Đề cương tuyên truyền Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2020

Chiều 13-11, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với 450 đại biểu tán thành/454 đại biểu tham gia biểu quyết, đạt tỷ lệ 93,36% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Có một đại biểu không tán thành, tỷ lệ 0,21%, ba đại biểu không tham gia biểu quyết.

Decuongtuyentruyen.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền  Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020. Đề cương được biên soạn dựa trên  Hồ sơ Dự án  Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020 được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Quốc Hội.

Đề cương tuyên truyền  Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020 gồm có 2 phần: Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020. Phần 2. Những nội cơ bản và điểm mới củaLuật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020.

Đề cương tuyên truyền Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020
Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020

I. Sự cần thiết ban hành Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020

Năm 2006, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật số 72/2006/QH11 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là Luật số 72) và có hiệu lực kể từ 01/7/2007.

Luật số 72 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tăng cường công tác quản lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và đảm bảo quyền tự do tìm kiếm việc làm cho người dân.

Kể từ khi có Luật số 72, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật số 72. Sửa đổi Luật lần này xuất phát từ các yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, thực tiễn hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nảy sinh những vấn đề mới mà Luật số 72 chưa quy định.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, sự hình thành khối cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong khối ASEAN dẫn đến việc xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật số 72 như hình thức công dân xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp theo quy định của nước sở tại (Macao, Úc, Niu di-lân)…; hình thức thỏa thuận gửi và tiếp nhận lao động giữa các địa phương của Việt Nam với địa phương của một số quốc gia tiếp nhận lao động (Hàn Quốc, Trung Quốc)…, do vậy đã gặp một số khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành Luật và công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ hai, thực tiễn áp dụng Luật số 72 đã phát sinh một số vướng mắc, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Qua tổng kết thi hành Luật số 72, một số quy định phát sinh các vướng mắc như: điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (quy định điều kiện doanh nghiệp đáp ứng phương án về cán bộ, cơ sở vật chất khi cấp giấy phép, điều kiện về tài chính[1] chưa đảm bảo năng lực tài chính của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vụ việc phát sinh, điều kiện về người lãnh đạo điều hành còn mở và không hoàn toàn phù hợp); quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế; Luật số 72 quy định các tổ chức sự nghiệp được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng mới chỉ giới hạn là các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ, ngành, chưa quy định các tổ chức sự nghiệp thuộc các địa phương đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận của địa phương.

Thứ ba, một số quy định của Luật số 72 chưa đảm bảo sự đồng bộ với các Luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây.

Do được ban hành từ năm 2006, nên một số nội dung của Luật số 72 chưa đảm bảo phù hợp với các luật mới ban hành gần đây như: Bộ Luật lao động năm 2012 và đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ Luật dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, …

Thứ tư, một số quy định của Luật số 72 chưa đáp ứng được các yêu cầu mới về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh kinh tế xã hội và quan hệ quốc tế mới.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài là do Luật số 72 quy định doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Do đó, doanh nghiệp không có nhiều thời gian để tuyển chọn và đào tạo lao động theo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của đối tác. Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng lao động không đảm bảo (nếu đào tạo không đủ thời gian) hoặc mất cơ hội ký hợp đồng cung ứng lao động, mất đối tác, giảm tính cạnh tranh với doanh nghiệp cung ứng của các quốc gia khác (nếu đào tạo đủ thời gian theo yêu cầu quy định của Luật).

Thứ năm, Luật số 72 chưa quy định rõ về loại hình đối với Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, dẫn đến cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động và tổ chức bộ máy của Quỹ chưa được định hình rõ ràng. Bên cạnh đó, những nội dung chi hỗ trợ của Quỹ được quy định trong Luật số 72 mới chỉ mang tính chất giải quyết rủi ro, chưa hướng tới các hoạt động mang tính hỗ trợ thúc đẩy hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhiều hoạt động khác cần được hỗ trợ nhưng lại không có cơ sở để chi từ Quỹ (do chưa được quy định); các nội dung chi hỗ trợ của Quỹ mới chỉ được quy định rất giới hạn (chỉ chi cho các hoạt động mở rộng và phát triển thị trường, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho doanh nghiệp và người lao động), trong khi đó rất nhiều hoạt động khác (như xây dựng đường dây nóng hỗ trợ người lao động, thiết lập sàn giao dịch việc làm ngoài nước, phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức nhằm phòng ngừa rủi ro cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài) cũng cần được chi hỗ trợ, nhưng Luật số 72 chưa quy định, cũng dẫn đến việc Quỹ hoạt động chưa hiệu quả.

Thứ sáu, tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói riêng và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế vì mục đích việc làm nói chung để phù hợp với những tiến bộ mới về khoa học công nghệ, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

[1] vốn pháp định là 5 tỷ, tiền ký quỹ là 1 tỷ

II. Nội dung cơ bản Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020

Chiều 13-11, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với 450 đại biểu tán thành/454 đại biểu tham gia biểu quyết, đạt tỷ lệ 93,36% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

+ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 08 Chương và 74 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 31 điểm mới thuộc 08 nhóm nội dung lớn.

+ Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển ngành, nghề, công việc để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và sử dụng người lao động sau khi về nước phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

+ Luật cũng có quy định bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới.

Các quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được quy định rõ trong luật, như: quyền được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến người lao động; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, chế độ và quyền lợi khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật; Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế; Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài; Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký Hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc Hiệp định tránh đánh thuế hai lần…

+ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cũng nêu rõ nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như: Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động; đoàn kết với người lao động tại nước tiếp nhận lao động; Làm việc đúng nơi quy định, chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động và tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; Về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về nước theo quy định của Luật Cư trú trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh…

+ 17 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như nghiêm cấm lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật.Hỗ trợ người lao động hoặc trực tiếp làm thủ tục để người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này. Thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thu tiền môi giới của người lao động. Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này….

Decuongtuyentruyen.com sẽ tiếp tục cập nhật những nội dung chính và điểm mới của Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020, các bạn quan tâm theo dõi nhé.

Rubi

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

One comment

  1. Xin gửi cho tôi những nội dung chính và điểm mới của Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020, tiếp thep phần đã có ở trên.

    Trân trọng cám ơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *