Luật An ninh mạng quy định về việc bảo vệ quyền con người như thế nào?

Câu hỏi: Theo anh/chị Luật An ninh mạng quy định về việc bảo vệ quyền con người như thế nào?

Gọi ý Trả lời

Để làm rõ vấn đề quyền con người trong Luật An ninh mạng thì trước hết chúng ta cần hiểu quyền con người là gì và đạo luật cao nhất của nhà nước ta – Hiến pháp 2013, quy định về quyền con người như thế nào.

1. Quyền con người là gì?

Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là tài sản chung của các dân tộc. Ngày nay, quyền con người được xem như là một thước đo của sự tiến bộ và trình độ văn minh của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và bản sắc văn hóa. Về phương diện lịch sử, chế định quyền con người ra đời từ các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, xóa bỏ chế độ phong kiến. Ngày nay, khi nói về lịch sử chế định quyền con người, người ta thường nhắc tới “Luật về các quyền của Anh” năm 1689, “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 và Hiến pháp bổ sung năm 1787 của Mỹ, “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” năm 1789 của Pháp. Sau khi Liên hợp quốc thành lập (1945), đó là văn kiện toàn cầu-bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” được cộng đồng quốc tế thông qua ngày 10-12-1948.

Luật An ninh mạng quy định quyền con người như thế nào
Luật An ninh mạng quy định quyền con người như thế nào

Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân là thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và khi ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, quyền con người với tư cách là luật tự nhiên, là một giá trị đạo đức, đó là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Những giá trị này bao gồm: Sự tôn trọng nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng, nhà nước. Với tư cách là luật thực chứng, quyền con người là những quy định của hiến pháp và pháp luật ở mỗi quốc gia nhằm bảo vệ nhân phẩm, các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người và nghĩa vụ của mỗi người đối với xã hội và nhà nước.

Nhằm ngăn chặn sự lợi dụng tính phổ quát của quyền con người can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, Hội nghị Nhân quyền thế giới năm 1993 ở Viên (Áo) đã thống nhất quan điểm quyền con người như sau: Quyền con người vừa có tính phổ biến (phổ quát) hoặc còn gọi là tính toàn cầu, đồng thời, Quyền con người vừa có tính đặc thù, tức là những đặc trưng do truyền thống lịch sử, phong tục tập quán và văn hóa ở các khu vực hoặc ở mỗi quốc gia quy định.

Cũng như mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, tính phổ biến của Quyền con người chỉ được thể hiện thông qua tính đặc thù, tính đơn nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia. Điều này thể hiện tập trung trong các quy định về “hạn chế quyền” trong những bộ luật nhất định. Những hạn chế này nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia; trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc các quyền và tự do của người khác”(1).

 2. Hiến pháp 2013 quy định quyền con người như thế nào?

Các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều có các quy định về quyền công dân, trong đó có không ít quy định mang nội dung quyền con người. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên đã dành cả một chương-chương hai, quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong chương này, các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định một cách đầy đủ và tương thích với các công ước quốc tế cơ bản về QCN. Đồng thời Hiến pháp 2013 đã quy định 3 nguyên tắc về quyền con người: 1. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con ngời của người dân; 2. Quyền con người có thể bị những hạn chế nhất định; 3. Khi xem xét một vụ việc vi phạm pháp luật phải theo nguyên tắc “suy luận vô tội”.

Hiến pháp được hiểu là “khế ước xã hội”, là “hợp đồng” giữa người dân với nhà nước, trong đó người dân trao quyền cho nhà nước, để đổi lại nhà nước cam kết tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền của mỗi người dân, và quyền, lợi ích chung của cả xã hội.

 3. Quy định về bảo vệ quyền con người trong Luật An ninh mạng

Đối với quyền con người, quyền và lợi ích công dân, internet, mạng xã hội là một công cụ mà kẻ xấu có thể sử dụng để tán phát thông tin thất thiệt vì những mục tiêu xấu độc, đê hèn, như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khủng bố tinh thần, đe dọa đưa lên mạng những thông tin đời tư,… khiến cuộc sống nhiều gia đình bị xáo trộn, thậm chí đã có nhiều người phải tìm đến cái chết. Cách đây không lâu (ngày 10 và 11-6-2018), các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã câu kết với nhau, lợi dụng internet, mạng xã hội kích động biểu tình, gây rối ở một số tỉnh, khi Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Đặc khu, thông qua Luật An ninh mạng là một ví dụ. Vì vậy, Việt Nam cần có Luật An ninh mạng, nhằm xác lập cơ sở pháp lý, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, Nhà nước, các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tìm hiểu Luật An ninh mạng 2018
Tìm hiểu Luật An ninh mạng 2018

Cơ sở chính trị, pháp lý quốc tế của Luật An ninh mạng là quyền dân tộc tự quyết, quyền này được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Việt Nam đã gia nhập năm 1982). Nhắc lại quyền dân tộc tự quyết để thấy, Luật An ninh mạng hoàn toàn tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người, không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia; là cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích quốc gia trong thời đại kỹ thuật số. Đó là bảo vệ không gian điện tử và tài nguyên số của Việt Nam; đồng thời, cũng là cơ sở để bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

Luật An ninh mạng, gồm 7 chương, 43 điều. Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng là: 1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; 2. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước,… 3. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng… bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng,… (Điều 4).

Hoàn toàn không có chuyện Luật An ninh mạng “xâm phạm quyền riêng tư, quyền tự do ngôn luận và quyền sử dụng internet”. Luật chỉ áp dụng các chế tài đối với việc sử dụng không gian mạng để thực hiện những hành vi sau: 1. Chống Nhà nước; 2. Xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đó là: (1) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc,… (3) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội,… xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; (4) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc,… (5) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội,… (6) Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi (Điều 8).

Nhìn lại hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, có thể nói Luật An ninh mạng được thiết kế đồng bộ với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật khác, như: Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016) và Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng, v.v. Đối với quyền con người, Luật An ninh mạng hoàn toàn phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người nói chung, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966) nói riêng.

Trên thế giới hiện nay, đã có 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có: Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-lia, Đức, Pháp,…) có quy định bắt buộc các doanh nghiệp mạng phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ nước mình. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải chuyển lưu trữ dữ liệu về Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Việt Nam là một thị trường lớn của Google và Facebook, họ có quyền lựa chọn đi hoặc ở; cũng như Việt Nam có quyền lựa chọn những trang mạng khác. Tuy nhiên, đối với dân tộc ta, việc bảo vệ, bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng luôn được đặt lên hàng đầu.

Xét về quyền con người, quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, Luật An ninh mạng hoàn toàn không có bất cứ hạn chế, vi phạm nào đối với quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng này. Trái lại, Luật An ninh mạng là công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp để người dân và doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng bị “ô nhiễm” thông tin như bảo đảm không khí, nước uống và thực phẩm sạch cho sức khỏe con người.

Phương Thảo

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *