Tin mới

Giới hạn tự do ngôn luận trên internet

Decuongtuyentruyen.com trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết “Giới hạn tự do ngôn luận trên internet” của tác giả Ths Hoàng Thị Bích Ngọc – PGS.TS Vũ Công Giao – Khoa Luật Đại học Vinh và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo quy định của pháp luật nhân quyền quốc tế, tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể bị hạn chế bởi các nhà nước. Các quốc gia có quyền tự quyết định những vấn đề liên quan đến những hạn chế mà quốc gia đó áp dụng đối với quyền tự do biểu đạt, bao gồm cả tự do ngôn luận internet. Tuy nhiên, những hạn chế đó phải tương thích với quy định quốc tế.

Điều kiện giới hạn quyền tự do ngôn luận trên internet

Quyền tự do ngôn luận (hay tự do biểu đạt) được ghi nhận trong Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR1948) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR 1966). UDHR nêu rõ:  Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như có quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, truyền bá các ý tưởng và thông tin qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào mà không bị giới hạn về biên giới. Theo quy định nêu trên của UDHR, tự do ngôn luận bao gồm tự do bày tỏ ý kiến, phổ biến thông tin trên không gian mạng, vìn Internet cũng được xem là một kênh (phương tiện) truyền thông.

Giới hạn tự do ngôn luận trên internet
Giới hạn tự do ngôn luận trên internet

Theo quy định của pháp luật nhân quyền quốc tế, tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối. Quyền này có thể bị hạn chế bởi các nhà nước, song việc hạn chế phải tuân thủ những điều kiện chặt chẽ để tránh sự lạm dụng. Các quốc gia có quyền tự quyết định những vấn đề liên quan đế những hạn chế mà quốc gia đó áp dụng đối với quyền tự do biểu đạt (bao gồm việc xác định nội dung nào bị cấm trên internet); tuy nhiên những hạn chế đó phải tương thích với những quy định quốc tế về quyền tự do biểu đạt theo các nguyên tắc về tính hợp pháp, tính cần thiết và tính thích hợp.

ICCPR đã nêu ra 3 yêu cầu có thể sử dụng để xác định xem một nhà nước có đi quá giới hạn trong việc hạn chế tự do ngôn luận hay không?. Thứ nhất, “bất kì sự hạn chế nào đều phải được luật hóa đầy đủ và chính xác để cho phép một cá nhân có thể tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp khi thực hiện quyền tự do ngôn luận”.

Thứ hai, “mọi hạn chế phải được quy định dựa trên những căn cứ pháp lý được ghi nhận tại Khoản 3 Điều 19 ICCPR, cụ thể là để: tôn trọng quyền và danh dự của người khác; hoặc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự đạo đức xã hội”.

Thứ ba, “bất kỳ bạn chế nào cũng phải chứng minh được tính cấp thiết và sự phù hợp, hoặc chứng minh được mục đích của sự hạn chế là nhằm đạt được những mục tiêu nêu trên”.

(Slide bài giảng Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị)

Thực tế, các yêu cầu nêu trên thường không được thực hiện đầy đủ ở nhiều quốc gia. Vì vậy, Ủy ban nhân quyền – Cơ quan giám sát việc thực hiện ICCPR – cụ thể hóa nội dung biểu đạt bị cấm vì có thể gây ra hậu quả với những giá trị được bảo vệ trong ICCPR, gồm: Nội dung mang tính tuyên truyền kích động chiến tranh; nội dung tạo nên “thù hận về dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo” nhằm kích động “phân biệt, đối xử. gây nên bạo lực” nhằm vào một nhóm người cụ thể.

Bên cạnh đó, Điều 20 ICCPR nêu 3 loại biểu hiện chung về biểu đạt mà quốc gia bắt buộc phải cấm theo luật quốc tế đó là: Ấu dâm; kích động trực tiếp và công khai tội phạm diệt chủng; kích động khủng bố. Tuy nhiên, có một số hình thức biểu đạt không bao giờ bị hạn chế, bao gồm: “Thảo luận về các chính sách của chính quyền và tranh luận về chính trị; báo cáo về quyền con người; các hoạt động và tình trạng tham nhũng trong chính quyền; tham gia và các chiến dịch bầu cử, các cuộc biểu tình hòa bình và dân chủ; thể hiện quan điểm về tôn giáo, kể cả với những người thuộc các nhóm người thiểu số hoặc dễ bị tổn thương”.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ý kiến và biểu đạt Frank Larue năm 2011 khẳng định: “Với tính chất là một quyền không tuyệt đối, tự do ngôn luận, bao gồm tự do ngôn luận trên không gian mạng, có thể bị hạn chế bới các nhà nước, song những hạn chế đó chỉ được xem là phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khi đáp ứng 3 điều kiện: Hạn chế phải dựa trên quy tắc, được quy định bởi luật pháp và được thực hiện một cách minh bạch và có thể dự đoán được; Hạn chế phải là cần thiết và cân đối, sử dụng các phương tiện ít hạn chế nhất để đạt được mục tiêu; Hạn chế phải phù hợp với các mục đích được trích dẫn trong ICCPR, đó là khi cần thiết để bảo vệ quyền hoặc uy tín của người khác, an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức cộng đồng.

Còn tiếp

Nguồn: Sưu tầm

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *