Đề cương tuyên truyền Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước

Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 19/02/2025 (sau đây gọi là Nghị quyết số 190/2025/QH15).

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 190/2025/QH15

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã xác định mục tiêu tổng quát là “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng…”, với một trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là “rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy của các cấp, các ngành, các địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Mặt khác, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng xác định mục tiêu“hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến phápvà pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân. Với phạm vi tác động sâu rộng của cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hoá đầy đủ, toàn diện chủ trương quan trọng nêu trên của Đảng.

Đề cương tuyên truyền Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước
Đề cương tuyên truyền Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước

Hiến pháp năm 2013 quy định:“Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” (khoản 1 Điều 8) và“Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69). Do vậy, việc xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm nguyên tắc trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo quyết định của cấp có thẩm quyền có tác động trực tiếp, sâu rộng đến toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật[1]. Với số lượng rất lớn các văn bản cần xem xét, xử lý trong thời gian ngắn thì việc đặt ra yêu cầu sửa đổi từng văn bản trong hệ thống là nhiệm vụ bất khả thi và có nguy cơ dẫn đến khoảng trống pháp lý khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, liên tục của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để xử lý những vấn đề có tính chất chung giữa các cơ quan và một số vấn đề có tính chất đặc thù, riêng biệt trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là rất cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT SỐ 190/2025/QH15

1. Mục đích

Việc ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật trong điều kiện chưa thể sửa đổi, bổ sung số lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản liên quan khác chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.

2. Quan điểm chỉ đạo

Một là, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và tuân thủ các quy định của Hiến pháp năm 2013.

Hai là, bám sát định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Chỉ đạo của Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, văn bản của cơ quan có thẩm quyền khác về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Ba là, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan, chức danh có thẩm quyền sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thông suốt, liên tục, bảo đảm tính kế thừa, bao quát, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn và không để gián đoạn công việc được giao.

Bốn là, việc đề xuất các quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tại Nghị quyết bảo đảm rõ ràng, cụ thể, kịp thời xử lý được các yêu cầu cấp bách, một số vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong điều kiện chưa sửa đổi, bổ sung ngay được tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản khác liên quan.

Năm là, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ, các thủ tục hành chính và không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

III. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 190/2025/QH15

1. Bố cục của Nghị quyết số 190/2025/QH15

Nghị quyết 190/2025/QH15 gồm 15 điều, cụ thể như sau:

– Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

– Điều 2: Nguyên tắc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (quy định các nguyên tắc chung trong xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước).

– Từ Điều 3 đến Điều 10: Quy định các nguyên tắc cụ thể để xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (bao gồm các nguyên tắc về tên gọi và việc sử dụng con dấu của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; thực hiện thủ tục hành chính; hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án; thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp).

Slide bài giảng Nghị định 124/2020/ND-CP hướng dẫn Luật Khiếu nại
Hướng dẫn khiếu nại, tố cáo khi sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước

– Từ Điều 11 đến Điều 13: Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong việc rà soát, xử lý văn bản; trách nhiệm công khai thông tin và hướng dẫn thực hiện; thẩm quyền, trách nhiệm các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

– Điều 14: Tổ chức thực hiện (quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15; giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15).

– Điều 15: Hiệu lực thi hành (quy định thời điểm có hiệu lực và thời hạn thực hiện của Nghị quyết số 190/2025/QH15).

2.Những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 190/2025/QH15

2.1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

– Nghị quyết số 190/2025/QH15 xác định cụ thể phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm: nguyên tắc xử lý; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi chung là cơ quan), chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc xử lý một số vấn đề khác khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

– Nghị quyết số 190/2025/QH15 được áp dụng đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong các trường hợp thành lập, tổ chức lại (bao gồm việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức của các cơ quan dưới các hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn), thay đổi tên gọi, thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức, giải thể cơ quan để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

– Các vấn đề được xử lý theo Nghị quyết số 190/2025/QH15 là vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước có nội dung khác hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp), văn bản hành chính và các hình thức văn bản khác đang còn hiệu lực tại thời điểm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (sau đây gọi chung là văn bản).

2.2. Quy định nguyên tắc chung trong việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (Điều 2)

Bao gồm:

– Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.

– Bảo đảm không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật.

2.3. Các quy định về nguyên tắc cụ thể để xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (từ Điều 3 đến Điều 12)

2.3.1. Về tên gọi và việc sử dụng con dấu của cơ quan, chức danh có thẩm quyền

Điều 3 Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định nguyên tắc chuyển đổi tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền đã quy định tại các văn bản khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo tên gọi của cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó. Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định cơ quan, chức danh có thẩm quyền có thay đổi sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy được sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật.

Ví dụ:

+ Tên của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại các văn bản (bao gồm văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính và các hình thức văn bản khác đang còn hiệu lực tại thời điểm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước) được chuyển đổi theo tên cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo đó, tùy từng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà được chuyển đổi thành Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công an. Việc xác định cụ thể căn cứ vào các Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công an.

+ Tương tự, tên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các văn bản được chuyển đổi theo tên cơ quan sau hợp nhất là Bộ Tài chính; tên của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại các văn bản được chuyển đổi theo tên cơ quan sau hợp nhất là Sở Tài chính.

2.3.2. Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền

Điều 4 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định nguyên tắc khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Ví dụ:

+ Hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng (mới) sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải đang được quy định tại các văn bản pháp luật, trừ một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cơ quan khác. Hoặc trường hợp các đơn vị thuộc Bộ hợp nhất với nhau thành đơn vị mới. Theo đó, đơn vị mới sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị được hợp nhất.

+ Tương tự, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp trước khi sắp xếp.

+ Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ. Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Dân tộc và chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ trước khi sắp xếp.

Đặc biệt, Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định: “Trường hợp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, mô hình, cơ cấu tổ chức của cơ quan sau sắp xếp có thay đổi thì cơ quan, người có thẩm quyền được ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan hình thành sau sắp xếp khác với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đã ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhưng phải bảo đảm phù hợp với phương án sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Quy định này bảo đảm cơ sở pháp lý cho cơ quan, người có thẩm quyền được ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan hình thành sau sắp xếp khác với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đã ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhưng chưa kịp sửa đổi, bổ sung.

Đề cương tuyên truyền Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025

Ví dụ:

+ Tại khoản 2 Điều 213 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động. Để phù hợp và thực hiện phương án sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Điều 1 Nghị định số 25/2025/NĐ-CP ngày 21/02/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ (có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2025) quy định: “Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: .. lao động…”, quy định này khác với quy định tại khoản 2 Điều 213 Bộ luật Lao động năm 2019 nhưng bảo đảm phù hợp với phương án sắp xếp Bộ Lao động – Thương binh và Xã và Bộ Nội vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở nguyên tắc này, để bảo đảm hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền được thực hiện liên tục, thông suốt, không bỏ sót nhiệm vụ, không bị gián đoạn, không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của xã hội, của người dân, tại Điều 4 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 cũng quy định các nguyên tắc xử lý liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền trong một số trường hợp cụ thể như:

(i) Trường hợp văn bản hiện hành quy định trách nhiệm phối hợp công tác giữa cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp với cơ quan khác thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được sắp xếp chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện nội dung công việc đó theo quy định.

Ví dụ: Bộ Tài chính (sau khi hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chịu trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền bố trí các nguồn vốn cho dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 47 Luật Quy hoạch năm 2017 quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình cơ quan có thẩm quyền).

Hoặc Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu trong phòng, chống thiên tai, xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, quản lý, khai thác công trình phòng, chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu (điểm a khoản 2 Điều 52 Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 quy định Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn).

(ii) Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục thực hiện các công việc, thủ tục đang được các cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp thực hiện. Trường hợp các công việc, thủ tục đang thực hiện hoặc đã hoàn thành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhưng phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết sau khi sắp xếp thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan để giải quyết vấn đề phát sinh đó.

Ví dụ: Trường hợp các công việc đã hoàn thành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhưng phát sinh khiếu nại sau khi sắp xếp thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan để giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

(iii) Việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra đối với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Ví dụ: Tại khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:

“2. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự. Khi kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án;

b) Yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới ra quyết định về thi hành án, gửi các quyết định về thi hành án; thi hành đúng bản án, quyết định; tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân; yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án theo quy định của Luật này;

c) Trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; ban hành kết luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát;…”

Theo đó, khi cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện được sắp xếp lại thì cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp của các cơ quan này sẽ tiếp tục chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền (theo phạm vi có thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân) theo quy định pháp luật hiện hành.

2.3.3. Quy định về xử lý đối với số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 190/2025/QH15, khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật thì chậm nhất là 05 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định. Quy định này vừa cho phép và đồng thời xác định cụ thể thời hạn tối đa để sắp xếp số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan trong trường hợp nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật.

2.3.4. Về thực hiện thủ tục hành chính

Điều 5 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định trách nhiệm điều chỉnh và công bố thủ tục hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền khi có thay đổi về cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, Điều 5 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định trách nhiệm của cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính, gồm: (i) Tổ chức thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn; (ii) Không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp và không thực hiện lại các bước trong thủ tục hành chính đã thực hiện trước khi sắp xếp; (iii) Thông báo công khai thông tin theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết số 190/2025/QH15.

Ví dụ: Khoản 1 Điều 16, điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định: ..tổ chức, cá nhân có nhu cầu trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm nộp 01 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”; “thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sungtrong đó có đề cập tới thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy (Bộ Nông nghiệp Môi trường) tổ chức thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn; không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp và không thực hiện lại các bước trong thủ tục hành chính đã thực hiện trước khi sắp xếp.

Hướng dẫn thủ tục nhận nuôi con nuôi
Hướng dẫn về thủ tục hành chính khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Để triển khai thực hiện quy định của Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 190/2025/QH15 phải thực hiện kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính, cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, làm cơ sở để các địa phương công bố danh mục thủ tục hành chính áp dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố[2].

2.3.5. Về hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án

Điều 6 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án, bao gồm: (i) Tổ chức thực hiện hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án đúng thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; (ii) Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án đã thực hiện một hoặc một số nội dung của các hoạt động này trong các vụ án, vụ việc cụ thể theo quy định của pháp luật trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không thực hiện lại các nội dung này sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Về cơ bản, các hoạt động này được thực hiện theo nguyên tắc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền đã được quy định tại Điều 4 của Nghị quyết số 190/2025/QH15. Tuy nhiên, do tính chất và phạm vi tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân của các hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án nên cần thiết phải xây dựng một điều riêng, độc lập quy định về nguyên tắc thực hiện hoạt động này.

2.3.6. Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Điều 7 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 được xây dựng trên cơ sở bám sát và bảo đảm triển khai kịp thời ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, quy định nguyên tắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước như sau:

–  Cơ quan thanh tra sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan đã chuyển giao chức năng, nhiệm vụ thanh tra.

–  Cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

– Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

– Đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không còn tổ chức thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thành lập đoàn thanh tra hoặc đề nghị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra. Riêng đối với cơ quan thanh tra của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thanh tra được tổ chức theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật.

– Cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì người đứng đầu giao đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Đề cương tuyên truyền nội dung cơ bản của Luật Tố cáo năm 2018
Hướng dẫn giải quyết tố cáo khi sắp xếp bộ máy nhà nước

Bên cạnh đó, Điều 7 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 cũng quy định nguyên tắc xử lý đối với trường hợp cuộc thanh tra đang tiến hành hoặc đã kết thúc thanh tra trực tiếp nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra thì đoàn thanh tra tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình Thủ trưởng cơ quan có chức năng thanh tra sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước xem xét, ban hành kết luận thanh tra.

2.3.7. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Điều 8 Nghị quyết số 190/2025/QH15 đã quy định nguyên tắc xử lý khi các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thay đổi do sắp xếp tổ chức bộ máy trong các trường hợp:

(i) Thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn thì được giữ nguyên thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

(ii) Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước dẫn đến thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh đó phù hợp với các nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong thời gian Chính phủ chưa có quy định thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước do Chánh Thanh tra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc các chức danh khác đang có thẩm quyền xử phạt tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật cho đến khi có quy định thay thế.

2.3.8. Về thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế

Điều 9 Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc Việt Nam là bên ký kết khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Trong đó:

– Trường hợp cần sửa đổi quy định về tên gọi của cơ quan trong điều ước quốc tế đã có hiệu lực thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đề xuất nội dung sửa đổi và thông báo đến Bộ Ngoại giao. Trên cơ sở thống nhất ý kiến với cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ Ngoại giao gửi Công hàm cho đối tác nước ngoài thông báo về việc sửa đổi quy định về tên gọi của cơ quan trong điều ước quốc tế.

– Trường hợp cần sửa đổi quy định về tên gọi của cơ quan trong thỏa thuận quốc tế thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trao đổi, thống nhất với đối tác nước ngoài về việc sửa đổi quy định về tên gọi của cơ quan; sau đó thông báo đến Bộ Ngoại giao về việc sửa đổi để theo dõi, phối hợp.

– Điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã hoàn tất đàm phán nhưng chưa ký thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài chỉnh sửa quy định về tên gọi cơ quan (nếu có).

– Điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã ký nhưng chưa có hiệu lực thì trong trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trao đổi, thống nhất với đối tác nước ngoài về cách thức chỉnh sửa quy định về tên gọi cơ quan và thông báo đến Bộ Ngoại giao để phối hợp theo dõi.

Bên cạnh đó, Điều 9 Nghị quyết số 190/2025/QH15 cũng quy định việc xử lý trong trường hợp phát sinh vấn đề thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan hoặc vấn đề chưa được quy định tại Nghị quyết số 190/2025/QH15 thì cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, bảo đảm không gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2.3.9. Về giá trị của văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 190/2025/QH15, văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.

Ví dụ:

+ Giấy phép lái xe của cá nhân được Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp trước khi sắp xếp và vẫn chưa hết thời hạn sử dụng thì cá nhân tiếp tục được sử dụng Giấy phép lái xe đã được cấp cho đến khi hết thời hạn theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khi Giấy phép lái xe đó thuộc trường hợp cấp đổi, thu hồi, hủy bỏ theo quy định).

+ Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT ngày 31/07/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ban hành, đang còn hiệu lực sẽ tiếp tục được áp dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bởi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường hoặc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định.

Đặc biệt, tại khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định: “Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Theo đó, bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, không phân biệt là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hay ngoài bộ máy nhà nước đều phải nghiêm túc thực hiện quy định này.

– Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 10 Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn được áp dụng do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành hoặc liên tịch với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà sau khi sắp xếp không xác định được cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ văn bản.

2.3.10. Về thời hạn rà soát, xác định phương án và xử lý văn bản chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn

Điều 11 Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định thời hạn, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc rà soát, xác định phương án xử lý, thời hạn và thủ tục xử lý các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Theo đó, thời hạn rà soát và xác định phương án xử lý là 03 tháng kể từ ngày Nghị quyết số 190/2025/QH15 có hiệu lực thi hành (tức là việc rà soát, xác định phương án xử lý phải hoàn thành trước ngày 19 tháng 5 năm 2025). Việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các văn bản chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm hoàn thành trước ngày 01 tháng 3 năm 2027.

Đặc biệt, trên cơ sở xem xét tính cấp thiết và tính khả thi về nguồn lực tổ chức thực hiện việc xử lý các văn bản chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tại khoản 3 Điều 11 Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định: “Không bắt buộc ban hành văn bản chỉ để xử lý nội dung về tên gọi của các cơ quan, chức danh có thẩm quyền bị thay đổi do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước”.

2.3.10. Trách nhiệm công khai thông tin và hướng dẫn thực hiện

Để tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc nắm bắt, tiếp cận các thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, chức danh có thẩm quyền khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Điều 12 Nghị quyết số 190/2025/QH15 có quy định về trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thông báo công khai một số thông tin ngay khi có văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức hoặc quy định liên quan đến việc thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình, cụ thể:

– Các văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, trừ các văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước.

– Việc thay đổi tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền.

– Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền.

– Việc thay đổi cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính.

– Việc thay đổi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Việc công khai các nội dung thông tin được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các hình thức phù hợp khác; đồng thời, phải được công khai tập trung trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với thông tin của các cơ quan cấp tỉnh, trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với thông tin của các cơ quan cấp huyện.

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo đối ngoại với các nước, tổ chức quốc tế, khu vực liên quan về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội khóa XV, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Cùng với việc công khai thông tin, các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn, giải đáp các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo đảm thực hiện các nguyên tắc quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 190/2025/QH15.

2.4. Trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (Điều 13)

Nghị quyết số 190/2025/QH15 được xây dựng trên cơ sở kết quả rà soát hệ thống pháp luật để phát hiện các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, thực tế triển khai có thể có những tình huống phát sinh cần phải xử lý kịp thời, linh hoạt để tránh khoảng trống pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, liên tục của bộ máy nhà nước sau khi được sắp xếp. Vì vậy, bên cạnh các nguyên tắc chung và nguyên tắc cụ thể đã được quy định tại Nghị quyết số 190/2025/QH15 để xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước như đã nêu ở trên, tại Điều 13 Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Cụ thể:

– Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, định kỳ hằng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

– Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, ban hành văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình

Để bảo đảm tính kịp thời, khoản 3 Điều 12 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định cơ quan, người có thẩm quyền có thể ban hành văn bản hành chính để hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, để bảo đảm các nguyên tắc trong quản lý, điều hành bộ máy nhà nước và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Nghị quyết số 190/2025/QH15 đã quy định những điều kiện cụ thể để kiểm soát việc ban hành văn bản hành chính (Nội dung hướng dẫn phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền hướng dẫn và các nguyên tắc quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 190/2025/QH15, không quy định thêm yêu cầu, điều kiện hoặc làm tăng thời gian giải quyết, phát sinh chi phí, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện; văn bản hướng dẫn phải được công khai;…) và trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc đồng thời đồng thời tổ chức xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nội dung quy định tại văn bản hành chính hoặc nội dung đã ủy quyền ban hành. Văn bản hành chính, văn bản được ban hành theo ủy quyền phải được cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó bãi bỏ ngay khi văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành có hiệu lực thi hành.

2.5. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành

Điều 14 và Điều 15 Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15 và thời điểm có hiệu lực, thời hạn thực hiện của Nghị quyết này. Theo đó, Nghị quyết số 190/2025/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 02 năm 2025 và được thực hiện đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2027, trừ quy định tại khoản 1 Điều 3, khoản 3 Điều 4 và khoản 3 Điều 11 của Nghị quyết. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15 trước khi kết thúc thời hạn thực hiện, nếu thấy cần thiết.

[1] Kết quả rà soát sơ bộ ở cấp Trung ương là 5.026 văn bản, ở địa phương là 2.828 văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy.

[2] Văn bản số 219/TTg-KSTT ngày 27/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *