Những hạn chế trong chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Decuongtuyentruyen.com giới thiệu tới bạn độc những hạn chế, bất cập  và nguyên nhân trong việc việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua.

I. Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

1. Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật khác có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Chế tài quy định trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe; việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa được pháp luật quy định đầy đủ.

2. Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chậm đổi mới, chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng, đặc điểm địa bàn dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Tài liệu tuyên truyền pháp luật cho trẻ em
Những hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

3. Tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em ở mức nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn diễn ra và có xu hướng gia tăng; kết quả giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em trong các năm đầu của Chương trình không được giữ vững; bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình, trường học chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

 + Từ 1/2011-  12/2019 có 16.637 trẻ em bị xâm hại được phát hiện đến mức người có hành vi vi phạm phải xử lý hình sự, hành chính (trung bình một ngày có 05 em bị xâm hại), trong đó bị xâm hại tình dục là 12.782 em chiếm tỷ lệ 76,82%, trẻ em bị bao lực là 3.855 em chiếm tỷ lệ 23,17%. Trong số trẻ em bị xâm hại tình dục có 319 vụ đối tượng sử dụng mạng xã hội  để dụ dỗ, hãm hại các em.

Mặc dù vậy, số lượng các vụ xâm hại được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế (mảng nổi của tảng băng chìm). Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, hành vi xâm hại được tái diễn nhiều lần, với nhiều nạn nhân, nhưng phải rất lâu sau đó mới bị phát hiện… Ngoài ra, còn rất nhiều hành vi xâm hại trẻ em nhưng chưa bị phát hiện, xử lý.

+ Kết quả phân tích MICS5 (2014) tiếp tục khẳng định sự phổ biến của hiện tượng xử phạt trẻ em hiện nay trong môi trường gia đình. Tính trung bình, cứ 3 trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 tuổi sẽ có 2 trẻ em (tương ứng 66,6%) từng chịu một trong các hình thức trừng phạt bằng bạo lực hoặc tinh thần trong gia đình trong vòng 12 tháng trước khi điều tra. Đáng lưu ý là tỷ lệ trẻ từng bị trừng phạt thể chất còn chiếm tỷ lệ khá cao: 42,7% trẻ từng bị xử phạt bằng bất kỳ hình thức bạo lực thân thể.

+ Bạo lực/bắt nạt, xâm hại tình dục học sinh, trẻ em trong môi trường giáo dục vẫn xảy ra, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng từ 19% – 21% học sinh từng bị bạo lực, bắt nạt trong vòng 12 tháng trước khi điều tra; trẻ em lứa tuổi mầm non, mẫu giáo cũng bị các bảo mẫu bạo lực, thầy giáo xâm hại tình dục học sinh.

+ Điều tra quốc gia về phòng, chống bạo lực phụ nữ năm 2019 cho biết khoảng 4,4% phụ nữ từng bị xâm hại tình dục trước khi 15 tuổi, cao hơn mức 2,8% điều tra năm 2010. Con số này cao hơn rất nhiều số liệu từ các báo cáo chính thức về xâm hại tình dục trẻ em được điều tra, xử lý.[2]

+ Một thực trạng rất đáng lưu ý là số trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc với số lượng rất lớn khoảng 157.000 em. Tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật vẫn ở mức cao, riêng trong hai năm 2018-2019 có 12.827 em vi phạm pháp luật. Vẫn còn một bộ phận trẻ em phải lao động kiếm sống (5,36% trẻ em từ 5-17 tuổi) và lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chiếm 2,67% (tập trung chủ yếu trong khu vực kinh tế không chính thức)[3]. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra ở trẻ em dân tộc thiểu số ít người; 9.111 trẻ em chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhưng đã bỏ học đi kiếm sống. Số lượng trẻ em có cha mẹ ly hôn là rất lớn và đều đang có chiều hướng gia tăng, trung bình mỗi năm có khoảng 70.000 trẻ em có cha mẹ ly hôn[4]. Bên cạnh đó sức ép về học hành, thi cử, nghiện mạng, nghiện game và điện thoại thông minh khiến trẻ em rơi vào tình trạng sang chấn tâm lý, thậm chí khủng hoảng tâm lý và bị xâm hại trên môi trường mạng.

+ Số lượng, tỷ lệ trẻ em có HCĐB, trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm hại vẫn ở mức khá cao so với tổng dân số trẻ em, tỷ lệ tương ứng là 7,16% – 4,97% – 4,09%.

II. Nguyên nhân hhững tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

1. Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có mặt còn chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm được giao. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và gia đình về phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa thực chất và chưa hiệu quả.

 2. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ba cấp độ chưa phát triển toàn diện, đặc biệt là tại cộng đồng; tuy có nhiều hoạt động trợ giúp nhưng chủ yếu tập trung vào thăm hỏi, động viên, tặng quà, thiếu các dịch vụ chuyên sâu như tham vấn, trị liệu hỗ trợ tâm lý, quản lý trường hợp… khiến cho nhiều trẻ em không nhận được sự hỗ trợ cần thiết khi bị xâm hại.

3. Do tác động mặt trái của kinh tế thị trường dẫn đến ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm; hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có lúc, có nơi bị bỏ lọt, bỏ qua, chậm bị xử lý.

 4.  Nhân lực làm công tác trẻ em, bảo vệ trẻ em ở các cấp thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực: cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã còn kiêm nhiệm quá nhiều việc, chỉ dành một phần thời gian làm việc cho công tác trẻ em và thường xuyên có sự thay đổi nên việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thiếu sự liên tục và toàn diện.

5. Phần lớn các địa phương bố trí ngân sách mức rất thấp cho công tác bảo vệ trẻ em, thậm chí có địa phương cắt giảm hoặc không bố trí ngân sách khi có ngân sách trung ương hỗ trợ.

Rubi

Tổng hợp từ dự thảo văn kiện chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2025

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

Giới thiệu Đề cương Tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền pháp luật (trang web thành viên của https://trangtinphapluat.com): Nơi cung cấp các đề cương tuyên truyền, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *