Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn đọc 4 tiểu phẩm tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 để bạn đọc tham khảo, tìm hiểu về Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024:
Tiểu phẩm 1: Trợ cấp hưu trí xã hội bảo đảm quyền lợi cho người cao tuổi
Tiểu phẩm 2: Hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Tiểu phẩm 3: Bố cũng được trợ cấp thai sản
Tiểu phẩm 4: Ước mơ tuổi hưu.
Tiểu phẩm 1: TRỢ CẤP HƯU TRÍ XÃ HỘI BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI CAO TUỔI
Các nhân vật:
Ông Minh: Người lao động sắp nghỉ hưu
Bà Lan: Bạn ông Minh
Bà Hường: Bạn ông Minh
Anh Thắng: Người công tác trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Trong buổi chiều cuối năm hơi se lạnh, Chi bộ Tổ dân phố số 2 phường Thanh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm. Hội nghị chưa bắt đầu nên chỉ lác đác vài người đến sớm hơn tranh thủ thăm hỏi và nói chuyện…
Ông Minh (nhìn thấy bà Lan, bà Hường đang nói chuyện): Các bà đến sớm thế, có chuyện gì mà rôm rả thế?
Bà Lan: Ấy thế mà nhoáng một cái đã tổng kết cuối năm đấy các ông các bà nhỉ, rôm rả gì đâu hả ông? Đến sớm thì hỏi thăm nhau chút thôi ông ạ!
Bà Hường: Đúng rồi đấy! Nghe nói, ông sắp nghỉ hưu hả ông Minh?
Ông Minh: Đúng rồi bà ạ, tôi còn vài tháng nữa là nghỉ chế độ rồi! Tình hình các bà thế nào?
Bà Lan: Còn thế nào nữa! Nhà nước quy định đến tuổi nghỉ thì nghỉ, hưởng lương hưu theo chế độ thôi ông!
Ông Minh: Bà Lan, bà Hường tha hồ thời gian mà bồng bế cháu nội, cháu ngoại còn gì nữa!
Bà Hường: Tuổi già chúng ta cũng chỉ mong có thế thôi mà!
Ông Minh: Công nhận đấy các bà nhỉ! Nhà nước cho nghỉ rồi thì dành thời gian cho gia đình, con cháu. Mà tôi nghe nói Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có quy định về trợ cấp hưu trí xã hội. Là quy định hoàn toàn mới đó nhé! Các bà có ai biết gì không?
Bà Lan: Ôi vậy hả ông, tôi đang hưởng lương hưu rồi thì có được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội như ông vừa nói không?
Bà Hường: Đúng rồi đấy, ông Minh nói thử xem nào!
Ông Minh: Nào tôi cũng đã kịp tìm hiểu kỹ đâu, chỉ nghe loáng thoáng hôm trước, thấy bảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bổ sung quy định về hưởng trợ cấp hưu trí xã hội! Tôi đang định hỏi các bà có biết không thì cho tôi biết, không thì để hôm nào tôi hỏi kỹ hơn!
Đúng lúc đó thì anh Thắng bước vào hội trường. Anh Thắng đang làm việc tại Bảo hiểm xã hội của quận. Đúng người cần gặp, mọi người lên tiếng:
Ông Minh: A! Người cần gặp đây rồi! Cậu Thắng lại đây cho chúng tôi hỏi chút với nào!
Anh Thắng là con ông Thu, cũng là hàng xóm cùng sinh sống trong Tổ dân phố số 2 với ông Minh, bà Hường và bà Lan nên chẳng ai xa lạ gì. Mọi người đều biết anh Thắng đang công tác tại Bảo hiểm xã hội của quận.
Anh Thắng: Cháu chào các cô, các chú ạ!
Bà Hường: Cô và mọi người ở đây đang muốn biết thêm các quy định pháp luật về trợ cấp hưu trí xã hội. Cháu có thể nói để mọi người hiểu thêm được không?
Anh Thắng (hưởng ứng ngay): Dạ không có vấn đề gì ạ!
Bà Lan (sốt sắng): Cô đang hưởng lương hưu rồi thì có được hưởng trợ cấp hưu trí đó nữa không cháu?
Ông Minh: Bà cứ từ từ để cháu nó nói đã xem nào! Chưa chi đã hỏi được hay không được?
Bà Lan: Ông cứ kệ tôi! Quyền lợi sát sườn của mình lại chả quan tâm thì còn quan tâm cái gì!
Anh Thắng: Các cô, các chú bình tĩnh nghe cháu giải thích ạ! Đúng là Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội. Quy định này góp phần hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.
Bà Hường: Lại có cả “đa tầng” à? Bảo hiểm xã hội đa tầng là như thế nào hả cháu?
Anh Thắng: “Đa tầng” thì có thể hiểu nôm na là đối tượng nào trong xã hội cũng được hưởng bảo hiểm ạ. Hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân ạ. Trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi các cô các chú ạ!
Ông Minh: Vậy đối tượng nào được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hả cháu?
Anh Thắng: Dạ Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định cụ thể về đối tượng cũng như điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội ạ! Theo đó, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Từ đủ 75 tuổi trở lên; (ii) Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; (iii) Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bà Lan: Thì ra là vậy. Chúng ta đều không phải là đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội vì chúng ta đang được hưởng lương hưu, mà tuổi cũng chưa đến!

Anh Thắng: Ngoài trường hợp cháu vừa nói trên thì pháp luật cũng quy định công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ hai điều kiện là: (i) Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; (ii) Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì cũng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội ạ.
Bà Hường: Nghe cháu Thắng nói về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì quả thực đây đúng là một quy định hết sức nhân văn nhằm bảo đảm quyền lợi cho người cao tuổi – đối tượng được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt!
Anh Thắng: Hiểu như tinh thần cô Hường vừa nói là đúng đó các cô chú ạ! Đảng, Nhà nước ta luôn dành các chế độ phúc lợi, an sinh xã hội thật tốt cho mọi công dân. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Ông Minh: Cháu Thắng có thể cho mọi người biết người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì hằng tháng sẽ được nhận bao nhiêu tiền không?
Anh Thắng: Trợ cấp hưu trí xã hội sẽ được chi trả hằng tháng cho đối tượng đủ điều kiện hưởng như cháu đã đề cập ạ. Còn về mức trợ cấp, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định: Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội. Tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đến nay Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn quy định này, nhưng cháu nghĩ sẽ sớm có thôi ạ.
Bà Lan: Thế trong trường hợp một người vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội vừa đồng thời thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì có được nhận cả hai loại trợ cấp không cháu?
Anh Thắng: Không cô ạ! Pháp luật quy định trường hợp đối tượng được nhận trợ cấp hưu trí xã hội đồng thời thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn thôi ạ!
Ông Minh: Vậy bên cạnh trợ cấp hưu trí xã hội thì đối tượng này còn được nhà nước hỗ trợ gì không cháu?
Anh Thắng: Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định trợ cấp hưu trí xã hội có các chế độ sau đây: (i) Trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng; (ii) Hỗ trợ chi phí mai táng; (iii) Hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng quy định người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi ạ!
Bà Lan: Thế là quá rõ ràng rồi! Thực sự đây là một chính sách rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt những người cao tuổi còn gặp khó khăn như thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo!
Ông Minh (quay sang bà Lan): Bà Lan hiểu rõ đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 rồi nhé. May gặp cháu Thắng ở đây không thì tôi và bà đã có một cuộc “tranh cãi” to nhỉ! Thôi chúng ta chuẩn bị họp thôi, bác Bí thư Chi bộ đến rồi kìa…/.
Tiểu phẩm 2: HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN
Nhân vật:
- Chị Lan: Giúp việc nhà anh Minh
- Anh Minh: Chủ nhà của chị Lan.
- Chị Hương: Vợ anh Minh.
Buổi tối, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, thấy vợ chồng anh Minh đều đang ngồi xem ti vi ở phòng khách, chị Lan lại gần muốn nói chuyện. Thấy chị Lan đi vào, Hương nhanh nhảu:
Chị Hương: Bác Lan xong việc chưa, bác nghỉ tay lại đây uống trà. Đang thi hoa hậu này bác ơi. Sao bây giờ các em, các cháu xinh thế nhỉ? Cháu nào cũng chân dài miên man.
Chị Lan: Ừ, giờ các cháu vừa xinh lại vừa giỏi em ạ. Cô nào trả lời ứng xử cũng tự tin, lưu loát. Để chọn ra được cô nào là hoa hậu, cô nào là á hậu chắc Ban Giám khảo cũng phải cân não đấy.
Anh Minh: Con gái chị Lan sắp về nước chưa? Em nghĩ chị nên đăng ký cho cháu thi hoa hậu, kiểu gì cũng ẵm giải. Chị cao thế này cơ mà.
Chị Lan: Chú này cứ hay đùa. Cháu nhà chị lập gia đình rồi, lại đang có bầu. Có thi hoa hậu bầu thì được. Mà chị có chuyện muốn nói với cô chú đây.
Chị Hương: Có việc gì à chị?
Chị Lan: Chị muốn báo với vợ chồng em, sắp tới, chị sẽ xin nghỉ việc. Cái Huệ đi làm, lấy chồng là người Nhật và ở luôn bên ấy. Giờ đang bầu bí, nó muốn đón chị sang bên đó để mẹ con, bà cháu chăm sóc nhau.
Chị Hương: Ôi, vậy à chị! Nghe chị nói em bất ngờ quá. Chị đã làm với nhà em bao năm nay, vợ chồng em coi chị người nhà. Chị mà nghỉ thì các cháu nhớ bác lắm!
Chị Lan: Chị cũng rất quý mến vợ chồng em với các cháu. Các em sống tình cảm, giúp đỡ chị nhiều. Quyết định đi, chị cũng lưu luyến lắm. Nhưng nhà có hai mẹ con. Mấy năm nay, nó đã một mình bươn chải ở xứ người. Giờ là lúc con cần mình nhất em ạ.
Anh Minh: Vâng. Chị nghỉ, bọn em rất tiếc. Nhưng chị sang với cháu là đúng chị ạ. Mẹ con xa nhau cũng cả chục năm rồi. Gia đình em sẽ thu xếp.
Chị định đi bao giờ ạ?
Chị Lan: Chắc là khoảng một tháng nữa em ạ. Chị cũng thấy bồi hồi lắm, sang đấy lạ nước lạ cái, không biết có ổn không. Tất cả vì con, vì cháu phải cố gắng làm quen thôi. Mà chị cũng muốn hỏi thêm các em về khoản bảo hiểm xã hội tự nguyện chị đóng mấy năm nay. Không biết chị có được lĩnh tiền bảo hiểm không em nhỉ?
Chị Hương: Đúng là chị đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ lâu rồi nhỉ! Nhưng bây giờ lĩnh tiền bảo hiểm như thế nào thì em cũng không rành. (Quay sang anh Minh). Anh có nắm được việc này không?
Anh Minh: Có chứ. Trước kia chính anh khuyên chị Lan tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà. Nhưng hình như vừa rồi lại có Luật Bảo hiểm xã hội mới. Để em vào lấy điện thoại xem lại cho chắc chắn.
Anh Minh vào phòng lấy điên thoại, 01 lát sau anh đi ra với chiếc điện thoại trên tay.
Anh Minh: Đây rồi. Luật mới coóng năm 2024 nhé hai chị em. Đây rồi, Điều 102. Hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Chị Hương: Anh đọc to để chị Lan cùng nghe.
Anh Minh: Đây nhé! Trước hết về đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Khoản 1: “Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 23 của Luật này;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;
d) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;
đ) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.”
Chị Lan: Em xem giúp chị đối tượng tại khoản 4 Điều 2 là gì?
Anh Minh: Vâng. Để em xem nào. (Tiếp tục rà điện thoại). Đây rồi! À, khoản 4 Điều 2 chính là quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:
– Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng;
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; cán bộ, công chức, viên chức đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này.
Chị Lan: Như vậy là chị thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải không em?
Anh Minh: Đúng vậy, theo Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, chị Lan có thể được hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và định cư ở nước ngoài.
Chị Lan: Em xem giúp chị xem mức hưởng tính như thế nào?
Anh Minh: Có ngay đây. Khoản 2 Điều 102 chị nhé. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm mình đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của mình.
Chị Hương: Đúng rồi. Em cũng nghe nói bảo hiểm xã hội một lần tính theo số năm đóng, nhưng cách tính có khác nhau với thời gian đóng trước và sau năm 2014.
Chị Lan: Ồ, vậy sao? Vậy chị đóng trước và sau năm 2014 có khác biệt gì không?
Anh Minh: Có khác đấy chị Lan. Để dễ hiểu, quy định chia ra như thế này:
– Đối với thời gian đóng trước năm 2014, mỗi năm chị sẽ nhận được 1,5 lần mức bình quân thu nhập tháng mà chị đã đóng bảo hiểm xã hội. Ví dụ, nếu mức bình quân thu nhập của chị là 5 triệu đồng, thì với mỗi năm đóng trước 2014, chị sẽ được 1,5 lần của 5 triệu, tức là 7,5 triệu đồng cho mỗi năm đó.
– Đối với thời gian đóng từ năm 2014 trở đi, mỗi năm chị được nhận 2 lần mức bình quân thu nhập tháng. Cũng với mức bình quân thu nhập 5 triệu đồng, nếu chị đóng từ 2014 trở đi, thì chị sẽ nhận 2 lần của 5 triệu, tức là 10 triệu đồng cho mỗi năm.
– Trường hợp thời gian đóng chưa đủ một năm, mức hưởng sẽ bằng tổng số tiền chị đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng không vượt quá 2 lần mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm.
Chị Lan: Vậy là mình được hưởng nhiều hơn cho các năm đóng từ 2014 trở đi, đúng không em?
Anh Minh: Đúng rồi! Và chị lưu ý thêm là nếu thời gian đóng bảo hiểm của chị có cả trước và sau năm 2014, thì những tháng lẻ trước năm 2014 sẽ được chuyển sang giai đoạn sau năm 2014 để tính toán.
Chị Hương: Cách tính này giúp chị hưởng đúng mức theo quy định cho mỗi thời kỳ đã đóng, nên sẽ đảm bảo quyền lợi cho mình hơn.
Anh Minh: Đúng vậy, nhưng trước khi quyết định, chị cũng cân nhắc thêm về những lợi ích và bất lợi của việc nhận bảo hiểm xã hội một lần. Đầu tiên là lợi ích: Nhận bảo hiểm xã hội một lần, chị sẽ nhận toàn bộ số tiền đã đóng, rất có ích khi chị sắp bắt đầu cuộc sống mới ở nước ngoài. Nếu chị cần tiền cho các chi phí sắp tới, khoản bảo hiểm này sẽ giúp chị trang trải ngay. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần cũng có một số bất lợi: Khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, chị sẽ không còn tích lũy để hưởng lương hưu hằng tháng – nguồn thu nhập ổn định khi chị về già. Nếu hưởng lương hưu, tổng tiền chị nhận được có thể cao hơn nhiều so với nhận một lần, lại được nhận trong thời gian dài hơn. Và hơn nữa, người hưởng lương hưu sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, rất quan trọng khi cần khám chữa bệnh về già.
Chị Lan: Cảm ơn Minh đã phân tích. Chị thấy đúng là mỗi lựa chọn đều có cái được và cái mất. Nhưng chị đã quyết ra nước ngoài ở với con Huệ, nên chị vẫn chọn hưởng một lần cho thuận tiện.
Chị Hương: Chị đã quyết định vậy thì tốt. Em sẽ rất nhớ chị đấy ạ!
Anh Minh: Vậy để em hướng dẫn chị chuẩn bị các giấy tờ cần thiết nhé. Chị cần có đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần, sổ bảo hiểm xã hội và giấy tờ xác nhận về việc định cư ở nước ngoài như: thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh để định cư ở nước ngoài; thẻ thường trú dài hạn ở nước ngoài của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp; hoặc giấy tờ hợp pháp khác thể hiện việc định cư ở nước ngoài. Thời gian giải quyết khoảng 07 ngày làm việc từ khi chị nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
Chị Lan: Cảm ơn hai em nhiều lắm. Nhờ có hai vợ chồng mà chị yên tâm hơn khi chuẩn bị cho cuộc sống mới.
Anh Minh: Không có gì đâu chị Lan. Chị cứ chuẩn bị kỹ càng, mong rằng chị sẽ có cuộc sống mới thuận lợi./.
Tiểu phẩm 3:BỐ CŨNG ĐƯỢC TRỢ CẤP THAI SẢN
Phân vai
Anh Trợ: Viên chức bảo hiểm xã hội
Chị Miên: Người vợ
Chị Lanh: Cán bộ y tế cộng đồng.
Chị Thành: Người hàng xóm
Cảnh 1: Chị Miên và chị Thành đang đi chặt chuối trên nương
Chị Miên: Ngồi nghỉ tý đi chị Thành ơi? Em mệt quá!
Chị Thành: Mới làm được một tý đã nghỉ, làm bao giờ xong?
Chị Miên: Em cứ thấy chóng mặt ấy.
Chị Thành: Chị có dầu gió đây, để chị xoa cho.
Thấy Miên nôn khan, chị Thành bảo
Chị Thành: Hay có thai rồi!
Chị Miên: Em cũng chưa kiểm tra. Kinh nguyệt em thất thường nên cũng không để ý ấy.
Chị Thành: Thế tý ra trạm xã mua que thử thai về thử đi. Giờ que thử nhạy lắm, mình thử biết ngay mà.
Chị Miên: Vâng. Mẹ chồng em cứ muốn hai vợ chồng có con luôn, để bà trông cho, mà kinh tế chưa có nên bọn em chưa muốn đẻ.
Chị Thành: Nghĩ thế cũng đúng, nhưng đằng nào cũng đẻ thì đẻ luôn cũng được. Mình còn trẻ, khỏe thì sinh con cũng khỏe. Đến lúc có tuổi rồi sinh con nó yếu đấy. Lại còn nguy cơ bị bệnh bẩm sinh nữa. Cái bệnh gì…bệnh “đao” ấy, mẹ càng lớn tuổi sinh thì con càng nguy cơ cao đấy. Hôm nọ nghe chị Lanh y tế cộng đồng bảo thế.
Chị Miên: Em cũng biết thế, nhưng giờ nuôi con cần nhiều tiền lắm.
Chị Thành: Ai chả phải nuôi con, cứ nghĩ thế bao giờ mới dám đẻ.
Chị Miên: Sinh con thì chả đi làm được, không có thu nhập, giờ cái gì cũng đắt đỏ. Ngày xưa em làm công nhân, nghỉ ngày nào trừ tiền ngày đó. Lao động tự do như mình, không có tiền thai sản nhỉ? Như cái Nhinh làm cán bộ xã ấy! Nghỉ đẻ 6 tháng ở nhà vẫn có bảo hiểm thai sản, chả lo gì.
Chị Thành: Nó phải nộp tiền bảo hiểm xã hội hàng tháng mới được chứ có phải cứ là cán bộ thì được đâu. Mình mà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cũng được như thế. Sau này già cũng có tiền lương hưu đấy.
Chị Miên: Thế à chị? Em cũng muốn có bảo hiểm. Chị có biết tham gia như thế nào không?
Chị Thành: Chị cũng không rõ lắm. Tối nay về qua hỏi chị Lanh xem. Chị ấy chắc biết.
Cảnh 2: Ở nhà chị Lanh
Chị Thành: Nói đến tết lại thấy lo. Lo tiền ăn, tiền học cho bọn trẻ con hết sạch.
Chị Lanh: Biết sao được! Nhà ai giờ cũng thế! Thế hai chị em bảo có chuyện gì muốn hỏi à?
Chị Miên: Em nghe nói người làm tự do như em cũng có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu tham gia sẽ được hưởng chế độ thai sản, lương hưu đúng không chị?
Chị Lanh: Đúng rồi đấy! Chồng chị đang tham gia đấy.
Chị Thành: Thế à! Thế có phải phụ nữ tham gia thì cũng được tiền thai sản khi sinh con có đúng không?
Chị Lanh: Đúng đấy chị.
Chị Thành: Cần có điều kiện gì không em?
Chị Lanh: Theo quy định là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng thì được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện[1]. Ví dụ như người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng, người lao động giúp việc gia đình, người nông dân, người lao động tự tạo việc làm…
Chị Thành: Thế mình cũng tham gia được. Đều là lao động tự do cả.
Chị Lanh: Ừ, mọi người nên tham gia. Miên bảo cả Thái cũng tham gia luôn.
Chị Miên: Chồng em làm xe ôm thì có bảo hiểm xe máy rồi chị!
Chị Lanh: Bảo hiểm xe máy là khi có tai nạn thôi. Còn bảo hiểm xã hội tự nguyện này là cho bản thân mình, nếu đóng sau này sẽ được hưởng chế độ: trợ cấp thai sản, hưu trí, tử tuất, bảo hiểm tai nạn lao động…vân…vân[2].
Chị Miên: Thể để em về bảo chồng em xem! Nhưng ông ấy nghe bảo hiểm là không thích mấy đâu.
Chị Lanh: Chắc nghe người ta bảo tham gia cái bảo hiểm nhân thọ có người bị lừa nên sợ ý gì! Đây là bảo hiểm của nhà nước mà, yên tâm không lo đâu. Mình đủ điều kiện tham gia rồi thì cứ lên bảo hiểm xã hội huyện hỏi thôi. Thủ tục thì chị nhớ là có tờ khai theo mẫu và thẻ căn cước công dân. Anh nhà chị là làm hồi còn Luật Bảo hiểm xã hội cũ, giờ có Luật Bảo hiểm xã hội mới rồi. Nên cũng không biết thủ tục có gì thay đổi không?
Chị Thành (quay sang Miên): Mai bọn mình đi hỏi xem, mong là không thay đổi gì. Chứ nếu chỉ có hai giấy đấy thì cũng đơn giản.
Chị Lanh: Mọi người cứ lên huyện hỏi cho chắc. Nhà nước khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà. Nên thủ tục cũng đơn giản. Nghe nói, trước bảo hiểm xã hội tự nguyện không có trợ cấp thai sản đâu, giờ mới có đấy.
Chị Miên: Vậy hả chị!
Chị Lanh: Tham gia bây giờ là có lợi cho mình sau này. Mình làm thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, xong hàng tháng đóng tiền, về già có lương hưu như người làm ở xã luôn. Không nhiều thì cũng đủ ăn.
Chị Thành: Thế có phải đóng nhiều không?
Chị Lanh: Cũng không nhiều, tùy vào thu nhập của mình làm được bao nhiêu thì có mức đóng tương ứng. Như chồng em tháng ba bốn trăm. Bên bảo hiểm có công thức tính đấy, mình đi làm họ có hướng dẫn cho. Mà nếu hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được nhà nước hỗ trợ một phần đóng bảo hiểm cơ[3].
Chị Miên: Vậy ạ! Nhà chị Thành nếu tham gia bảo hiểm tự nguyện sẽ được giảm này!
Chị Thành: ừ, chắc thế, mai chị em mình đi làm luôn!
Chị Miên: Vâng
Cảnh 3: Ở Bộ phận một cửa của Bảo hiểm xã hội huyện
Chị Miên: Anh ơi, em muốn hỏi thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Anh Trợ: Vâng, chị có thể đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/ hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia: https://dichvucong.gov.vn
Chị Miên: Em không biết cổng cổng dịch vụ gì đấy ở đâu. Cho em đăng ký trực tiếp ở đây được không?
Anh Trợ: Dạ được ạ!
Chị Miên: Thủ tục gồm những gì ạ?
Anh Trợ: Chị cần khai vào Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mẫu và thẻ căn cước công dân dùng để đối chiếu thông tin đăng ký. Chị điền đầy đủ thông tin vào tờ khai rồi nộp lại cho em. Nếu hồ sơ là hợp lệ cơ quan em sẽ liên hệ lại với người đăng ký theo thông tin liên hệ đính kèm hồ sơ để người đăng ký thực hiện đóng tiền bảo hiểm theo quy định. Thời gian giải quyết hồ sơ không quá 05 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ.
Chị Miên: Nếu em tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì sẽ được hưởng chế độ thai sản phải không anh?
Anh Trợ: Đúng rồi chị! Theo quy định khi lao động nữ sinh con hoặc lao động nam có vợ sinh con, mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng trợ cấp thai sản[4].
Chị Thành: Đàn ông cũng đươc hưởng trợ cấp thai sản khi vợ sinh con á!
Anh Trợ: Đúng rồi chị! Nếu người vợ không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chỉ có người chồng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì vẫn được hưởng trợ cấp thai sản ạ. Nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ạ. Không phải hôm nay mình đóng xong mai mình sinh con thì được trợ cấp ngày đâu ạ. Muốn được trợ cấp thai sản phải đóng bảo hiểm từ đủ 6 tháng trở lên và đóng trước khi mình có thai ấy.
Chị Thành: Thế cả hai vợ chồng cùng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đủ điều kiện hưởng thì được hai suất ạ?
Anh Trợ: Không chị ạ. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản thì chỉ một trong hai người (hoặc cha hoặc mẹ) được hưởng trợ cấp thai sản[5].
Chị Miên: Nếu một người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và một người tham gia bảo hiểm tự nguyện mà cũng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì cũng chỉ tính một người thôi hả anh?
Anh Trợ: Theo quy định thì sẽ được cả hai chị ạ! Tức là nếu người mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngược lại, nếu cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện[6].
Chị Thành: Thế này về chị em mình phải bảo chồng đi đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện mới được.
Chị Miên: Em cũng nghĩ thế. Anh ơi, bọn em sẽ đóng bảo hiểm như thế nào ạ?
Anh Trợ: Khi chị tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chị sẽ được chọn phương thức đóng là đóng hàng tháng, đóng 03 tháng một lần; đóng 06 tháng một lần hay 12 tháng một lần. Chị xem đóng thế nào phù hợp điều kiện hoàn cảnh của mình thì cứ lựa chọn ạ. Chị cũng có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau với số tiền đóng thấp hơn số tiền đóng theo mức quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đóng một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu với số tiền đóng cao hơn số tiền đóng theo mức quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Chị Miên: Có nhiều cách đóng thế cơ à?
Anh Trợ: Thế chị chọn cách nào ạ!
Chị Thành: Bọn em chắc đóng hàng tháng thôi. Chứ đóng một lúc nhiều thì không đóng được.
Chị Miên: Mức trợ cấp thai sản là bao nhiêu ạ!
Anh Trợ: Theo quy định hiện nay thì mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi người con được sinh ra.
Chị Thành: Em cứ tưởng được nhiều hơn cơ.
Anh Trợ: Nhiều hơn thật mà chị, ngoài chế độ trợ cấp thai sản, lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ khác của nhà nước nữa.[7] Các chị đều là người dân tộc thiểu số nên sẽ có chính sách hỗ trợ khác nữa ạ.
Chị Miên: Thế cũng an tâm chị Thành ạ. Anh cho em xin tờ khai.
Anh Trợ: Vâng, các chị cầm mẫu tờ khai điền thông tin đăng ký, cần gì cứ hỏi em hướng dẫn cho!
Chị Miên và chị Thành cùng cầm tờ khai ra bàn để đăng ký với khuôn mặt tươi vui./.
Tiểu phẩm 4: “ƯỚC MƠ TUỔI HƯU”
Nhân vật:
- Ông Tâm: 60 tuổi, làm nghề tự do, người đóng BHXH tự nguyện.
- Bà Hoa: Vợ ông Tâm, 58 tuổi, bán tạp hóa nhỏ tại nhà.
- Anh Dũng: Cán bộ bảo hiểm xã hội.
- Anh Hải: Con trai ông Tâm, 30 tuổi, kỹ sư xây dựng.
- Chị Lan: Con gái ông Tâm, 27 tuổi, giáo viên.
Trong nhà ông Tâm. Ông Tâm đang ngồi ở phòng khách, chăm chú tính toán giấy tờ. Bà Hoa đang đứng nấu ăn trong bếp, Lan mang đĩa trái cây ra đặt trên bàn trong phòng khách, Hải vừa đi làm về.
Anh Hải: (Cởi áo khoác) Bố lại tính toán gì thế kia? Chắc lại chuyện bảo hiểm xã hội tự nguyện chứ gì?
Ông Tâm: Ừ, bố đang tính thủ tục để hưởng lương hưu. Năm nay bố đủ 60 tuổi, đã đóng bảo hiểm được 15 năm rồi.
Anh Hải: (Nhăn mặt) Bố mẹ cứ lo chuyện xa xôi. Thời buổi này, 2-3 triệu lương hưu thì làm được gì?
Chị Lan: (Ngắt lời) Anh Hải! Tuy lương hưu không nhiều, nhưng đó là thu nhập ổn định và quyền lợi do bố mẹ tự đóng.
Anh Hải: Nhưng em thử nghĩ đi, bố mẹ làm nghề tự do, suốt mấy chục năm đóng bảo hiểm, tính theo trượt giá còn lỗ ấy chứ. Thay vào đó, để dành tiền gửi ngân hàng không tốt hơn à?
Ông Tâm: (Đặt mạnh tay xuống bàn) Hải, con không hiểu rồi. Ngân hàng có thể lãi cao hơn, nhưng bảo hiểm xã hội là chính sách nhà nước bảo đảm. Dù có chuyện gì xảy ra, bố vẫn nhận được lương hưu và các chế độ kèm theo để an hưởng tuổi già sau này.
Anh Hải: Nhưng lương hưu ít quá, bố mẹ già rồi, cần chăm sóc y tế nữa. Tiền như vậy sao đủ?
Bà Hoa: (từ dưới bếp đi lên, chen vào) Hải, con đừng nói thế. Nhà nước đâu chỉ trả lương hưu, mà còn có bảo hiểm y tế kèm theo. Sau này bố mẹ đi khám bệnh cũng được hỗ trợ nhiều.
Anh Hải: Bố đóng 15 năm, mỗi tháng cả triệu đồng. Nếu gửi ngân hàng, bây giờ số tiền đó phải được cả trăm triệu!
Ông Tâm: (Nghiêm giọng) Con tính vậy là thiển cận! Bảo hiểm xã hội là là chính sách nhân văn, ưu việt của Nhà nước ta với mục đích an sinh xã hội, không vì lợi nhuận mà là chính sách vì cộng đồng. Việc tham gia bảo hiểm xã hội sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn đời sống vật chất của người dân trước những biến cố, rủi ro nảy sinh trong cuộc sống. Lương hưu là khoản thu nhập không lớn nhưng đều đặn hàng tháng. Mức hưởng hưu trí hiện nay đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp. Giả sử có lúc con không làm ra tiền, không nuôi nổi bố mẹ, con mới hiểu giá trị của nó!
Anh Hải: (Hạ giọng) Nhưng mà…
Chị Lan: Thôi anh ạ, mình phải tôn trọng ý kiến của bố chứ.
(Đúng lúc đó, Anh Dũng gõ cửa bước vào)
Anh Dũng: Chào chú Tâm! Cháu là Dũng, hôm qua chú gọi hẹn cháu đây ạ.
Ông Tâm: À, may quá, cháu vào đây. Bố con chú đang tranh luận về bảo hiểm xã hội đây. Có chuyên gia ở đây rồi, lo gì.
Anh Hải: Vâng, chào anh ạ. Mời anh ngồi.
Vừa nói anh Hải vừa rót nước và đẩy chén trà về phía anh Dũng
Anh Hải: Mời anh uống nước. Anh giải thích xem, lương hưu của bảo hiểm xã hội tự nguyện có đáng để bố mẹ tôi đóng không?
Anh Dũng: (Mỉm cười) Tôi hiểu băn khoăn của cậu. Lương hưu không phải là số tiền lớn nhất, nhưng là khoản an sinh ổn định đến hết đời. Lúc tuổi cao, sức khỏe giảm sút, không có khả năng lao động để tạo thu nhập thì mình có lương hưu. Ngoài ra, khi hết tuổi lao động còn kèm theo bảo hiểm y tế miễn phí để khám chữa bệnh, lúc này bệnh tật mới nhiều cậu ạ.
Anh Dũng (quay sang ông Tâm cười đùa): Bộ máy chạy sáu bảy chục năm thì phải rệu rã chứ. Khoản tiền đó không ngân hàng nào bảo đảm được.
Chị Lan: Anh thấy chưa? Chính sách này giúp bố mẹ mình yên tâm.
Bà Hoa: Đấy, nếu con không hiểu thì nghe cán bộ giải thích. Bố mẹ lo xa là để bớt gánh nặng cho tụi con sau này.
Anh Hải: (Ngập ngừng) Thôi được, nếu bố mẹ đã quyết thì con không cản nữa. Nhưng bố phải tính toán thật kỹ.
Ông Tâm: Tôi muốn hỏi là hiện tôi mới đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được 15 năm thôi, liệu tôi đã đủ điều kiện nhận lương hưu chưa?
Anh Dũng: Thưa bác, theo quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội mới ban hành năm 2024 thì người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như trước đây) để hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần. Vì vậy nếu bác đã đến tuổi nghỉ hưu thì bác được lương hưu ạ!
Ông Tâm: Tôi đang nghiên cứu đây. Đúng 1 tháng nữa là tôi tròn 60 tuổi, theo luật hiện nay là đủ tuổi nghỉ hưu nhỉ. Thế mức lương hưu tôi sẽ nhận được hàng tháng cụ thể là bao nhiêu? Chú có biết không?
Anh Dũng: Thưa bác, theo quy định tại Điều 99 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, lương hưu sẽ được tính như sau: đối với lao động nam đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm thì 15 năm đóng tương ứng 40%, mỗi năm đóng thêm 1%, 20 năm đóng tương ứng 45%; lao động nữ đóng BHXH 15 năm tương ứng 45%. Sau đó cứ mỗi năm đóng thêm được cộng thêm 2%.
Bên cạnh đó, người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn được cấp thẻ bảo hiểm ý tế miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu đấy ạ.
Ông Tâm: Vâng, tôi đã hiểu rồi, cảm ơn cán bộ đã giải đáp!
Anh Dũng: Vâng đây là trách nhiệm của bọn cháu ạ, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều lợi ích, vừa có thu nhập, vừa có khoản phòng thân khi về già ạ.
Ông Tâm: Bà và các con nghe chưa, bố thấy bảo hiểm xã hội tự nguyện rất cần thiết, các con cũng nghiên cứu và suy nghĩ về đóng bảo hiểm xã hội đi nhé.
Anh Hải: Vâng, sau khi được nghe anh Dũng giải thích, con thấy cũng hiểu hơn lợi ích của bảo hiểm xã hội. Cảm ơn anh Dũng nhé!
Chị Lan: Đúng ạ, có nhiều lợi ích như thế thì con cũng sẽ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện này, anh Dũng hướng dẫn tôi đăng ký với nhé!
Anh Dũng: Vâng, anh/chị có thể lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc đến trụ sở cơ quan BHXH; các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT để đăng ký. Tìm hiểu rõ hơn các thông tin chi tiết, anh/chị có thể tìm hiểu qua Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Luật Bảm hiểm xã hội năm 2024 ạ.
Ông Tâm (đưa đĩa trái cây về phía anh Dũng): Mời cháu ăn trái cây. Cảm ơn cháu đã cung cấp thông tin rất đầy đủ, tôi sẽ thông tin đến những ông bạn của tôi nữa, phải cho nhiều người biết đến lợi ích của bảo hiểm xã hội./.
[1] Điểm a khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
[2] Khoản 3 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
[3] Khoàn 5 Điều 6 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
[4] Khoản 1 Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.
[5] Khoản 3 Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
[6] Khoản 5,6 Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
[7] Khoản 1 Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.
Nguồn: Bộ tư pháp