Tiểu phẩm pháp luật về bảo hiểm y tế: Lựa chọn nơi gửi gắm niềm tin

 (Tìm hiểu quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu quy định tại các điều 6, 7, 8, 9, Thông tư số 01/2025/TT-BYT ngày 01/01/2025 của Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.)

Nhân vật:

  • Bà Lan: 60 tuổi, cán bộ hưu trí, mắc bệnh tim mạch và tiểu đường nhiều năm.
  • Ông Hùng: Chồng bà Lan, cũng là cán bộ hưu trí.
  • Chị Mai: 35 tuổi, con gái bà Lan, nhân viên văn phòng, am hiểu chút ít về chính sách.
  • Cô Yến: Nhân viên bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký BHYT ban đầu tại Trung tâm Y tế quận (cơ sở KCB cấp cơ bản).
  • Anh Tuấn: Nhân viên tư vấn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh X (cơ sở KCB cấp chuyên sâu).
  • Bác Tâm: Hàng xóm của bà Lan, người có công với cách mạng.

Tại nhà bà Lan, một buổi sáng cuối tuần, không gian phòng khách gọn gàng. Bà Lan đang xem tờ rơi quảng cáo sức khỏe, thỉnh thoảng lại day ngực. Ông Hùng đọc báo gần đó, thấy vợ có vẻ mệt mỏi.

Ông Hùng: (Lo lắng) Bà nó sao thế? Lại thấy khó chịu trong người à? Mấy hôm nay tôi thấy bà có vẻ không được khỏe.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo hiểm y tế
Tiểu phẩm pháp luật về bảo hiểm y tế: Lựa chọn nơi gửi gắm niềm tin

Bà Lan: (Thở dài) Thì cũng mấy cái bệnh tuổi già thôi ông ạ. Dạo này cái bệnh tim của tôi nó hay làm mình mệt lại phải kiêng khem đủ thứ. Mà cái thẻ BHYT của tôi sắp đến đợt đăng ký lại nơi khám chữa bệnh ban đầu rồi đấy[1].

Ông Hùng: Ừm, tôi cũng vừa xem thông báo trên loa phường. Họ nói người dân cần lựa chọn và đăng ký trước ngày 15 của tháng đầu quý. Bà định đăng ký  ở đâu? Vẫn ở Trạm Y tế phường như mọi khi à?

Bà Lan: Tôi cũng đang băn khoăn ông ạ. Ở Trạm Y tế thì gần nhà, tiện đi lại thật đấy, nhưng mà bệnh của tôi nó cứ tái đi tái lại, mấy lần lên đó bác sĩ cũng chỉ khám qua loa rồi cho thuốc cũ. Tôi nghe nói bây giờ người dân mình có thể đăng ký khám ban đầu ở cả những bệnh viện lớn hơn phải không?

(Đúng lúc đó, chị Mai, con gái bà Lan, từ ngoài vào, tay xách túi hoa quả).

Chị Mai: Con chào bố mẹ! Hai cụ đang bàn chuyện gì mà có vẻ nghiêm túc thế ạ?

Ông Hùng: À, mẹ con đang băn khoăn chuyện đăng ký nơi khám BHYT ban đầu. Bà ấy muốn tìm chỗ nào tốt hơn để theo dõi bệnh tật.

Chị Mai: Con cũng vừa đọc được Thông tư mới của Bộ Y tế về vấn đề này đấy mẹ ạ. Bây giờ có nhiều lựa chọn hơn cho người dân, nhất là những người có bệnh mạn tính hoặc thuộc đối tượng ưu tiên.

Mẫu quyết định cách ly y tế tại nhà
Nơi khám chữa bệnh ban đầu

Bà Lan: (Mắt sáng lên) Thật hả con? Thế con nói rõ hơn cho mẹ nghe xem nào. Mẹ cũng đang tính hay là mình xin lên Bệnh viện tỉnh đăng ký ban đầu luôn cho tiện theo dõi. Bên đó có nhiều bác sĩ giỏi, máy móc cũng hiện đại hơn.

(Chị Mai vừa ngồi xuống ghế, đặt túi hoa quả lên bàn, thấy mẹ có vẻ ưu tư thì hỏi han)

Chị Mai: Sao thế mẹ? Mẹ có chuyện gì không vui ạ? Hay lại thấy mệt trong người?

Bà Lan: (Thở nhẹ) Ừ, cũng không có gì to tát đâu con. Chỉ là mẹ đang nghĩ ngợi chuyện cái thẻ bảo hiểm y tế. Sắp đến đợt đăng ký lại nơi khám chữa bệnh rồi mà mẹ chưa biết tính sao.

Chị Mai: À, con cũng vừa nghe thông báo. Mẹ vẫn định đăng ký ở Trạm Y tế phường như mọi khi ạ?

Bà Lan: Mẹ cũng đang phân vân đây. Ở trạm thì gần, nhưng bệnh tim của mẹ cứ thấy không yên tâm lắm. Mẹ nghe nói hình như giờ mình có thể đăng ký ở bệnh viện tỉnh được phải không con? Chứ mấy lần đi khám, cứ thấy các bác sĩ ở trạm có vẻ… không chuyên sâu bằng.

Chị Mai: (Gật gù) Dạ, đúng là có thay đổi đấy mẹ. Con vừa đọc qua cái Thông tư mới của Bộ Y tế, giờ người dân mình, nhất là những người có bệnh như mẹ hoặc các cụ già có thêm lựa chọn tốt hơn.

Về cơ bản, theo Điều 7 của Thông tư, mọi người vẫn được chọn một nơi khám chữa bệnh ban đầu gần nhà, gần chỗ làm, chỗ học, miễn là nơi đó đáp ứng được. Thường thì sẽ là các trạm y tế hoặc trung tâm y tế quận, huyện thuộc cấp ban đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 6.

Nhưng mà, cái bệnh viện tỉnh mà mẹ nhắc tới ấy, nó thuộc cấp chuyên sâu. Muốn đăng ký khám ban đầu ở đó thì mình phải xem có thuộc diện ưu tiên không.

(Mai khựng lại một chút, ngẫm nghĩ rồi nói tiếp, giọng chắc chắn hơn.)

Chị Mai: Con nhớ khoản 3 Điều 7 có nói rõ lắm. Nếu là cơ sở cấp chuyên sâu như Bệnh viện tỉnh (theo khoản 3 Điều 6) thì họ sẽ ưu tiên một số đối tượng. Ví dụ như người già từ 75 tuổi trở lên chẳng hạn, hoặc những ai mắc bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế.

(Mai lấy điện thoại ra, lướt tìm)

Để con xem kỹ lại cái danh mục bệnh một chút. À, đây rồi! Bệnh tim mạch của mẹ chắc chắn là nằm trong danh sách những bệnh cần theo dõi dài ngày rồi. Thế thì về lý thuyết, mẹ hoàn toàn có thể thuộc diện được ưu tiên đăng ký thẳng lên Bệnh viện tỉnh đó. Như vậy thì tiện cho mẹ theo dõi bệnh tình hơn nhiều!

Ông Hùng: Thế thì tốt quá rồi. Nhưng mà thủ tục có phức tạp không con? Hay là cứ đăng ký ở Trung tâm Y tế quận cho nó quen thuộc.

Bà Lan: Nhưng mà tôi thấy bệnh của bác Tâm hàng xóm, bác ấy là người có công với cách mạng cũng được đăng ký khám ban đầu ở Bệnh viện tỉnh đấy. Bác ấy khen trên đó điều trị tốt lắm.

Chị Mai: Dạ đúng rồi bố. Theo điểm b và điểm c khoản 3 Điều 7 Thông tư này, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người từ đủ 75 tuổi trở lên và người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế là những đối tượng được ưu tiên đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Thôi, để mai con chở mẹ lên Trung tâm Y tế quận hỏi cho rõ rồi mình quyết định. Hoặc là mình lên thẳng Bệnh viện tỉnh để được tư vấn luôn xem sao.

Thủ tục công nhận người có công cách mạng
Ưu tiên khám chữa bệnh cho người có công với cách mạng

Bà Lan: Ừ, thế cũng được. Có con đi cùng thì mẹ cũng yên tâm.

Tại Trung tâm Y tế quận, bà Lan và chị Mai đang ở quầy tiếp nhận hồ sơ đăng ký BHYT. Cô Yến, nhân viên trẻ, đang giải thích.

Cô Yến: Dạ chào hai bác cháu. Hai bác cháu muốn đăng ký nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu ạ?

Chị Mai: Vâng chị. Mẹ tôi năm nay 60 tuổi, có bệnh tim mạch, đang muốn tìm hiểu xem có thể đăng ký khám ban đầu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh được không ạ?

Cô Yến: Dạ, theo quy định hiện hành tại Thông tư 01/2025/TT-BYT, việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu như Bệnh viện Đa khoa tỉnh được áp dụng cho một số đối tượng ưu tiên cụ thể. Ví dụ như người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người từ đủ 75 tuổi trở lên, hoặc người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế. Bác nhà mình 60 tuổi thì chưa thuộc đối tượng người cao tuổi được ưu tiên. Tuy nhiên, nếu bệnh tim mạch của bác nằm trong danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì bác có thể thuộc đối tượng được xem xét.

Theo khoản 1 Điều 7 thì người tham gia BHYT nói chung sẽ lựa chọn một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thuộc cấp ban đầu (như Trạm Y tế phường hoặc Trung tâm Y tế quận chúng cháu đây) gần nơi cư trú.
Còn trường hợp của bác, nếu muốn đăng ký tại Bệnh viện tỉnh là cơ sở cấp chuyên sâu thì phải thuộc các đối tượng ưu tiên tại khoản 3 Điều 7.

Bà Lan: (Hơi thất vọng) Thế à cô? Tôi thì cứ nghĩ mình có bệnh mạn tính là được.

Chị Mai: (Chen vào) Dạ, bệnh tim của mẹ tôi cũng là bệnh điều trị lâu dài đấy chị. Có giấy tờ của bệnh viện tuyến trên chẩn đoán và theo dõi mấy năm nay rồi ạ.

Cô Yến: Dạ, nếu vậy thì bác có thể chuẩn bị các giấy tờ chứng minh tình trạng bệnh tật mãn tính của mình, sau đó đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa tỉnh để được tư vấn cụ thể xem có đủ điều kiện đăng ký tại đó không ạ. Bên đó họ sẽ có trách nhiệm xem xét theo quy định. Hoặc bác vẫn có thể đăng ký tại Trung tâm Y tế quận chúng cháu. Ở đây chúng cháu cũng đảm bảo khám, cấp thuốc theo phác đồ cho các bệnh mạn tính thông thường. Nếu vượt quá khả năng, chúng cháu sẽ làm thủ tục chuyển tuyến cho bác theo đúng quy định tại Điều 9 của Thông tư.

Chị Mai: Dạ, chúng tôi hiểu rồi. Cảm ơn chị đã tư vấn nhiệt tình.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh X, bà Lan và chị Mai tìm đến phòng tư vấn của Bệnh viện. Anh Tuấn, nhân viên mặc áo blouse trắng, đang trao đổi với họ.

Anh Tuấn: Dạ chào hai bác cháu. Hai bác cháu cần hỗ trợ gì ạ?

Chị Mai: Chào anh. Mẹ tôi muốn tìm hiểu về việc đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại bệnh viện mình. Mẹ tôi 60 tuổi, bị bệnh tim mạch đã nhiều năm. Chúng tôi có nghe nói người mắc bệnh mạn tính có thể được đăng ký tại đây.

Anh Tuấn: (Gật đầu) Dạ, đúng là có quy định đó ạ. Theo Thông tư 01/2025/TT-BYT, cụ thể là khoản 3 Điều 7, bệnh viện chúng tôi là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu, được tiếp nhận đăng ký khám BHYT ban đầu cho một số đối tượng ưu tiên. Trong đó có “người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế”. Bác có mang theo hồ sơ bệnh án hoặc các giấy tờ liên quan đến bệnh của mình không ạ?

Bà Lan: (Đưa tập hồ sơ) Đây cậu. Tôi có mang theo sổ khám bệnh, các kết quả xét nghiệm gần đây và cả đơn thuốc đang dùng nữa.

(Anh Tuấn cẩn thận xem qua hồ sơ.)

Anh Tuấn: Dạ, qua xem hồ sơ thì bệnh tim mạch của bác đều nằm trong danh mục bệnh cần điều trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, theo Điều 6 của Thông tư, bệnh viện chúng tôi là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu, có chức năng phù hợp để quản lý và điều trị các bệnh này. Cụ thể, bệnh viện chúng tôi thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6, là cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến tỉnh. Như vậy, bác đủ điều kiện để đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại bệnh viện chúng tôi.

Theo khoản 1 Điều 8 về nguyên tắc phân bổ số lượng thẻ, việc phân bổ phải “Phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế về chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa và xử trí cấp cứu ban đầu, số lượt khám bệnh, chữa bệnh, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hằng năm…”. Bệnh viện chúng tôi hiện vẫn còn khả năng tiếp nhận thêm người bệnh đăng ký ban đầu, nhất là các trường hợp bệnh mạn tính cần theo dõi sát sao như của bác.

Bà Lan: (Mừng rỡ) Ôi, may quá! Thế thì tôi yên tâm rồi. Được theo dõi ở bệnh viện tỉnh thì tốt quá.

Chị Mai: Dạ, vậy thủ tục đăng ký như thế nào ạ?

Anh Tuấn: Dạ, bác chỉ cần điền vào mẫu đơn đăng ký nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu, nộp kèm bản photo thẻ BHYT, căn cước công dân và các giấy tờ chứng minh tình trạng bệnh mạn tính của mình. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện thay đổi nơi đăng ký cho bác trên cơ sở dữ liệu thẻ. Theo điểm b khoản 6 Điều 7 việc thay đổi sẽ được thực hiện trên cơ sở dữ liệu thẻ BHYT, nếu thông tin trên thẻ giấy và bản điện tử khác nhau thì thực hiện theo thông tin trên thẻ điện tử.

Việc này cũng phù hợp với trách nhiệm của Sở Y tế và cơ quan BHXH theo Điều 8 là “Bảo đảm cân đối, phù hợp với nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu của người dân” và “Tổ chức cho người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu… theo quy định tại Thông tư này”.

Ông Hùng: (Vừa lúc đó cũng đến cùng bác Tâm) Đây rồi, tôi tìm mãi mới thấy. Nghe Mai nó gọi điện bảo lên đây đăng ký được nên tôi với bác Tâm cũng lên xem sao. Bác Tâm cũng muốn đổi nơi đăng ký về đây luôn.

Bác Tâm: Chào các cô các cậu. Tôi là người có công với cách mạng, trước giờ vẫn khám ở trạm xá, nhưng bệnh tuổi già nhiều, muốn lên bệnh viện lớn cho chắc chắn.

Anh Tuấn: (Mỉm cười) Dạ, chào hai bác. Trường hợp của bác Tâm là người có công với cách mạng, theo điểm c khoản 3 Điều 7 của Thông tư cũng là đối tượng được ưu tiên đăng ký khám BHYT ban đầu tại bệnh viện chúng tôi. Hai bác cứ vào làm thủ tục, chúng cháu sẽ hướng dẫn ạ.

(Sau khi được tư vấn cặn kẽ, cả bà Lan và bác Tâm đều vui vẻ hoàn tất thủ tục đăng ký nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bà Lan cảm thấy nhẹ nhõm vì từ nay bệnh tình của mình sẽ được theo dõi sát sao hơn tại một cơ sở y tế có chuyên môn cao. Chị Mai cũng yên tâm hơn khi mẹ mình được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn).

Ông Hùng (thì thầm với vợ): “Thế là từ nay bà nó yên tâm rồi nhé. Chính sách nhà nước ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mình, nhất là những người có bệnh như bà”.

[1]Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật BHYT hiện hành, người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *