Đề cương tuyên truyền Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022

Ngày 10 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023..

Decuongtuyentruyen.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 gồm có 2 phần: Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Phần 2. Những nội cơ bản và điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022

Thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hiện nay, các nội dung chủ yếu về thực hiện dân chủ ở cơ sở cơ bản được điều chỉnh tại 4 văn bản gồm:

(i) Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;

Đề cương tuyên truyền Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022
Đề cương tuyên truyền Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022

(ii) Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

(iii) Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; và

(iv) Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Các văn bản nêu trên đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước tại thời điểm ban hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị – xã hội ở nước ta.

Kết quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã góp phần xây dựng môi trường chính trị dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở mỗi địa phương và trên phạm vi cả nước. Thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập đã làm chuyển biến về ý thức, đạo đức, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với Nhân dân; vai trò của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được phát huy thông qua việc đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển của cơ quan và đơn vị. Thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp đã bảo đảm quyền của người lao động được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và được quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện đời sống của người lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thời gian qua, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, Đảng đã có nhiều chỉ đạo cụ thể liên quan đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và yêu cầu hoàn thiện thể chế về dân chủ ở cơ sở; Hiến pháp năm 2013 và các luật ban hành sau Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới liên quan đến quyền làm chủ và quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của Nhân dân. Đồng thời, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế như:

(i) một số hạn chế, vướng mắc tại Pháp lệnh 34

– Pháp lệnh thiếu những quy định cụ thể, minh bạch về thời hạn, cách thức công khai nên người dân không có khả năng tiếp cận đầy đủ thông tin để thực hiện quyền năng của mình. Ví dụ: pháp luật chỉ quy định về nội dung, hình thức công khai mà thiếu quy định đảm bảo tính minh bạch trong việc công khai của chính quyền cấp xã dẫn đến tình trạng, nhiều địa phương thực hiện việc công khai một cách “chiếu lệ” (tuy vẫn đúng nội dung cần công khai, đúng địa điểm phải công khai nhưng người dân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp thu tất cả nội dung văn bản được công khai, như việc dán thông báo có nhiều trang trên bảng thông báo có lưới bảo vệ…); các văn bản được niêm yết ở tổ dân phố, thôn, bản, ấp chưa được bảo quản và cập nhật kịp thời; nội dung một số khoản mục quyết toán thu, chi các loại quỹ đôi khi chưa đúng quy định; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri thành phần còn hạn chế, chủ yếu là cán bộ đảng viên, cán bộ chủ chốt tham dự; việc công khai quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất chưa nghiêm túc; việc niêm yết bộ thủ tục hành chính chưa được cụ thể hóa, chưa phân loại để nhân dân dễ tìm, dễ hiểu, dễ thấy để thực hiện.

– Phạm vi các vấn đề để Nhân dân quyết định còn tương đối hạn chế (gồm 2 nội dung: (i) chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và (ii) các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật). Ngoài ra, Pháp lệnh chưa quy định cụ thể chủ thể có quyền đề xuất các vấn đề đưa ra để Nhân dân quyết định. Trên thực tế, Nhân dân chủ yếu bàn và quyết định các nội dung do Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố đề xuất, do vậy chưa phát huy được vai trò của người dân và các chủ thể khác trong việc đề xuất những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp.

– Hương ước, quy ước được xây dựng theo phong trào, không có cơ chế giám sát thực hiện, ít có tác dụng thực tế trong điều chỉnh các quan hệ xã hội tại các cộng đồng dân cư cơ sở, nhất là vùng đô thị và nông thôn đồng bằng; xu hướng luật hóa hương ước đang diễn ra ngày càng phổ biến. Các quan hệ xã hội được điều chỉnh trong các hương ước, quy ước phần lớn đã được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật, thậm chí có quy định trái pháp luật. Giá trị điều chỉnh quan hệ xã hội của các hương ước tại các khu vực đồng bằng, đô thị còn mờ nhạt

(ii) Một số hạn chế thực hiện dân chủ ở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập

– Việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội được quy định tại nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau. Trong khi đó, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội có nhiều điểm tương đồng trong quản lý hành chính nội bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người lao động. Điều này tạo nên sự không đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện pháp luật về dân chủ trong cơ quan, đơn vị.

– Quy định về đối tượng thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập chưa bảo đảm tính bao quát; một số cơ quan mặc dù thực tế áp dụng Nghị định số 04/2015/NĐ-CP nhưng chưa được ghi nhận đầy đủ trong quy định của pháp luật như các cơ quan, đơn vị của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước…

– Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện dân chủ cơ sở ở một số địa phương, cơ quan còn hạn chế.

Liên hệ: trangtinphapluat2019@gmail.com hoặc zalo 0935634572 để tải bài giảng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

– Thời gian tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn chưa thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị. Vẫn còn tồn tại tình trạng một số cơ quan, đơn vị lồng ghép việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với tổng kết công đoàn đơn vị nên chưa dành nhiều thời gian để bàn bạc, trao đổi những vấn đề có liên quan đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Nội dung của Hội nghị chưa thực sự phong phú, chưa đi sâu vào đánh giá thực trạng việc thực hiện dân chủ, một số cán bộ, công chức chưa dám thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện quy chế dân chủ.

– Một số thông tin vẫn công khai chậm do mang tính nhạy cảm như thông tin về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị đã được kết luận; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Một số nội dung còn thực hiện mang tính hình thức như: bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật,

(iii) về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp (nơi làm việc)

– Nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ; chậm sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế phù hợp với những thay đổi của pháp luật.

– Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức hội nghị người lao động còn thấp (đạt khoảng 64%). Doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn gần như không tổ chức hội nghị người lao động theo quy định.

– Việc tổ chức hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định, nhất là việc công khai tài chính, các loại quỹ, công tác cán bộ…

(iv) Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân

  Về nhận thức và trình độ, năng lực

– Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền và Mặt trận địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân nên chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo cũng như theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hoạt động này. Công tác phối hợp còn thiếu đồng bộ; một số nơi, Ban Thanh tra nhân dân  hoạt động còn yếu nhưng chậm được kiện toàn củng cố.

– Uỷ ban MTTQ các cấp, nhất là cấp xã một số nơi chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, chưa thực sự coi trọng và sử dụng Thanh tra nhân dân như một công cụ giám sát của nhân dân. Công tác thi đua khen thưởng, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác này chưa được làm thường xuyên, kịp thời do đó chưa khuyến khích sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình từ thành viên Ban Thanh tra nhân dân

– Ở một số nơi, Ban Thanh tra nhân dân chưa chủ động xây dựng chương trình hoạt động hàng năm, chế độ sinh hoạt tháng, quý chưa được duy trì thường xuyên nên không nắm bắt được những ý kiến, kiến nghị của nhân dân kịp thời.

– Uỷ ban MTTQ ở một số nơi còn tham gia chưa thường xuyên và chưa chủ động phối hợp với chính quyền trong việc xử lý những kiến nghị của Ban TTND, do vậy chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc trong nhân dân dẫn đến vẫn còn một số đơn thư kéo dài, vượt cấp.

– Các thành viên trong Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đều kiêm nhiệm và nhiều áp lực công tác chuyên môn nên chưa phát huy hết vai trò của mình. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực và kiến thức pháp luật của Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế; tâm lý ngại va chạm; do kiêm nhiệm cả chức vụ chuyên môn nên khó giữ được tính độc lập, khách quan trong việc giám sát, kiểm tra hoạt động điều hành, quản lý của cơ quan, đơn vị… Chế độ phụ cấp, kinh phí hỗ trợ và điều kiện hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động.

– Nội dung giám sát của Thanh tra nhân dân là một lĩnh vực phức tạp, khó khăn đòi hỏi người giám sát phải có trình độ chuyên môn sâu. Thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng không bảo đảm chuyên môn nghiệp vụ, nhất là một số lĩnh vực cần có kiến thức chuyên ngành như đầu tư xây dựng cơ bản, điện lực, thi công đường giao thông nông thôn,…

– Công tác tuyên truyền, phổ biến về việc giám sát của nhân dân, giám sát của cộng đồng cho các chủ thể có liên quan như chính quyền địa phương, cán bộ Mặt trận, chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình… ở một số nơi còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời.

  Về thể chế, chính sách

– Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân còn thấp, không đủ để Ban Thanh tra nhân dân hoạt động, ở một số nơi mức kinh phí này cũng chưa đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Mặt khác, việc để cấp xã cấp kinh phí tùy theo ngân sách của cấp xã như hiện nay là một trở ngại lớn cho hoạt động giám sát. Cần có thêm một khoản phụ cấp cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân để tăng thêm trách nhiệm của các thành viên.

– Cần có sự phân công cụ thể công tác bồi dưỡng, tập hấn nghiệp vụ Thanh tra nhân dân. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các ngành Thanh tra, Kế hoạch và Đầu tư.

– Quy định về số lượng thành viên ban Thanh tra nhân dân tối đa là 11 người chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, vì thực trạng hiện nay có nhiều xã, phường, thị trấn có đến 15-20 thôn, tổ dân phố, khu dân cư… nên rất khó phân công nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng quy định là 02 năm là quá ngắn, không ổn định, biến động, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

 Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở nêu trên thì việc nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết.

Phần 2. Những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022

Ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, kết quả như sau: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91.37% tổng số ĐBQH), trong đó có 443 đại biểu tán thành (bằng 88.96% tổng số ĐBQH); có 07 đại biểu không tán thành (bằng 1.41% tổng số ĐBQH); có 05 đại biểu không biểu quyết (bằng 1.00% tổng số ĐBQH). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 6 Chương, 91 Điều, đây là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV.

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động (trong đó quy định về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có những nội dung, chính sách mới cơ bản sau:

  1. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bao gồm 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

Điểm mới của mục này, gồm: (i) Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; (ii) Quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; (iii) Quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.

  1. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

– Những nội dung công khai để Nhân dân biết: Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình cơ sở theo hướng cập nhật, bổ sung các quy định tương ứng trong các luật chuyên ngành như: Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản pháp luật liên quan; bổ sung những quy định cụ thể khác nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công khai thông tin. Cụ thể, bổ sung quy định lựa chọn hình thức công khai thông tin (Điều 13); trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc công khai thông tin (Điều 14); bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và của cơ quan, đơn vị trong việc công khai thông tin (Điều 48); bổ sung quy định về thời gian công khai (Điều 65); quy định về trách nhiệm của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động trong việc công khai thông tin (Điều 66).

– Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định:

Ở cộng đồng dân cư: Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định những nội dung quy định tại Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bằng một trong các hình thức sau: (i) Tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố với thành phần tham dự gồm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, ban công tác Mặt trận Tổ quốc thôn, tổ dân phố, đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố (Điều 18); (ii) Phát phiếu biểu quyết, lấy ý kiến tới từng hộ gia đình (Điều 19); (iii) Trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức toàn thể cử tri trên địa bàn, quyết định về một số nội dung cụ thể thì thực hiện theo quy định đó (Điều 17). Về tỷ lệ đồng thuận để quyết định của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã phân định rõ một số trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư (nhất là các quyết định liên quan đến các khoản đóng góp…) được thông qua khi có 2/3 trở lên hoặc trên 50% tổng số hộ gia đình tán thành để tăng tính đồng thuận trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hiệu lực thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư có khả năng thực hiện trên thực tế (Điều 21).

Tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động: Bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị (Điều 49) và các nội dung người lao động bàn, quyết định trong thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (Điều 67). Các nội dung này được bàn và quyết định tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc hội nghị người lao động. Trường hợp không thể tổ chức hội nghị thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, sau khi đã thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị hoặc người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể người lao động trong tổ chức sau khi đã thống nhất với ban đại diện của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở (Điều 68).

– Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến: Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức Nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan; đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, tập thể Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong việc tổ chức thực hiện để Nhân dân tham gia ý kiến (Điều 28), trách nhiệm tham gia của Nhân dân (Điều 29); trách nhiệm của người đứng đầu của công đoàn cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 55); việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (Điều 73); trách nhiệm của tổ chức có sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, công đoàn viên, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 74).

– Những nội dung Nhân dân kiểm tra, giám sát: Nội dung, hình thức Nhân dân kiểm tra, giám sát để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, người dân kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các nội dung mà Nhân dân đã bàn, quyết định và thực hiện giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Điều 30), của người đứng đầu, ban lãnh đạo, người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị (Điều 56) và của tổ chức có sử dụng lao động, người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành và những người có thẩm quyền khác của tổ chức có sử dụng lao động (Điều 75). Công dân có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua các hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động… hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (ở xã, phường, thị trấn); thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện (đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân), qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội mà mình là thành viên cũng như các tổ chức tự quản khác tại cơ sở (các Điều 31, Điều 57, Điều 76).

– Những nội dung người dân thụ hưởng: Theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, người dân được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật và quy định khác của pháp luật có liên quan; được thông tin đầy đủ về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định (nếu có) của chính quyền địa phương mà mình được hưởng; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội, chế độ an sinh xã hội và sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương và ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống; thành quả đổi mới, phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động nơi làm việc; được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.

  1. Cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thể chế hóa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội “làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban công tác Mặt trận Tổ quốc ở thôn, tổ dân phố, vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt (các Điều 23, Điều 28, Điều 40, Điều 45, Điều 52, Điều 55, Điều 63, Điều 70, Điều 78, Điều 82); bổ sung các quy định về trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 24, Điều 29); quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9) và việc xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 10) nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

– Việc thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn có một số điểm mới như:

(i) Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; (ii) Đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật, thông qua mạng xã hội…; (iii) Mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; (iv) Quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản của cộng đồng dân cư; thay đổi thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố từ Ủy ban nhân dân cấp huyện sang Ủy ban nhân dân cấp xã; (v) Bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành; (vi) Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra và Nhân dân giám sát.

– Việc thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị có một số điểm mới như: (i) Bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; (ii) Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục cán bộ, công chức, viên chức kiểm tra và giám sát; (iii ) Bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

– Việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp có một số điểm mới như: (i) Bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại doanh nghiệp[1]; (ii) Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát; (iii) Bổ sung một số nội dung hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,…).

– Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở có một số điểm mới như: (i) Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; (ii) Quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; (iii) Quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; (iv) Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở; (v) Quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; (vi) Quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nói riêng; trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

– Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong Luật, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhằm khắc phục hạn chế của các Ban này trước đây và phát huy tốt vị trí, vai trò của các Ban này trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

[1]Theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì quỹ xã hội, quỹ từ thiện là các tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định. Do vậy, việc bổ sung quy định người lao động được quyết định “mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp” là phù hợp với tính chất hoạt động và quy định của pháp luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với nội dung Nhân dân bàn và quyết định. Mặt khác, việc người lao động đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại doanh nghiệp đã được thực hiện trên cơ sở Hướng dẫn số 1360/HD-TLĐ ngày 28/8/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn công đoàn tham gia và thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc.

Decuongtuyentruyen.com sẽ tiếp tục cập nhật những nội dung chính và điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở trong thời gian sớm nhất. Các bạn theo dõi thường xuyên để biết thông tin nhé.

Rubi

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *