Đề cương tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 16/6/2020, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án,  với 90,27% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Để kịp thời tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, decuongtuyentruyen.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đề cương được biên soạn dựa trên hồ sơ dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các bài viết có liên quan đến dự án Luật. Đề cương gồm 02 phân: Phần 01 – Sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Phần 02 – Mục đích, quan điểm chỉ đạo. Phần 3- Những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

đề cương giới thiệu Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
đề cương tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

  1. Ý nghĩa, vai trò của hòa giải, đối thoại

Trong suốt chiều dài lịch sử, phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp luôn tồn tại và là một trong những thiết chế truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và truyền thống trọng tình, trọng đức, trọng văn trong văn hóa của người Việt.

Quá trình phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Từ những ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên, tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng về cải cách tư pháp[1]. Tại phiên họp ngày 15-12-2017 của       Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Chỉ đạo đã kết luận: “…giao Tòa án nhân dân tối cao triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn…”. Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Việc Tòa án mở rộng thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính là một hướng đi đúng đắn. Trên cơ sở tổng kết thí điểm, phải nghiên cứu để tạo ra các thiết chế bảo đảm quyền tự quyết của người dân theo đúng tinh thần việc dân sự cốt ở đôi bên”.

2.Quy định của pháp luật Việt Nam và tình hình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua hòa giải, đối thoại

a) Quy định của pháp luật Việt Nam về hòa giải, đối thoại

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành hai nhóm: Hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Mỗi phương thức hòa giải, đối thoại đều có ý nghĩa, tầm quan trọng trong giải quyết tranh chấp; cụ thể:

Về hòa giải, đối thoại trong tố tụng:

Bộ luật Tố tụng dân sự quy định hòa giải là một trong các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, là thủ tục bắt buộc trong giai đoạn sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự và việc dân sự công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn[2]. Bộ luật này cũng quy định chế định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án (Chương XXXIII). Quyết định công nhận hòa giải thành của Tòa án có hiệu lực thi hành

Luật Tố tụng hành chính quy định Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự đối thoại để giải quyết vụ án hành chính[1]. Hoạt động đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện là thủ tục bắt buộc trước khi mở phiên tòa xét xử vụ án hành chính.

– Về hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng:

Đối với hoạt động hòa giải, pháp luật hiện hành quy định một số cơ chế hòa giải ngoài tố tụng, như: Hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể (về quyền, lợi ích) theo quy định của Bộ luật Lao động; hòa giải thương mại theo quy định của Luật Thương mại; hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật Đất đai; hòa giải của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; hòa giải giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, hòa giải trước tố tụng đối với một số loại tranh chấp là thủ tục bắt buộc trước khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án (còn được gọi là thủ tục tiền tố tụng)[2].

Đối với hoạt động đối thoại, pháp luật còn quy định một số cơ chế đối thoại ngoài tố tụng như: Đối thoại giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Khiếu nại[3].

Như vậy, pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng. Với phạm vi này, dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đang được xây dựng nhằm tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có. Về bản chất pháp lý, hòa giải, đối thoại theo Luật này là hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngoài tố tụng, trước khi Tòa án thụ lý vụ việc.

b) Tình hình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua hòa giải, đối thoại

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhiều năm qua hoạt động hòa giải, đối thoại trong tố tụng, ngoài tố tụng đã thu được kết quả đáng kể. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan, hòa giải trong tố tụng đạt trung bình hàng năm 50,6% tổng số các vụ việc[4]. Hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng đạt 80,06%[1]. Kết quả này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các xung đột trong nhân dân; chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước; xây dựng tình làng nghĩa xóm hòa thuận, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Tuy vậy, thực tiễn cũng chỉ ra những hạn chế của các phương thức hòa giải, đối thoại hiện hành; cụ thể:

(1) Chứng cứ do các bên đương sự cung cấp trong tâm thế thắng thua thường không đầy đủ, còn che giấu, thậm chí ngụy tạo;

(2) Hòa giải, đối thoại trong tố tụng không linh hoạt về thời gian, địa điểm, phương pháp tiến hành;

(3) Thẩm phán tiến hành hòa giải, đối thoại phải chấp hành quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán nên không thể linh hoạt trong việc đưa ra các lời khuyên, phương án giải quyết tranh chấp để các bên tham khảo, lựa chọn;

(4) Thời gian, công sức dành cho hòa giải, đối thoại còn hạn chế;

(5) Các khiếu kiện hành chính thường vắng mặt người có trách nhiệm;

(6) Các Trung tâm hòa giải thương mại và trọng tài còn rất ít[2];

(7) Hòa giải thành ở cơ sở phần lớn là những va chạm, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư, không phải là các tranh chấp, khiếu kiện đến mức phải giải quyết bằng quá trình tố tụng.

Chính vì vậy, số lượng các vụ việc Tòa án các cấp phải thụ lý tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Việc gia tăng như vậy là tất yếu, tỷ lệ thuận với tăng dân số và quy mô nền kinh tế. Trong 3 năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được Tòa án các cấp thụ lý là: năm 2016 thụ lý 360.456 vụ việc; năm 2017 thụ lý 403.468 vụ việc; năm 2018 thụ lý 458.728 vụ việc. Như vậy, tỷ lệ gia tăng trung bình hàng năm là 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên chế không thay đổi. Có những địa bàn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu v.v…) mỗi Thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ. Tình hình đó bắt buộc phải có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết đơn của nhân dân, giảm áp lực cho Tòa án. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định ưu việt đáp ứng được đòi hỏi trước nhất của tình hình và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp.

3. Kết quả triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 09 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố (thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm 2018). Sau 6 tháng triển khai thực hiện, hoạt động thí điểm đã thu được những thành công nhất định, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.

Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, tiếp tục thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương[1], Tòa án nhân dân tối cao mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019). Tại các địa phương này, đã thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm, tổ chức các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đào tạo Hòa giải viên; tiến hành hòa giải, đối thoại tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và đã thu được những kết quả tích cực.  Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. Như vậy, số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành của các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố đã giúp các Tòa án thực hiện thí điểm không phải thụ lý 36.985 vụ việc. Trong số các vụ việc hòa giải, đối thoại thành, có 32.994 vụ việc về hôn nhân và gia đình (đạt tỷ lệ 86%); 3.125 vụ án về dân sự (đạt tỷ lệ 47%), 459 vụ án về kinh doanh, thương mại (đạt tỷ lệ 39,43%), 300 khiếu kiện hành chính (đạt tỷ lệ 33,07%), 107 vụ án về lao động (đạt tỷ lệ 52,45%). Đối với những vụ việc hòa giải, đối thoại không thành (10.508 vụ việc), qua quá trình giải quyết tại Trung tâm, các Hòa giải viên đã giải thích các quy định của pháp luật, từ đó giúp họ có nhận thức đúng đắn hơn về vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết án sau này của Tòa án.

Kết quả thí điểm nêu trên được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp thay thế xét xử của nhiều quốc gia trên thế giới. Kết quả thí điểm đã khẳng định những giá trị mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại. Cụ thể:

Thứ nhất, phát huy tối đa tự do ý chí và khả năng tự định đoạt của các chủ thể tham gia với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các Hòa giải viên giúp các bên trao đổi, đàm phán với nhau, gợi ý về các giải pháp phù hợp để giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, đáp ứng được mong muốn của các bên tranh chấp, đó là: thời gian giải quyết nhanh chóng; đặc biệt là tranh chấp được giải quyết một cách kín đáo và bảo mật thông tin, tiêu chí mà phương thức giải quyết bằng tố tụng tại Tòa án không có được. Thông qua hòa giải, đối thoại, các bên tìm được sự thiện chí, thống nhất để hài hòa lợi ích đôi bên, không bị rơi vào tâm lý thắng thua như khi giải quyết tranh chấp thông qua tố tụng tại Tòa án. Nhờ thế mà mối quan hệ hợp tác giữa các bên được duy trì tốt hơn và hướng về tương lai.

Thứ ba, hòa giải, đối thoại được tiến hành tại Tòa án tạo sự tin tưởng cho các chủ thể trong quá trình hòa giải, đối thoại; đồng thời là thiết chế quan trọng để hỗ trợ cho các thỏa thuận được thực thi.

Thứ tư, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện.

Thứ năm, kết quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại qua quá trình thương lượng, có sự thỏa thuận, nhất trí của các bên nên khả thi và được các bên tôn trọng, tuân theo.

Thứ sáu, hòa giải, đối thoại thành công sẽ không cần phải thông qua con đường tố tụng tại Tòa án, giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử của Tòa án; hạn chế khiếu kiện kéo dài qua nhiều cấp; tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ bảy, giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, đối thoại sẽ ngăn ngừa được những tiêu cực, tình trạng “chạy án” có thể phát sinh; góp phần xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ Thẩm phán thanh liêm.

Thứ tám, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại là một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế của thời đại, thúc đẩy giao lưu dân sự, kinh tế phát triển; nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia trên bình diện quốc tế.

Thứ chín, đối với các khiếu kiện hành chính, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ được ủy quyền cho cấp phó tham gia đối thoại. Trong bối cảnh các khiếu kiện hành chính ngày càng nhiều, phức tạp, xảy ra trên các lĩnh vực khác nhau, việc tổ chức đối thoại gặp nhiều khó khăn do người bị kiện và người được ủy quyền vắng mặt. Việc tổ chức đối thoại linh hoạt theo mô hình này sẽ khắc phục được bất cập, nâng cao hiệu quả trong giải quyết các khiếu kiện hành chính.

Thứ mười, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại là một phương thức ít tốn kém. Chi phí trung bình cho 01 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành chỉ chiếm 22% chi phí cho xét xử sơ thẩm 01 vụ việc dân sự, hành chính (1.200.000 đồng/5.500.000 đồng). Nếu vụ việc phải qua xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm thì chi phí xét xử còn có thể tăng lên gấp hai, ba lần so với chi phí xét xử sơ thẩm

  1. Kinh nghiệm quốc tế về hòa giải tại Tòa án

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật này, Tòa án nhân dân tối cao đã dịch và tham khảo Luật về hòa giải của 06 quốc gia gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức; tiếp cận và tham khảo Luật về hòa giải của hơn 60 quốc gia khác, gồm: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Ca-na-đa, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Lúc-xăm-bua, Hà Lan, Pháp…).

Qua nghiên cứu cho thấy, quy định về hòa giải tại các quốc gia đều có những điểm chung sau đây:

          (1) Đề cao giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, có chính sách tài chính hỗ trợ, khuyến khích lựa chọn hòa giải để giải quyết tranh chấp; việc xét xử theo thủ tục tố tụng là lựa chọn sau cùng;

(2) Các mô hình hòa giải đều gắn kết với Tòa án, có quy định về vai trò, trách nhiệm của Tòa án, có sự tham gia của các Thẩm phán;

(3) Có sử dụng nguồn nhân lực ngoài Tòa án là các Thẩm phán, Công tố viên đã nghỉ hưu làm Hòa giải viên;

(4) Thành lập các Trung tâm Hòa giải tại Tòa án hoặc bên cạnh Tòa án;

(5) Thỏa thuận hòa giải có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của Tòa án.

Tùy từng quốc gia, mô hình hòa giải cũng có sự khác nhau:

(1) Về tổ chức: Có quốc gia quy định việc hòa giải do các Thẩm phán trực tiếp thực hiện; có quốc gia quy định việc hòa giải do các Thẩm phán kết hợp với nguồn nhân lực ngoài Tòa án thực hiện;

(2) Về quy trình: Có quốc gia quy định hòa giải là quy trình bắt buộc trước khi Tòa án thụ lý, xét xử; có quốc gia quy định theo nguyên tắc tự nguyện (tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn phương thức hòa giải hoặc quy trình tố tụng tại Tòa án);

(3) Về kinh phí: Ở một số quốc gia (như Pháp, Đức, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Xinh-ga-po…), các bên không phải chịu chi phí hòa giải. Ở một số quốc gia khác (như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ca-na-đa, Phi-líp-pin…), chi phí hòa giải do các bên chi trả nhưng với mức thu thấp hơn nhiều so với mức án phí theo thủ tục tố tụng thông thường.

Về hiệu quả, qua nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng chế định “Hòa giải tại Tòa án” với phương châm “hai bên cùng thắng” không những là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp, khắc phục tình trạng tồn đọng án; thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế – xã hội phát triển, giảm chi phí cho xã hội. Tại Hội nghị tư pháp quốc tế thường niên lần thứ 19[1] và nhiều diễn đàn quốc tế đã khuyến cáo áp dụng chế định “Hòa giải tại Tòa án” như là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của Tòa án

Như vậy, xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hết sức cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT

  1. Mục đích

Việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm đạt được các mục đích cơ bản sau đây:

(1) Xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính;

(2) Thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính;

(3) Nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại.

  1. Quan điểm chỉ đạo

(1) Thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; theo đó, phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại; không làm tăng bộ máy, tổ chức, biên chế của Tòa án; thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

(2) Các nội dung của dự án Luật phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại hiện hành, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, bất cập; kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về hòa giải.

(3) Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về hòa giải, đối thoại, tính khả thi của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý hiện có.

III. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Với 90,27% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Luật Hòa giải, đối thoại tài Tòa án gồm 04 Chương, 42 Điều,   có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

b) Hòa giải, đối thoại tại Luật này được thực hiện trước Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự, , hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

c) Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án không áp dụng (không điều chỉnh) các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được quy định tại Luật khác.

2. Nguyên tắc đối thoại, hòa giải tại Tòa án

Điều 3 luật này quy định 09 nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trong đó nguyên tắc tự nguyện, nguyên tắc bảo mật thông tin và nguyên tắc linh hoạt  trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 03 nguyên tắc cơ bản nhất, cụ thể:

2.1. Về nguyên tắc tự nguyện trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động trước tố tụng nhưng không mang tính bắt buộc, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đồng ý hoặc không đồng ý giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng cơ chế đối thoại, hòa giải tại Tòa án; nếu không đồng ý thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Trong quá trình hòa giải, đối thoại, hòa giải viên phải luôn luôn tôn trọng sự tự nguyện của các bên; các nội dung thỏa thuận, thống nhất phải phản ánh đúng ý chí của các bên tham gia hòa giải, đối thoại; tuyệt đối không được đe dọa, ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

2.2. Về nguyên tắc bảo mật thông tin: Là nguyên tắc cơ bản của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, theo đó “Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật” (khoản 5 Điều 3), trừ trường hợp bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ hoặc phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của   luật. Việc giữ bí mật đối với các thông tin trong quá trình hòa giải, đối thoại là yêu cầu bắt buộc; sẽ giúp các bên dễ dàng cởi mở chia sẻ thông tin, Hòa giải viên dễ tìm ra nguyên nhân phát sinh tranh chấp, những mâu thuẩn chủ yếu cần giải quyết…, đồng thời Hòa giải viên sẽ thiết lập được mối liên hệ tốt với các bên tranh chấp, giúp việc tiến hành hòa giải, đối thoại được thuận lợi hơn.

2.3. Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc điểm của mỗi vụ việc: Phương thức hòa giải, đối thoại linh hoạt là một đặc điểm nổi bật của cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, việc tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án không bị gò bó theo trình tự, thủ tục chặt chẽ như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính mà người thẩm phán phải tuân theo khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong tố tụng. Trong quá trình hòa giải, Hòa giải viên được điều chỉnh các phương pháp, thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải phù hợp với điều kiện của các bên, nhằm đạt được kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

3. Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 5, Điều 6, Điều 9)

Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án; khuyến khích những người đủ điều kiện theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án làm hòa giải viên; tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Để khuyến khích hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Nhà nước bảo đảm kinh phí hòa giải, đối thoại từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây thì chi phí hòa giải, đối thoại do các bên tham gia hòa giải, đối thoại chịu:

+ Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;

+ Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;

+ Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

4. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 7)

Hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động gắn với Tòa án, do Tòa án nhân dân tổ chức thực hiện. Do vậy, Luật này quy định trách nhiệm của Tòa án, gồm:

+ Tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật, gồm: Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên; bố trị địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đề xuất, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của pháp luật…;

+ Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, xóa tên Hòa giải viên; cấp, thu hồi Hòa giải viên; khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại;

+ Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn,nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên;

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

5. Điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên (Điều 10)

Một trong những chính sách được thể chế tại Luạt Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội cùng tham gia phối hợp cùng Tòa án để tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Do vậy, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã quy định điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên như sau:

5.1.Điều kiện cần: Người muốn được bổ nhiệm Hòa giải viên phải là: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Công, hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật.

5.2. Điều kiện đủ: Ngoài những điều kiện cần nói trên, Người muốn được bổ nhiệm Hòa giải viên phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;

b) Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;

c) Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên.

 Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:

a) Không đáp ứng điều kiện cần và đủ nêu trên;

b) Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an.

6. Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án (chương III từ Điều 16 đến Điều 41)

Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả đối thoại, hòa giải tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Luật này. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Quyết định này có thể được xem xét lại theo ý kiến của các bên, người đại diện hoặc người có quyền, lợi nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.

Rubi 

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *