Hướng dẫn việc đăng ký nhận nuôi con nuôi trong nước

Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2019.

Decuongtuyentruyen.com giới thiệu một số điểm mới và lưu ý khi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước.

  1. Về thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước

Thay đổi thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước đối với trẻ em thuộc diện là con riêng, cháu ruột của người nhận con nuôi. Theo khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung, trường hợp cha dượng/mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi cư trú (thay vì nơi thường trú như quy định trước đây) của người nhận con nuôi hoặc người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được đoàn tụ với cha, mẹ đẻ hoặc được sống trong môi trường gia đình gốc là họ hàng của trẻ em.

huong dan thu tuc nuoi con nuoi
Hướng dẫn thủ tục nhận nuôi con nuôi

Việc xác định nơi cư trú của công dân được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Luật cư trú. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nếu người nhận con nuôi không có nơi thường trú thì xem xét đến nơi tạm trú. Nếu không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú thì mới xem xét đến nơi sinh sống thực tế của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.

Giữ nguyên thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước trong những trường hợp sau đây:

  1. i) Đối với trẻ em bị bỏ rơi:

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa được chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng thì UBND cấp xã nơi lập biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi.

  1. ii) Đối với trẻ em có cha mẹ đẻ hoặc mồ côi cả cha và mẹ cần tìm gia đình thay thế :

UBND cấp xã nơi thường trú của trẻ em có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi.

iii) Đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng:

Đối với trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa được tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng cần được nhận làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi.

  1. Về trách nhiệm rà soát, tìm người trong nước nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng làm con nuôi của UBND cấp xã

Khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với trẻ em đang được tạm thời nuôi dưỡng hoặc được chăm sóc thay thế bởi các cá nhân hoặc gia đình, từ đó hạn chế tình trạng nuôi con nuôi thực tế trong cộng đồng.

2.1. Về đối tượng trẻ em được rà soát, đánh giá nhu cầu được nhận làm con nuôi

Đối tượng trẻ em được rà soát, đánh giá nhu cầu được nhận làm con nuôi bao gồm:

– Trẻ em bị bỏ rơi đang được cá nhân, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật nuôi con nuôi hoặc theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.

– Trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ và trẻ em không nơi nương tựa được UBND cấp xã giao chăm sóc thay thế theo quy định tại Điều 38 của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

*Lưu ý: trong thời gian qua còn tồn tại tình trạng người dân tự ý đưa trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng không khai báo với UBND cấp xã và không tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi. Thực trạng người dân tự ý mang trẻ em không rõ nguồn gốc hoặc có sự thỏa thuận riêng với cha mẹ đẻ mà không có sự tham gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trái quy định pháp luật về nuôi con nuôi, hộ tịch và trẻ em. Để bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em thì đối tượng trẻ em này cũng cần được rà soát. UBND cấp xã cũng cần phổ biến và tuyên truyền cho người dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi, UBND cấp xã cần báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền cấp trên để xem xét, hướng dẫn cho người dân tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hộ tịch, nuôi con nuôi và trẻ em.

2.2. Cách thức thực hiện

UBND cấp xã định kỳ hàng tháng rà soát và đánh giá nhu cầu cần được nhận làm con nuôi đối với những trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang ở tại cộng đồng. Nếu người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em/hoặc người trong nước có nguyện vọng nhận trẻ em làm con nuôi thì ưu tiên xem xét giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết cho trẻ em làm con nuôi. Cụ thể như sau:

– Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi tại địa bàn xã/phường/thị trấn thì UBND cấp xã phải lập Biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi và bàn giao trẻ em cho người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng. Nếu người tạm thời nuôi dưỡng có nguyện vọng nhận trẻ em bị bỏ rơi làm con nuôi thì ưu tiên xem xét giải quyết. Nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ chuyển trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.

– Trường hợp trẻ em được giao chăm sóc thay thế theo Điều 66 của Luật trẻ em, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã đánh giá điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, định kỳ 06 tháng, khi trẻ em phải chuyển đổi hình thức sang hình thức nuôi con nuôi báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện.

– Trường hợp trẻ em được người dân tự ý đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng, UBND cấp xã cần yêu cầu người dân cung cấp thông tin về nguồn gốc trẻ em như biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi, biên bản giao tạm thời nuôi dưỡng trẻ, Giấy chứng sinh của trẻ em…. Nếu có đầy đủ giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc của trẻ em thì UBND cấp xã hướng dẫn việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Lưu ý: Đối với những trường hợp này, qua thực tiễn quản lý nhà nước về nuôi con nuôi cho thấy trẻ em thường chưa được đăng ký khai sinh. Công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã không được đăng ký việc nuôi con nuôi khi trẻ em chưa được đăng ký khai sinh.

– Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (ít nhất 06 tháng và còn thời hạn cư trú tại Việt Nam ít nhất 12 tháng vào thời điểm đăng ký chăm sóc thay thế) đang được giao chăm sóc thay thế trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em, không thuộc đối tượng được nhận con nuôi trong nước. Quy định pháp luật về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cũng chưa cho phép người nước ngoài nhận trẻ em đang được chăm sóc thay thế làm con nuôi.

Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND cấp xã có thể phân công cho người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã thực hiện việc rà soát và đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi trên địa bàn xã, kết hợp với việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đánh giá điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

  1. Về việc thay đổi, bổ sung hộ tịch của con nuôi

3.1. Thay đổi họ, tên, chữ đệm của con nuôi

Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật hộ tịch, căn cứ vào giấy chứng nhận nuôi con nuôi, công chức tư pháp-hộ tịch thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi. Con nuôi có quyền thay đổi họ, tên theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 và điểm b khoản 1 Điều 28 của Bộ luật dân sự 2014, theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi. Con nuôi chỉ lấy lại họ của cha, mẹ đẻ hoặc tên trước khi được nhận làm con nuôi khi thôi không làm con nuôi và người con nuôi hoặc cha, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ và tên mà cha mẹ đẻ đã đặt.

Khoản 2 Điều 24 của Luật nuôi con nuôi quy định, theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó. Theo quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật nuôi con nuôi, con nuôi có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi trong trường hợp tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi.

– Về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết, theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 24/2019/NĐ-CP được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về hộ tịch.

3.2. Về việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi

Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật hộ tịch, phạm vi thay đổi hộ tịch bao gồm cả việc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi. Như vậy, căn cứ vào Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi, con nuôi được thay đổi phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 24/2019/NĐ-CP, việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Lưu ý: Trong thời gian qua, một số địa phương có đề nghị hướng dẫn thực hiện việc thay đổi quê quán và dân tộc của con nuôi theo quê quán và dân tộc của cha, mẹ nuôi để bảo đảm sự phát triển hài hòa về tâm lý của con nuôi, tránh tình trạng con nuôi mặc cảm về thân phận khác biệt của mình với cha, mẹ nuôi. Tuy nhiên, theo pháp luật về dân sự và hộ tịch thì việc thay đổi quê quán, dân tộc của con nuôi theo quê quán và dân tộc của cha, mẹ nuôi không thuộc phạm vi thay đổi hộ tịch của con nuôi. Do đó, những trường hợp đề nghị thay đổi hộ tịch về quê quán, dân tộc của con nuôi đều không được xem xét, giải quyết./.

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *