So sánh Luật Thanh niên năm 2020 và Luật Thanh niên 2005

Ngày 16/6/2020 Quốc hội  thông qua Luật Thanh niên số 57/2020/QH2014 gồm 7 chương và 41 điều, trong đó có một số nội dung mới và khác so với Luật Thanh niên số 53/2005/QH 2011. Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn đọc bài viết so sánh những điểm mới nổi bật của Luật Thanh niên năm 2020 và Luật Thanh niên năm 2005. 

1. Khẳng định vai trò của thanh niên

Luật Thanh niên 2005 không có điều khoản quy định cụ thể về vai trò của thanh niên mà chỉ có đề cập trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội trong việc phát huy vai trò của thanh niên, phát huy vai trò xung kích của thanh niên xung phong…

Luật 2020 đã  quy định cụ thể vai trò của thanh niên như sau: “Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội“.

Đề cương giới thiệu Luật Thanh niên năm 2020
Điểm mới của Luật Thanh niên năm 2020

2. Quy định về tháng Thanh niên

Như chúng ta đã biết, tháng 3 là một trong những thời điểm cao trào trong hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ. Tháng 3 về, màu áo xanh đặc trưng của tinh thần dấn thân- tình nguyện có mặt đều khắp trên các nẻo đường của đất nước. Họ tình nguyện cống hiến sức trẻ, trí tuệ, tài năng của mình đối với cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương. Qua đó, tạo cho mỗi đoàn viên, thanh niên một tâm thế sẵn sàng tham gia những việc mới, việc khó trong các hoạt động phong trào và đặc biệt là các công trình, phần việc.

(Tải đề cương tuyên truyền Luật Thanh niên 2020 tại đây)

Năm 2003, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định lấy tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên  gắn với kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3). Tuy nhiên chưa được thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật.

Đến Luật Thanh niên năm 2020, Quốc Hội đã dành 01 chương để quy định về tháng Thanh niên. Như vậy việc tổ chức tháng thanh niên không chỉ hoạt động xung kích, sáng tạo, tình nguyện của tuổi trẻ để thực hiện những công trình, phần việc thể hiện vai trò trách nhiệm thanh niên niên với xã hội mà nay việc tổ chức Tháng thanh niên còn là hoạt động bắt buộc của thanh niên được Luật quy định. Từ đó khẳng định thêm tinh thần, ý nghĩa, sứ mệnh của tháng Thanh niên. Đồng thời quy định trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực để hỗ trợ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ cho thanh niên tham gia hoạt động Tháng Thanh niên.

3. Trách nhiệm đối thoại với thanh niên

Tổ chức đối thoại với thanh niên là cần thiết nhằm giải đáp và tháo gỡ  các kiến nghị, đề xuất có liên quan đến thanh niên. Tuy nhiên, Luật Thanh niên 2005 không quy định nội dung này.

Luật 2020 đã bổ sung quy định trách nhiệm đối thoại với thanh niên như sau: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phải đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên. Luật cũng nêu rõ Người có trách nhiệm đối thoại với thanh niên chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch, chương trình đối thoại và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm nhất là 30 ngày trước ngày tổ chức đối thoại.

  Để tải toàn văn slide bài giảng Luật Thanh niên năm 2020, bạn đọc vui lòng liên hệ email: trangtinphapluat2019@gmail.com hoặc kesitinh355@gmail.com để tải văn bản nhé.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đối thoại, nội dung kết luận đối thoại phải được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị và gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; trường hợp nội dung đối thoại phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì thời hạn này là 15 ngày.

4. Trách nhiệm của thanh niên

Chương II không còn là quyền và nghĩa vụ của thanh nhiên như Luật Thanh niên 2005 vì thanh niên cũng là công dân Việt Nam nên quyền và nghĩa vụ của thanh niên cũng là quyền và nghĩa vụ của công dân và đã được quy định trong Hiến pháp 2013.

Luật Thanh niên 2020 đã dành nguyên chương II để quy định về trách nhiệm  của thanh niên. Đó là trách nhiệm đối với Tổ quốc; trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội; trách nhiệm đối với bản thân.

+ Đối với Tổ quốc phải xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu…

+ Đối với Nhà nước và xã hội phải  gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân, tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia…

+ Đối với gia đình phải chăm lo hạnh phúc gia đình; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Kính trọng, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và tôn trọng các thành viên khác trong gia đình; chăm sóc, giáo dục con em trong gia đình…

+ Tự bản thân mình phải biết rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có trách nhiệm công dân, ý thức chấp hành pháp luật; phòng, chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội.Tích cực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn…

Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, với tư cách là một công dân thanh niên thì thanh niên càng phải có trách nhiệm với với Tổ quốc; với Nhà nước, xã hội và đối với chính bản thân mình.

5. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên

Luật Thanh niên 2005 có 11 điều quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên và trong mỗi điều lồng ghép vừa trách nhiệm của Nhà nước vừa trách nhiệm của gia đình.

Luật 2020 đã tách riêng trách nhiệm của nhà nước và gia đình thành 02 chương. 01 chương quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên và 01 chương quy định trách nhiệm của MTTQ, tổ chưc xã hội, tổ chức kinh tế và gia đình đối với thanh niên.

huong dan thu tuc nuoi con nuoi
Trách nhiệm của gia đình đối với thanh niên

Về cơ bản Luật 2020 kế thừa Luật 2005 về chính sách nhà nước đối với thanh niên, tuy nhiên có bổ sung một số nội dung mới sau:

+ Chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học

Bổ sung quy định: Bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thanh niên; tham gia đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng cần thiết khác cho thanh niên. Trước đây, Luật Thanh niên 2005 chỉ khuyến khích chứ không có ưu tiên, hỗ trợ.

Chính sách về khởi nghiệp

Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật 2020, theo đó:

– Giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên.

– Cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

– Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ.

– Ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích thành lập quỹ khởi nghiệp cho thanh niên theo quy định của pháp luật.

+ Chính sách về bảo vệ Tổ quốc

Luật 2020 bổ sung các nội dung sau: Bảo đảm cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; tham gia quân nhân dự bị. ..Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

 + Chính sách đối với thanh niên tình nguyện

Luật 2005 không quy định nội dung này. Luật 2020 quy định Thanh niên tình nguyện là thanh niên tự nguyện tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội phù hợp với quy định của pháp luật.

 Nhà nước ban hành chính sách đối với thanh niên tình nguyện như sau:

+ Tạo lập các kênh thông tin để thanh niên được tiếp cận và tham gia hoạt động tình nguyện;

+Xây dựng chương trình, dự án đưa thanh niên tình nguyện về làm việc tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo;

+ Khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.

6. Tổ chức thanh niên

Cơ bản Luật 2020 kế thừa Luật 2005 về tổ chức thanh niên gồm: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Luật 2020 bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn thanh niên như sau:

+ Có trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về thanh niên theo quy định của pháp luật; tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của thanh niên đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

+ Có trách nhiệm tham gia, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan trong quá trình xây dựng, tuyên truyền và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên;

+ Thực hiện các hoạt động đối ngoại thanh niên.

7.Chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên

Luật Thanh niên 2005 không quy định về chính sách của nhà nước đối với thanh niên. Luật 2020 quy định chính sách nhà nước đối với thanh niên như sau:

+ Tạo điều kiện để tổ chức thanh niên tham gia xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

+ Bảo đảm điều kiện để tổ chức thanh niên thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao.

+ Hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội và các chương trình, dự án khác.

+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

8. Quản lý nhà nước về thanh niên

Luật Thanh niên 2005 đề cập đến 4 nội dung quản lý và chỉ nêu chung trách nhiệm của Chính phủ, Bộ cơ quan ngang bộ, UBND các cấp.

Luật 2020 quy định 8 nội dung   quản lý nhà nước về thanh niên, trong đó có các nội dung mới như:

+ Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình thanh niên và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên;

+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về thanh niên;

+  Sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên;

+ Ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chính sách đối với thanh niên.

Luật 2020 cũng quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan và bổ sung thêm trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh như:  Ban hành nghị quyết về phát triển thanh niên tại địa phương để thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thanh niên; Quyết định phân bổ dự toán ngân sách để tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên tại địa phương…

Đoàn Phú

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *