Một số tình huống tuyên truyền pháp luật cho trẻ em

Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn đọc một số tình huống sử dụng để tuyên truyền pháp luật cho trẻ em, phù hợp cho việc tuyên truyền học sinh tiểu học, trung học cơ sở.

Câu 1. Em A (9 tuổi) được cô giáo và các bạn đưa vào bệnh viện cấp cứu vì có biểu hiện đau bụng dữ dội. Nhưng bác sĩ nói rằng, không thể khám và cấp cứu cho em A ngay được vì còn rất nhiều bệnh nhân đến trước, đang xếp hàng chờ khám và không có ưu tiên. Hành vi của bác sĩ có vi phạm quy định của Luật trẻ em không?

Trả lời:

Theo Điều 14 Luật trẻ em, trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.

Xử lý hành vi Xâm hại tình dục trẻ em
Tình huống tuyên truyền pháp luật cho trẻ em

Vì vậy, hành vi từ chối khám cấp cứu và không ưu tiên cho trẻ em trong trường hợp này của bác sĩ là vi phạm quy định trên trong Luật trẻ em.

Câu 2. Bố mẹ M thường xuyên tranh luận về việc học tập của M dù em luôn đứng trong nhóm học giỏi nhất lớp. Nguyên nhân là do bố M muốn em tham gia học thêm đủ các ngày trong tuần để thi vào trường chuyên cấp 2 của tỉnh. Song mẹ M lại muốn dành thời gian để M tham gia các hoạt vui chơi, giải trí . Vậy theo các bạn, trẻ em có quyền vui chơi, giải trí hay không? Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ trong trường hợp này là gì?

Trả lời:

Điều 17 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.

Đồng thời, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định tại Điều Điều 69 về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ là thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

Do vậy, việc học thêm của M cần được bố trí hợp lý; bởi việc bắt buộc học thêm gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học và không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý là vi phạm các nguyên tắc dạy thêm, học thêm.

Câu 3. Hòa là cô bé lớp 5 dễ thương, xinh xắn nên được nhiều bạn nam viết thư làm quen, Nhân lúc Hòa không để ý, các bạn nam trong lớp liền giật thư và đọc to cho cả lớp nge, mặc dù bị Hòa phản đối, không đồng ý những các bạn nam không trả lại. Ngày hôm sau, vì không chịu được sự chế nhạo của bạn bè, Hòa đã bỏ học. Theo các em hành vi của các bạn nam có chấp nhận được không?

Trả lời: Hành vi các bạn nam giật thư và đọc thư của bạn Hòa là sai. Bởi vì

          Theo Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016 thì Quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em được quy định như sau:

  1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
  2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Theo Điều 38 BLDS 2015 quy định Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân

  1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
  2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
  3. Thư từ, điện thoại và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Tìm hiểu Luật An ninh mạng 2018
Trẻ em có quyền bí mật đời sống riêng tư

Các bạn nam này nếu đưa ra pháp luật thì nhẹ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác với mức phạt từ 100.000đ đến 300.000 đồng, nặng sẽ bị xử lý tội xâm phạm bí mật thư tín của người khác.

Câu 4.Hái xoài trộm làm vỡ kính: A, B và C là học sinh lớp 8/C của Trường THCS X. Một hôm, trong giờ học, A rủ rê B và C: “Mình ra ngoài hái xoài trộm đi”. Vốn là đại diện của lực lượng siêu quậy chỉ sau “nhất quỷ, nhì ma, …”, B và C liền hưởng ứng: “Ý kiến hay đó, mình đi đi”.

Thế là cả ba kéo nhau leo rào qua nhà người dân cạnh trường, nơi có cây xoài với những quả chín đung đưa.

A liền trổ tài thiện xạ để hạ rơi mấy trái xoài trong sự cổ vũ của B và C. Chẳng may, tài thiện xạ của A đã phát huy không đúng mục đích. Hòn đá bay trúng cánh cửa kính của ngôi nhà đối diện. Kính vỡ, cả nhóm tái xanh mặt mày. Chủ nhà ra bắt đền. Vậy trường hợp này ai đền?

Các em vì ném xoài đã làm vỡ kính nhà bên cạnh nên chắc chắn phải phát sinh trách nhiệm bồi thường cho chủ nhà.

Điều 599 BLHS quy định. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý

  1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
  2. Trường học không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi phải bồi thường.

Như vậy, mặc dù các em HS là người trực tiếp gây thiệt hại nhưng pháp luật dân sự đã quy định trách nhiệm bồi thường thuộc về những người có trách nhiệm quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục các em bởi các em được xác định là người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ. Các em trong tình huống này gây thiệt hại trong thời gian học ở trường. Đây là khoảng thời gian nhà trường có trách nhiệm quản lý, giám sát các em nhưng đã không làm tốt trách nhiệm của mình để các em leo rào ra ngoài gây thiệt hại nên nhà trường phải có nghĩa vụ bồi thường. Nhà trường chỉ không có lỗi nếu các em tự ý nghỉ học, không vào trường, vào lớp. Còn nếu như các em đã đến trường, vào học thì nhà trường phát sinh trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục HS của mình. Nếu trong quá trình đang học mà nhà trường để HS trốn học ra bên ngoài gây thiệt hại thì nhà trường phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Câu 5. T học sinh lớp 4, sinh ra trong một gia đình nghèo. Bố mẹ T phải chắt chiu từng đồng cho T đi học. Do ham chơi, T đã nhiều lần bỏ học dẫn đến kết quả học tập ngày càng kém. Có lần bị bố mắng, T giận dỗi mắng trả rồi vùng vằng bỏ đi cả đêm không về nhà. T đã vi phạm những bổn phận gì của trẻ em đối với cha mẹ và gia đình?

Trả lời:

Theo Điều 37, Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em có bổn phận Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình, dòng họ; Học tập, rèn luyện, giữ gìn nề nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em.
Đồng thời theo Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định các quyền và nghĩa vụ của con như sau: Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức; Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình; Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc; Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình; Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình

Như vậy, hành vi của T đã vi phạm bổn phậm của trẻ em, vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. T cần phải chú ý lắng nghe lời khuyên bảo chân thành của cha mẹ; chịu khó học tập và rèn luyện để trở thành người công dân tốt có trách nhiệm với gia đình và xã hội… Bố mẹ T cũng cần rút kinh nghiệm; phải liệu lời khuyên bảo cận thận để tiếp thu, dần dần điều chỉnh, không nên vì bực tức mà đánh mắng T.

Câu 6. Một lần trên đường về nhà, tình cờ A (đang học lớp 5) thấy 2 bạn cùng lớp có hành vi gây sự và đánh nhau với 1 bạn ở lớp khác. A nghĩ việc đó không liên quan gì đến mình nên không báo với thầy cô giáo. Hành xử của A đã làm tròn bổn phận của trẻ em chưa ? Bổn phận của trẻ em trong trường hợp này?

Trả lời:

Theo Điều 39, Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em có bổn phận Tôn trọng, lễ phép với người lớn tuổi; quan tâm, giúp đỡ người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người gặp hoàn cảnh khó khăn phù hợp với khả năng, sức khỏe, độ tuổi của mình; Tôn trọng quyền, danh dự, nhân phẩm của người khác; chấp hành quy định về an toàn giao thông và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ, giữ gìn, sử dụng tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường phù hợp với khả năng và độ tuổi của trẻ em; Phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy, A phải có bổn phận thông báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật. Việc A không thông báo cho thầy cô giáo biết hành vi của 2 bạn cùng lớp là không thực hiện đúng bổn phận của mình đối với cộng đồng, xã hội.

Câu 7. Vì bố mẹ đi làm về muộn nên H (8 tuổi) thường hay sang nhà bạn M chơi. Một lần như thế, H bị bố bạn M sờ soạng khắp cơ thể khiến H vô cùng sợ hãi. H đã kể chuyện này với bố mẹ. Hỏi trong trường hợp này, gia đình cháu H cần làm ngay việc gì?

Trả lời:

Theo Điều 51 Luật Trẻ em, Điều 25 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em như sau:

– Gia đình cháu H có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp em H bị xâm hại đến Tổng đài điện thoại quốc gia (111) bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan có thẩm quyền là cơ quan lao động – thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Cơ quan lao động – thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.

– Gia đình cháu H có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan lao động – thương binh và xã hội các cấp, cơ quan công an các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi cháu H cư trú để thực hiện việc kiểm tra tính xác thực về hành vi xâm hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em khi được yêu cầu.

– Trường hợp tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *