Địa danh Tam Kỳ có từ bao giờ? và những cách lý giải về địa danh Tam Kỳ

 Về vấn đề địa danh Tam Kỳ, chúng ta nhận thấy, cho tới hiện nay, vẫn chưa có một chứng cứ lịch sử nào đuợc chính thức công nhận, mà chỉ có những giả thiết, lý giải tương đối hợp lý được chấp nhận.

 Tác giả một bài viết trên mạng xã hội là Hà Văn, cho rằng:

            Địa danh “Tam Kỳ” xuất hiện lần đầu tiên trong thư tịch là cuốn “Phủ biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn viết khoảng năm 1776. Trong cuốn sách “ghi chép việc vỗ yên dân ở vùng biên cảnh” này, tác giả có nêu hai con sông cùng mang tên Tam Kỳ. Sông Tam Kỳ ở tỉnh Thừa Thiên – Huế hình thành do hợp lưu của sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu, nay thuộc huyện Hương Trà. Sông Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam, được tác giả ghi: “Từ chợ Chiên Đàn qua quán Suối Đá, quán Phú Khương ở sông Tam Kỳ rồi đến sông Bàu Bàu mất một ngày đường”.

Lý do huyện Phú Ninh đặt tên xã Tây Hồ, xã Chiên Đàn và xã Phú Ninh?

            Tam Kỳ chính thức trở thành địa danh hành chính muộn nhất là 9 năm trước khi sách của Lê Quý Đôn ra đời, năm 1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786).

             Một người con của Tam Kỳ, Nguyễn Minh Nam, lại càng viết chi tiết hơn, sau khi nhắc đền sách “Phủ biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn, đã chi rõ rằng, trong cuốn sách này, tác giả có nêu ba con sông cùng mang tên Tam Kỳ, là sông Tam Kỳ ở Thừa Thiên:“Kim Trà nguyên ở Tam Kỳ giang, sản sen trà, chiếu mây, trà lưỡi sẻ, sa nhân”, và sông Tam Kỳ ở Quảng Trị:“Viên kiều nguyên ở Tam Kỳ đầu nguồn huyện Hải Lăng, tức là các trang, sách châu Thuận Bình, sản ngà voi, màn dệt hoa, cây vỏ gai, bông hoa trắng và bông gạo”; thứ ba là sông Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam, được ghi rất rõ: “Từ chợ Chiên Đàn qua quán Suối Đá, sông Tam Kỳ, quán Phú Khang, đến sông Bàu Bàu là một ngày đường”. Chúng ta có thể thấy, địa danh “Tam Kỳ” trước hết là tên của dòng “sông Tam Kỳ” có từ lâu, chắc chắn là trước khi sách Phủ biên tạp lục ra đời (1776).

Địa danh Tam Kỳ có từ bao giờ? và những cách lý giải về địa danh Tam Kỳ
Địa danh Tam Kỳ có từ bao giờ? và những cách lý giải về địa danh Tam Kỳ

Bên cạnh đó, theo bài viết “Khám phá Tứ Bàn (bài 1): Làng xưa” đăng trên baoquangnam.com.vn của Phú Bình, thì cụ ông Trần Văn Tuyền (87 tuổi, tổ 1, khối phố Hương Trà Tây, Hòa Hương) còn giữ một đạo sắc phong thời kỳ này: “Cảnh Hưng thứ 27, ngày 21 tháng 2, năm Đinh Hợi” (tức năm 1767) và mở đầu bằng một câu vị hiệu: “Thị Thăng Hoa phủ, nội phủ kim hộ thuộc, tân lập Tam Kỳ xã”. Như vậy, việc lập xã mới Tam Kỳ chắc phải diễn ra trước khi ban sắc hoặc muộn nhất là ngay trong năm ban sắc. Tam Kỳ chính thức trở thành địa danh hành chính muộn nhất là 9 năm trước khi sách của Lê Quý Đôn ra đời vào năm 1767, dưới triều vua Lê Hiển Tông. Như vậy, việc xác định thật chính xác “tân lập Tam Kỳ xã” là rất khó.

 Qua đó, chúng ta có thể khẳng định  rằng, “Tam Kỳ” trước hết là tên dòng sông, có thể nó gắn liền với tên đất tên làng bên bờ sông, rồi đến “tân lập Tam Kỳ xã”. Đồng thời, bấy giờ xã Tam Kỳ thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa. Theo Đại Nam nhất thống chí, đầu thời Gia Long, phủ lỵ Hà Đông đặt ở xã Chiên Đàn, đến năm Thiệu Trị thứ hai (1842) mới dời về xã Tam Kỳ, lúc đó vẫn còn gọi là huyện  Hà Đông. Rồi mãi, đến năm Thành Thái thứ mười tám (1906), vua Thành Thái mới ban Dụ chính thức nâng huyện Hà Đông thành phủ và đổi tên thành phủ Tam Kỳ; rồi đến huyện Tam Kỳ; sau đổi thành  thị xã Tam Kỳ, và hiện nay là Thành phố Tam Kỳ.

Có chăng dòng sông mang tên Tam Kỳ ?

“Tam Kỳ” trong sách Đồng Khánh địa dư chí Đại Nam nhất thống chí,  nguyên bản chữ Hán ghi là 參 岐; trong đó 參 là cách viết khác của chữ 三 (tam), 岐 (kỳ) là chỗ rẽ, hay nhánh chia ra. Như vậy, “Tam Kỳ” là “nơi có chỗ rẽ ba nhánh sông” hay “dòng sông có ba nhánh”?

Thật vậy, khi đối chiếu lại địa hình Tam Kỳ, chúng ta thấy Tam Kỳ của khu vực “tân lập Tam Kỳ xã” xưa và hiện nay có rất nhiều ngã ba sông hay ngã rẽ của ba nhánh sông; như: Ngã ba sông Tam Kỳ – Kỳ Phú tại Hương Trà, hay hai ngã ba sông Kỳ Phú  – Bàn Thạch ở khu vực hai đầu làng Cồn Thị; kéo về phía Đông chúng ta thấy hợp lưu của dòng Tam Kỳ và Trường Giang cũng tạo nên một số ngã ba sông.

Mở rộng ra trên phạm vi cả nước, chúng ta thấy dòng sông Kỳ Cùng là con sông chính của tỉnh Lạng Sơn, nhánh sông cuối cùng từ dòng phía Bắc đổ vào nước ta; rồi hai dòng Tam Kỳ ở Thừa Thiên và Quảng Trị mà Phủ biên tạp lục đã nêu  ở trên; rồi huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, nơi có dòng sông Tứ Kỳ mà chúng ta thấy được dòng sông có bốn ngã rẽ .

 Như vậy, trong quá trình mở rộng bờ cõi của Đại Việt, gắn với các cuộc di dân lập ấp, lập làng, các cư dân của Đại Việt đã chọn vùng đất này, nơi có Núi Chủ Sơn ở phía Tây là tổ sơn phát mạch cho cả vùng này làm nơi định cư, sinh sống. Các cư dân đã sinh sống, chăm lo sản xuất, xây dựng phát triển quê hương xinh đẹp của mình. Người ta đã chọn và sống bên bờ dòng sông thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và giao thương, rồi đã đặt tên là sông Tam Kỳ, để từ đó thành tên làng, tên xã, tên phủ lỵ, huyện lỵ, rồi thị xã, thành phố. Nơi đây, bây giờ Thành phố Tam Kỳ mang tên dòng sông và luôn được dòng sông ôm ấp vỗ về với biết bao tình cảm như tấm lòng người mẹ.

              Hiện nay, theo quy hoạch chung phát triển Thành phố Tam Kỳ, thì đồ án quy hoạch đã chọn các dòng sông, đồi núi, hồ đầm, dải ven biển cùng các cánh đồng làng mạc làm hệ sinh thái xanh làm động lực cho sự phát triển; và phát triển cộng sinh với môi trường, theo định hướng xây dựng Tam Kỳ thủ phủ xanh, đô thị sinh thái và một đô thị quản trị thông minh.

Nguồn gốc tên Tam Kỳ
Nguồn gốc tên Tam Kỳ

    Như vậy, cần nhấn mạnh rằng, về nguồn gốc tên gọi Tam Kỳ, đã có nhiều giả thuyết. Giải thuyết khả tín nhất, như đã nói, Tam Kỳ là “chỗ rẽ ba nhánh sông”.

  Địa danh “Tam Kỳ” được gọi theo hình sông thế núi của vùng đất này, nơi có ba gò đất cao cùng ngã ba sông. Nhìn từ ngoài biển vào sẽ thấy 3 gò đất cao nhô lên thành hình tam giác: Núi An Hà, Quảng Phú và Trà Cai. Khi ghé thuyền vào hướng 3 ngọn núi này, sẽ gặp cửa sông, nơi hợp lưu của ba con sông: Tam Kỳ, Trường Giang và Bàn Thạch. Như vậy, “Tam Kỳ” là chỗ sông rẽ làm ba nhánh.

                Có giả thuyết cho rằng chữ Tam Kỳ là chỉ vị trí vùng đất ở giữa ba kỳ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ – tên gọi của ba miền Việt Nam thời Pháp thuộc. Có người lại cho rằng cách gọi Tam Kỳ là nói đến vùng đất nằm ở trung tâm của tuyến đường sắt xuyên Việt. Điều này bất khả tín, bởi tuyến đường sắt này khánh thành năm 1936, trong khi phủ Tam Kỳ đã có từ 1906, còn tên sông ít nhất phải có trước 1776, khi Lê Quý Đôn cho in sách Phủ biên Tạp lục.

   Trong cuộc Hội thảo khoa học, 100 năm phủ lỵ Tam Kỳ (1906 – 2006), được Sở Văn hóa – Thông tin Quảng Nam, phối hợp với UBND Thành phố Tam Kỳ, tổ chức vào ngày 27.12. 2006, cũng có nhiều giả thuyết đưa ra, nhưng theo chúng tôi, cách phân tích, lý giải của nhà giáo Ngô Đăng Khoa, người Tam Kỳ, là tương đối thuyết phục, và được khá nhiều người ủng hộ, tán đồng : “Tam Kỳ là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Khởi nguồn từ một xã nhỏ ven sông, nay Tam Kỳ đã trở thành một trung tâm tỉnh lỵ, một thành phố đang trên đà phát triển. Thế nhưng, danh xưng Tam Kỳ có từ bao giờ? Ông cha ta xưa dựa vào đặc điểm nào để định danh cho vùng đất này? …

“Truyền thống định danh tên đất, tên làng của người Việt thường là gắn với một sự kiện, một đặc điểm địa lý hay môt nhân vật lịch sử nào đó. Dấu ấn đặc trưng về văn hóa này được thể hiện khá đậm nét trên mỗi vùng dân cư từ Bắc dến Nam của đất nước ta….

“Danh xưng Tam Kỳ cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Nơi đây là vùng đất mới của Đại Việt. Trước khi tiến sâu vào phương Nam, cha ông ta không chỉ trấn giữ mà còn chuyển dân cư vào định cư trên vùng đất “phên giậu” (chữ của Nguyễn Trãi – chú thích của chúng tôi – Nhóm biên soạn) này. Và theo truyền thống của người Việt, khi khai cơ, lập làng ở đâu thì vẫn kế thừa cái gốc văn hóa của dân tộc mình để định danh cho vùng đất mới chinh phục được…”

Căn cứ nào để có tên gọi Tam Kỳ ?

 –  Trong cuộc hành trình mở cõi và khai phá vùng đất mới phương Nam, ông cha ta ở “Đàng Ngoài” vào đây, rất ý thức trong việc bảo vệ văn hóa riêng của người Việt. Nhưng lúc bấy giờ chữ Nôm chưa phổ biến nên trong giao tiếp chính thức của xã hội vẫn phải dùng chữ Hán. Điều này đã được thể hiện khá rõ qua nhiều thư tịch cổ, như “Ô châu cận lục” của Tiến sĩ Dương Văn An,  “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn.

 –  Chữ “Kỳ” trong gốc Hán tự  có nhiều cách viết khác nhau và vì thế nó có nhiều nghĩa khác nhau. Ví dụ: Kỳ = cờ; kỳ = giới hạn…Do đó, qua nhiều thế hệ, khi phát âm sang tiếng Việt, người ta không xác định được gốc của chữ “Kỳ” trong bộ chữ nào, nên thường diễn giải theo cảm tính, chủ quan về địa danh Tam Kỳ.

–  Căn cứ những sử liệu chính thống và gia phả các họ tộc lớn ở địa phương này (các tộc họ: Lê, Nguyễn, Trần, Ngô…) thì dù “Tam Kỳ xã” hay “Tam Kỳ phủ” đều có sự thống nhất trong cách viết chữ “Kỳ” . Trong chữ Kỳ này, có bộ “sơn”  đứng trước. Vì thế, từ “Kỳ” ở đây có nghĩa là: mô đất, gò đất cao.

Ý nghĩa của chữ “Kỳ” nêu trên rất phù hợp với những giai thoại được các vị cao niên ở Hương Trà, Tứ Bàn (Tam Kỳ) kể lại. Chuyện kể rằng: Dưới thời Lê Trung hưng (từ 1602), những đợt di dân ào ạt từ các xứ Thanh – Nghệ – Tĩnh vào đây để khai khẩn “vùng đất hứa” này. Chủ yếu họ là những nạn nhân trong cuộc chiến tranh Lê – Mạc ở “Đàng Ngoài”, phải liều lĩnh vượt biển vào xứ Quảng Nam để mưu tìm cuộc sống. Trên  đường đi, họ gặp sóng to gió lớn nên phải tìm nơi an toàn đẻ lánh nạn. Từ biển Đông nhìn vào đất liền, những lưu dân này nhìn thấy ba mô đất cao nhô lên thành hình tam giác – đó là núi An Hà, núi Quảng Phú và dãy núi Trà Cai. Thuyền họ tìm được đường vào đến đoạn sông đò Ba Bến (nơi  hợp lưu của sông Bàn Thạch với hai nhánh sông Tam Kỳ xưa). Nhận thấy đất đai mầu mỡ, sông nước thuận lợi, họ quyết định an cư tại đây. Để dễ định vị, họ tự đặt tên cho vùng đất này từ ba thế núi, gọi là Tam Kỳ.

Sông Bàn Thạch - Tam Kỳ
Sông Bàn Thạch – Tam Kỳ

Cũng có giả thuyết cho rằng: Những lưu dân Đại Việt đầu tiên đến đây từ đầu thế kỷ XV. Điều này hợp lý, vì cuối đời nhà Trần, miền đất Thuận Hóa (châu Ô) mới kéo dài đến bờ Nam sông Thu Bồn. Tam Kỳ vẫn còn nằm trong vùng đất Chiêm Động của Champa. Đến năm 1402, Hồ Hán Thương mới đánh chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy, rồi 70 năm sau dải đất từ Tam Kỳ vào đến Cù Mông mới trở thành đạo Thừa tuyên thứ 13 của Đại Việt. Những người Việt vào đây trong nửa cuối thế kỷ XV chủ yếu là lính “biên trấn”, chưa có lưu dan đến ở. Do đó, nơi đây chưa có định danh theo cách gọi của người Việt.

Cách gọi tên Tam Kỳ lúc bấy giờ cũng giống như tên gọi của nhiều vùng đất lân cận, như: Tĩnh Thủy (giếng nước trong), Châu Ô (vịnh nhỏ để thuyền neo đậu); Cây Tầm xứ (nơi có cây trâm)…Từ chỗ ban đầu dùng để định vị, dần dần cư dân hình thành tên chỉ vùng đất của mình sinh cơ, lập nghiệp. Do đó về sau, cách gọi tên này đều trở thành danh xưng chính thức về địa lý – hành chánh của vùng đất.

  1. Danh xưng Tam Kỳ chính thức có từ khi nào?

Như trên đã lý giải, ban đầu Tam Kỳ là cách gọi truyền khẩu của người dân địa phương. Nhưng để định danh chính thức cho một vùng đất còn có cả một quá trình biến đổi của lịch sử xã hội.

Trước đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng: Sở dĩ gọi Tam Kỳ bởi vùng đất này nằm ở trung độ của ba kỳ: Bắc kỳ, Nam kỳ và Trung kỳ. Nó được định danh từ khi vua Quang Trung  nhất thống sơn hà (1789). Ý kiến  này khó chấp nhận được, bởi thiếu cơ sở lịch sử. Thời Quang Trung – thậm chí đến đầu triều Nguyễn – vẫn chưa có khái niệm Bắc kỳ hay Trung kỳ. Khi Quang Trung tiến quân ra Bắc, chỉ gọi chung là đất “Bắc hà”. Trong hơn một thế kỷ Trịnh – Nguyễn phân tranh, người ta chỉ gọi là “Đàng Trong” và “Đàng Ngoài”. Hơn nữa, Quang Trung trị vì đất nước không lâu và phải đương đầu với thù trong giặc ngoài, nên chưa có cuộc cải cách nào đáng kể về mặt hành chính quốc gia. Vậy đây không phải là căn cứ để thay đổi phần đất phía Nam của Chiêm Động (Champa) thành tên gọi mới là Tam Kỳ.

  Trong gia phả tộc Trần ở phường Hòa Hương, vừa được tìm thấy một tư liệu  có liên quan đến sự ra đời của xã Tam Kỳ xưa. Đó là sắc phong của vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) ban thưởng ông Trần Văn Túc ở làng Hương Trà (phường Hòa Hương ngày nay) đã có công đốc thuế ở tuần đò Tam Kỳ. Sắc ban ghi rõ: “Cảnh Hưng nhị thập thất niên, nhị ngoại nhị thập nhất nhựt”. Dịch là : “Đời vua Cảnh Hưng thứ 27, ngày 21 tháng 2 (năm Đinh Hợi – 1767). Câu đầu tiên trong nội dung ban thưởng ghi: “Thị Thăng Hoa phủ, nội phủ Kim hộ thuộc tân lập Tam Kỳ xã”. Căn cứ niên đại trên sắc phong này cho thấy: Xã mới lập Tam Kỳ thuộc “nội phủ Kim hộ” (nghĩa là: những hộ dân làm vàng được xếp vào khu vực nội phủ của Thăng Hoa) của phủ Thăng Hoa, dưới thời Lê Hiển Tông. Như vậy, tên xã Tam Kỳ có thể chính thức được định danh vào khoảng từ 1760 đến 1767, dưới thời Lê trung hưng. (Bằng sắc này hiện còn được lưu giữ ở nhà ông Trần Văn Tuyền – hậu duệ tộc Trần Văn – ở phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ).

Đối chiếu tư liệu này với sách “Phủ biên tạp lục” của sử gia Lê Quý Đôn, phần ghi lại sự thay đổỉ về địa giới hành chánh ở xứ Quảng Nam (trang 89), cho thấy rất trùng khớp với thời gian định danh Tam Kỳ nêu trên. Mặc dù lúc bấy giờ “Đàng Trong” thuộc quyền hùng cứ của các chúa Nguyễn, nhưng từ Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) đến Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên), đều còn thừa mệnh của triều Lê. Vì vậy, dù thực tế cuộc cải tổ hành chánh ở “Đàng Trong” chủ yếu do chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến chúa Nguyễn Phúc Lan thực hiện, nhưng đều có sự chuẩn y chính thức của triều đình trung ương nhà Lê.

Với những căn cứ sử liệu, tư liệu nêu trên, có thể cho phép chúng ta xác định: Tên gọi Tam Kỳ đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII, dựa vào đặc điểm địa lý của vùng đất này. Nhưng phải trải qua gần một thế kỷ sau – thế kỷ XVIII – nó mời chính thức được định danh thành đơn vị hành chính cấp xã. Và đến đầu thế kỷ XX, dười thời vua Thành Thái (1906), vùng đất này được nâng lên thành cấp phủ: Phủ Tam Kỳ. Lỵ sở của PHỦ TAM KỲ đóng ở khu vực UBND Phường An Mỹ ngày nay. (Trích dẫn từ Ngô Đăng Khoa: Thử bàn về danh xưng Tam Kỳ, 100 năm Phủ lỵ Tam Kỳ, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, tháng 12 năm 2006, Sở VHTT Quảng Nam ).

Như vậy, tính đến thời điểm 2020, Tam Kỳ đã được định danh trên 254 năm từ một đơn vị hành chánh cấp xã.

Nguồn Sưu Tầm

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *