăn nuôi năm 2018; Luật Quản lý thuế năm 2019; Luật Chứng khoán năm 2019; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024; Luật Đất đai năm 2024.

– Sáu là, thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã có Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/12/2023 về kết quả rà soát. Theo đó, ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 110/2023/QH15 về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong đó đã “…đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đối với nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiến nghị; có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”.
Triển khai nhiệm vụ được giao, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 727/TCT ngày 06/02/2024 đề nghị các Bộ, ngành rà soát, cho ý kiến đối với các kiến nghị do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước đề xuất tại Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra số 2277/BC-UBPL ngày 21/10/2023 của Ủy ban pháp luật và công văn số 2279/LĐTM-PC ngày 31/10/2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Theo đó, nội dung kiến nghị liên quan đến sửa đổi Luật Thuế GTGT gồm: (i) đề nghị đưa mặt hàng phân bón ra khỏi đối tượng không chịu thuế GTGT để thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nước và thúc đẩy doanh nghiệp tái đầu tư; (ii) đề nghị bổ sung quy định về thuế suất thuế GTGT áp dụng cho hoạt động giao dịch hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn qua Sở Giao dịch hàng hóa (xác định hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT); (iii) đề nghị sửa đổi quy định về việc xác định sản phẩm xuất khẩu đã chế biến thành sản phẩm khác hay chưa chế biến thành sản phẩm khác và sửa quy định trong việc xác định tỷ trọng giá trị tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên 51% giá thành sản xuất sản phẩm bán ra khi xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; (iv) sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT “đối với doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động” để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và đề nghị hoàn thuế và để phù hợp với trách nhiệm của công ty chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp) theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi Luật Thuế GTGT là cần thiết.
Phần 2. Nội dung cơ bản của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024
Luật Thuế GTGT gồm 4 chương, 18 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Ngoài những nội dung kế thừa quy định Luật hiện hành, những nội dung mới (sửa đổi, bổ sung) là:
4.1. Về người nộp thuế
Để đồng bộ với pháp luật quản lý thuế, bổ sung quy định về người nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, cụ thể:
– Nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân tại Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung cấp nước ngoài); tổ chức là nhà quản lý nền tảng số nước ngoài thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài; tổ chức kinh doanh tại Việt Nam áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là phương pháp khấu trừ thuế mua dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử hoặc các nền tảng số thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài.
– Tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.
4.2. Về đối tượng không chịu thuế GTGT
Luật Thuế GTGT hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, Luật Thuế GTGT đã:
– Bỏ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
– Sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành để nhằm tăng tính minh bạch của Luật và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế, như: “sản phẩm trồng trọt” thành “sản phẩm cây trồng, rừng trồng”; “thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác” thành “thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; thức ăn thủy sản theo quy định của pháp luật về thủy sản”; “bản tin chuyên ngành” thành “bản tin, đặc san”; “tàu thủy” thành “tàu thuyền”;…
– Sửa đổi quy định rõ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện và thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, như: kinh doanh chứng khoán; chuyển nhượng vốn; phần mềm máy tính;…
– Sửa đổi quy định đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu minh bạch chính sách, như: bán nợ; hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác;…
– Sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
– Chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế (phải kê khai, phân bổ thuế GTGT đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế), như: phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và In-ter-net phổ cập;…

– Bổ sung một số nhóm hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để phù hợp với thực tế phát sinh, như: Hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với Bên cho vay nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ; di vật, cổ vật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;…
– Bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế GTGT để đảm bảo tính ổn định của chính sách, như: tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán ra; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các khoản thu phí, lệ phí theo pháp luật về phí và lệ phí; vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu điện, phương tiện thủy nội địa;…
4.3. Về giá tính thuế
– Sửa đổi quy định giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là trị giá tính thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu cộng với các khoản thuế là thuế nhập khẩu bổ sung theo quy định của pháp luật (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và cộng với thuế bảo vệ môi trường (nếu có) để đảm bảo phù hợp với pháp luật chuyên ngành.
– Bổ sung quy định cụ thể giá tính thuế đối với 02 nhóm hàng hóa, dịch vụ để phù hợp với thực tế phát sinh gồm: hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại; dịch vụ kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược.
– Bổ sung quy định việc xác định giá đất được trừ khi xác định giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc thù như: hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; vận tải, bốc xếp; dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành; dịch vụ cầm đồ; sách chịu thuế GTGT bán theo đúng giá phát hành (giá bìa);… theo quy định của Chính phủ để đảm bảo cơ sở pháp lý về thẩm quyền giao Chính phủ và phù hợp với tình hình hiện nay.
4.4. Về thời điểm xác định thuế GTGT
Để tránh phát sinh vướng mắc trong thực hiện, bổ sung quy định cụ thể về thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ và giao Chính phủ quy định cụ thể về thời điểm xác định thuế GTGT đối với một số hàng hóa, dịch vụ.
4.5. Về thuế suất
a) Về đối tượng áp dụng thuế suất 0%
– Để tránh vướng mắc, minh bạch trong thực hiện, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, hạn chế gian lận trong hoàn thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu, bổ sung quy định rõ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức ở trong khu phi thuế quan và được tiêu dùng trong khu phi thuế quan phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất xuất khẩu.
– Bổ sung quy định “hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan” là hàng hóa xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% để đảm bảo tính ổn định của chính sách.
– Bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% để khuyến khích xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ, hoạt động bán hàng miễn thuế, thu hút khách du lịch.
– Bổ sung quy định sản phẩm nội dung thông tin số cung cấp cho bên nước ngoài và có hồ sơ, tài liệu chứng minh tiêu dùng ở ngoài Việt Nam theo quy định của Chính phủ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0%.
– Bổ sung quy định cụ thể 03 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để đảm bảo khả thi khi thực hiện, cụ thể: thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan.
– Bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hồ sơ, thủ tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.
b) Về đối tượng áp dụng thuế suất 5%
– Để vừa thúc đẩy ngành sản xuất trong nước cạnh tranh được với nhập khẩu vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, sửa đổi quy định phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%.
– Để tiến tới áp dụng thống nhất một mức thuế suất và hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện, bỏ quy định “Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim” và chỉ quy định “hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam.
– Bổ sung quy định để đảm bảo tính ổn định của chính sách, như: không áp dụng thuế suất 5% đối với các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác; quy định thuốc bảo vệ thực vật, mủ cao su dạng mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%;…
– Quy định rõ 02 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% để tránh vướng mắc trong thực hiện, cụ thể: xơ bông đã qua chải thô, chải kỹ; thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về quản lý thiết bị y tế.
– Bỏ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ ra khỏi đối tượng áp dụng thuế suất 5% để thu gọn đối tượng chịu thuế GTGT 5%, như: lâm sản chưa qua chế biến; đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;… (sang áp dụng thuế GTGT 10%).
c) Về đối tượng áp dụng thuế suất 10%
Bổ sung dịch vụ được các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam cung cấp cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%.
Ngoài ra, bổ sung nguyên tắc áp dụng thuế suất trong trường hợp cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất thuế GTGT khác nhau hoặc trường hợp sản phẩm nông nghiệp được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, dược liệu để đảm bảo áp dụng thống nhất, tránh cách hiểu khác nhau.
4.6. Về phương pháp tính thuế
Bổ sung vào quy định về phương pháp khấu trừ thuế, phương pháp tính trực tiếp một số nội dung để chính sách được rõ ràng, như: quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai, khấu trừ, nộp thay; quy định doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn bán hàng, bao gồm các khoản phụ thu và phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng; quy định hoạt động kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì nộp thuế GTGT theo phương pháp khoán thuế quy định tại Luật quản lý thuế;…
4.7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế
Để bảo đảm đồng bộ với pháp luật về hóa đơn, chứng từ đồng thời tránh gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bổ sung Điều 13 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế, cụ thể:
“Điều 13. Các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế
- Mua, cho, bán, tổ chức quảng cáo, môi giới mua, bán hóa đơn.
- Tạo lập giao dịch mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không có thật hoặc giao dịch không đúng quy định của pháp luật.
- Lập hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh.
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ theo quy định của Chính phủ.
- Không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử về cơ quan thuế theo quy định.
- Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ.
- Đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến hóa đơn, chứng từ để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế giá trị gia tăng.
- Thông đồng, bao che; móc nối giữa công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế và cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu, giữa các cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế giá trị gia tăng.”
4.8. Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào
– Sửa đổi quy định đối với trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai, sót để tránh vướng mắc trong thực hiện.
– Bổ sung việc tính vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ để đảm bảo tính ổn định của chính sách.
– Bổ sung quy định khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các trường hợp: hàng hóa, dịch vụ hình thành tài sản cố định phục vụ cho người lao động; trường hợp góp vốn bằng tài sản; hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền; tài sản cố định là ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống; cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung thì thực hiện theo quy định của Chính phủ để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
– Quy định rõ điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ.
– Bổ sung một số chứng từ (phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có)) vào điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để tránh gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế.
4.9. Về hoàn thuế GTGT
– Bổ sung quy định về hoàn thuế trong trường hợp cơ sở kinh doanh sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% để phù hợp với thực tế phát sinh và tránh vướng mắc trong thực hiện, tạo thuận lợi về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng chịu thuế GTGT 5%.
– Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nâng cao năng suất lao động, đồng bộ pháp luật về dự án đầu tư, quy định rõ để tránh vướng mắc trong thực hiện về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư; hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.
– Bổ sung một số quy định để tránh vướng mắc khi thực hiện, như: hoàn thuế GTGT đối với dự án tìm kiếm, thăm dò, phát triển dầu khí; nguyên tắc xác định thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hoàn.
– Để đảm bảo đồng bộ với quy định tại Luật Doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch chính sách, bỏ quy định về hoàn thuế GTGT đối với trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động. Ngoài ra, bổ sung thêm trường hợp tổ hợp tác nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế chuyển đổi thành hợp tác xã thì hợp tác xã được kế thừa số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết của tổ hợp tác để khấu trừ, hoàn thuế theo quy định.
– Bổ sung quy định về điều kiện hoàn thuế và trách nhiệm của người nộp thuế, cơ quan thuế trong hoàn thuế để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, cụ thể:
+ Cơ sở kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện (i) Cơ sở kinh doanh thuộc trường hợp được hoàn thuế theo quy định phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế, lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán; có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh; (ii) Đáp ứng quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và không thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn, chứng từ bị nghiêm cấm; (iii) Người bán đã kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định đối với hóa đơn đã xuất cho cơ sở kinh doanh đề nghị hoàn thuế.
+ Người nộp thuế thuộc trường hợp hoàn thuế GTGT, có số thuế GTGT đầu vào đáp ứng đầy đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định tại Điều 15 Luật Thuế GTGT và tuân thủ các quy định về khai thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, lập hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với từng trường hợp hoàn thuế GTGT và gửi đến cơ quan thuế có thẩm quyền tiếp nhận.
+ Cơ quan thuế phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc diện hoàn thuế trước hoặc kiểm tra trước hoàn thuế và giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
4.10. Về sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Thuế TNCN đối với mức doanh thu không chịu thuế
Luật Thuế GTGT đã sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT. Theo đó, bổ sung quy định tại Chương IV – Điều khoản thi hành Luật Thuế GTGT để sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13) nội dung liên quan về mức doanh thu không chịu thuế TNCN của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo thống nhất giữa 02 sắc thuế, thuận lợi trong triển khai.
Ngoài ra, để không gây xáo trộn đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đã được ấn định thuế từ đầu năm, Luật quy định mức doanh thu của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.