Tình huống và kỹ năng tư vấn pháp luật về bạo lực gia đình

Decuongtuyentruyen.com tổng hợp, giới thiệu các tình huống và thực hành kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Các tình huống được trích dẫn trong tập Tài liệu tập huấn “Kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính” và “Kỹ năng trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình” do Bộ Tư pháp phát hành.

1. Tình huống 1

Chị X cho biết, vào năm 2003 có kết hôn với anh G. và 2 người có con chung là cháu P. và T. Tuy nhiên, năm 2013, vợ chồng anh G. ly thân và 2 đứa con được bố nuôi dưỡng. Thời gian sống với bố, 2 cháu được cho là bị bố bạo hành dã man. G. đánh con lần này không phải là lần đầu, giờ này năm ngoái chị X cũng đã báo chính quyền địa phương. Nghe tin hai con bị bố bạo hành, chị X đã bỏ hết công ăn việc làm để đến nhà bố mẹ G. để gặp 2 con. Do trước đó hay bị G. đánh đập nên khi về nhà bố mẹ G. ở quê, chị X có nhờ một số người em đi cùng. Tuy nhiên, khi vừa vào đến cổng thì người nhà không cho vào và họ gọi công an xã đến. Chị X đề nghị công an mời cả bố mẹ chồng chị X lên làm việc nhưng sau đó không thấy họ có mặt. Đến giờ này, chị X cũng không biết tình hình sức khỏe của con gái như thế nào. Lúc đứng ở cổng, chị X có nhìn thấy bóng của con trai, còn con gái thì không thấy đâu…”, chị X. cho biết.

kỹ năng tư vấn pháp luật về bạo lực gia đình
kỹ năng tư vấn pháp luật về bạo lực gia đình

Việc đánh đập các con không chỉ dừng lại ở “thương cho roi cho vọt” mà G. thường có những hành vi như túm tóc, trói chân tay con gái để đánh bằng roi da, ống sắt, có khi còn đập đầu các cháu vào tường. “Tôi chưa từng thấy ai đánh con dã man đến thế. Anh ta đánh con bằng những hình thức như đấm, đá, tát, đập đầu vào tường, dùng gậy sắt vụt đến cong cả gậy. Ở phòng bên, tôi vẫn nghe rõ những tiếng đạp con cùng tiếng gào khóc của 2 đứa trẻ. Tôi thấy bất bình, nên sang can ngăn thì anh ta bảo, tôi đang dạy dỗ cháu”, anh N.Q.T, hàng xóm kể lại.). Qua thông tin từ những người dân sinh sống ở xóm trọ của anh G. cũng khẳng định, anh G. thường xuyên đánh đập các con dã man

Qua lời khuyên của bạn bè, chị X tìm đến Trung tâm TGPL, Với tư cách là người thực hiện TGPL được Trung tâm cử, Anh/Chị tư vấn cho chị X phải làm những gì để có thể bảo vệ 2 cháu P và T một cách tốt nhất?

 2. Tình huống 2

Chị Hoa, 37 tuổi công tác tại một cơ quan nhà nước. Chồng chị từng mắc tội tham ô và phải đi tù vài năm. Kể từ khi chồng ra tù về, chị Hoa thấy cuộc sống của mình như địa ngục. Mỗi khi đêm về, người chồng như một tên đao phủ, xé nát quần áo rồi đè nghiến chị xuống đất, vừa đánh đập tàn bạo vừa chửi bới. Có lần, khi chị đang họp, anh ta còn tìm tới tận cơ quan, lột quần áo và hiếp vợ trước mặt tất cả mọi người. Tủi nhục, chị Hoa đã phải xin nghỉ việc.Chưa hết, chị có thể bị chồng bắt quan hệ bất cứ khi nào, ở đâu, kể cả trước mặt con cái, hàng xóm. Không ít lần, trong lúc gần vợ, anh ta đã đánh, hay dùng nhiều hình thức tra tấn đến nỗi chị bị ngất luôn tại chỗ và không thể đi lại được sau đó. Sau một thời gian, quá khiếp đảm, chị đã bỏ trốn và tìm đến tổ chức trợ giúp pháp lý.

Là người thực hiện TGPL được Trung tâm cử, Anh/Chị hãy thực hiện các kỹ năng để tư vấn pháp luật cho chị Hoa? Giả sử, vụ án được khởi tố thì anh/chị sẽ làm công việc gì tiếp theo để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Chị Hoa?

3.  Tình huống 3

Chị Anh, là giảng viên một trường cao đẳng trên địa bàn thành phố, là vợ của một doanh nhân thành đạt, giỏi giang, là mẹ của hai cô con gái xinh đẹp. Chị nói, anh hoàn hảo và tận tụy, hóm hỉnh, đầy nhiệt huyết dù đã ở độ tuổi xế chiều. Hai con chị, từng nói với bạn bè rằng sẽ tìm một người giống như ba để lấy làm chồng. Chị Anh phúc và tự hào nhiều về điều đó. Thời gian gần đây, chị để ý anh hay cầm điện thoại, thường xuyên vào Facebook, quần áo gọn gàng và nhiều màu sắc hơn. Anh chăm tập thể dục, siêng xịt nước hoa lên người mỗi khi ra khỏi nhà. Sự nhạy cảm của người phụ nữ mách bảo chị rằng anh có điều gì đó khác lạ, nhưng vẫn luôn tin tưởng vào chồng mình. Mãi đến một tối muộn, chồng chị về nhà trong hơi men và mở điện thoại soạn tin nhắn có nội dung: “Anh yêu em và tình yêu đó không có gì ngăn cản được…”. Khi đó, chị đang đứng sau lưng chồng và nhìn thấy, chỉ kịp kêu lên một tiếng hoảng hốt thì anh đã cầm điện thoại chạy sang phòng khác, đóng sầm cửa lại.  Đêm ấy chị thức tới sáng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với gia đình mình. Những ngày sau đó, chị dằn vặt, tra hỏi, trách móc anh đến nỗi bản thân kiệt sức, phải nhập viện 2 tuần. Thời gian chị bệnh, anh lặng lẽ chăm sóc chị, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến người thứ 3 trong bất kỳ cuộc trao đổi nào. Mỗi khi chị ở tầng 1, thì anh lên tầng 2, chị lên tầng 2, anh lại vòng xuống tầng 1, tránh mọi cuộc nói chuyện. Mỗi lần chị đề cập chuyện anh có bồ, chồng chỉ nhắn vào máy chị một câu: “Em đừng tra tấn anh nữa” làm chị như phát điên. Chị kể, anh hoàn toàn im lặng không một lời giải thích và điều đó thật sự khủng khiếp đối với chị bởi nó như nỗi đau âm ỉ, bào mòn tinh thần, thể xác chị mỗi đêm; “Điều tôi tin chắc là nếu già néo đứt dây, thì chồng sẽ xách va-li ra khỏi nhà cùng người đàn bà đó. Căng không được, nhẹ nhàng cũng chẳng xong, rốt cuộc tôi không biết mình phải làm như thế nào nữa”.

Cuối cùng, chị đành chọn cách ly hôn. Là người thực hiện TGPL được Trung tâm cử, Anh/Chị quan tâm đến nội dung gì để tư vấn cho Chị Anh? Và anh/chị sẽ thực hiện những kỹ năng tư vấn pháp luật nào để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho chị Anh.

4. Những việc nên làm, không nên làm khi thực hiện TGPL cho nạn nhân BLGĐ

NÊN LÀM

KHÔNG NÊN LÀM

CƠ BẢN

– Cung cấp thông tin đầy đủ;

– Hướng dẫn, giải đáp những câu hỏi một cách hợp lý, rõ ràng; luôn nghe và trả lời các cuộc điện thoại của nạn nhân;

– Đúng hẹn, khi có sự thay đổi thì phải thông tin cho họ biết.

– Khi nhận thấy quyền của nạn nhân BLGĐ bị vi phạm, cần phải có những biện pháp kịp thời để bảo vệ họ.

– Đòi hỏi tiền hoặc bất cứ lợi ích vật chất nào của người được trợ giúp pháp lý dưới bất cứ hình thức nào;

– Hứa hẹn về kết quả của trợ giúp pháp lý; làm sai lệch hồ sơ, giả mạo tài liệu;

– Trình bày sai sự thật, che dấu sự thật quan trọng đối với người được trợ giúp pháp lý với động cơ không trung thực; hoặc tạo điều kiện cho phép bất kỳ ai có hành vi gian lận, không trung thực hoặc thiếu hợp tác người được trợ giúp pháp lý;

– Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người được trợ giúp pháp lý để trục lợi cho bản thân;   

+ Sử dụng ngôn ngữ: Không nên quá nghiêm trang mà lựa chọn ngôn ngữ dễ hiểu, dân dã, thân thiện, nếu thấy thoải mái thì có thể hài hước

+ Thể hiện điệu bộ cử chỉ: Nhìn thẳng, ánh mắt thân thiện, khoảng cách với người được TGPL ở vị trí vừa phải;

– Hãy cho họ hiểu rằng họ cũng có thể được TGPL như những người khác và không có sự phân biệt;

– Bạn sẽ lựa chọn nơi tiếp nhận mà chỉ có bạn và người được TGPL nghe được câu chuyện;

– Hãy cho họ biết, những thông tin họ nói, được ghi chép lại sẽ được bảo mật  an toàn.

– Lắng nghe: Nhìn vào người nói, sử dụng cử chỉ hoặc từ ngữ thể hiện mình đang nghe (ví dụ: gật đầu, ừ, à,…),

– Đặt câu hỏi: Hãy đặt câu hỏi với các cụm từ: Ai? Cái gì? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào? Để làm rõ các vấn đề;

– Cần giải thích, hướng dẫn chi tiết, cụ thể để giảm tối đa trường hợp người chưa thành niên phải đi lại nhiều lần để yêu cầu TGPL;

– Khi phân công người thực hiện TGPL: Dành quyền lựa chọn cho nạn nhân BLGĐ, BLTD;

– Sử dụng ngôn từ: tránh để họ cảm thấy xa cách; không nên bỗ bã, suồng sã;

– Khoảng cách với người được TGPL không nên gần quá, không nên xa quá.

– Lắng nghe: không ngắt lời khi họ đang nói, ghi lại những điều muốn làm rõ để hỏi sau;

 

* Xây dựng kế hoạch thực hiện

– Xác định các việc cần làm: giúp nạn nhân soạn thảo đơn, từ,…

– Đi đâu, thời gian nào, gặp gỡ cơ quan, tổ chức nào;

– Mục đích của từng công việc thực hiện là gì?

– Giữ liên hệ thường xuyên với họ trong quá trình thực hiện vụ việc;

– Thông tin kịp thời cho nạn nhân BLGĐ, BLTD về kế hoạch thực hiện toàn bộ quá trình thực hiện;

– Tôn trọng quan điểm của họ, không đánh giá, phê phán những quan điểm của họ; cùng với họ bàn bạc cách thức xử lý, khắc phục các vấn đề đặt ra

– Cần phải lập sẵn các địa chỉ cần kết nối gồm: Y tế, tư vấn tâm lý, công an,…

– Chia sẻ với Nạn nhân BLGĐ, BLTD về việc kết nối với các dịch vụ khác khi cần thiết;

– Sau khi Nạn nhân BLGĐ, BLTD đồng ý thì lên lịch và liên hệ với các cơ sở trên để cùng với Nạn nhân BLGĐ, BLTD tiếp cận với các dịch vụ đó;

– Hướng dẫn Nạn nhân BLGĐ, BLTD các thông tin cần chuẩn bị khi tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ đó.

– Khi tiếp xúc ban đầu:

+ Lắng nghe và chia sẻ với họ với thái độ chân thực, chân thành, chia sẻ;

+ Đưa ra tư vấn phù hợp với hoàn cảnh, chân thực trong việc lý giải các sự kiện, tìm hiểu nguyên nhân, các yếu tố và các quy định pháp luật tác động, điều chỉnh hành vi.

+ Giải đáp những thắc mắc của họ; cách thức liên lạc cho các lần gặp tiếp theo, v.v

 
Trong tư vấn pháp luật
– Cần giúp họ giải toả những vướng mắc về mặt tâm lý, để họ thấy rằng pháp luật chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi người, có như thế mới duy trì được sự công bằng của luật pháp;

– Giúp đối tượng của mình biết vận dụng các quy định của pháp luật để làm giảm bớt trách nhiệm cho họ.

– Trường hợp đã tư vấn xong, người thực hiện TGPL vẫn cần thiết phải giữ liên hệ thường xuyên với đối tượng để tạo dựng mối quan hệ thân thiện với đối tượng, tạo niềm tin của đối tượng đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người tư vấn.

Không được giúp đối tượng thực hiện những hành vi trái pháp luật để giảm bớt trách nhiệm cho họ.
Trong tham gia tố tụng hình sự
– Cần nắm được quy định của pháp luật tố tụng liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người mình bảo vệ; quyền và nghĩa vụ của mình được quy định tại các văn bản QLPL về tố tụng;

– Xác định rõ những thiệt hại trên thực tế đã xảy ra cũng như những chi phí để khắc phục những thiệt hại đó nhằm đảm bảo quyền lợi nạn nhân

– Đề xuất cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ hành vi của người gây thiệt hại, hậu quả của hành vi đó (như giám định thương tật,….) để làm cơ sở xác định, chứng minh thiệt hại trong trường hợp cần thiết;

– Thay mặt nạn nhân thực hiện quyền kiến nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can; nếu vụ án thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì tư vấn và hỗ trợ thân chủ trong việc thực hiện quyền yêu cầu khởi tố tụ án hình sự.

–  Trong trường hợp cần thiết, cần kiến nghị, đề xuất cơ quan điều tra tiến hành thêm một số hoạt động điều tra khác như: lấy lời khai người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan,…. để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân BLGĐ.

– Tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân khi tham gia phiên tòa:

* Giai đoạn điều tra

– Hỗ trợ nạn nhân viết đơn.

– Chú ý đến các căn cứ khởi tố điều tra vụ án BLGĐ, BLTD. Đặc biệt là những trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi;

– Hỗ trợ nạn nhân trong việc đề nghị Cơ quan điều tra: Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn, như bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo; trưng cầu giám định, quyết định khai quật tử thi; Quyết định truy nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, xử lý vật chứng;

– Đảm bảo rằng tất cả các hành vi xảy ra đều phải được xem xét xử lý kiên quyết và triệt để để phòng ngừa bạo lực tiếp theo xảy ra trong tương lai.

– Khích lệ nạn nhân tích cực tham gia vào giai đoạn điều tra; khai báo hoặc chủ động báo cho cơ quan công an.

– Trao đổi về thủ tục tố tụng, quyền và nghĩa vụ của nạn nhân khi tham gia quá trình tố tụng.

– Hỗ trợ nạn nhân trong việc giám định thương tật/ y tế…

– Hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời các hoạt động của cơ quan điều tra.

– Bảo đảm thu thập chứng cứ toàn diện

– Kịp thời kiến nghị cơ quan điều tra để đảm bảo rằng tất cả các chứng cứ đều được thu thập.

– Trong vụ việc BLGĐ, BLTD cần chú ý đến thương tích của nạn nhân có thể không xuất hiện ngay hoặc một số thương tích phải mất mấy ngày mới nhìn rõ

– Trong quá trình thực hiện TGPL, có thể hỗ trợ và cung cấp thông tin cho nạn nhân cũng như giới thiệu nạn nhân đến  các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ khác (Ví dụ giới thiệu đến cơ sở y tế để điều trị các vết thương; giới thiệu đến nhà tạm lánh để tránh tiếp xúc với người gây bạo lực,…) nếu nạn nhân có yêu cầu.

– Chú ý đến các biện pháp hỗ trợ nạn nhân trong quá trình điều tra như: đề nghị chuyển nạn nhân tới các dịch vụ hỗ trợ; các biện pháp bảo đảm an toàn cho nạn nhân và con cái của họ;

* Giai đoạn truy tố

– Hỗ trợ, cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến vụ việc để giúp cơ quan kiểm sát buộc tội thỏa đáng.

– Tiếp tục hỗ trợ và cung cấp thông tin về quá trình tố tụng cho nạn nhân; kịp thời trấn an tinh thần cho nạn nhân trong quá trình tham gia tố tụng.

– Tiếp tục bảo đảm hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng kịp thời những biện pháp bảo vệ phù hợp cho nạn nhân.

– Khích lệ nạn nhân trong quá trình tham gia quá trình tố tụng và không rút đơn khởi kiện nếu không có lý do chính đáng.

* Giai đoạn xét xử

– Đề nghị áp dụng những biện pháp phù hợp tạo điều kiện để nạn nhân có thể tham gia suốt thời gian diễn ra phiên tòa.

– Đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề đối với người gây bạo lực, thể hiện quan điểm không biện minh cho bạo lực.

– Luôn bên cạnh hỗ trợ nạn nhân để bảo đảm nạn nhân không phải trả lời những câu hỏi thiếu nhạy cảm, có thể khiến họ cảm thấy tự ti, xấu hổ.

– Đề nghị Tòa án cho gọi người làm chứng nếu cần thiết.

– Tiếp tục hỗ trợ và cung cấp thông tin về quá trình tố tụng cho nạn nhân.

– Giúp nạn nhân kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu việc xét xử chưa bảo đảm công bằng, đúng pháp luật.

*  Những điều cần xác định để xây dựng bản luận cứ bào chữa/bảo vệ

–  Khiếu kiện hoặc phản ánh trước đó về hành vi BLGĐ.

–  Mức độ trầm trọng của thương tổn do BLGĐ gây ra đối với người khác.

–  Khả năng BLGĐ tiếp tục gây tổn thương cho người khác trong tương lai.

– Hành vi đó có phải là hành vi tự vệ không.

– Hiện trường vụ án có phù hợp với lời khai của các bên hay không? Nội dung vụ việc có phù hợp với những chứng cứ thu thập được hay không?

– Chứng cứ và lời khai của những người khác.

– Tài sản, đồ vật  bị phá hủy.

– Hành vi bạo lực.

– Kiểm tra xem trên cơ thể của người gây bạo lực có hay không dấu hiệu chứng tỏ có thương tích xuất phát từ sự tự vệ như:

+ Vết xước ở mặt sau cổ tay, cánh tay hoặc bàn tay.

+ Vết xước trên mặt và cổ.

+ Vết cắn, hằn ở mặt trong của cánh tay (chứng tỏ có thể bị bẻ ngoặt từ đằng sau).

+ Dấu hiệu chứng tỏ bị túm, kéo tóc.

+ Thương tích do vật nhọn hoặc do bị đá gây ra.

* Một số lưu ý khác

– Động viên, an ủi và xoa dịu nỗi sợ hãi cho người bị buộc tội là nạn nhân BLGĐ, thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ nạn nhân, tạo điều kiện cho họ sẵn sàng tham gia tố tụng.

– Song hành cùng nạn nhân trong khi tham gia TTHS để bảo đảm rằng nạn nhân không bị chất vấn bởi những câu hỏi có tính công kích, buộc tội, kích động hay mang tính đe dọa.

 Tải Tài liệu tại đây

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *