Quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới

Decuongtuyentruyen.com tổng hợp giới thiệu tới bạn đọc các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của thế giới và Việt Nam.

I. Hệ thống các Công ước và các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã thành viên

1.1.  Công ước về quyền dân sự và chính trị

Tuyên bố chung của Liên Hợp quốc về nhân quyền (thông qua ngày 10/12/1948) công nhận rằng tất cả mọi người sinh ra tự do, bình đẳng về phẩm giá và vì thế mọi người đều được hưởng các quyền và tự do, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh hoặc các tình trạng khác. Không thể vì lý do một cá nhân nào đó có đặc điểm khác biệt mà phải chịu hành vi bạo lực từ người hoặc nhóm người khác. Đây là một văn bản pháp lý toàn diện và quan trọng mang tính nguyên tắc chung về quyền con người, là văn kiện gốc làm nền tảng cho sự bình đẳng giữa con người với con người nói chung và bình đẳng giới nói riêng.

Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị được thông qua bởi Nghị quyết số 2200A (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, có hiệu lực từ ngày 23/03/1976 quy định rằng tất cả loài người đều có quyền được sống và vì thế không ai có quyền tùy tiện tước đoạt quyền được sống của họ và còn thừa nhận thêm về quyền của nam giới và phụ nữ đến tuổi kết hôn được kết hôn và xây dựng gia đình mà không có hôn nhân nào được xây dựng mà không có tự do và sự tự nguyện đầy đủ của những người được kết hôn.

kỹ năng tư vấn pháp luật về bạo lực gia đình
Quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới

Các quốc gia thành viên Công ước này cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đã quy định (Điều 3 Công ước)

1.2.  Công ước chống tra tấn và cách đối xử hoặc trừng phạt độc ác, vô nhân đạo hoặc hèn hạ khác

Công ước chống tra tấn và cách đối xử hoặc trừng phạt độc ác, vô nhân đạo hoặc hèn hạ khác (1984) quy định rằng các quốc gia có nghĩa vụ phòng ngừa tra tấn được thực hiện bởi những hành vi cá nhân. Tra tấn là những đau đớn nghiêm trọng về tinh thần và thể chất được thực hiện một cách cố ý bởi những người của Chính phủ hoặc sự thừa nhận, đồng ý của người thuộc Chính phủ cho mục đích trái pháp luật.

1.3.  Công ước Chống mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW)

CEDAW là một Công ước toàn diện nhất về quyền con người của người phụ nữ. Nội dung công ước quy định sự bình đẳng giữa nam và nữ về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa.

1.4.  Tuyên bố của Liên hợp quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ

Tuyên bố của Liên hợp quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ được Liên hơp quốc thông qua ngày 20/12/1993. Tuyên bố đưa ra một định nghĩa rõ ràng và toàn diện về bạo lực đối với phụ nữ. Đồng thời, Tuyên bố cũng nêu rõ trách nhiệm của các quốc gia để đảm bảo xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ.

1.5.  Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em

Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 20/11/1989 và có hiệu lực từ ngày 02//9/1990.

Nội dung Công ước đề cập toàn diện các quyền cơ bản mà trẻ em trên thế giới phải được bảo đảm như: quyền được sống, được phát triển, quyền được chăm sóc và bảo vệ; quyền được tham gia trong cuộc sống gia đình, văn hóa, xã hội. Bốn nguyên tắc cốt lõi của Công ước là không phân biệt đối xử; quan tâm đến lợi ích tốt nhất của trẻ; quyền sống, tồn tại và phát triển; tôn trọng quan điểm của trẻ. Đặc biệt,theo quy định của Công ước này thì trẻ em không bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện. Đây là những quy định quan trọng nhằm bảo vệ trẻ em trước mọi nguy cơ bị xâm hại, bảo vệ những quyền mà trẻ em được hưởng.

1.6.  Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)

Liên Hợp Quốc đề ra các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để thay thế cho Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) hết hạn năm 2015. SDGs được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng. Các mục tiêu này được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2030 với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu. Đáng chú ý là vấn đề “bình đẳng giới’’ là mục tiêu số 5 trong số 17 mục tiêu bảo đảm cho phát triển bền vững. Đây là một trong những nội dung quan trọng thể hiện Liên hợp quốc rất quan tâm đến việc bình đẳng giữa nam và nữ, để tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả mọi người trong xã hội có cơ hội và điều kiện phát triển trong môi trường công bằng nhất.

II. Quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

Khung pháp lý về phòng, chống bạo lực giới gồm:

2.1   Khung pháp lý thúc đẩy bình đẳng giới

2.1.1 Hiến pháp năm 2013:

–       Hiến pháp quy định: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

–       Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

–       Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác…; Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

–       Hiến pháp quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

–       Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. (Điều 19)

–       Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. (Điều 20)

–       Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

–       Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

–       Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

–       Điều 26 quy định công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

–       Hiến pháp quy định rằng: Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác. (Điều 30)

2.1.2.   Luật bình đẳng giới, 2006

–       Luật Bình đẳng giới quy định nam, nữ bình đẳng với nhau trong mọi lĩnh vực và nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.

–       Điều 10 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm: Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới; Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; Bạo lực trên cơ sở giới;. Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Việc quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm thể hiện mục đích phòng ngừa bạo lực giới và hành vi bạo lực giới xảy ra cần được xử lý nghiêm minh theo các văn bản pháp luật tương ứng khác như về hành chính hay hình sự.

–       Điều 18 quy định chi tiết về bình đẳng giới trong gia đình, cụ thể: vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình, mỗi người đều có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

–       Điều 41 quy định việc đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính là vi phạm pháp luật. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 42).

2.1.3 Luật hôn nhân và gia đình, 2014

–       Luật Hôn nhân và gia đình quy định các hành vi cấm tại Khoản 2 – Điều 5 gồm:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ)  Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

–       Luật còn quy định: Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. (Khoản 3 – Điều 5)

2.1.4 Bộ luật dân sự, 2015:

Bộ luật dân sự quy định nạn nhân bạo lực giới có quyền được đòi bồi thường thiệt hại. Thiệt hại bao gồm: thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và tài sản thường. Việc bồi thường thiệt hại không chỉ có tác dụng đòi lại quyền lợi cho nạn nhân bị bạo lực giới mà còn có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa các hành vi bạo lực giới tiếp diễn.

Những vấn đề quy định về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, phân chia tài sản khi ly hôn. Đây là những căn cứ pháp lý rất quan trọng để các nạn nhân bị bạo lực gia đình có thể biết cách bảo vệ quyền của mình ngay từ khi kết hôn và cả quá trình chung sống, khi xảy ra các hành vi bạo lực gia đình.

2.1.5 Một số văn bản dưới luật

–       Nghị định số 08/2009/NĐ-CP

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Phòng, chống BLGĐ quy định các biện pháp khuyến khích các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình:

     Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình hoặc các mô hình khác về phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa như đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo quy định hiện hành.

     Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, sáng tác, công bố, phổ biến đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị và chất lượng cao về phòng, chống bạo lực gia đình .

     Chính sách đối với người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình (được khen thưởng, bồi thường thiệt hại, nếu bị chết thì được công nhận là liệt sỹ, nếu bị suy giảm khả năng lao động trên 21% thì được xem xét hưởng chính sách như thương binh).

–       Thông tư số 23/2011/TT-BVHTTDL

Quy định thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Nội dung Thông tư xác định mục đích là thu thập thông tin cơ bản, chính xác về thực trạng gia đình và biến động qua từng thời kỳ, làm cơ sở hoạch định chính sách phục vụ quản lý nhà nước về gia đình, làm cơ sở để xác định phương hướng, giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình; xác định những đối tượng phải thu thập thông tin (bao gồm tất cả các vụ việc BLGD được phát hiện, được xử lý trên địa bàn, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi cả nước; nội dung thu thập thông tin và xử lý những thông tin thu thập được.

–       Thông tư 24/2011/TT-BVHTTDL

        Quy định cụ thể các nguyên tắc khen thưởng, hình thức khen thưởng (Giấy khen; Bằng khen; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Huy hương; Huân chương); điều kiện khen thưởng cá nhân, tập thể tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; thẩm quyền khen thưởng; đối tượng, điều kiện, cơ quan hoàn trả thiệt hại về giá trị tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình;

–       Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BGDĐT-BVHTTDL-BLĐTBXH- BCA

          Hướng dẫn thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

     Các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm giáo dục chuyển đổi hành vi nêu tại Thông tư.

     Thông tư quy định nội dung giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Hình thức giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Công an.

2.2   Khung pháp lý để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới

Các quy định về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới nằm ở một số văn bản pháp lý khác nhau, như: Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật trẻ em; Luật phòng, chống mua bán người. Trong đó, Luật phòng, chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân các vụ việc bạo lực gia đình, một dạng BLTCSG điển hình và phổ biến ở Việt Nam.

2.2.1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình, 2007

–       Luật phòng, chống BLGĐ quy định một số nguyên tắc và biện pháp phòng, chống BLGĐ và vai trò, trách nhiệm của một số cơ quan và tổ chức trong phòng, chống BLGĐ.

–       Luật quy định các biện pháp toàn diện liên quan đến việc cung cấp thông tin, truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về chủ đề này và nâng cao sự hiểu biết to lớn trong cộng đồng về BLGĐ.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007 đã nêu rõ sự cần thiết phòng chống bạo lực trong gia đình và đưa ra các biện pháp mang tính phòng ngừa, hỗ trợ. Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định cụ thể về những hành vi bạo lực gia đình, trên cơ sở đó trong Nghị định 110/2009/NĐ-CP và Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định các hành vi và hình thức phạt hành chính trong lĩnh vực này.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định những vấn đề cơ bản sau:

  1. Các hành vi bạo lực gia đình
  2. Thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình
  3. Xử lý người có hành vi bạo lực gia đình
  4. Bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình
  5. Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình
  6. Phát hiện báo tin về bạo lực gia đình
  7. Các biện pháp tư vấn, hòa giải

2.2.2 Luật trợ giúp pháp lý

Luật trợ giúp pháp lý 2017 quy định những vấn đề về trợ giúp pháp lý trong đó có các quy định đến trợ giúp pháp lý nói chung, cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán nói riêng:

–       Tại Điều 7 quy định về người được trợ giúp pháp lý bao gồm:

  1. Người có công với cách mạng.
  2. Người thuộc hộ nghèo.
  3. Trẻ em.
  4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
  5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
  6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
  7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

b) Người nhiễm chất độc da cam;

c) Người cao tuổi;

d) Người khuyết tật;

đ)  Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự

e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình

g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người

h) Người nhiễm HIV.

Trong Luật trợ giúp pháp lý cũng quy định chi tiết về trình tự thủ tục, trách nhiệm của các bên, giải quyết tranh chấp… trong quá trình trợ giúp pháp lý.

2.2.3 Luật trẻ em, năm 2016

Luật Trẻ em năm 2016 quy định nhiều nội dung liên quan về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, trong đó quy định mang tính chất phòng ngừa Bạo lực giới, một số hành vi bị nghiêm cấm v.v.

2.2.4 Các nghị định, thông tư có liên quan hướng dẫn thực hiện phòng, chống bạo lực giới

–       NĐ 08/2009/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết một số quy định của Luật về chính sách của Nhà nước về phòng, chống BLGĐ; tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng; biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã; cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ

–       Nghị định 08/2009/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số quy định của Luật về tư vấn và phổ biến thông tin; góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã; và các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ.

–       NĐ 167/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ

–       Nghị định 167 quy định chi tiết các mức xử phạt cho 9 hành vi BLGĐ được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật phòng, chống BLGĐ cũng như các hành vi vi phạm khác.

–       Thông tư 02/2010/TT-BVHTTDL

Quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn, chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình;

–       Thông tư 23/2014/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình;

–       Thông tư liên tịch 143/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL

Quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập.

–       Thông tư 16/2009/TT-BYT ngày 22/9/2009 của Bộ Y tế

Hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Để chăm sóc ban đầu cho nạn nhân BLGD có cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình. Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm:

     Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

     Cơ sở bảo trợ xã hội;

     Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;

     Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình;

     Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

–       Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT – VKSNDTC – TANDTC – BCA – BTP – BLĐTBXH ngày 21/12/2018, do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – thương binh & xã hội, quy định về việc phối hợp thực hiện thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (bao gồm cả trẻ em);

–       Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 – 2022 số 11/ CTPH – TWHPNVN – BCA – VKSNDTC – TANDTC ngày 26/2/2019 của Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao…

2.2.5 Bộ Luật Lao động

Bộ Luật Lao động dành 1 phần quy định riêng lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới. Trong đó có chính sách cơ bản như:

–       Nhà nước có chính sách: Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà. Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

–       Quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động: Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc. Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.

2.3   Khung pháp lý xử lý hành vi bạo lực giới 

2.3.1 Pháp luật về xử lý hành chính

Pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi bạo lực giới – quy định các mức xử phạt đối với người có hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải xử lý vi phạm hành chính.

Đó là những hành vi được quy định ở các văn bản pháp luật như: NĐ167/2013/NĐ-CP, NĐ 08, Luật phòng, chống Bạo lực gia đình (Điều 43), Luật Hôn nhân và Gia đình (liên quan tới ngược đãi thành viên gia đình), Luật Bình đẳng giới (liên quan tới đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình).

–       Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định rõ các trường hợp xử lý vi phạm hành chính đối với 9 hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật phòng, chống bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm theo quy định của các điều khác trong Luật; đối với các hành vi bạo lực giới không thuộc nhóm hành vi bạo lực gia đình thì tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

–       Liên quan đến vi phạm quyết định cấm tiếp xúc: Nghị định 08 quy định rằng người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính nếu có đơn đề nghị của nạn nhân bạo lực gia đình và người vi phạm quyết định cấm tiếp xúc đã bị cơ quan có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm.

–       Liên quan đến người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình: Điều 43 của Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

–       Liên quan đến ngược đãi thành viên trong gia đình: Luật Hôn nhân và Gia đình quy định việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên trong gia đình.

–       Liên quan đến đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình: Luật Bình đẳng Giới quy định rằng hành vi đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính là vi phạm bị xử lý hành chính.

Có nhiều hình thức xử phạt hành chính có thể áp dụng. Khi quyết định xử phạt, người hoặc cơ quan có thẩm quyền cần xem xét những lần xử phạt trước đó, sự thường xuyên có hành vi bạo lực giới và mức độ tổn thương đến nạn nhân.

2.3.2 . Pháp luật liên quan đến xử lý hình sự

Bộ Luật hình sự, quy định một số tội liên quan đến bạo lực giới đối với phụ nữ, trẻ em gái. Trong đó, một số tội danh phổ biến liên quan đến bạo lực giới là:

–       Điều 133: Tội đe doạ giết người;

–       Điều 134: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

–       Điều 138: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

–       Điều 141: Tội hiếp dâm;

–       Điều 142: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi;

–       Điều 143: Tội cưỡng dâm;

–       Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

–       Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

–       Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi;

–       Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm;

–       Điều 150. Tội mua bán người;

–       Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi;

–       Điều 155: Tội làm nhục người khác;

–       Điều 157: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật;

–       Điều 158: Tội xâm phạm chỗ ở của người khác;

–       Điều 164. Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác;

–       Điều 165: Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới;

–       Điều 166: Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo;

–       Điều 178: Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản;

–       Điều 181: Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Những tội danh quy định trong Bộ luật hình sự nêu trên được xác định là có thể liên quan trực tiếp đến các hành vi bạo lực giới.

2.3.3 . Pháp luật về hòa giải

Luật Hòa giải quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trong đó quy định cụ thể:

–       Phạm vi hòa giải là các vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính

–       Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở (Điều 4): “

  1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.
  2. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.
  3. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.
  4. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
  5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
  6. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.”

–       Nghĩa vụ của hòa giải viên (Đ.10): “

  1. Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật này.
  2. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật này.
  3. Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
  4. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.
  5. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.”

–       Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải (Đ.17): “

  1. Lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải.
  2. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.
  3. Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai.
  4. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.
  5. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.
  6. Tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan.
  7. Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.”

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *