Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 năm 01 năm 2015.
Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động. Luật Việc làm đã mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động); là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay tín dụng tạo việc làm, chính sách việc làm công; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển KNN; hỗ trợ đảm bảo một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Qua quá trình triển khai thực hiện, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cấp dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện:
1. Về phạm vi điều chỉnh
Hiện nay, chưa có quy định về đăng ký lao động trong phạm vi điều chỉnh và quy định cụ thể tại các Chương trong Luật Việc làm. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định Chương II. Việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động (gồm 04 điều, từ Điều 9 đến Điều 12), tuy nhiên, nội dung về quản lý lao động chỉ quy định về trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động (trong trường hợp có giao kết hợp đồng lao động), chưa quy định rõ đối với các trường hợp người lao động tự làm, không có giao kết hợp đồng lao động, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý, điều tiết đối với nguồn nhân lực nói chung, lao động nói riêng.
Hiện nay, quý I/2024, lực lượng lao động cả nước có 52,4 triệu người[1], lao động làm công hưởng lương khoảng 25 triệu lao động, tuy nhiên tuy nhiên, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2022 cả nước có trên 17,489 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thu thập, tổng hợp, cập nhật và xác thực, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội), như vậy, có khoảng 8 triệu lao động làm công hưởng lương không/chưa tham gia bảo hiểm xã hội và gần 34 triệu lao động (2/3 lực lượng lao động cả nước) chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng việc làm, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh đối với các nhóm lao động này, làm cơ sở hoạch định và triển khai các chính sách hỗ trợ, ví dụ như các gói an sinh xã hội trong giai đoạn COVID-19 vừa qua[2].
Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), là Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp, trong đó, yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động phải gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Giải thích từ ngữ
– Luật Việc làm quy định người lao động là “công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên” trong khi mục I Chương XI Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về lao động chưa thành niên, trong đó có lao động dưới 15 tuổi, do đó cần bổ sung quy định về đối tượng này để đảm bảo đồng bộ và thống nhất chung.
– Hiện nay, một số văn bản dưới Luật đã quy định hoặc đề cập đến các khái niệm về “người có việc làm” hay cách hiểu khác nhau về “người thất nghiệp” nhưng chưa được quy định, làm rõ khái niệm trong Luật, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, xác định đối tượng và tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua.
3. Chính sách của Nhà nước về việc làm
– Thế giới đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số[3], thúc đẩy sự phát triển kinh tế số (đại dịch COVID-19 tạo thêm cú hích cộng hưởng để hành trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn). Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao (công nghệ thông tin, bảo hiểm, tài chính, …) đến những việc làm với trình độ phổ thông (giao hàng, bán hàng online, …). Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số.
– Chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới (nước ta đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017).
Năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số, dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%), phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Người lao động cao tuổi có rất ít lựa chọn việc làm, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc, như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già … Thực tế người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không dễ dàng trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở Việt Nam vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành.
Việc đảm bảo sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số.
4. Những hành vi bị nghiêm cấm
– Các hành vi bị nghiêm cấm về Bảo hiểm thất nghiệp hiện đang được lồng ghép quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tuy nhiên, theo lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội thì các nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm sẽ chỉ quy định đối với BHXH, do đó, khó khăn trong công tác thực hiện, xử lý vi phạm về BHTN.
– Hiện nay chưa có quy định, chế tài xử lý đối với việc lợi dụng giao dịch việc làm xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân… nhất là trong bối cảnh kinh tế số, các hoạt động môi giới, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp … trên môi trường điện tử, các ứng dụng, website, các trang mạng xã hội … khá phổ biến và tiềm ẩn nhiều rủi ro (lừa đảo, chiếm đoạt, môi giới mua bán người, …).
[1] Điều tra lao động – việc làm quý I/2024 của Tổng cục Thống kê
[2] Thực tế trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ trong các gói an sinh xã hội (Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020, Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021) đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ sở dữ liệu và không nắm được thông tin cụ thể của nhóm đối tượng này.
[3] Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 22/60 về tốc độ số hóa và thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới